Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Nghị định 37/2018/NĐ-CP về hướng dẫn biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự

Mục 1. THÔNG BÁO VIỆC THI HÀNH CÁC BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC; PHÂN CÔNG NGƯỜI TRỰC TIẾP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC VÀ LẬP HỒ SƠ THI HÀNH BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC

Điều 7. Lập hồ sơ ban đầu, phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục

1. Ngay sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho Công an cùng cấp thực hiện các công việc quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận nhiệm vụ, Công an cấp xã phải hoàn thành các công việc sau đây:

a) Lập hồ sơ ban đầu, gồm các thông tin về lý lịch cá nhân của người được giám sát, giáo dục và bản sao quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền;

b) Căn cứ vào nhân thân, Điều kiện, hoàn cảnh của người được giám sát, giáo dục; năng lực, khối lượng công việc và ý kiến của các cá nhân thuộc danh sách người trực tiếp giám sát, giáo dục quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Nghị định này, đề xuất người trực tiếp giám sát, giáo dục để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.

3. Trên cơ sở đề xuất của Công an cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ra Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục phải gửi ngay cho người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục, người được giám sát, giáo dục và cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Một người có thể được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục nhiều người nhưng không quá 03 người trong cùng một thời điểm.

4. Trong quá trình thực hiện biện pháp giám sát, giáo dục, nếu người trực tiếp giám sát, giáo dục không có Điều kiện để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được phân công thì Công an cấp xã phải kịp thời dự kiến người khác thay thế, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.

5. Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục phải được lưu vào hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

Điều 8. Thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập người được giám sát, giáo dục; mời cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục và Công an cấp xã để thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

2. Nội dung thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục gồm:

a) Thông báo quyền và nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục;

b) Giới thiệu người trực tiếp giám sát, giáo dục; trách nhiệm của người trực tiếp giám sát, giáo dục;

c) Trách nhiệm của gia đình trong việc phối hợp thực hiện biện pháp giám sát, giáo dục.

3. Thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục phải được lập thành biên bản và lưu vào hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

Điều 9. Xây dựng Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục

1. Ngay sau khi nhận Quyết định phân công trực tiếp giám sát, giáo dục của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người trực tiếp giám sát, giáo dục phải tiến hành ngay các công việc sau đây để xây dựng Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục:

a) Gặp gỡ người được giám sát, giáo dục, cha, mẹ hoặc người giám hộ và những người khác để thu thập các thông tin liên quan đến nhân thân, sức khỏe, tâm lý, hoàn cảnh gia đình, Điều kiện sống, quan hệ bạn bè và quá trình vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục;

b) Phân tích các thông tin thu thập được để xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục; các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, các dịch vụ hỗ trợ để giúp họ phục hồi và phòng ngừa tái phạm.

2. Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục được thực hiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 10. Xây dựng, ban hành Kế hoạch giám sát, giáo dục

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận Quyết định phân công, người trực tiếp giám sát, giáo dục, căn cứ thời hạn giám sát, giáo dục và Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật quy định tại Điều 9 của Nghị định này, người trực tiếp giám sát, giáo dục xây dựng dự thảo Kế hoạch giám sát, giáo dục theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Kế hoạch, người trực tiếp giám sát, giáo dục tham khảo ý kiến, nguyện vọng của người được giám sát, giáo dục và cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó; chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp dịch vụ sẵn có ở địa phương, trao đổi với Trung tâm công tác xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan để bảo đảm tính phù hợp và khả thi của Kế hoạch.

2. Kế hoạch giám sát, giáo dục bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, các dịch vụ hỗ trợ cần thực hiện để khắc phục các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể; các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ cần thiết; cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp;

c) Thời điểm bắt đầu thực hiện, thời điểm kết thúc các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, các dịch vụ hỗ trợ;

d) Các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, các dịch vụ hỗ trợ cần có sự chỉ đạo, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức cấp huyện hoặc cấp tỉnh.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo Kế hoạch giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp để thảo luận, góp ý dự thảo Kế hoạch giám sát, giáo dục.

Thành Phần tham gia cuộc họp gồm: Người được giám sát, giáo dục; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giám sát, giáo dục; người trực tiếp giám sát, giáo dục; Công an cấp xã; Ban bảo vệ trẻ em cấp xã; cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể; các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ cần thiết; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm phối hợp.

Tại cuộc họp, người trực tiếp giám sát, giáo dục trình bày Báo cáo quy định tại Điều 9 của Nghị định này và dự thảo Kế hoạch giám sát, giáo dục; những người tham gia cuộc họp phát biểu ý kiến; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã kết luận.

4. Sau khi kết thúc cuộc họp quy định tại Khoản 3 Điều này, người trực tiếp giám sát, giáo dục hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch giám sát, giáo dục trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký ban hành.

Kế hoạch phải được gửi cho người được giám sát, giáo dục, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện và gửi Công an cấp xã để lưu vào hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

Điều 11. Lập, quản lý hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục

1. Công an cấp xã giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp lập và quản lý hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục đối với người được giám sát, giáo dục.

2. Hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục gồm các tài liệu sau đây:

a) Các tài liệu trong hồ sơ ban đầu quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 7 của Nghị định này;

b) Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục quy định tại Khoản 3 Điều 7 của Nghị định này;

c) Biên bản thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định này;

d) Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục quy định tại Điều 9 của Nghị định này;

đ) Kế hoạch giám sát, giáo dục quy định tại Điều 10 của Nghị định này;

e) Cam kết của người được giám sát, giáo dục về việc chấp hành biện pháp giám sát, giáo dục quy định tại Điều 13 của Nghị định này;

g) Sổ theo dõi tình hình thực hiện Kế hoạch giám sát, giáo dục quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 14 của Nghị định này;

h) Báo cáo định kỳ hàng tháng của người trực tiếp giám sát, giáo dục về kết quả giám sát, giáo dục quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 14 của Nghị định này;

i) Biên bản trình diện quy định tại Khoản 3 Điều 18 của Nghị định này;

k) Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, giáo dục quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này;

l) Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp khiển trách, biện pháp hòa giải tại cộng đồng quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Nghị định này;

m) Các tài liệu khác có liên quan.

3. Ngoài các tài liệu quy định tại Khoản 2 Điều này (trừ tài liệu quy định tại điểm 1), hồ sơ thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn có thêm các tài liệu sau đây:

a) Các tài liệu về việc vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 22 của Nghị định này (nếu có);

b) Quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Khoản 1 Điều 24 của Nghị định này;

c) Giấy chứng nhận đã chấp hành xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại Khoản 2 Điều 24 của Nghị định này.

Nghị định 37/2018/NĐ-CP về hướng dẫn biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự

  • Số hiệu: 37/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/03/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 481 đến số 482
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH