Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 2 Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

MỤC 3. KINH DOANH PHÂN PHỐI XĂNG DẦU

Điều 12. Quyền phân phối xăng dầu

Thương nhân đầu mối được thực hiện phân phối xăng dầu thông qua các đơn vị trực thuộc, bao gồm các doanh nghiệp thành viên, chi nhánh, kho, cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp hoặc thông qua hệ thống tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu theo các quy định tại Mục này.

Điều 13. Điều kiện đối với tổng đại lý kinh doanh xăng dầu

Thương nhân có đủ các điều kiện dưới đây được làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu (sau đây gọi tắt là tổng đại lý):

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký kinh doanh xăng dầu;

2. Có kho, bể dung tích tối thiểu năm ngàn mét khối (5.000m3), thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng dài hạn từ năm (05) năm trở lên để bảo đảm cung ứng ổn định cho hệ thống phân phối xăng dầu của mình;

3. Có hệ thống phân phối xăng dầu, bao gồm tối thiểu năm (05) cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu và tối thiểu hai mươi (20) đại lý bán lẻ xăng dầu. Hệ thống phân phối này phải nằm trong hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đó;

4. Có phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng dài hạn từ năm (05) năm trở lên;

5. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

Điều 14. Điều kiện đối với đại lý bán lẻ xăng dầu

Thương nhân có đủ các điều kiện dưới đây được làm đại lý bán lẻ xăng dầu (sau đây gọi tắt là đại lý):

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký kinh doanh xăng dầu;

2. Có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu.

3. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

Điều 15. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Cửa hàng bán lẻ xăng dầu có đủ các điều kiện dưới đây được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu

1. Địa điểm của cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

2. Được xây dựng và có trang thiết bị theo đúng các quy định hiện hành về tiêu chuẩn cửa hàng kinh doanh xăng dầu do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành;

3. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

Điều 16. Thẩm quyền, hồ sơ, trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu

1. Sở Công thương có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu có đủ các điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu

a) Đối với trường hợp cấp mới, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, theo Mẫu số 3 kèm theo Nghị định này;

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân chủ sở hữu cửa hàng bán lẻ xăng dầu;

- Bản kê trang thiết bị của cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định nàytài liệu chứng minh tính hợp pháp về xây dựng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu;

- Bản sao hợp lệ chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ của cán bộ quản lý và nhân viên cửa hàng theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này.

b) Đối với trường hợp cấp bổ sung, sửa đổi:

Trường hợp có thay đổi các nội dung của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về Sở Công Thương đề nghị bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận. hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị bổ sung, sửa đổi;

- Bản gốc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đã được cấp;

- Các tài liệu chứng minh yêu cầu bổ sung, sửa đổi.

c) Đối với trường hợp cấp lại:

Trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu bị mất, bị cháy, bị tiêu hủy dưới hình thức khác, thương nhân phải lập hồ sơ gửi về Sở Công Thương đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị cấp lại;

- Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu (nếu có).

Trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hết hiệu lực thi hành, thương nhân phải lập hồ sơ như đối với trường hợp cấp mới quy định tại điểm a khoản này và gửi về Sở Công Thương trước ba mươi (30) ngày, trước khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực.

3. Trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu

a) Thương nhân gửi hồ sơ về Sở Công Thương;

b) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Mẫu số 4 kèm theo Nghị định này cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận, Sở Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng bảy (07) ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, Sở Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung;

4. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu có thời hạn hiệu lực là năm (05) năm kể từ ngày cấp.

5. Thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu phải nộp phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

6. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp: hết thời hạn hiệu lực thi hành; thương nhân không tiếp tục hoạt động kinh doanh xăng dầu; thương nhân bị phá sản theo luật định và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu

1. Tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một (01) thương nhân đầu mối.

2. Đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một (01) tổng đại lý hoặc một (01) thương nhân đầu mối.

3. Cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối phải chịu sự kiểm soát của thương nhân đó; phải niêm yết giá bán các loại xăng dầu theo hợp đồng đại lý và bán đúng giá niêm yết; biển hiệu phải ghi đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật.

4. Chỉ được mua bán xăng dầu với các thương nhân trong hệ thống phân phối của mình theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, để bán cho người tiêu dùng và chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, giá xăng dầu bán ra theo quy định.

5. Nghiêm cấm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi gian dối khác.

6. Thực hiện chế độ ghi chép chứng từ trong các khâu kinh doanh xăng dầu theo quy định của Bộ Tài chính.

7. Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.

8. Các doanh nghiệp thành viên, chi nhánh, kho, cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc thương nhân đầu mối phải chấp hành các quy định tại Điều 15, Điều 16 và các quy định tại Điều này.

9. Ngoài việc treo biển hiệu của thương nhân theo quy định hiện hành, nếu sử dụng tên thương mại, biểu tượng (lô gô), nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại của thương nhân đầu mối, phải thực hiện bằng hợp đồng phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ.

10. Tổng đại lý có nghĩa vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của đại lý trong hệ thống phân phối của mình; liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của đại lý trong hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật.

Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

  • Số hiệu: 84/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/10/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 26/10/2009
  • Số công báo: Từ số 487 đến số 488
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH