Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 37/2018/NĐ-CP về hướng dẫn biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự

Chương III

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI ĐƯỢC GIÁM SÁT, GIÁO DỤC; TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH, NHÀ TRƯỜNG, CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN TRONG VIỆC GIÁM SÁT, GIÁO DỤC

Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục

1. Quyền của người được giám sát, giáo dục:

a) Được giải thích về biện pháp giám sát, giáo dục;

b) Được lao động, học tập hoặc học nghề; được tham gia các Chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại địa phương;

c) Được hướng dẫn thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng, đăng ký thường trú, tạm trú;

d) Được trình bày nguyện vọng, kiến nghị của mình với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và người trực tiếp giám sát, giáo dục;

đ) Được cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giám sát, giáo dục;

e) Đối với người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi có đủ các Điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 95 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

2. Nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục:

a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;

b) Chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức và người trực tiếp giám sát, giáo dục;

c) Tích cực tham gia các Chương trình học tập, dạy nghề, tham gia lao động tại cộng đồng;

d) Báo cáo tình hình học tập, lao động, kết quả sửa chữa sai phạm và sự tiến bộ của mình khi được yêu cầu;

đ) Trình diện cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.

3. Ngoài các nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều này, người được giám sát, giáo dục còn có nghĩa vụ sau:

a) Người được giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có);

b) Người được giám sát, giáo dục trong trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có nghĩa vụ không được đi khỏi nơi cư trú khi không được phép và chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động.

Điều 26. Trách nhiệm và quyền của người trực tiếp giám sát, giáo dục

1. Người trực tiếp giám sát, giáo dục có trách nhiệm:

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục;

b) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức và gia đình trong việc giám sát, giáo dục;

c) Phối hợp với Công an cấp xã trong việc tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục;

d) Theo dõi, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, dịch vụ hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, gia đình;

đ) Định kỳ hàng tháng nhận xét, đánh giá tình hình, kết quả giám sát, giáo dục vào Sổ theo dõi tình hình thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

e) Thông báo kịp thời cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục để có biện pháp ngăn ngừa, quản lý, giáo dục phù hợp;

g) Trách nhiệm khác quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 14, Điều 18, Khoản 1 Điều 19, Khoản 1 Điều 20, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 22, Khoản 1 Điều 23, Khoản 1 Điều 24 của Nghị định này.

2. Người trực tiếp giám sát, giáo dục được quyền:

a) Tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người được giám sát, giáo dục;

b) Hưởng kinh phí hỗ trợ cho việc giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giám sát, giáo dục theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan.

Điều 27. Trách nhiệm của gia đình người được giám sát, giáo dục

1. Động viên, khuyến khích người được giám sát, giáo dục chấp hành pháp luật, thực hiện nghĩa vụ, làm cam kết sửa chữa sai phạm.

2. Có biện pháp cụ thể quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giám sát, giáo dục trong sinh hoạt, học tập, làm việc; khuyến khích, tạo Điều kiện cho người được giám sát, giáo dục tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể, các Chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống (nếu có) tại nơi cư trú.

3. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân cấp xã, người trực tiếp giám sát, giáo dục, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương để quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giám sát, giáo dục.

4. Phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ sở giáo dục nơi người được giám sát, giáo dục đang học tập trong việc quản lý, động viên, giúp đỡ họ học tập, rèn luyện.

5. Hỗ trợ người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có).

Điều 28. Trách nhiệm của nhà trường

1. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân cấp xã, người trực tiếp giám sát, giáo dục trong việc tạo Điều kiện cho người được giám sát, giáo dục thực hiện nghĩa vụ tham gia các Chương trình học tập, học nghề.

2. Có biện pháp cụ thể quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giám sát, giáo dục trong quá trình họ tham gia học tập, sinh hoạt tại trường.

3. Động viên, khuyến khích người được giám sát, giáo dục chấp hành pháp luật, thực hiện tốt các nghĩa vụ của mình.

Điều 29. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục theo quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.

2. Huy động những người có Điều kiện, năng lực và kinh nghiệm tham gia công tác giám sát, giáo dục.

3. Chỉ đạo tổ chức các Chương trình dạy nghề, tìm việc làm, các Chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống, các dịch vụ y tế, xã hội, lao động tại cộng đồng trên địa bàn để tạo Điều kiện cho người được giám sát, giáo dục tham gia.

4. Hỗ trợ và đảm bảo cho người được giám sát, giáo dục được hưởng đầy đủ quyền ưu tiên và các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với trẻ em, được học văn hóa, học nghề, tham gia các Chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.

5. Đề nghị cơ quan đã áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chấm dứt thời hạn giám sát, giáo dục cho người được giám sát, giáo dục.

6. Chỉ đạo lập dự toán kinh phí cho việc thực hiện các biện pháp giám sát, giáo dục, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

7. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về công tác thi hành pháp luật về áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục.

Điều 30. Trách nhiệm của Công an cấp xã

1. Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục.

2. Dự kiến phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục; tổ chức cuộc họp thông báo thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

3. Phối hợp với gia đình, người trực tiếp giám sát, giáo dục, các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giám sát, giáo dục.

4. Hướng dẫn, giúp đỡ người được giám sát, giáo dục thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú, khai báo tạm vắng; cấp mới, cấp đổi hoặc cấp lại giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân; theo dõi việc vắng mặt tại nơi cư trú, chuyển nơi cư trú của người được giám sát, giáo dục.

Tiếp nhận người được giám sát, giáo dục từ nơi khác chuyển đến lưu trú hoặc tạm trú trong thời gian vắng mặt tại nơi cư trú và nhận xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật trong thời gian người được giám sát, giáo dục lưu trú, tạm trú tại địa phương.

5. Lập hồ sơ ban đầu và hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

6. Phối hợp chặt chẽ với người trực tiếp giám sát, giáo dục, với gia đình của người được giám sát, giáo dục và cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập thông tin, tài liệu, bổ sung hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

7. Định kỳ hoặc khi có yêu cầu, tổng hợp số liệu, đánh giá tình hình, kết quả thi hành biện pháp giám sát, giáo dục trong phạm vi thẩm quyền, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 31. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp thực hiện việc giám sát, giáo dục

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu tại điểm b Khoản 2 Điều 10 của Nghị định này có trách nhiệm:

1. Tham gia góp ý, xây dựng Kế hoạch giám sát, giáo dục;

2. Thực hiện các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể quy định tại các Điều 15, 16 và 17 của Nghị định này hoặc cung cấp các dịch vụ cần thiết để hỗ trợ người được giám sát, giáo dục theo nội dung và thời gian tại Kế hoạch giám sát, giáo dục;

3. Giúp đỡ và tạo Điều kiện cho người được giám sát, giáo dục thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ;

4. Đánh giá về tình hình chấp hành, hiệu quả của các biện pháp giám sát, giáo dục mà mình trực tiếp thực hiện đối với người được giám sát, giáo dục và đề xuất giải pháp (nếu có) gửi người trực tiếp giám sát, giáo dục tổng hợp.

Nghị định 37/2018/NĐ-CP về hướng dẫn biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự

  • Số hiệu: 37/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/03/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 481 đến số 482
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH