Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 71/2006/NĐ-CP về quản lý cảng biển và luồng hàng hải

Chương IV

PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CHUYÊN NGÀNH TẠI CẢNG BIỂN

Điều 58. Nguyên tắc phối hợp hoạt động quản lý

1. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển thực hiện nhiệm vụ phải tuân theo quy định của pháp luật, không gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cảng, chủ tàu, chủ hàng, tàu thuyền và các tổ chức, cá nhân khác ở trong cảng. Cảng vụ hàng hải là cơ quan chủ trì, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ khi tiến hành nhiệm vụ nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cảng, chủ tàu, chủ hàng, tàu thuyền và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan hoạt động an toàn, hiệu quả.

3. Trường hợp có vướng mắc phát sinh liên quan đến chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác đều phải được trao đổi thống nhất để giải quyết kịp thời; nếu cơ quan nào không thống nhất, thì phải kịp thời báo cho Cảng vụ hàng hải biết rõ lý do và biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Chỉ khi địa điểm làm thủ tục là trên tàu theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27, điểm a khoản 2 Điều 29 Nghị định này hay trong những hoàn cảnh đặc biệt khác do Giám đốc Cảng vụ hàng hải quyết định và chịu trách nhiệm, thì các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành được thành lập đoàn làm thủ tục do đại diện của Cảng vụ hàng hải làm Trưởng đoàn và mỗi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ cử một người tham gia; riêng đối với tàu khách, để giải quyết nhanh thủ tục thì các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về biên phòng và hải quan có thể cử thêm người tham gia đoàn nhưng số lượng phải được Giám đốc Cảng vụ hàng hải chấp thuận. Nếu không cần thiết phải lên tàu thì các các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có thể không cử người tham gia Đoàn thủ tục theo quy định tại khoản này, nhưng phải báo ngay cho Cảng vụ hàng hải biết kết quả giải quyết thủ tục của cơ quan mình.

5. Trong trường hợp có vướng mắc phát sinh vượt quá thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nào thì cơ quan đó phải kịp thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên của mình để giải quyết ngay. Nếu xét thấy cần thiết, các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm cùng Bộ Giao thông vận tải phối hợp giải quyết, nhưng chậm nhất là 04 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo phải thông báo quyết định xử lý của mình cho cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan biết.

6. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan khác tại khu vực để tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật đối với mọi hoạt động hàng hải tại cảng biển.

Điều 59. Trách nhiệm phối hợp hoạt động quản lý

1. Trong việc tổ chức phối hợp hoạt động quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển, Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, điều hành việc phối hợp hoạt động quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển;

b) Tổ chức và chủ trì các hội nghị, cuộc họp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan khác tại khu vực cảng để trao đổi thống nhất việc giải quyết những vướng mắc phát sinh;

c) Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cảng thông báo kịp thời kết quả làm thủ tục và biện pháp giải quyết những vướng mắc phát sinh; yêu cầu doanh nghiệp cảng, chủ tàu, tàu thuyền và các cơ quan, tổ chức liên quan khác cung cấp số liệu, thông tin về hoạt động hàng hải tại cảng biển;

d) Kiến nghị với Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại khu vực giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền của tỉnh hoặc thành phố đó có liên quan đến quản lý nhà nước về chuyên ngành tại cảng biển.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cảng có trách nhiệm:

a) Phối hợp chặt chẽ để giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các thủ tục liên quan đến tàu thuyền, hàng hóa, hành khách và thuyền viên khi hoạt động tại cảng biển theo Nghị định này;

b) Thông báo kịp thời cho Cảng vụ hàng hải biết kết quả giải quyết thủ tục liên quan đến tàu thuyền, hàng hóa, thuyền viên, hành khách khi hoạt động tại cảng;

c) Sau khi nhận và xử lý thông tin được Cảng vụ hàng hải hoặc chủ tàu cung cấp và khi làm xong thủ tục hoặc trường hợp có vướng mắc phát sinh, phải báo ngay cho Cảng vụ hàng hải biết để phối hợp giải quyết kịp thời.

Điều 60. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, giám hộ chuyên ngành tại cảng biển

1. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, giám hộ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các cơ quan có thẩm quyền khác đối với tàu thuyền, hàng hóa, hành khách, thuyền viên và những đối tượng khác khi hoạt động tại cảng biển được thực hiện theo các quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.

2. Việc giám sát, giám hộ trực tiếp trên tàu thuyền của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Tàu thuyền có dấu hiệu rõ ràng vi phạm pháp luật.

b) Trường hợp cần thiết để bảo đảm an ninh, quốc phòng, phòng chống dịch bệnh, trật tự và an toàn xã hội.

3. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và của các cơ quan có thẩm quyền khác có hành vi cửa quyền, bản vị, vụ lợi, sách nhiễu, gây phiền hà và các biểu hiện tiêu cực khác khi thực thi nhiệm vụ được giao; mọi vi phạm có liên quan đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 61. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển

1. Các Bộ, ngành và địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc thực hiện tốt việc phối hợp hoạt động quản lý nhà nước tại cảng biển.

2. Kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật.

Nghị định 71/2006/NĐ-CP về quản lý cảng biển và luồng hàng hải

  • Số hiệu: 71/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 25/07/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 30/07/2006
  • Số công báo: Từ số 29 đến số 30
  • Ngày hiệu lực: 14/08/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH