Hệ thống pháp luật

Chương 7 Nghị định 86/2013/NĐ-CP kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài

Chương 7.

XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 35. Quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Các hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng chưa cấu thành tội phạm và theo quy định tại Chương này thì bị xử phạt vi phạm hành chính.

3. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng có các hành vi vi phạm hành chính trong những lĩnh vực khác theo quy định tại các văn bản pháp luật khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 36. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền: Mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Trục xuất.

2. Hình thức xử phạt quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính. Hình thức xử phạt quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản 1 Điều này được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt bổ sung.

3. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại Điểm c, d và đ Khoản 1 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

4. Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

b) Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy máy, thiết bị trò chơi điện tử có thưởng, đồng tiền quy ước;

c) Buộc cải chính thông tin, số liệu đã báo cáo sai sự thật, không đầy đủ hoặc gây nhầm lẫn;

d) Buộc nộp lại số tiền vi phạm hành chính hoặc phải thu hồi các khoản tiền đã chi, đã thu trái quy định của pháp luật;

đ) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác theo quy định cụ thể từ Điều 37 đến Điều 48 của Nghị định này.

Điều 37. Hành vi vi phạm quy định về hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi tự ý sửa chữa, tẩy xóa các tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Mức phạt gấp hai (02) lần được áp dụng đối với tổ chức, đơn vị vi phạm các hành vi quy định tại khoản này.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi gian lận hoặc giả mạo các tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Mức phạt gấp hai (02) lần được áp dụng đối với tổ chức, đơn vị vi phạm các hành vi quy định tại khoản này.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tài liệu đã bị sửa chữa, tẩy xóa, gian dối hoặc giả mạo trong trường hợp hành vi vi phạm bị phát hiện trong quá trình xem xét hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc bổ sung tài liệu trong hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật trong trường hợp hành vi vi phạm bị phát hiện trong quá trình xem xét hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Điều 38. Hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh

1. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi tẩy xóa, sửa chữa Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

2. Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

3. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Mức phạt gấp hai (02) lần được áp dụng đối với tổ chức, đơn vị vi phạm hành vi quy định tại khoản này.

4. Hình thức phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ ba (03) tháng đến sáu (06) tháng đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hai mươi bốn (24) tháng đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2 Điều này.

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại toàn bộ khoản thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Điều 39. Hành vi vi phạm quy định về Điểm kinh doanh, khu vực bố trí Điểm kinh doanh trong cơ sở lưu trú du lịch

1. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi bố trí Điểm kinh doanh không đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng không đúng địa điểm được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

3. Hình thức phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ một (01) tháng đến hai (02) tháng đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ ba (03) tháng đến sáu (06) tháng đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2 Điều này.

4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục việc bố trí Điểm kinh doanh đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và đúng địa điểm được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Điều 40. Hành vi vi phạm quy định về số lượng, chủng loại và loại hình trò chơi điện tử có thưởng

1. Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi tổ chức kinh doanh không đúng chủng loại máy, loại hình trò chơi điện tử có thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi tổ chức kinh doanh vượt số lượng máy trò chơi điện tử có thưởng theo quy định.

3. Hình thức phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ ba (03) tháng đến sáu (06) tháng đối với hành vi vi phạm lần đầu;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hai mươi bốn (24) tháng đối với hành vi tái phạm.

4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải tiêu hủy hoặc tái xuất các máy trò chơi điện tử có thưởng vượt quá số lượng, không đúng chủng loại máy, loại hình trò chơi điện tử có thưởng theo quy định của pháp luật;

b) Buộc nộp lại toàn bộ các khoản thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Điều 41. Hành vi vi phạm quy định về xây dựng, gửi và công bố Thể lệ trò chơi

1. Áp dụng hình thức phạt cảnh cáo đối với hành vi không công bố Thể lệ trò chơi.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi không thực hiện việc gửi Thể lệ trò chơi cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Nghị định này.

3. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi không xây dựng Thể lệ trò chơi.

4. Hình thức phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ một (01) tháng đến hai (02) tháng đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này.

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải thực hiện việc xây dựng, gửi và công bố Thể lệ trò chơi theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 42. Hành vi vi phạm quy định về theo dõi, quản lý đối tượng được phép chơi và ra, vào Điểm kinh doanh

1. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi không mở sổ theo dõi hoặc cấp thẻ để kiểm soát các đối tượng ra, vào Điểm kinh doanh.

2. Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng với doanh nghiệp có hành vi cho phép đối tượng ra, vào Điểm kinh doanh không đúng quy định của pháp luật.

3. Hình thức phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ một (01) tháng đến hai (02) tháng đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Tước quyền, sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ sáu (06) tháng đến mười hai (12) tháng đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2 Điều này nếu vi phạm lần đầu;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hai mươi bốn (24) tháng nếu tái phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.

4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về việc theo dõi, quản lý đối tượng được phép chơi và ra, vào Điểm kinh doanh.

Điều 43. Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của người chơi

1. Phạt cảnh cáo đối với cá nhân có hành vi không tuân thủ đầy đủ Thể lệ trò chơi, nội quy của Điểm kinh doanh do doanh nghiệp đã công bố.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại Điểm kinh doanh.

3. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi gian lận trong quá trình tham gia các trò chơi điện tử có thưởng tại Điểm kinh doanh. Mức phạt gấp hai (02) lần được áp dụng đối với tổ chức, đơn vị vi phạm các hành vi quy định tại Khoản này.

4. Hình thức phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ba (03) tháng đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về nghĩa vụ của người chơi.

Điều 44. Hành vi vi phạm quy định về quản lý đồng tiền quy ước

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi sử dụng đồng tiền quy ước không đáp ứng đầy đủ các điều kiện kỹ thuật.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi không đăng ký đồng tiền quy ước với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

3. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi sử dụng đồng tiền quy ước của doanh nghiệp khác hoặc không đúng với đồng tiền quy ước đã đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước.

4. Hình thức phạt bổ sung:

a) Tịch thu toàn bộ các đồng tiền quy ước đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ một (01) tháng đến hai (02) tháng đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2 Điều này.

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về việc quản lý đồng tiền quy ước.

Điều 45. Hành vi vi phạm quy định về quản lý máy, thiết bị trò chơi điện tử có thưởng

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi không mở sổ quản lý máy trò chơi điện tử có thưởng.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi mua thiết bị dự phòng, quản lý thiết bị dự phòng không đúng quy định pháp luật.

3. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi mua máy trò chơi điện tử có thưởng không đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật theo quy định của pháp luật, từ các nhà sản xuất, cung cấp máy trò chơi điện tử có thưởng không nằm trong danh sách do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công bố.

4. Hình thức phạt bổ sung:

a) Tịch thu toàn bộ máy, thiết bị trò chơi điện tử có thưởng vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ một (01) tháng đến hai (02) tháng đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ ba (03) tháng đến sáu (06) tháng đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 3 Điều này.

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về việc mã số quản lý đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 46. Hành vi vi phạm quy định về kiểm soát nội bộ, người quản lý, điều hành

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi không xây dựng và ban hành Quy chế quản lý nội bộ trong Điểm kinh doanh.

2. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi không thành lập Bộ phận kiểm soát nội bộ theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi bố trí người quản lý, điều hành không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật.

4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về kiểm soát nội bộ, người quản lý, điều hành.

Điều 47. Hành vi vi phạm quy định về trả thưởng và xác nhận tiền trúng thưởng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi cố tình kéo dài thời gian trả thưởng cho người chơi mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi xác nhận tiền trúng thưởng không đúng đối tượng trúng thưởng hoặc không đúng với giá trị trúng thưởng thực tế.

3. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện việc trả thưởng cho người chơi theo đúng yêu cầu của người chơi và quy định của Thể lệ trò chơi;

b) Buộc thu hồi giấy xác nhận tiền trúng thưởng sai quy định.

Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về giảm giá, khuyến mại và chế độ quản lý tài chính

1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm về chế độ quản lý tài chính do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm các quy định về giảm giá, khuyến mại tại Nghị định này.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ một (01) tháng đến hai (02) tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.

4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi toàn bộ các khoản chi khuyến mại không đúng quy định của pháp luật;

b) Buộc thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính.

Điều 49. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Thanh tra viên Tài chính các cấp đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 4 Điều 36 của Nghị định này.

2. Chánh Thanh tra Sở Tài chính và các chức danh tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b Khoản này;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 4 Điều 36 của Nghị định này.

3. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tài chính có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 140.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b Khoản này;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 4 Điều 36 của Nghị định này.

4. Chánh Thanh tra Bộ Tài chính có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có thời hạn theo quy định tại Nghị định này;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 4 Điều 36 của Nghị định này.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng theo quy định tại Nghị định này.

6. Ngoài những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao mà phát hiện các hành vi vi phạm hành chính quy định trong Nghị định này thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn quản lý của mình thì có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 50. Thủ tục xử phạt và các vấn đề khác

1. Nguyên tắc xử phạt, thời hiệu xử phạt, thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn.

2. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Nghị định 86/2013/NĐ-CP kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài

  • Số hiệu: 86/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 29/07/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 471 đến số 472
  • Ngày hiệu lực: 01/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH