Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2016

NGHỊ ĐỊNH

NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ KINH DOANH SẢN PHẨM, DỊCH VỤ MẬT MÃ DÂN SỰ VÀ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU SẢN PHẨM MẬT MÃ DÂN SỰ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật an toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi Tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Nghị định này quy định chi Tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; ban hành Danh Mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, Danh Mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự; người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Chương II

KINH DOANH SẢN PHẨM, DỊCH VỤ MẬT MÃ DÂN SỰ, XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU SẢN PHẨM MẬT MÃ DÂN SỰ

Điều 3. Danh Mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, Danh Mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép

Ban hành Danh Mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự tại Phụ lục I và Danh Mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.

Điều 4. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự

1. Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi đáp ứng đủ các Điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật an toàn thông tin mạng.

2. Điều kiện cấp Giấy phép quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 31 Luật an toàn thông tin mạng được quy định cụ thể như sau: Doanh nghiệp phải có ít nhất 02 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các ngành điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, toán học, an toàn thông tin; cán bộ quản lý, Điều hành tốt nghiệp một trong các ngành điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, toán học, an toàn thông tin hoặc tốt nghiệp một ngành khác và có chứng chỉ đào tạo về an toàn thông tin.

3. Điều kiện cấp Giấy phép quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 31 Luật an toàn thông tin mạng được quy định cụ thể như sau: Doanh nghiệp phải có hệ thống phục vụ khách hàng và bảo đảm kỹ thuật phù hợp với phạm vi, đối tượng cung cấp, quy mô số lượng sản phẩm.

Điều 5. Trình tự, thủ tục cấp mới, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự

1. Cấp mới, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự thực hiện theo quy định tại Điều 32, Điều 33 Luật an toàn thông tin mạng.

2. Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cấp mới, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự nộp hồ sơ trực tiếp, hoặc qua hệ thống bưu chính, hoặc dịch vụ công trực tuyến đến Ban Cơ yếu Chính phủ thông qua Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã, số điện thoại/số fax: 04-3775.6896, thư điện tử: info@nacis.gov.vn, website: http://www.nacis.gov.vn.

3. Ban hành các Mẫu số 01, 02, 03 thực hiện thủ tục cấp mới, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này.

Điều 6. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự

1. Cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật an toàn thông tin mạng.

2. Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự nộp hồ sơ trực tiếp, hoặc qua hệ thống bưu chính, hoặc dịch vụ công trực tuyến đến Ban Cơ yếu Chính phủ thông qua Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã theo địa chỉ quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định này.

3. Ban hành các Mẫu số 04, 05 thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này.

Chương III

THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 7. Thanh tra, kiểm tra

1. Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự.

2. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 8. Xử lý vi phạm các quy định về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự;

b) Tẩy xóa, sửa chữa các nội dung trong Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự hoặc Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự;

c) Không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung khi thay đổi tên, thay đổi người đại diện theo pháp luật hoặc thay đổi, bổ sung sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;

d) Không làm thủ tục cấp lại khi giấy phép bị mất hoặc hư hỏng;

đ) Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn cho Ban Cơ yếu Chính phủ về tình hình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự và tổng hợp thông tin khách hàng;

e) Sử dụng sản phẩm mật mã dân sự không do doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự cung cấp mà không khai báo với Ban Cơ yếu Chính phủ;

g) Không lập, lưu giữ và bảo mật thông tin khách hàng, tên, loại hình, số lượng và Mục đích sử dụng của sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng nội dung ghi trong Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự hoặc Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sau đây:

a) Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự mà không có Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự hoặc Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; hoặc tiếp tục kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự đã hết hạn;

b) Không tạm ngừng hoặc ngừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự để đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Không phối hợp, tạo Điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khi có yêu cầu;

d) Từ chối cung cấp các thông tin cần thiết liên quan tới khóa mã cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điểm a, b Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 và Khoản 3 Điều này.

Điều 9. Thẩm quyền xử phạt

1. Thanh tra viên cơ yếu đang thi hành công vụ có thẩm quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Chánh Thanh tra cơ yếu, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền mức tối đa không quá 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền mức tối đa không quá 25.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền mức tối đa không quá 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

5. Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường có quyền xử phạt theo thẩm quyền quy định tại Khoản 4, 5, 6, 7 Điều 39, Điều 40, Điều 41, Điều 42, Khoản 4 Điều 45 của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012 đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự được quy định tại Nghị định này.

Điều 10. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

Các chức danh nêu tại Điều 9 Nghị định này, cán bộ đang thi hành công vụ trong lĩnh vực mật mã dân sự có quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Điều Khoản chuyển tiếp

1. Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự đã được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự theo quy định tại Nghị định số 73/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà vẫn còn thời hạn thì không phải làm lại thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự. 30 ngày trước khi giấy phép hết hạn, doanh nghiệp phải làm thủ tục xin cấp phép theo Nghị định này.

2. Doanh nghiệp chưa được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự phải làm thủ tục cấp phép theo các quy định tại Nghị định này.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 và thay thế Nghị định số 73/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 58/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự

  • Số hiệu: 58/2016/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/07/2016
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 473 đến số 474
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản