Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 6 Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài

Mục 1. MỞ VÀ QUẢN LÝ TÀI KHOẢN THANH TOÁN

Điều 50. Mở tài khoản thanh toán cho chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi tại hệ thống Kho bạc Nhà nước, ngân hàng phục vụ

1. Tài khoản nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi:

a) Các khoản vốn vay ODA và vay ưu đãi của ngân sách nhà nước được quản lý, hạch toán theo dõi trên tài khoản của từng cấp ngân sách;

b) Chủ dự án mở tài khoản nguồn vốn của dự án tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng phục vụ để tiếp nhận nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi chi cho các hoạt động của chương trình, dự án.

2. Tài khoản vốn đối ứng: Chủ dự án mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi thuận tiện giao dịch (sau đây gọi là Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch) để thực hiện việc kiểm soát, thanh toán đối với nguồn vốn đối ứng (nguồn vốn trong nước) của dự án.

Điều 51. Tiêu chí lựa chọn ngân hàng phục vụ chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi

1. Là một ngân hàng được lựa chọn trong các ngân hàng có kinh nghiệm quản lý rút vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, được xếp hạng tín nhiệm trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ ngân hàng, các quy định về giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.

2. Có hệ thống chi nhánh phù hợp với yêu cầu của chương trình, dự án.

3. Chấp nhận các trách nhiệm của ngân hàng phục vụ quy định tại Điều 50, 52, 53, 54, 63, 68, 79 của Nghị định này.

Điều 52. Trách nhiệm của ngân hàng phục vụ

1. Làm thủ tục cho Bộ Tài chính hoặc chủ dự án mở tài khoản vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho chương trình, dự án theo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã được cấp có thẩm quyền ký kết và phù hợp với quy định tại Chương VI, VII của Nghị định này.

2. Theo dõi, quản lý tài khoản, thực hiện các giao dịch ngân hàng và thu phí theo quy định, báo cáo thông tin về tài khoản chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi theo quy định tại Chương VI, VII của Nghị định này.

Điều 53. Nguyên tắc mở và quản lý tài khoản tạm ứng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi

1. Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hoặc ngân hàng phục vụ làm thủ tục mở tài khoản tạm ứng (tài khoản giao dịch) cho chủ dự án hoặc Bộ Tài chính phù hợp với yêu cầu thanh toán của dự án, đảm bảo luân chuyển vốn tài trợ trực tiếp đến dự án, không bố trí qua tài khoản trung gian. Trường hợp dự án có nhiều khoản tài trợ, phải mở các tài khoản riêng để theo dõi từng nguồn vốn rút về.

2. Trường hợp cơ quan chủ quản giao nhiều đơn vị thực thi, chủ dự án mở tài khoản nhánh tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hoặc chi nhánh ngân hàng phục vụ.

3. Đồng tiền của tài khoản là đồng ngoại tệ vay nước ngoài (trừ trường hợp được Bộ Tài chính chấp thuận mở tài khoản bằng đồng Việt Nam).

4. Quản lý lãi tài khoản tạm ứng:

a) Lãi phát sinh trên tài khoản tạm ứng phải được hạch toán theo dõi riêng và được sử dụng để thanh toán phí dịch vụ ngân hàng theo quy định. Phí dịch vụ ngân hàng là khoản chi thuộc dự án. Trường hợp số lãi phát sinh không đủ để thanh toán phí dịch vụ ngân hàng, chủ dự án lập dự toán và bố trí vốn đối ứng để chi trả;

b) Khi kết thúc hoạt động chi tiêu trên tài khoản tạm ứng, đối với dự án do ngân sách cấp phát toàn bộ, chủ dự án nộp số dư lãi phát sinh trên tài khoản này vào ngân sách nhà nước. Đối với dự án vay lại toàn bộ, số dư lãi phát sinh là nguồn thu của chủ dự án. Đối với dự án vay lại theo tỷ lệ, số dư lãi phát sinh được phân bổ theo tỷ lệ tương ứng.

Điều 54. Trách nhiệm của cơ quan giữ tài khoản của chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi

1. Theo đề nghị của chủ dự án là chủ tài khoản, Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng phục vụ hướng dẫn hồ sơ và thủ tục mở các tài khoản thanh toán của dự án và thực hiện các giao dịch thanh toán, rút vốn và các nghiệp vụ khác theo quy định hiện hành.

2. Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng phục vụ có trách nhiệm hướng dẫn và cung cấp cho chủ dự án đầy đủ thông tin để thực hiện giao dịch thanh toán qua hệ thống Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng phục vụ.

3. Định kỳ hàng tháng theo thỏa thuận giữa cơ quan giữ tài khoản và chủ tài khoản và khi chủ tài khoản có yêu cầu, cơ quan giữ tài khoản có trách nhiệm gửi báo cáo sao kê tài khoản tạm ứng cho chủ tài khoản, chi tiết số tiền nguyên tệ, người thụ hưởng và ngày giao dịch, tỷ giá áp dụng và giá trị đồng Việt Nam tương đương, số dư đầu kỳ, số chi trong kỳ và số dư cuối kỳ.

4. Định kỳ hàng tháng theo thỏa thuận giữa cơ quan giữ tài khoản và chủ tài khoản và khi chủ tài khoản có yêu cầu, cơ quan giữ tài khoản thông báo cho chủ tài khoản số lãi phát sinh trên tài khoản tạm ứng của dự án (nếu có); số phí dịch vụ ngân hàng đã thu; số chênh lệch giữa lãi và phí; số dư đầu kỳ, cuối kỳ.

5. Trong vòng 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo có số tiền giải ngân từ nhà tài trợ nước ngoài, cơ quan giữ tài khoản thực hiện ghi có vào tài khoản của dự án và thông báo cho chủ tài khoản biết.

6. Trước ngày 10 hằng tháng, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng phục vụ tổng hợp báo cáo gửi Bộ Tài chính tình hình hoạt động trong tháng trước đó của các tài khoản nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi mở trên toàn hệ thống. Báo cáo chi tiết theo tên dự án, chủ dự án, tài khoản, tiểu khoản (mỗi tài khoản, tiểu khoản sử dụng cho một nguồn tài trợ), báo cáo tách riêng nguồn vốn ODA không hoàn lại, nguồn vốn vay; báo cáo chi tiết số dư tài khoản đầu kỳ, tổng số rút vốn từ nhà tài trợ nước ngoài trong kỳ, tổng số chi trong kỳ, số dư cuối kỳ, các giao dịch hoàn trả tiền cho nhà tài trợ nước ngoài (nếu có); báo cáo số liệu lãi phát sinh trên các tài khoản nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi trong kỳ, số lãi đã sử dụng trang trải phí dịch vụ ngân hàng, số dư lãi cuối kỳ.

7. Hàng năm, kết thúc năm ngân sách thực hiện đối chiếu số dư tài khoản với chủ dự án.

Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài

  • Số hiệu: 56/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 25/05/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 01/06/2020
  • Số công báo: Từ số 603 đến số 604
  • Ngày hiệu lực: 25/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH