Hệ thống pháp luật

Điều 8 Nghị định 79/2010/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công

Điều 8. Tổ chức giám sát về nợ công

1. Nội dung công tác giám sát thường xuyên tình trạng nợ công:

a) Theo dõi và tính toán các chỉ tiêu nợ hiện tại và tương lai theo diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước nhằm nhận diện mức độ rủi ro về nợ để có biện pháp xử lý phù hợp;

b) Thực hiện giám sát các chỉ tiêu về nợ công trong mối tương quan với các chỉ số kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo các ngưỡng an toàn về nợ;

c) Dự báo, cảnh báo mức độ rủi ro đối với danh Mục nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia và đề xuất giải pháp xử lý kịp thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ hoặc đột xuất;

d) Giám sát việc thực hiện hạn mức vay thương mại nước ngoài và bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ.

2. Nội dung phân tích, đánh giá nợ bền vững bao gồm:

a) Phân tích, đánh giá định lượng: phân tích, đánh giá định lượng nhằm tính toán các chỉ tiêu về nợ công quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Nghị định này;

b) Phân tích, đánh giá định tính:

- Phân tích, đánh giá về môi trường trong nước và quốc tế liên quan đến diễn biến tình hình nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia;

- Phân tích, đánh giá định tính về chính sách liên quan đến việc quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ, bao gồm: chính sách ngân sách, phân tích thị trường, chính sách tỷ giá, chính sách thương mại và chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia;

- Các vấn đề về khuôn khổ thể chế và pháp lý.

3. Phương pháp giám sát thường xuyên tình trạng nợ công và phân tích, đánh giá nợ bền vững định kỳ

a) Việc giám sát thường xuyên tình trạng nợ công được thực hiện gắn với quá trình huy động, sử dụng và trả nợ làm căn cứ cho việc đánh giá, cảnh báo về tình trạng nợ.

b) Việc phân tích, đánh giá nợ bền vững được thực hiện định kỳ hàng năm gắn với chương trình quản lý nợ trung hạn nhằm xem xét toàn diện, có hệ thống và khách quan về sự phù hợp, chi phí vay, hiệu quả sử dụng vốn, khả năng trả nợ, các loại rủi ro, mức độ rủi ro, các tác động và tính bền vững của danh Mục nợ trong hiện tại và tương lai.

4. Trách nhiệm của các cơ quan trong việc giám sát tình trạng nợ công

a) Bộ Tài chính: là cơ quan chủ trì thực hiện việc giám sát tình trạng nợ công, chịu trách nhiệm hướng dẫn phương pháp tính toán hệ thống các chỉ tiêu giám sát nợ; chủ trì tiến hành phân tích đánh giá bền vững nợ; Điều hành hạn mức nợ công, hạn mức vay thương mại nước ngoài và bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ; phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành, kiểm tra và giám sát tình hình vay và trả nợ công.

b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng hệ thống các chỉ tiêu giám sát nợ và Điều hành hạn mức vay thương mại nước ngoài và bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ; hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin để thực hiện việc đánh giá, giám sát nợ theo quy định tại Nghị định này.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng hệ thống các chỉ tiêu giám sát nợ; chủ trì đánh giá thực trạng và hiệu quả vay ODA theo quy định của Chính phủ.

Nghị định 79/2010/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công

  • Số hiệu: 79/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 14/07/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 29/07/2010
  • Số công báo: Từ số 434 đến số 435
  • Ngày hiệu lực: 30/08/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH