Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 173/2004/NĐ-CP về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự

Chương 3:

CÁC BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ

Điều 19. Nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án

1. Chấp hành viên chỉ được áp dụng các biện pháp cưỡng chế đã được quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

2. Chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án sau khi đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án, trừ trường hợp cần áp dụng biện pháp cưỡng chế ngay theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Không được tổ chức cưỡng chế trong khoảng thời gian quy định tại khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự; mười lăm ngày trước và sau tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải thi hành án và các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

3. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án.

4. Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; tính chất, mức độ của nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; đề nghị của đương sự và tình hình thực tế ở địa phương để áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp.

Điều 20. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án

1. Các khoản thu nhập hợp pháp khác của người phải thi hành án ngoài tiền lương, trợ cấp hưu trí, mất sức theo quy định tại khoản 1 Điều 40 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự là những khoản thu nhập của cán bộ, công nhân trong các tổ chức kinh tế; thu nhập của xã viên hợp tác xã; tiền thưởng và các khoản thu nhập hợp pháp khác mà họ được nhận từ một tổ chức, cá nhân đang quản lý số thu nhập đó.

Việc xác định mức sinh hoạt tối thiểu của người phải thi hành án và người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng được căn cứ vào điều kiện cụ thể từng địa phương nơi họ sinh sống.

2. Việc thực hiện biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập theo quy định tại Điều 40 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự cũng được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác để thi hành án.

Điều 21. Kê biên, giao tài sản

1. Trước khi ra quyết định kê biên tài sản, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản cung cấp thông tin về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin về tài sản dự định kê biên có đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án đối với người có quyền hay không hoặc tài sản do người phải thi hành án quản lý, sử dụng có phải là tài sản thuê mua tài chính hay không. Trong thời hạn năm ngày làm việc, các cơ quan nói trên phải trả lời bằng văn bản cho Chấp hành viên về những nội dung yêu cầu đó.

2. Khi kê biên tài sản, Chấp hành viên phải tạm tính trị giá các tài sản định kê biên để kê biên tương ứng với nghĩa vụ thi hành án và thanh toán các chi phí thi hành án. Chấp hành viên căn cứ vào giá thị trường, đồng thời có thể tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng và của các bên đương sự để tạm tính giá trị tài sản kê biên.

3. Trong trường hợp kê biên tài sản là nhà ở hoặc đồ vật đang bị khoá hay đóng gói thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý tài sản đó mở khoá, mở gói; nếu người phải thi hành án, người quản lý, sử dụng tài sản không mở hoặc cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên lập biên bản (có ít nhất hai người làm chứng và sự tham gia của đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp) mở khoá hay mở gói để kiểm tra, liệt kê cụ thể các tài sản và kê biên theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đang chấp hành hình phạt tù thì Chấp hành viên thực hiện việc thông báo các quyết định, giấy báo về thi hành án cho những người đó thông qua giám thị trại giam. Người đang bị giam giữ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ về thi hành án của mình theo quy định của pháp luật.

4. Khi phát hiện người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên yêu cầu người đang giữ tài sản chuyển cho cơ quan thi hành án để thi hành án. Trường hợp người thứ ba không tự nguyện thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản đó để thi hành án.

Nếu phát hiện người thứ ba đang nợ tiền của người phải thi hành án mà khoản nợ đó đã được xác định bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, thì Chấp hành viên yêu cầu người đó chuyển số tiền cho cơ quan thi hành án để thi hành án. Nếu người thứ ba đang nợ tiền của người phải thi hành án nói trên không thực hiện thì Chấp hành viên có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết để thu hồi khoản tiền đó để thi hành án.

Khi kê biên tài sản, nếu có các tranh chấp mà việc tranh chấp đó đương sự chưa khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết thì Chấp hành viên hướng dẫn cho các bên liên quan khởi kiện ra Toà án để bảo vệ quyền lợi của mình. Hết thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày được hướng dẫn mà các bên không khởi kiện thì Chấp hành viên tiếp tục xử lý tài sản đó để thi hành án (trừ trường hợp có trở ngại khách quan quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này mà các bên không khởi kiện đúng hạn).

5. Đối với trường hợp tài sản kê biên thuộc diện đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm thì khi ra quyết định kê biên tài sản, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho các cơ quan sau đây biết việc kê biên tài sản:

a) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tài sản gắn liền với đất trong trường hợp kê biên quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

b) Cục Hàng không Việt Nam, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu bay;

c) Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu biển;

d) Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, trong trường hợp tài sản kê biên là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;

đ) Cơ quan đăng ký thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp, trong trường hợp tài sản kê biên không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c của khoản này, trừ trường hợp tài sản kê biên là tài sản có giá trị nhỏ hoặc tài sản kê biên đã được giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản hay được bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án.

e) Các cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, sử dụng khác theo quy định của pháp luật.

6. Kể từ thời điểm nhận được thông báo về việc kê biên tài sản, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản không thực hiện việc đăng ký chuyển dịch tài sản đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc thông báo về quyết định kê biên tài sản có giá trị đối với bên thứ ba, kể từ ngày thông báo đó được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận.

Trong thời hạn không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày giải toả kê biên tài sản hay hoàn tất việc bán hoặc giao tài sản kê biên để thi hành án, cơ quan thi hành án phải thông báo cho cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm quy định tại khoản 5 của Điều này biết.

7. Việc cưỡng chế giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự cũng được áp dụng trong trường hợp chia tài sản chung.

Điều 22. Tài sản không được kê biên

1. Trường hợp người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan thi hành án không kê biên các tài sản sau để thi hành án:

a) Số lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới; số thuốc men cần dùng cho nhu cầu phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình;

b) Công cụ lao động thông thường cần thiết được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của người phải thi hành án và gia đình như cày, bừa, cuốc, xẻng, xe đạp thồ, xích lô và các công cụ có giá trị không lớn.

Các công cụ lao động có giá trị như xe máy, ô tô, tàu thuyền, máy cày, máy xay xát và các công cụ có giá trị khác thì Chấp hành viên vẫn kê biên, phát mại để thi hành án và trích lại một khoản tiền để người phải thi hành án có thể thay thế bằng một công cụ lao động khác có giá trị thấp hơn;

c) Số quần áo, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình theo mức tối thiểu ở từng địa phương như nồi, xoong, bát đĩa, giường, tủ, bàn ghế và các vật dụng thông thường khác có giá trị không lớn. Những đồ dùng sinh hoạt hay tư trang như ti vi, tủ lạnh, máy điều hoà, máy giặt, máy vi tính, nhẫn vàng, giường, tủ và những đồ dùng có giá trị, thì cơ quan thi hành án vẫn kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Đồ dùng thờ cúng thông thường theo tập quán ở địa phương.

2. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ (gọi chung là tổ chức kinh tế) thuộc mọi thành phần kinh tế, cơ quan thi hành án không được kê biên các tài sản sau để thi hành án:

a) Thuốc men chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ ăn giữa ca cho người lao động;

b) Nhà trẻ, trường học và các thiết bị, phương tiện, đồ dùng thuộc các cơ sở này, nếu đây không phải là tài sản lưu thông kinh doanh của doanh nghiệp;

c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động; phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường;

d) Cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ lợi ích công cộng, an ninh, quốc phòng;

đ) Nguyên - vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm là các hoá chất độc hại nguy hiểm hoặc tài sản không được phép lưu hành;

e) Số nguyên - vật liệu bán thành phẩm đang nằm trong dây chuyền sản xuất khép kín;

g) Các trường hợp đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức) hoạt động bằng nguồn vốn do ngân sách nhà nước cấp thì cơ quan thi hành án không kê biên các tài sản do ngân sách nhà nước trực tiếp cấp mà yêu cầu cơ quan, tổ chức đó có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tài chính để thi hành án theo quy định tại Điều 33 của Pháp lệnh Thi hành án dân sựĐiều 4 của Nghị định này.

Trường hợp cơ quan, tổ chức có nguồn thu từ các hoạt động có thu hợp pháp khác thì cơ quan thi hành án kê biên các tài sản có nguồn gốc từ nguồn thu đó để thi hành án, trừ các tài sản sau đây:

a) Thuốc men chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ việc ăn giữa ca cho cán bộ, công chức;

b) Nhà trẻ, trường học và các thiết bị, phương tiện, đồ dùng thuộc các cơ sở này, nếu đây không phải là tài sản lưu thông kinh doanh của cơ quan, tổ chức;

c) Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động; phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường;

d) Trụ sở làm việc.

Điều 23. Định giá tài sản

1. Sau khi kê biên, nếu các đương sự thoả thuận được giá tài sản đã kê biên thì Chấp hành viên lập biên bản ghi rõ thoả thuận đó, có chữ ký của các đương sự.

Thời hạn để cho các bên đương sự thoả thuận về giá không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản. Đối với tài sản tươi sống, mau hỏng thì khi kê biên, các bên đương sự phải thoả thuận ngay về giá.

2. Chấp hành viên lập Hội đồng định giá với thành phần quy định tại khoản 2 Điều 43 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự do Chấp hành viên làm Chủ tịch để định giá tài sản đã kê biên khi các đương sự không thoả thuận được về giá hoặc việc định giá tài sản cần thiết phải có sự tham gia của cán bộ chuyên môn. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên có quyền thuê hoặc trưng cầu giám định về giá trị của tài sản. Khi có yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan chuyên môn có trách nhiệm cử người có chuyên môn tham gia việc định giá.

Đại diện cơ quan chuyên môn trong Hội đồng định giá là người có chuyên môn, kỹ thuật thuộc cơ quan có thẩm quyền quản lý về mặt chuyên môn - nghiệp vụ đối với tài sản định giá. Nếu tài sản định giá là nhà ở thì phải có đại diện của cơ quan quản lý nhà đất và cơ quan quản lý xây dựng tham gia Hội đồng định giá.

Hội đồng định giá tài sản căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm định giá và ý kiến chuyên môn của các cơ quan, tổ chức giám định tài sản để xác định giá tài sản. Hội đồng định giá quyết định về giá của tài sản theo đa số; trong trường hợp các bên có ý kiến ngang nhau về giá tài sản thì bên nào có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là căn cứ xác định giá khởi điểm để bán tài sản. Các thành viên Hội đồng định giá có quyền bảo lưu ý kiến của mình, kiến nghị thủ trưởng cơ quan thi hành án xem xét lại việc định giá.

Đối với tài sản tươi sống, mau hỏng, nếu khi kê biên các bên không thoả thuận được về giá tài sản thì Chấp hành viên tổ chức định giá ngay để bán.

3. Việc giải quyết khiếu nại về định giá tài sản được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự về giải quyết khiếu nại về thi hành án.

Điều 24. Định giá lại tài sản

Việc định giá lại tài sản theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều 43 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự được thực hiện như sau:

1. Việc định giá tài sản bị coi là vi phạm thủ tục nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hội đồng định giá không đúng thành phần theo quy định;

b) Các đương sự không được thông báo hợp lệ để tham gia vào việc định giá tài sản;

c) Áp dụng không đúng các quy định về giá tài sản trong trường hợp tài sản do nhà nước thống nhất quản lý về giá;

d) Có sai sót nghiêm trọng trong việc phân loại, xác định phần trăm giá trị của tài sản;

đ) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

2. Tài sản kê biên được xem là có biến động lớn về giá trong các trường hợp sau đây:

a) Giá tài sản biến động từ 20% trở lên đối với tài sản có giá trị dưới một trăm triệu đồng;

b) Giá tài sản biến động từ 10% trở lên đối với tài sản có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng;

c) Giá tài sản biến động từ 5% trở lên đối với tài sản có giá trị từ một tỷ đồng trở lên.

3. Các đương sự có quyền đề nghị cơ quan thi hành án xem xét lại giá khi có biến động về giá trước khi có thông báo công khai đối với tài sản được bán đấu giá. Cơ quan thi hành án căn cứ vào giá thị trường, giá do cơ quan quản lý giá cung cấp để xác định có biến động về giá hay không và quyết định việc tổ chức định giá lại.

Điều 25. Bảo quản tài sản thi hành án

1. Cơ quan thi hành án thực hiện việc bảo quản tài sản để thi hành án theo bản án, quyết định. Trong trường hợp bản án, quyết định không xác định người có trách nhiệm bảo quản tài sản thì việc bảo quản tài sản được thực hiện như sau:

a) Tài sản kê biên được giao cho người phải thi hành án, chủ sở hữu hoặc thân thích của người đó bảo quản;

b) Nếu tài sản không phải đang do người phải thi hành án, chủ sở hữu bảo quản thì tài sản kê biên được giao cho người đang sử dụng, quản lý tài sản bảo quản;

c) Nếu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý tài sản, người thân thích của người phải thi hành án không nhận bảo quản hoặc xét thấy có dấu hiệu tẩu tán, hủy hoại tài sản, cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp cụ thể tài sản kê biên được giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản hay bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án.

2. Tài sản chưa xử lý là vàng bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ được bảo quản theo quy định sau đây:

a) Trường hợp tài sản thuộc diện tịch thu sung công mà chưa xử lý thì Chấp hành viên phải gửi các tài sản này tại kho bạc nhà nước cùng cấp theo quy định chung;

b) Trường hợp tài sản bị kê biên để bảo đảm thi hành các nghĩa vụ về tài sản thì Chấp hành viên phải làm thủ tục gửi các tài sản này vào ngân hàng.

Điều 26. Bán tài sản kê biên

1. Đối với loại tài sản kê biên quy định tại khoản 1 Điều 47 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì trong thời hạn không quá mười ngày làm việc, kể từ ngày định giá, cơ quan thi hành án phải làm thủ tục ký hợp đồng ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá để bán tài sản.

Trong trường hợp ở địa phương chưa thành lập tổ chức bán đấu giá tài sản hoặc đối với những nơi xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án xem xét, quyết định việc cơ quan thi hành án tổ chức bán đấu giá tài sản để thi hành án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Thủ tục bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

2. Đối với tài sản có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở xuống hoặc tài sản mau hỏng theo quy định tại khoản 2 Điều 47 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên tổ chức bán, có sự chứng kiến của người làm chứng mà không cần thông qua thủ tục bán đấu giá.

Đối với tài sản tươi sống, mau hỏng, nếu không có ai trả giá cao hơn thì Chấp hành viên bán tài sản theo giá đã định hay giá do các bên đương sự thoả thuận. Nếu tài sản đó không bán được, để tránh hư hỏng, Chấp hành viên có thể bán với giá thấp hơn giá do đương sự thoả thuận hay giá đã định. Trong trường hợp vẫn không bán được thì Chấp hành viên trả lại tài sản đó cho người phải thi hành án. Nếu người phải thi hành án không nhận lại tài sản mà tài sản bị hư hỏng, không còn giá trị thì Chấp hành viên tổ chức tiêu hủy theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

3. Những người sau đây không được tham gia mua tài sản bán để thi hành án:

a) Người đã trực tiếp xét xử vụ án có tài sản được đưa ra bán đấu giá, thành viên Hội đồng định giá, Chấp hành viên, công chức trực tiếp thi hành vụ việc, Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi thi hành vụ việc và cha, mẹ, vợ, chồng, con của những người đó;

b) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

4. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bán đấu giá tài sản do tổ chức bán đấu giá tài sản bán được thực hiện theo quy định của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bán tài sản do cơ quan thi hành án tổ chức bán thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự về giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án.

Điều 27. Thứ tự thanh toán tiền thi hành án

1. Việc thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 51 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự được thực hiện theo nguyên tắc:

a) Số tiền thi hành án thu được theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì được thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế thi hành án đó. Nếu có nhiều người được thi hành án thì thứ tự ưu tiên thanh toán cho những người được thi hành án được thực hiện theo thứ tự thanh toán quy định tại Điều 51 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Nếu trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì số tiền thi hành án đã thu được thanh toán cho những người này theo tỷ lệ số tiền họ được thi hành án;

b) Số tiền còn lại (nếu có) sẽ được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán, theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 51 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

2. Trường hợp trong một bản án mà có nhiều người được thi hành án, nhưng chỉ một số người làm đơn yêu cầu thi hành án mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án thì khi xử lý số tiền bán tài sản thu được, cơ quan thi hành án tạm thời trích ra và gửi vào ngân hàng một số tiền tương ứng với tỷ lệ mà những người chưa làm đơn yêu cầu thi hành án sẽ được nhận. Cơ quan thi hành án thông báo và ấn định thời hạn không quá một tháng cho những người được thi hành án khác về quyền làm đơn yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn thông báo mà cơ quan thi hành án không nhận được các đơn yêu cầu thi hành án mới thì số tiền tạm gửi tại ngân hàng còn lại sẽ được thanh toán tiếp cho những người đã có đơn yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 1 của Điều này.

3. Số tiền thu được từ việc bán tài sản đã được Toà án tuyên kê biên bảo đảm thi hành cho một nghĩa vụ cụ thể, được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ đó.

Điều 28. Chi phí cưỡng chế thi hành án

1. Người phải thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án, bao gồm:

a) Chi phí cho việc kê biên tài sản: tiền bồi dưỡng cho Hội đồng cưỡng chế; chi phí bảo vệ cưỡng chế; chi phí phòng cháy, nổ (nếu có); chi phí xây ngăn, trừ trường hợp bản án, quyết định xác định rõ người được thi hành án phải chịu một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn;

b) Chi phí cho việc định giá, định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 của Điều này; chi phí bán đấu giá tài sản: tiền bồi dưỡng cho các thành viên của Hội đồng định giá, chi phí tổ chức định giá lại tài sản (nếu người phải thi hành án đề nghị định giá lại); tiền thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá (nếu có); phí bán đấu giá theo quy định (trong trường hợp Chấp hành viên ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá tài sản bán tài sản);

c) Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản;

d) Chi phí thông báo về cưỡng chế.

Mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia cưỡng chế được áp dụng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Các khoản chi phí khác phải căn cứ theo mức chi thực tế, hợp lý do Thủ trưởng cơ quan thi hành án duyệt theo đề xuất của Chấp hành viên. Các khoản chi phí cưỡng chế phải được thông báo cho đương sự biết.

Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án nộp hoặc được khấu trừ vào tiền bán đấu giá tài sản đã bị kê biên hoặc khấu trừ vào tài sản của người phải thi hành án đang do người khác giữ, thuê, vay, mượn, sửa chữa.

2. Người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án, bao gồm:

a) Chi phí định giá lại tài sản (nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 5 Điều 43 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự );

b) Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn.

3. Ngân sách nhà nước chịu chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp định giá lại tài sản theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 43 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự; trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định tại khoản 5 của Điều này và các chi phí cần thiết khác (nếu có).

Người có lỗi trong việc vi phạm thủ tục về định giá tài sản, quyết định việc cho miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án sai quy định dẫn đến việc ngân sách nhà nước phải chịu chi phí cưỡng chế có trách nhiệm bồi hoàn khoản tiền đó cho ngân sách nhà nước.

4. Trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên phải lập và trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án phê duyệt kế hoạch cưỡng chế gồm các nội dung: thời gian, lực lượng tham gia, phương án tiến hành cưỡng chế; dự trù mức chi phí cưỡng chế. Trên cơ sở kế hoạch cưỡng chế được phê duyệt, Chấp hành viên làm thủ tục tạm ứng kinh phí cho hoạt động cưỡng chế. Khi xử lý tài sản hoặc thu được tiền của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải làm thủ tục hoàn trả ngay các khoản tiền đã tạm ứng trước đó.

Dự trù về mức chi phí cưỡng chế được thông báo cho đương sự trước khi tiến hành cưỡng chế.

5. Trường hợp đương sự thuộc đối tượng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 30 của Nghị định này thì có thể làm đơn (có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan nơi làm việc), đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi thi hành án xét miễn, giảm các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án.

Nghị định 173/2004/NĐ-CP về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự

  • Số hiệu: 173/2004/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/09/2004
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 06/10/2004
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 21/10/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH