Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 55-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 55-CP NGÀY 28-8-1993 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THUẾ DOANH THU VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ DOANH THU

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Thuế doanh thu được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế doanh thu được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IV thông qua ngày 5 tháng 7 năm 1993;
Căn cứ Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 10 tháng 7 năm 1993;
Căn cứ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 5 tháng 7 năm 1993;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ DOANH THU

Điều 1. Đối tượng nộp thuế doanh thu bao gồm các tổ chức, cá nhân kinh doanh có doanh thu (gọi chung là cơ sở kinh doanh) thuộc các ngành nghề, các thành phần kinh tế, các hình thức hoạt động có địa điểm kinh doanh cố định hay lưu động, hoạt động thường xuyên hoặc không thường xuyên trên lãnh thổ Việt Nam được quy định tại Điều 1 Luật Thuế doanh thu.

Điều 2. Những hoạt động sau đây không thuộc diện chịu thuế doanh thu:

a) Sản xuất nông nghiệp thuộc diện chịu thuế nông nghiệp hoặc chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp.

b) Sản xuất hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

c) Sản xuất hàng hoá thực tế xuất khẩu, bao gồm:

- Hàng hoá do đơn vị sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc trực tiếp gia công cho nước ngoài.

- Hàng hoá do đơn vị sản xuất bán hoặc uỷ thác cho doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế và giấy phép xuất khẩu.

Chương 2:

CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ DOANH THU

Điều 3. Doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tính cước vận tải, tiền hoa hồng, tiền dịch vụ... phát sinh trong kỳ nộp thuế theo quy định tại Điều 8 Luật Thuế doanh thu, không phân biệt số tiền đó đã thu được hay chưa thu được, quy định cụ thể như sau:

1. Đối với hoạt động sản xuất, chế biến (bao gồm cả chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản), lắp ráp, khai thác khoáng sản, là tiền bán sản phẩm nửa thành phẩm, nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, máy móc thiết bị...

2. Đối với hoạt động xây dựng là tổng số tiền thu về xây dựng công trình, hạng mục công trình hoặc các công việc hoàn thành bàn giao, tiền thu về hoạt động khảo sát, thiết kế, chuẩn bị đầu tư, quy hoạch và thu khác trong xây dựng. Riêng việc xây dựng các công trình bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp, thuế doanh thu phải nộp được tính trên doanh thu thực tế đã được Ngân sách Nhà nước cấp phát thanh toán. Đối với việc lắp đặt máy móc thiết bị toàn bộ gắn với xây dựng, doanh thu tính thuế không tính giá trị máy móc thiết bị.

3. Đối với hoạt động vận tải là tiền thu cước phí vận chuyển hàng hoá, hành khách, hành lý và các khoản thu khác được quy định đối với ngành vận tải.

4. Đối với hoạt động thương nghiệp, ăn uống là tiền bán hàng, kể cả hàng tự chế biến.

Những cơ sở kinh doanh thương nghiệp (trừ buôn chuyến) nếu có sổ sách kế toán, hoá đơn đúng chế độ, được cơ quan thuế công nhận, thì được tính thuế doanh thu trên số chênh lệch giữa giá bán hàng ghi trên hoá đơn mua hàng. Giá mua hàng hoá không bao gồm chi phí bốc xếp, vận chuyển về kho v. v...

5. Đối với hoạt động dịch vụ là tiền thu về dịch vụ bao gồm tiền công, tiền nguyên vật liệu, phụ tùng thay thế (nếu có) và các khoản chi phí khách cho hoạt động dịch vụ.

a) Đối với hoạt động bưu điện là tiền thu về cước phí bưu điện (kể cả tiền bán tem), tiền thu về lắp đặt, cho thuê máy điện thoại, FAX và doanh thu về các hoạt động dịch vụ bưu điện khác.

b) Đối với hoạt động tín dụng của các tổ chức ngân hàng, công ty tài chính và các tổ chức tín dụng khác là khoản chênh lệch giữa thu lãi tiền cho vay, thu lãi tiền đi gửi với trả lãi tiền đi vay, trả lãi tiền gửi của khách hàng.

Đối với hoạt động dịch vụ khác của các tổ chức ngân hàng, công ty tài chính và các tổ chức tín dụng khác là tiền thu được hoặc hoa hồng được hưởng về dịch vụ đó.

c) Đối với hoạt động bảo hiểm là tiền thu về phí bảo hiểm nhận của khách hàng và các khoản thu khác thuộc hoạt động bảo hiểm.

d) Đối với hoạt động cho thuê tài sản là tiền thu về cho thuê tài sản.

e) Đối với hoạt động nhận đại lý, nhận uỷ thác là tiền hoa hồng được hưởng. Đối với hoạt động môi giới là tiền thu về hoạt động đó. Riêng hoạt động môi giới vận tải, doanh thu tính thuế không tính tiền cước vận tải trả hộ cho khách hàng (nếu có).

h) Đối với xổ số kiến thiết là doanh thu thực thu về bán vé xổ số kiến thiết (doanh thu theo giá vé trừ (-) tiền hoa hồng trả cho đại lý bán vé xổ số theo chế độ).

i) Đối với hoạt động in, doanh thu tính thuế không tính tiền giấy in.

6. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các tổ chức khác, doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu về tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ của các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của cơ sở.

7. Cơ sở kinh doanh có doanh thu bằng ngoại tệ, được nộp thuế bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng tiền Việt Nam, quy đổi theo tỷ giá mua vào do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm nộp thuế.

Loại ngoại tệ nộp thuế là ngoại tệ chuyển đổi được. Đối với doanh thu bằng loại ngoại tệ khác phải nộp thuế bằng đồng tiền Việt Nam, quy đổi theo tỷ giá mua vào do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm nộp thuế. Trường hợp ngoại tệ không được Ngân hàng công bố tỷ giá, thì quy đổi theo tỷ giá do Bộ Tài chính quy định.

Điều 4. Căn cứ vào Biểu thuế doanh thu ban hành kèm theo Luật Thuế doanh thu đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 472-NQ/HĐNN8 ngày 10-9-1991 của Hội đồng Nhà nước và các thuế suất đối với một số ngành nghề đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế doanh thu đã được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 5 tháng 7 năm 1993, Chính phủ hệ thống hoá biểu thuế doanh thu kèm theo Nghị định này.

Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc xác định thuế áp dụng đối với từng ngành nghề và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trường hợp cơ sở sản xuất mặt hàng vừa chịu thuế suất theo ngành nghề, hoặc theo sản phẩm, vừa chịu thuế suất theo công dụng thì được áp dụng mức thuế suất thấp nhất.

Trường hợp cơ sở kinh doanh có giấy phép xuất khẩu, mua hàng hoá của cơ sở sản xuất để xuất khẩu, nếu bán trong nước thì ngoài việc nộp thuế doanh thu trên doanh thu bán hàng theo thuế suất kinh doanh thương nghiệp, còn phải nộp thuế doanh thu hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt theo thuế suất ngành, mặt hàng sản xuất.

Đối với sản xuất các sản phẩm nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp hoặc không thuộc diện nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, nếu không qua chế biến thì nộp thuế doanh thu theo thuế suất kinh doanh nông nghiệp (điểm 29 - Mục I của Biểu thuế), nếu qua chế biến thì nộp thuế doanh thu theo thuế suất ngành hoặc sản phẩm chế biến.

Những cơ sở sản xuất có tổ chức các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm phải nộp thuế doanh thu, hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt theo thuế suất ngành nghề, mặt hàng sản xuất tại nơi sản xuất và nộp thuế doanh thu theo thuế suất kinh doanh thương nghiệp tại nơi có cửa hàng tiêu thụ sản phẩm.

Điều 5. Các cơ sở kinh doanh hoạt động trong nhiều ngành nghề chịu thuế suất doanh thu khác nhau thì nộp thuế doanh thu theo thuế suất đối với từng ngành nghề. Nếu cơ sở không hạch toán riêng được doanh thu đối với từng ngành nghề thì áp dụng thuế suất cao nhất đối với ngành nghề có kinh doanh.

Chương 3:

ĐĂNG KÝ, KÊ KHAI, NỘP THUẾ DOANH THU

Điều 6. Theo quy định tại Điều 10 của Luật Thuế doanh thu, cơ sở kinh doanh phải kê khai đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế tại nơi kinh doanh.

Các đơn vị trực thuộc, chi nhánh, cửa hàng... của cơ sở kinh doanh phải đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế nơi đặt chi nhánh, cửa hàng kinh doanh; nếu có phát sinh thu phải kê khai nộp thuế doanh thu với cơ quan thuế tại nơi kinh doanh.

Các tổ chức kinh tế được thành lập theo Quyết định số 268-CT trước đây nay đã được sắp xếp đăng ký thành lập lại theo đúng các quy định mới của Nhà nước phải kê khai đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế nơi kinh doanh; nếu chưa đăng ký thành lập lại thì phải bị đình chỉ hoạt động, phải bị xử phạt và truy thu thuế theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Cơ sở kinh doanh phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ sổ sách kế toán theo Pháp lệnh Kế toán và thống kê kế toán ban hành ngày 10 tháng 5 năm 1988; chế độ lập chứng từ mua bán hàng, cung ứng dịch vụ thu tiền theo các quy định hiện hành.

Điều 8. Bộ Tài chính thống nhất phát hành hoá đơn sử dụng cho các cơ sở kinh doanh trong cả nước.

Điều 9. Khi cơ quan thuế có yêu cầu về tài liệu có liên quan đến việc kiểm tra tính thuế doanh thu, cơ sở kinh doanh có nhiệm vụ:

1. Nộp đủ, đúng hạn các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của cơ quan thuế;

2. Giải thích, chứng minh các khoản chưa rõ trong tờ khai hoặc sổ sách kế toán, chứng từ hoá đơn.

Cơ sở kinh doanh không được viện lý do bí mật nghề nghiệp và các lý do khác để từ chối xuất trình, cung cấp hoặc giải thích các tài liệu cần thiết nói trên theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Cơ quan thuế phải giữ bí mật về những tài liệu do cơ sở kinh doanh cung cấp.

Điều 10. Thuế doanh thu được nộp theo định kỳ hoặc nộp hàng tháng theo thời gian quy định của cơ quan thuế cho từng cơ sở; nhưng thời gian quy định nộp thuế của tháng trước chậm nhất không quá ngày 15 tháng sau. Những hộ kinh doanh nhỏ nộp thuế doanh thu hàng tháng vào những ngày cuối tháng theo quy định của cơ quan thuế.

Điều 11. Đối với cơ sở kinh doanh thuộc ngành thương nghiệp có địa điểm cố định đem bán hàng ngoài khu vực được phép kinh doanh đã nộp thuế về hoạt động buôn chuyến thì phần doanh thu đã nộp thuế này không phải nộp thuế doanh thu ở cơ sở kinh doanh cố định.

Chương 4:

GIẢM THUẾ - MIỄN THUẾ

Điều 12. Những trường hợp sau đây được xét giảm thuế, miễn thuế doanh thu:

1. Được miễn thuế đối với: Những người già yếu, tàn tật, người sản xuất kinh tế nhỏ, lặt vặt làm nghề phụ, làm kinh tế phụ gia đình... có mức thu nhập hàng tháng chỉ bảo đảm mức sống tối thiểu cho bản thân.

2. Cơ sở kinh doanh gặp khó khăn do thiên tai, địch hoạ, tai nạn bất ngờ được xét giảm thuế doanh thu. Mức giảm theo tỷ lệ (%) thiệt hại về tài sản, nhưng không quá 50% số thuế doanh thu phải nộp và không quá 30% giá trị tài sản bị thiệt hại. Thời gian giảm thuế không quá 12 tháng kể cả tháng xảy ra thiệt hại có doanh thu và từ tháng có doanh thu tiếp sau tháng xảy ra thiệt hại.

3. Cơ sở kinh doanh hoạt động ở miền núi, hải đảo; khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ; cơ sở hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, chạy thử dây chuyền công nghệ mới nếu gặp khó khăn phát sinh lỗ được xét giảm thuế doanh thu tương ứng với số lỗ, nhưng tối đa không quá 50% số thuế phải nộp và thời gian giảm thuế không quá hai năm.

Các cơ sở sản xuất mặt hàng cần thay thế hàng nhập khẩu, được xét giảm 50% thuế doanh thu trong thời gian đầu, kể từ khi bắt đầu sản xuất có doanh thu. Nếu mặt hàng có chu kỳ sản xuất dưới 6 tháng, thời gian giảm thuế là một năm; nếu mặt hàng có chu kỳ sản xuất từ 6 tháng trở lên, thời gian giảm thuế là hai năm.

Cơ sở sản xuất mới thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất từ năm 1993 được giảm 50% số thuế doanh thu phải nộp trong thời gian một năm kể từ ngày có doanh thu, riêng ở miền núi, hải đảo thời gian giảm thuế là hai năm kể từ ngày có doanh thu.

Cơ sở sản xuất mới thành lập là cơ sở mới được đầu tư xây dựng theo quyết định của cấp có thẩm quyền, được cấp giây phép sản xuất kinh doanh. Những cơ sở đã thành lập trước đây nay chia tách, sáp nhập, đổi tên hoặc có đầu tư cải tạo, thay đổi mặt hàng sản xuất không thuộc đối tượng xét giảm thuế theo quy định này.

Đối với các cơ sở ở miền núi, hải đảo đã được xét giảm thuế doanh thu theo các quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này, nếu còn gặp nhiều khó khăn, thì tuỳ trường hợp cụ thể được xét kéo dài thêm thời gian giảm thuế nhưng tổng số thời gian giảm thuế tối đa không quá ba năm.

Bộ Tài chính quy định mức thu nhập được miễn thuế và thủ tục khai báo được miễn thuế quy định tại Khoản 1 và quy định cụ thể thủ tục thẩm quyền xét giảm thuế quy định tại Khoản 2 và 3 Điều này. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước sau khi bàn với các Bộ, ngành liên quan và thống nhất với Bộ Tài chính, công bố danh mục mặt hàng cần khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu từng thời kỳ.

Điều 13. Tạm thời chưa thu thuế doanh thu đối với:

- Các hoạt động in và xuất bản (không kể hoạt động quảng cáo) của báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân, tạp chí chuyên ngành, áp phích, tranh tuyên truyền cổ động; in và xuất bản chân dung lãnh tụ, làm tượng lãnh tụ, in tiền.

- Phát sóng truyền thanh, truyền hình theo chương trình kế hoạch bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước.

Hoạt động trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp của các trạm thuỷ nông, duy trì đàn giống gốc gia súc, gia cầm.

- Các hoạt động sửa chữa, duy tu bảo dưỡng đường sá, nạo vét luồng lạch, cảng, cầu cống, đê đập, thoát nước đường phố; xây dựng nhà tình nghĩa; phục chế các công trình văn hoá nghệ thuật; giữ gìn vệ sinh môi trường, duy trì vườn thú, vườn hoa , công viên, cây xanh, chiếu sáng đô thị do nguồn vốn sự nghiệp do ngân sách Nhà nước cấp hoặc tiền đóng góp của nhân dân.

- Tham dò địa chất, đo đạc lập bản đồ.

- Bán tài sản cố định.

- Phí bảo hiểm học sinh, vật nuôi, cây trồng và bảo hiểm không có tính chất kinh doanh như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

- Kinh doanh giết mổ gia súc đã nộp thuế sát sinh.

- Bán phế liệu, phế phẩm thu hồi đã hạch toán giảm giá thành, giảm chi phí sản xuất kinh doanh.

- Các hoạt động phục vụ bữa ăn hàng ngày trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 14. Chính phủ có quy định riêng về chế độ khen thưởng đối với tổ chức và cá nhân có công trong việc thi hành Luật Thuế doanh thu, chế độ xử phạt đối với những tổ chức và cá nhân vi phạm Luật Thuế doanh thu.

Điều 15. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 9 năm 1993, thay thế Nghị định số 351-HĐBT ngày 2-10-1990 của Hội đồng Bộ trưởng. Những quy định khác về thuế doanh thu trước đây trái với các quy định của Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 16. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức việc thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

BIỂU THUẾ DOANH THU ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 55-CP ngày 28-8-1993 của Chính phủ)

Ngành nghề

Thuế suất (%)

1

2

I. Ngành sản xuất

1. Điện thương phẩm

8

2. Khai thác hầm mỏ

2

Riêng khai thác than hầm lò

1

3. Khai thác dầu mỏ, hơi đốt, vàng, đá quý

8

4. Luyện kim loại:

a) Luyện, cán, kéo kim loại đen, luyện cốc

2

b) Luyện, cán, kéo kim loại mầu

4

c) Luyện, cán, kéo kim loại quý (vàng, bạc)

8

5. Sản xuất, lắp ráp cơ khí:

a) Máy móc, thiết bị, công cụ

1

b) Sản phẩm cơ khí tiêu dùng

2

Riêng đồ điện, cơ khí: bàn là, quạt điện, biến thế điện dưới 15A, bơm nước điện dưới 10 m3/giờ

4

6. Sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện tử

8

7. Sản phẩm hoá chất

4

Riêng:

- Hoá chất cơ bản, phân bón

1

- Thuốc trừ sâu và các hoá chất khác phục vụ sản xuất nông nghiệp

0,5

8. Thuốc chữa bệnh

1

9. Vật liệu xây dựng, kẻ cả Clanh ke

5

Riêng xi măng:

+ Mác P300 trở lên

10

+ Mác dưới P300

6

10. Khai thác lâm sản

4

11. Chế biến lâm sản và sản xuất gỗ

5

12. Giấy và sản phẩm bằng giấy

4

Riêng: bột giấy, giấy in báo, giấy vở học sinh

1

13. Gốm, sành sứ, thuỷ tinh

4

Riêng thuỷ tinh dùng cho y tế

1

14. Xay, xát chế biến lương thực

2

Riêng mỳ ăn liền

6

15. Công nghiệp thực phẩm (bao gồm cả thuốc lá lá, thuốc lá sợi, thuốc lào, cồn, cà phê, chè, mỳ chính, đường, bánh kẹo và các loại thực phẩm khác)

6

Riêng: - Muối

0,5

- Nước đá dùng cho đánh bắt thuỷ sản

2

- Sữa các loại

4

- Nước ngọt, nước giải khát các loại

6

16. Khai thác thuỷ sản

2

17. Chế biến thuỷ sản

3

18. Sợi, dệt:

a) Sợi các loại (bao gồm cả sợi len dệt thảm, sợi đay, tơ, cói), chỉ

4

Riêng: Sợi len, sợi tổng hợp

6

b) Dệt các loại

5

Riêng: dệt đay, chiếu, cói, mành và các sản phẩm dệt thủ công, bán cơ khí

3

19. Sản phẩm may mặc, giày vải

4

20. Sản xuất nguyên liệu da, vải giả da

4

21. Sản phẩm bằng da, bằng vải giả da

6

22. In và xuất bản:

a) In và xuất bản sách chính trị, sách giáo khoa, sách

khoa học kỹ thuật, sách phục vụ thiếu nhi, sách báo in bằng tiếng dân tộc thiểu số

0

b) In và xuất bản báo các loại

0,5

c) In và xuất bản sách các loại

1

d) Sản xuất phim bản đầu

1

Riêng: Phim tài liệu, phim đề tài cách mạng,đề tài thiếu nhi, đề tài khoa học

0

e) In và xuất bản các loại khác;các hoạt động khác thuộc ngành in, xuất bản

4

23. Dụng cụ thí nghiệm, y tế, giáo dục, đồ chơi trẻ em

0,5

24. Dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ và phụ tùng:

a) Dụng cụ thể thao

2

b) Nhạc cụ và phụ tùng

1

25. Thức ăn gia súc

2

26. Hàng mỹ nghệ

8

27. Hàng mỹ phẩm các loại

10

28. Sản xuất chế biến khác

4

Riêng: - Gia công các ngành hàng (tính trên tiền gia công)

6

- Sản xuất và cung cấp nước máy phục vụ sản xuất và sinh hoạt

1

29. Kinh doanh nông nghiệp không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp

2

Riêng: Sản xuất cây giống, con giống gia súc, gia cầm

1

30. Sản xuất các loại công cụ sản xuất

1

31. Bài lá, vàng mã, hương:

a) Bài lá, vàng mã

20

b) Hương

6

II. Ngành xây dựng

1. Có bao thầu nguyên vật liệu

3

2. Không bao thầu nguyên vật liệu, hoạt động khảo sát,

thiết kế và hoạt động khác trong xây dựng

5

III. Ngành vận tải

1. Vận tải hàng hoá

2

Riêng: Vận tải bằng phương tiện thô sơ ở miền núi, hải đảo

1

2. Vận tải hành khách, hành lý; hàng không (kể cả hành khách, hành lý và hàng hoá)

4

3. Vận tải hành khách nội thành, nội thị

1

IV. Ngành thương nghiệp

1. Bán lương thực thực phẩm tươi sống, rau quả tươi sống (trừ đồ hộp), thuốc chữa bệnh, phân bón, thuốc trừ sâu, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, chất đốt, máy móc, phương tiện vận tải, thiết bị, phụ tùng, dụng cụ thí nghiệm, dụng cụ y tế, giáo dục, đồ chơi trẻ em, cây giống, con giống

1

2. Bán vàng, bạc, đá quý

2

3. Bán hàng khác sản xuất trong nước

2

4. Bán hàng tiêu dùng nhập khẩu (trừ những mặt hàng đã ghi trong điểm 1, điểm 2, mục IV này)

4

Riêng: - Rươu, bia

10

- Mỹ phẩm, đầu video, xăng

8

- Ô tô du lịch, ti vi màu, xe gắn máy, đồ hộp nước giải khát.

6

5. Kinh doanh xuất khẩu

1

6. Cung ứng tàu biển

4

7. Buôn chuyến

2

8. Đại lý bán hàng, bán hàng ký gửi, uỷ thác mua bán hàng (tính trên tiền hoa hồng)

12

9. Kinh doanh ngoại tệ, bất động sản:

a) Kinh doanh ngoại tệ

0,5

b) Kinh doanh bất động sản (kể cả xây nhà để bán)

8

10. Cơ sở kinh doanh (trừ buôn chuyến) có sổ sách kế toán, hoá đơn đúng chế độ được cơ quan thuế công nhận thì được tính thuế doanh thu trên số chênh lệch giữa giá bán hàng và giá mua hàng

14

Riêng: - Kinh doanh muối

4

- Phát hành sách báo, phim ảnh

4

- Kinh doanh nông sản thực phẩm, rau quả tươi sống và thuỷ sản

10

- Kinh doanh rượu, bia, hàng điện tử, hàng điện lạnh, xe gắn máy, ô tô du lịch từ 15 chỗ ngồi trở xuống, xăng, mỹ phẩm

16

- Kinh doanh vàng, bạc, đá quý

15

- Kinh doanh ngoại tệ, bất động sản

25

V. Ngành ăn uống

1. Quán hàng ăn uống bình dân

4

2. Cửa hàng ăn uống cao cấp (có tiện nghi tốt)

10

VI. Ngành dịch vụ

1. Sửa chữa cơ khí, phương tiện vận tải, máy kéo

2

2. Dịch vụ khoa học, kỹ thuật, bưu điện:

a) Dịch vụ khoa học, kỹ thuật

2

b) Dịch vụ bưu điện

4

3. Hoạt động của Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng, Công ty tài chính:

a) Tín dụng:

- Tín dụng Ngân hàng nông nghiệp, Hợp tác xã tín dụng nông nghiệp

2

- Tín dụng ngân hàng đầu tư

15

- Tín dụng ngân hàng ngoại thương

30

- Tín dụng Ngân hàng Công thương, Công ty tài chính và các hoạt động tín dụng khác

15

b) Các hoạt động dịch vụ nghiệp vụ khác

6

4. Cầm đồ, bảo hiểm

4

5. Xếp dỡ hàng hoá, cho thuê kho, bến bãi, xưởng sản xuất, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải hàng hoá

4

6. Dịch vụ dạy nghề, văn hoá, nghệ thuật, y tế, thể dục thể thao, tư vấn pháp luật:

a) Cơ sở kinh doanh dạy nghề, y tế, thể dục thể thao, văn hoá, nghệ thuật.

0,5

Riêng: ca múa nhạc dân tộc truyền thống, tuồng, chèo, cải lương, múa rối, ba lê, opera, giao hưởng, xiếc, kịch

0

b) Tư vấn pháp luật:

- Cho nước ngoài

4

- Cho trong nước

2

c) Chiếu phim nhựa

1

Riêng: Chiếu phim tài liệu, khoa học, đề tài thiếu nhi và phục vụ miền núi

0

7. Chụp, in, phóng ảnh; photocopy các loại

6

8. Sửa chữa thiết bị điện tử, tủ đá, tủ lạnh, máy điều hoà nhiệt độ

6

9. Chiếu video, quảng cáo, in băng, thu băng, sang băng

8

Riêng chiếu video

6

10. Cho thuê cửa hàng, đồ dùng, phòng cưới, hội trường, xe hơi du lịch

8

Riêng cho thuê nhà

10

11. Kinh doanh khách sạn, phòng ngủ, dịch vụ du lịch, tham quan

10

12. Dịch vụ uốn tóc, may đo, nhuộm, giặt, là, tẩy hấp

6

13. Mỹ viện

8

14. Dịch vụ khác

4

Riêng dịch vụ công cộng

1

15. Dịch vụ đặc biệt:

a) Khiêu vũ

30

b) Đua ngựa

20

c) Phát hành xổ số kiến thiết và các hoạt động xổ số khác

30

Riêng ở các tỉnh miền núi

20

d) Đại lý tàu biển

40

e) Môi giới vận tải và các loại môi giới khác

15

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 55-CP năm 1993 Hướng dẫn Luật Thuế doanh thu và Luật thuế doanh thu sửa đổi

  • Số hiệu: 55-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/08/1993
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản