Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

Chương 3.

QUẢN LÝ KINH DOANH XĂNG DẦU

Điều 23. Nhập khẩu xăng dầu

1. Hàng năm, căn cứ nhu cầu xăng dầu của nền kinh tế quốc dân và nguồn xăng dầu sản xuất trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xác định nhu cầu định hướng về xăng dầu nhập khẩu của năm tiếp theo. Nhu cầu xăng dầu phục vụ cho quốc phòng được xác định riêng.

2. Trên cơ sở nhu cầu định hướng về xăng dầu nhập khẩu, Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu cả năm theo cơ cấu chủng loại cho từng thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để làm thủ tục nhập khẩu với cơ quan hải quan.

3. Căn cứ nhu cầu thị trường, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu quyết định khối lượng xăng dầu nhập khẩu các loại để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhưng không thấp hơn mức tối thiểu được giao.

4. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu xăng dầu của các thương nhân, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương điều chỉnh mức nhập khẩu tối thiểu đã giao cho các thương nhân.

Điều 24. Xuất khẩu, tạm nhập tái xuát, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu

1. Chỉ thương nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu được xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu), tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu. Chỉ có thương nhân sản xuất xăng dầu được xuất khẩu và gia công xuất khẩu xăng dầu.

2. Tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu.

Điều 25. Thuế nhập khẩu xăng dầu

Căn cứ khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các chỉ tiêu cân đối vĩ mô và dự báo giá xăng dầu thế giới, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định đối với chủng loại xăng dầu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và các cam kết quốc tế.

Điều 26. Quỹ Bình ổn giá

1. Thương nhân đầu mối có nghĩa vụ trích lập Quỹ Bình ổn giá để tham gia bình ổn giá theo quy định tại Điều 27 Nghị định này.

2. Quỹ Bình ổn giá được lập để tại doanh nghiệp, được hạch toán riêng và chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá.

Điều 27. Giá bán xăng dầu

1. Nguyên tắc quản lý giá bán xăng dầu

a) Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước;

b) Thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn; việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện theo nguyên tắc, trình tự quy định tại Điều này; có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá.

c) Thời gian giữa hai (02) lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là mười (10) ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá, tối đa là mười (10) ngày dương lịch đối với trường hợp giảm giá; khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, thương nhân đầu mối đồng thời phải gửi quyết định giá và phương án giá của mình đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi nhận được quyết định giá và phương án giá của thương nhân đầu mối, có trách nhiệm giám sát để bảo đảm việc điều chỉnh giá của thương nhân đầu mối thực hiện đúng quy định của pháp luật;

đ) Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, giá xăng dầu thế giới trong từng thời kỳ; Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh các quy định nêu tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

2. Điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu

a) Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi mười hai phần trăm (≤ 12%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng;

b) Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trên mười hai phần trăm (>12%) so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính theo quy định của pháp luật (Thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn giá …), thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình; không hạn chế khoảng thời gian giữa hai (02) lần giảm và số lần giảm giá.

3. Điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu

a) Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi bảy phần trăm (≤ 07%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng;

b) Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt bảy phần trăm (> 07%) đến mười hai phần trăm (≤ 12%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá theo điểm a khoản này cộng ( ) thêm sáu mươi phần trăm (60%) của mức giá cơ sở tăng trên bảy phần trăm (> 07%) đến mười hai phần trăm (≤ 12%); bốn mươi phần trăm (40%) còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

c) Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười hai phần trăm (>12%) so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành thuế, quỹ Bình ổn giá và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 28. Quản lý số lượng và chất lượng xăng dầu

1. Chỉ được phép lưu thông xăng dầu trên thị trường Việt Nam có chất lượng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và Tiêu chuẩn công bố áp dụng.

2. Thương nhân kinh doanh xăng dầu phải thực hiện các quy định hiện hành về quản lý chất lượng xăng dầu trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, pha chế, tồn trữ, vận chuyển và bán cho người tiêu dùng; chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối thuộc mình quản lý. Phải bảo đảm độ chính xác của dụng cụ đo lường xăng dầu bán cho các đối tượng sử dụng; bán đủ số lượng, đúng chất lượng.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chỉ đạo việc kiểm định các thiết bị đo lường theo quy định hiện hành của pháp luật về đo lường và việc bảo đảm chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và Tiêu chuẩn công bố áp dụng; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu để điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu chất lượng, phương pháp thử phù hợp với tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và quốc tế; chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước; tiến hành thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài để bảo đảm đáp ứng yêu cầu kịp thời, nhanh chóng, chính xác và thuận lợi cho công tác kiểm tra.

Điều 29. Trách nhiệm của các Bộ

Ngoài trách nhiệm cụ thể được quy định tại các điều khoản nêu tại Nghị định này, các Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Bộ Công Thương

a) Kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối tuân thủ các điều kiện và quy định tại các Điều 7, 9, 10, 11 và 22 Nghị định này;

b) Ban hành Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu; kiểm tra, giám sát thương nhân tuân thủ các điều kiện và các quy định tại các Điều 13, 14, 15, 16 và 17 Nghị định này;

c) Kiểm tra, giám sát thương nhân tuân thủ các điều kiện và quy định tại các Điều 18, 19 và 20 Nghị định này.

2. Bộ Tài chính

Kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối thực hiện các quy định tại Điều 26 và Điều 27 Nghị định này.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ

a) Kiểm tra, giám sát thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định có liên quan tại các Điều 9, 10, 11, 15, 17 và 28 Nghị định này.

b) Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện tiêu chuẩn về cửa hàng bán lẻ xăng dầu và quy định thực hiện thống nhất trong cả nước.

4. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan quy định tiêu chuẩn, điều kiện điểm đấu nối của hệ thống giao thông với hệ thống cơ sở kinh doanh xăng dầu.

5. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền đối với các quy định có liên quan tại Nghị định này.

Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

  • Số hiệu: 84/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/10/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 26/10/2009
  • Số công báo: Từ số 487 đến số 488
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH