Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 175-CP năm 1994 hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường

Chương 5:

NGUỒN TÀI CHÍNH CHO NHIỆM VỤ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 32. Nguồn tài chính cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường gồm:

1- Ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động bảo vệ môi trường, cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường;

2- Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động của các công trình kinh tế - xã hội; phí bảo vệ môi trường do các tổ chức, cá nhân sử dụng thành phần môi trường vào mục đích sản xuất kinh doanh đóng góp theo quy định chi tiết của Bộ Tài chính;

3- Các khoản khác (tiền phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, đóng góp của các tổ chức kinh tế - xã hội...).

Điều 33.

Chính phủ lập quỹ dự phòng quốc gia khắc phục tình trạng suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường và sự có môi trường nhằm chủ động đối phó với các trường hợp đột xuất về sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường và suy thoái môi trường.

Nguồn tài chính lập quỹ nói trên gồm nguồn trích từ ngân sách Nhà nước, đóng góp của các doanh nghiệp (kể cả các liên doanh với nước ngoài), đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài cho các hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Tài chính xây dựng quy chế quản lý và sử dụng quỹ này.

Điều 34. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực hoặc đối tượng sau đây phải nộp phí bảo vệ môi trường:

- Khai thác dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản khác;

- Sân bay, bến cảng, bến xe, nhà ga;

- Phương tiện giao thông cơ giới;

- Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác gây ô nhiễm môi trường.

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh có gây ô nhiễm môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường.

Mức thu phí bảo vệ môi trường tuỳ thuộc vào mức độ tác động xấu của hoạt động sản xuất kinh doanh có thể xảy ra đối với môi trường.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về thu và sử dụng phí bảo vệ môi trường.

Điều 35, Nguồn tài chính cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường hàng năm được chi cho các nội dung sau đây:

1- Điều tra cơ bản các yếu tố về môi trường, chú trọng các môi trường đất, nước, không khí, rừng, biển và các khía cạnh văn hoá liên quan...;

2- Điều tra tình hình ô nhiễm môi trường ở các tỉnh, thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư quan trọng, các vùng biển đang khai thác dầu khí...;

3- Các biện pháp bảo vệ, khôi phục, cải tạo môi trường, quản lý chất thải (nhất là các chất thải độc hại) ở các thành phố và các khu công nghiệp;

4- Các dự án bảo tồn, khôi phục các hệ sinh thái có tầm quan trọng cho phát triển lâu bền kinh tế - xã hội và duy trì tính đa dạng sinh học (bao gồm các vườn quốc gia, các khu bảo vệ và dự trữ thiên nhiên, các hệ sinh thái đất ngập nước ở các cửa sông và ven biển, các hệ sinh thái rừng ngập mặn, các ám tiêu san hô, các loài sinh vật quý hiếm, bảo vệ các nguồn gien...);

5- Xây dựng cơ bản các công trình cần thiết về bảo vệ môi trường.

Điều 36.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Tài chính quy định về thu, chi, quản lý tài chính, tài sản trong công tác bảo vệ môi trường phù hợp với các chế độ quản lý hiện hành.

Nghị định 175-CP năm 1994 hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường

  • Số hiệu: 175-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/10/1994
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 18/10/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH