Hệ thống pháp luật

Chương 6 Nghị định 68-CP năm 1996 Hướng dẫn Luật khoáng sản

Chương 6:

MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TÀI CHÍNH VÀ QUYỀN TÀI SẢN

Điều 28.- Lệ phí giấy phép là lệ phí cấp, gia hạn các loại giấy phép hoạt động khoáng sản.

Bộ Tài chính quy định mức, thủ tục thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại lệ phí giấy phép.

Điều 29.-

1/ Lệ phí độc quyền thăm dò được tính trên đơn vị diện tích khu vực thăm dò và thời hạn hiệu lực của giấy phép thăm dò khoáng sản theo quy định sau đây:

Năm thứ 1: 200.000 đồng/km2-năm hoặc 20 USD/km2-năm; Năm thứ 2: 300.000 đồng/km2-năm hoặc 30 USD/km2-năm; Năm thứ 3: 400.000 đồng/km2-năm hoặc 40 USD/km2-năm; Năm thứ 4 trở đi: 500.000 đồng/km2-năm hoặc 50 USD/km2-năm;

2/ Lệ phí độc quyền thăm dò không áp dụng đối với giấy phép thăm dò mà thời hạn có hiệu lực của giấy phép, kể cả thời gian được gia hạn ít hơn mười hai (12) tháng và không áp dụng đối với hoạt động thăm dò trong khu vực khai thác của tổ chức, cá nhân được phép khai thác.

Bộ Tài chính quy định thủ tục thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí độc quyền thăm dò.

Điều 30.- Việc nộp tiền đặt cọc đối với giấy phép thăm dò được thực hiện một lần khi cấp giấy phép thăm dò khoáng sản mà giấy phép đó có thời hạn hiệu lực từ sáu (6) tháng trở lên; không áp dụng đối với giấy phép thăm dò có thời hạn hiệu lực dưới sáu (6) tháng và không áp dụng đối với giấy phép được hoạt động bằng vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp.

Mức tiền đặt cọc bằng hai mươi lăm phần trăm (25%) giá trị dự toán chi phí thăm dò của năm thăm dò đầu tiên, được xác định trong đề án hoặc kế hoạch thăm dò đã được cơ quan cấp giấy phép chấp thuận.

Sau sáu (6) tháng, kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản có hiệu lực, công việc thăm dò không được tiến hành mà giấy phép bị chấm dứt hiệu lực thì tiền đặt cọc được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Sau sáu (6) tháng, kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản có hiệu lực, công việc thăm dò đã được tiến hành đúng kế hoạch thì tổ chức, cá nhân được phép thăm dò có quyền nhận lại tiền đặt cọc.

Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản có quyền sử dụng hình thức quỹ tại một Ngân hàng Việt Nam hoặc Ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam thay cho hình thức nộp tiền đặt cọc. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục giao nộp, đăng ký, quản lý tiền đặt cọc hoặc ký quỹ đối với giấy phép thăm dò khoáng sản.

Điều 31.- Mức chi phí thăm dò tối thiểu tính bằng đơn vị đồng Việt Nam/km2-năm hoặc USD/km2-năm là chi phí tối thiếu để thực hiện các nhiệm vụ thi công kỹ thuật về thăm dò khoáng sản trên một đơn vị diện tích thăm dò một kilômét vuông (1 km2) trong một năm (12 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực). Dự toán chi phí của đề án thăm dò không được thấp hơn mức chi phí thăm dò tối thiểu.

Bộ Công nghiệp quy định mức chi phí thăm dò tối thiếu đối với từng đề án thăm dò cụ thể khi cấp hoặc gia hạn giấy phép thăm dò khoáng sản.

Điều 32.- Đối với giấy phép thăm dò khoáng sản kim loại quý, đá quý không phân biệt diện tích và giấy phép thăm dò khoáng sản khác có diện tích thăm dò lớn từ một trăm kilômet vuông (100 km2) trở lên, thời hạn hiệu lực của giấy phép đến hai (2) năm (24 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực) mà chi phí thăm dò thực tế để thực hiện đề án trong một thời kỳ hai (2) năm thấp hơn chi phí dự toán tính theo mức tối thiểu do Bộ Công nghiệp quy định thì phần giá trị chênh lệch đó phải nộp vào ngân sách Nhà nước, khi giấy phép thăm dò hết hạn hoặc được gia hạn.

Điều 33.- Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò phải thực hiện khối lượng công việc thăm dò và chi phí tương ứng theo đề án, kế hoạch thăm dò đã được Bộ Công nghiệp chấp thuận.

Trường hợp chi phí thăm dò thực tế của năm trước lớn hơn dự toán và kế hoạch thăm dò trong năm đó thì phần giá trị chi vượt được tính vào chi phí thực tế của năm kế sau.

Điều 34.-

1/ Tổ chức, cá nhân sử dụng số liệu thông tin của Nhà nước về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản phải trả tiền cho Nhà nước theo phương thức thanh toán gọn một lần hoặc trả dần theo sản lượng khai thác.

2/ Tổ chức, cá nhân đã hoàn tất việc trả tiền sử dụng thông tin về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản của Nhà nước theo phương thức thanh toán gọn một lần có toàn quyền sử dụng, chuyển nhượng các thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác.

3/ Tổ chức, cá nhân được trả tiền sử dụng thông tin về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản của Nhà nước theo phương thức trả dần theo sản lượng khai thác có quyền sử dụng thông tin đó cho hoạt động khoáng sản của mình nhưng không được chuyển nhượng, bán hoặc tiết lộ những thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác.

Bộ Tài chính và Bộ công nghiệp hướng dẫn phương pháp xác định giá trị, phương thức, thủ tục thanh toán tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản của Nhà nước.

Điều 35.-

1/ Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản có quyền sử dụng, chuyển nhượng những thông tin về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản do mình đầu tư toàn bộ vốn khảo sát, thăm dò.

2/ Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản sử dụng một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư của Nhà nước để khảo sát, thăm dò khoáng sản không có quyền cung cấp, chuyển nhượng thông tin về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp cung cấp những thông tin đó cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc có trách nhiệm quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

3/ Sau sáu (6) tháng kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản hết hạn mà tổ chức, cá nhân được phép thăm dò không nộp đơn xin giấy phép khai thác hoặc sau sáu (6) tháng kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn mà tổ chức, cá nhân được phép khai thác không nộp đơn xin gia hạn giấy phép khai thác thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác những thông tin về khoáng sản có liên quan đến các giấy phép đó.

Điều 36.- Khi được phép chuyển nhượng hoặc để thừa kế quyền thăm dò hoặc quyền khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân được phép thăm dò hoặc khai thác khoáng sản có quyền chuyển nhượng hoặc để thừa kế mọi tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình, kể cả số liệu thông tin, mẫu vật về địa chất và khoáng sản, các công trình và thiết bị đã được thi công, xây dựng, trang bị gắn liền với đất mỏ.

Khi quyền khai thác khoáng sản được phép chuyển nhượng thì Hợp đồng thuê đất được ký lại, không phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Việc chuyển nhượng tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước đã giao cho tổ chức, cá nhân được phép thăm dò hoặc khai thác khoáng sản sử dụng tuân theo các quy định của pháp luật.

Điều 37.- Khi giấy phép thăm dò hoặc khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực thì quyền sở hữu đối với những tài sản liên quan đến hoạt động thăm dò hoặc khai thác khoáng sản tuân theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 30 và các điểm b và c, khoản 2, Điều 40 của Luật khoáng sản.

Bộ Tài chính và Bộ công nghiệp hướng dẫn phương pháp xác định giá trị tài sản chuyển giao và thủ tục chuyển giao tài sản của tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác khoáng sản cho Nhà nước trong trường hợp giấy phép chấm dứt hiệu lực theo quy định của Luật khoáng sản và các quy định khác của pháp luật.

Điều 38.- Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải ký quỹ tại một Ngân hàng Việt Nam hoặc Ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam một khoản tiền bảo đảm cho việc phục hồi môi trường và đất đai khi kết thúc hoạt động từng phần diện tích và khi đóng cửa mỏ.

Mức tiền phải ký quỹ để phục hồi môi trường và đất đai căn cứ vào quy trình, tiến độ khai thác, phục hồi và dự toán chi phí phục hồi xác định trong báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế mỏ và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định và chấp thuận.

Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quy định phương pháp xác định mức và hướng dẫn thủ tục đăng ký, quản lý, sử dụng tiền ký quỹ để phục hồi môi trường, đất đai trong khai thác khoáng sản.

Điều 39.- Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành chế độ phân phối, sử dụng các khoản thu của Nhà nước trong hoạt động khoáng sản để thực hiện chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến theo quy định tại Điều 7 của Luật khoáng sản và để bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Điều 40.- Đối với những mỏ khoáng có vai trò chiến lược trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước mà việc thu hút vốn đầu tư từ các nguồn vốn khác khó khăn thì doanh nghiệp Nhà nước được vay vốn tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn Nhà nước để đầu tư khảo sát, thăm dò khoáng sản; trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cấp vốn Nhà nước để đầu tư trực tiếp cho thăm dò. Vốn Nhà nước đầu tư thăm dò khoáng sản phải được thu hồi dần khi đưa mỏ vào khai thác, nếu gặp rủi ro được xem xét, miễn giảm thu hồi theo đề nghị của Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

Nghị định 68-CP năm 1996 Hướng dẫn Luật khoáng sản

  • Số hiệu: 68-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/11/1996
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 01/11/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH