Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 178/1999/NĐ-CP về việc bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng

Chương 4:

CHO VAY KHÔNG CÓ BẢO ĐẢM BẰNG TÀI SẢN

MỤC 1: TỔ CHỨC TÍN DỤNG LỰA CHỌN CHO VAY KHÔNG CÓ BẢO ĐẢM BẰNG TÀI SẢN

Điều 19. Trường hợp áp dụng

Tổ chức tín dụng được lựa chọn khách hàng vay để cho vay không có bảo đảm bằng tài sản khi cho vay vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển hoặc phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống đối với khách hàng vay theo quy định tại Điều 20, Điều 21 của Nghị định này.

Điều 20. Điều kiện đối với khách hàng vay không có bảo đảm bằng tài sản

1. Khách hàng vay phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có tín nhiệm với tổ chức tín dụng cho vay trong việc sử dụng vốn vay và trả nợ đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi;

b) Có dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi, có khả năng hoàn trả nợ; hoặc có dự án, phương án phục vụ đời sống khả thi phù hợp với quy định của pháp luật;

c) Có khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ trả nợ;

d) Cam kết thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tài sản theo yêu cầu của tổ chức tín dụng nếu sử dụng vốn vay không đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng; cam kết trả nợ trước hạn nếu không thực hiện được các biện pháp bảo đảm bằng tài sản quy định tại điểm này.

2. Đối với khách hàng vay là doanh nghiệp, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này còn phải có kết quả sản xuất kinh doanh có lãi trong hai năm liền kế với thời điểm xem xét cho vay.

Điều 21. Hạn chế cho vay không có bảo đảm bằng tài sản

1. Tổ chức tín dụng không được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản cho một tổ chức tín dụng trong từng thời kỳ.

3. Tổ chức tín dụng quy định mức dư nợ tối đa được vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với một khách hàng vay.

MỤC 2: TỔ CHỨC TÍN DỤNG NHÀ NƯỚC CHO VAY KHÔNG CÓ BẢO ĐẢM THEO CHỈ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Điều 22. Cho vay không có bảo đảm theo chỉ định của Chính phủ

Tổ chức tín dụng nhà nước cho vay không có bảo đảm đối với khách hàng vay để thực hiện các dự án đầu tư thuộc chương trình kinh tế đặc biệt, chương trình kinh tế trọng điểm của Nhà nước, chương trình kinh tế - xã hội và đối với một số khách hàng thuộc đối tượng được hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi về điều kiện vay vốn theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.

Điều 23. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng nhà nước được cho vay không có bảo đảm theo chỉ định của Chính phủ

1. Thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với khoản cho vay được chỉ định và tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình xem xét cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay và thu hồi nợ cả gốc và lãi.

2. Tổ chức theo dõi riêng các khoản cho vay theo chỉ định và báo cáo tình hình sử dụng vốn vay, khả năng thu hồi nợ, kiến nghị xử lý những tổn thất trong các trường hợp không thu hồi được nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 25 của Nghị định này.

Điều 24. Trách nhiệm của khách hàng vay không có bảo đảm theo chỉ định của Chính phủ

1. Thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng.

2. Thực hiện đúng các quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ khi sử dụng vốn vay đối với khoản vay theo chỉ định.

3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tổn thất trong việc sử dụng vốn vay do các nguyên nhân chủ quan của mình gây ra.

Điều 25. Xử lý tổn thất các khoản cho vay không có bảo đảm theo chỉ định của Chính phủ

1. Chính phủ xử lý tổn thất cho các tổ chức tín dụng nhà nước trong trường hợp khách hàng vay vốn theo chỉ định không trả được nợ (gốc và lãi) do các nguyên nhân sau đây:

a) Do thiên tai, hỏa hoạn và các biến cố rủi ro khách quan khác;

b) Khách hàng vay là tổ chức kinh tế bị giải thể theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc bị tuyên bố phá sản mà sau khi xử lý theo quy định của pháp luật vẫn không trả đủ nợ cho tổ chức tín dụng;

c) Nhà nước thay đổi chủ trương, chính sách dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng vay gặp khó khăn và không trả được nợ;

d) Các nguyên nhân khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Hàng quý, tổ chức tín dụng nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ định cho vay không có bảo đảm tổng hợp các khoản tổn thất do các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều này, báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp xử lý tổn thất cho tổ chức tín dụng.

MỤC 3: BẢO LÃNH BẰNG TÍN CHẤP CỦA TỔ CHỨC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI CHO CÁ NHÂN, HỘ GIA ĐÌNH NGHÈO VAY VỐN

Điều 26. Bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội

1. Tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại cơ sở của: Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thực hiện bảo lãnh bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

2. Người được bảo lãnh là cá nhân, hộ gia đình nghèo là thành viên của một trong các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội quy định tại khoản 1 Điều này khi vay một khoản tiền nhỏ tại tổ chức tín dụng để sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ.

3. Mức vay tối đa của mỗi cá nhân, hộ gia đình nghèo được tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội bảo lãnh bằng tín chấp do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định trong từng thời kỳ.

Điều 27. Hình thức bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội

Việc bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại cơ sở phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ các nội dung: số tiền vay, mục đích vay, nghĩa vụ của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức bảo lãnh.

Điều 28. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng cho vay có bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội

1. Yêu cầu tổ chức bảo lãnh phối hợp với tổ chức tín dụng trong việc kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc trả nợ.

2. Phối hợp với tổ chức bảo lãnh thực hiện việc cho vay và thu hồi nợ.

Điều 29. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội bảo lãnh bằng tín chấp

1. Giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn và sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức tín dụng.

2. Từ chối việc bảo lãnh nếu xét thấy cá nhân, hộ gia đình nghèo không có khả năng sử dụng vốn vay để sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ và trả nợ cho tổ chức tín dụng.

Điều 30. Nghĩa vụ của cá nhân, hộ gia đình nghèo được bảo lãnh vay vốn

1. Sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội kiểm tra việc sử dụng vốn vay.

3. Trả nợ đầy đủ (gốc và lãi) đúng hạn cho tổ chức tín dụng.

Nghị định 178/1999/NĐ-CP về việc bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng

  • Số hiệu: 178/1999/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 29/12/1999
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 31/01/2000
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 13/01/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH