Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 35-CP NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 1996 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH VỀ DÂN QUÂN TỰ VỆ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh về dân quân tự vệ ngày 9 tháng 01 năm 1996;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Việc đăng ký quản lý và tuyển chọn vào dân quân tự vệ quy định như sau:

1. Hàng năm từ ngày 01 đến ngày 15 tháng 4, công dân trong độ tuổi theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh về dân quân tự vệ, phải được đăng ký vào danh sách để quản lý tại xã, phường, thị trấn nơi thường trú, hoặc nơi đang công tác, học tập, lao động.

2. Tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào lực lượng dân quân tự vệ:

- Có lý lịch rõ ràng,

- Có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,

- Có đủ sức khoẻ.

3. Uỷ ban nhân dân các cấp, Giám đốc các doanh nghiệp, Thủ trưởng các cơ quan hành chính sự nghiệp có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ việc đăng ký quản lý công dân trong độ tuổi quy định tại Điều 2, Pháp lệnh dân quân tự vệ, theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

4. Cơ quan quân sự ở các cấp có trách nhiệm tham mưu giúp chính quyền cùng cấp, tổ chức thực hiện việc đăng ký, tuyển chọn công dân vào lực lượng dân quân tự vệ. Việc công nhận công dân vào dân quân tự vệ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, giám đốc các doanh nghiệp, Thủ trưởng các cơ quan hành chính sự nghiệp quyết định.

Điều 2.- Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, phải nắm chắc số lượng, chất lượng dân quân hiện có; số lượng, chất lượng công dân được đăng ký và kết quả tuyển chọn; tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ của cơ sở để giúp Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện việc luân phiên phục vụ trong lực lượng dân quân theo thời hạn 4 năm; bảo đảm cho dân quân tự vệ có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; tạo nguồn dự bị để mở rộng lực lượng khi cần thiết và bảo đảm công bằng xã hội.

Điều 3.- Việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo khoản 2 Điều 6 Pháp lệnh, quy định như sau:

1. Các doanh nghiệp có tổ chức Đảng, phải tổ chức lực lượng tự vệ.

2. Những doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng phải tổ chức lực lượng tự vệ khi cơ quan quân sự tỉnh, thành phố yêu cầu, hoặc khi doanh nghiệp đề nghị và được cơ quan quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấp nhận. Lực lượng tự vệ ở các doanh nghiệp này do cơ quan quân sự, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chỉ huy và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ đảng của cấp đó.

3. Những doanh nghiệp chưa tổ chức tự vệ, thì giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện và bảo đảm kinh phí cho công dân trong độ tuổi thuộc cơ sở mình tham gia dân quân tự vệ ở địa phương nơi họ thường trú.

Điều 4.- Quy mô, cơ cấu tổ chức lực lượng dân quân tự vệ thực hiện theo khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh, quy định như sau:

1. Cơ cấu tổ chức lực lượng dân quân tự vệ gồm có phân đội bộ binh và phân đội binh chủng chuyên môn cần thiết, có lực lượng chiến đấu tại chỗ, có lực lượng cơ động.

Đối với các cơ quan Nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội chỉ tổ chức lực lượng chiến đấu tại chỗ để bảo vệ cơ quan, đơn vị mình.

2. Quy mô tổ chức lực lượng dân quân tự vệ:

a) ở các xã, phường, thị trấn đồng bằng, ven biển, trung du, quy mô tổ chức ở làng, xóm, thôn ấp, cụm dân cư mỗi nơi tổ chức từ tiểu đội đến trung đội; các thôn, ấp lớn và có điều kiện có thể tổ chức đến đại đội.

b) Các xã phường, thị trấn ở vùng núi, vùng cao, vùng sâu, mỗi bản, thôn quy mô tổ chức là tổ, tiểu đội hoặc trung đội.

c) Đối với cơ quan Nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, lấy đơn vị học tập, công tác, sản xuất để tổ chức, quy mô tổ chức là tiểu đội, trung đội.

d) ở doanh nghiệp Nhà nước lấy đơn vị sản xuất tổ đội, phân xưởng, quy mô tổ chức là tiểu đội, trung đội, đại đội; nơi có điều kiện cả doanh nghiệp có thể tổ chức đến tiểu đoàn.

e) ở doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, quy mô tổ chức từ tổ, tiểu đội đến trung đội.

g) ở các tổ chức chính trị - xã hội quy mô tổ chức là tiểu đội, trung đội.

Điều 5.-

1. Ban chỉ huy quân sự ở xã, phường, thị trấn và ở các đơn vị doanh nghiệp Nhà nước, có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân, giám đốc doanh nghiệp, chỉ đạo các mặt công tác quốc phòng, trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ trong xây dựng và hoạt động tác chiến trị an ở cơ sở.

2. Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn và ở các doanh nghiệp Nhà nước phải là người có phẩm chất tốt, có tinh thần trách nhiệm, có năng lực thực hiện nhiệm vụ ở cương vị được giao và đã qua rèn luyện thử thác trong chiến đấu, sản xuất, công tác.

3. Ở các xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển, hải đảo được bố trí phó chỉ huy trưởng quân sự chuyên trách.

- Ở các xã, phường, thị trấn trọng điểm trong nội địa; các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, xét nơi nào thật cần thiết thì sau khi thống nhất với tư lệnh quân khu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định cụ thể xã, phường, thị trấn đó có phó chỉ huy trưởng quân sự là chuyên trách. Các xã, phường, thị trấn còn lại bố trí phó chỉ huy trưởng quân sự bán chuyên trách.

4. Việc bổ nhiệm Phó chỉ huy quân sự chuyên trách hoặc bán chuyên trách ở xã, phường, thị trấn do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định.

Điều 6.- Vũ khí, trang bị của lực lượng dân quân tự vệ, từ bất cứ nguồn nào đều phải được đăng ký, quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích theo Điều 14 Pháp lệnh về dân quân tự vệ. Bộ Quốc phòng quy định chế độ đăng lý, quản lý sử dụng vũ khí trang bị của lực lượng dân quân tự vệ.

Điều 7.-

1. Thời gian học tập chính trị, huấn lượng quân sự hàng năm cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ thực hiện theo Điều 16 Pháp lệnh về dân quân tự vệ.

Khi có yêu cầu cần thiết hoặc khi có chiến tranh, thời gian huấn luyện cho các đối tượng dân quân tự vệ, hàng năm có thể kéo dài gấp đôi so với thời gian quy định.

2. Các cấp, các ngành có trách nhiệm chỉ đạo việc huấn luyện quân sự, học tập chính trị cho dân quân tự vệ bảo đảm đúng nội dung, chương trình do Bộ Quốc phòng quy định.

Điều 8.-

1. Việc sử dụng lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với các lực lượng vũ trang khác làm nhiệm vụ tác chiến trị an, phải có kế hoạch bảo đảm thống nhất, đúng chức năng nhiệm vụ của từng lực lượng.

2. ở những địa bàn trọng điểm biên giới, ven biển, hải đảo và trong nội địa, có yêu cầu sẵn sàng chiến đấu cao, được tổ chức lực lượng dân quân tự vệ luân phiên thường trực chiến đấu theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức và bảo đảm các mặt về đời sống, sinh hoạt, học tập cho lực lượng dân quân tự vệ luân phiên thường trực chiến đấu.

Điều 9.- Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn nào, đều có trách nhiệm quan hệ với cơ quan quân sự địa phương, tham gia xây dựng, huấn luyện dân quân tự về và phối hợp với dân quân tự vệ trong hoạt động tác chiến trị an.

Điều 10.-Phó chỉ huy trưởng chuyên trách và bán chuyên trách Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn được hưởng khoản phụ cấp hàng tháng theo quy định tại Điều 26 của Pháp lệnh về dân quân tự vệ. Mức phụ cấp để tính thực hiện theo điểm d, khoản 1, Điều 2 Nghị định 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ; thời điểm được hưởng khoản phụ cấp hàng tháng kể từ khi được cấp có thẩm quyền quy định tạikhoản 4, Điều 5 Nghị định này, Quyết định bổ nhiệm chính thức.

- Cán bộ chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn khi đi huấn luyện tại trường quân sự tỉnh thì gia đình được trợ cấp, cứ mỗi ngày bằng hệ số 0,1 mức lương hàng tháng tối thiểu.

Điều 11.-

1. Cán bộ, chiến sĩ dân quân trong thời gian làm nhiệm vụ quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 26 Pháp lệnh về dân quân tự vệ, cứ mỗi ngày làm nhiệm vụ được hưởng một khoản tiền tương đương giá trị ngày công lao động ở từng địa phương, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận quy định.

2. Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ trong thời gian làm nhiệm vụ bị tai nạn, ốm đau hoặc chết quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 26 Pháp lệnh được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội như đối với công nhân, viên chức Nhà nước theo Nghị định 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng hướng dẫn chi tiết việc thi hành các chế độ này.

- Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ bị thương hoặc hy sinh khi làm các nhiệm vụ quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 26 Pháp lệnh nếu được xác nhận là thương binh, liệt sĩ thì bản thân và gia đình được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi theo Nghị định 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ.

3. Dân quân tự vệ làm nhiệm vụ luân phiên thường trực chiến đấu theo quy định tại khoản 2, Điều 8 Nghị định này, từ 6 tháng trở lên được cấp một bộ quần áo, một đôi giày vải, một mũ cứng.

Điều 12.-Kinh phí hàng năm cho xây dựng, hoạt động của dân quân tự vệ; phụ cấp cán bộ được thực hiện theo Điều 27, Pháp lệnh về dân quân tự vệ và nằm trong ngân sách của địa phương. Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể, bảo đảm chặt chẽ để hạn chế tăng số chuyên trách đối với các xã trọng điểm nội địa, các xã, vùng sâu, vùng xa.

Điều 13.- Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc tổ chức xây dựng, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ được khen thưởng theo các hình thức và chế độ hiện hành của Nhà nước.

Cơ quan quân sự các cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan, giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp xét duyệt quyết định khen thưởng, hoặc đề nghị lên cấp trên khen thưởng, bảo đảm kịp thời chính xác.

Điều 14.- Để phát huy truyền thống và tăng cường xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hàng năm Uỷ ban nhân dân các địa phương, các Bộ, ngành và cơ quan quân sự các cấp có trách nhiệm tổ chức thiết thực, trọng thể kỷ niệm ngày 28 tháng 3, ngày truyền thống dân quân tự vệ.

Điều 15.- Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, cản trở việc tổ chức, xây dựng, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 24/CP ngày 18 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 16.- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 17.- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với các Bộ có liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 18.- Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn kiệt

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 35-CP năm 1996 Hướng dẫn Pháp lệnh dân quân tự vệ

  • Số hiệu: 35-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 14/06/1996
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản