Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 173/2004/NĐ-CP về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thi hành án dân sự về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. "Người được thi hành án" là cá nhân, tổ chức được hưởng quyền và lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

2. "Người phải thi hành án" là cá nhân, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

3. "Người có quyền, nghĩa vụ liên quan" là cá nhân, tổ chức có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

4. "Người đại diện" trong thi hành án dân sự là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền nhằm thực hiện quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án.

5. "Thời hiệu yêu cầu thi hành án" là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án; nếu hết thời hạn đó, thì mất quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 3. Chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án

1. Trong trường hợp tổ chức được thi hành án hoặc phải thi hành án hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản, cổ phần hoá thì việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục nghĩa vụ thi hành án được thực hiện theo nguyên tắc:

a) Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục nghĩa vụ thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đối với trường hợp chia, tách thì cơ quan ra quyết định chia tách phải xác định rõ cá nhân, tổ chức được quyền tiếp tục yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục nghĩa vụ thi hành án theo quyết định chia, tách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu quyết định chia, tách không quy định nghĩa vụ của các tổ chức mới thì sau khi chia, tách các tổ chức mới có trách nhiệm liên đới thực hiện nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị chia tách;

c) Đối với trường hợp giải thể thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể phải thông báo cho cơ quan thi hành án biết trước khi ra quyết định. Cơ quan thi hành án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể trong việc xử lý tài sản của tổ chức bị giải thể để thi hành án. Trường hợp quyền, nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị giải thể được chuyển giao cho tổ chức khác thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Cơ quan thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc Toà án xem xét lại quyết định giải thể theo quy định của pháp luật.

Nếu tổ chức bị giải thể không còn tài sản do thực hiện quyết định giải thể trái pháp luật thì cơ quan ra quyết định giải thể trái pháp luật phải chịu trách nhiệm thi hành thay nghĩa vụ của tổ chức bị giải thể tương ứng với phần tài sản đó;

d) Trường hợp tổ chức phải thi hành án tiến hành cổ phần hoá thì trước đó phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình. Nếu quyền, nghĩa vụ thi hành án của tổ chức đó được chuyển giao cho tổ chức khác thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền yêu cầu thi hành án hoặc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án;

đ) Trường hợp tổ chức phải thi hành án phá sản thì quyền và nghĩa vụ thi hành án được thực hiện theo quyết định tuyên bố phá sản.

2. Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Nếu người được thi hành án, người phải thi hành án chết mà quyền, nghĩa vụ thi hành án không được chuyển giao cho người khác thì cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

3. Trong các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này thì tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án có quyền làm đơn yêu cầu thi hành hoặc phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và Nghị định này.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra các quyết định thi hành án đối với cá nhân, tổ chức mới tương ứng với quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao; đồng thời ra quyết định thu hồi các quyết định thi hành án trước đây.

Đối với các quyết định, thông báo khác về thi hành án thì tùy từng trường hợp cụ thể mà cơ quan thi hành án giữ nguyên, thu hồi hoặc ra các quyết định, thông báo khác phù hợp theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Hỗ trợ tài chính để thi hành án

1. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ đối với tổ chức phải thi hành án hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp khi việc thi hành án làm cho tổ chức phải thi hành án bị ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao, ngừng hoạt động, giải thể hoặc ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, trật tự công cộng.

2. Ngân sách trung ương hỗ trợ cho các tổ chức phải thi hành án là các đơn vị dự toán của ngân sách trung ương; ngân sách địa phương hỗ trợ cho các tổ chức phải thi hành án là đơn vị dự toán của ngân sách địa phương.

3. Tổ chức phải thi hành án nói tại khoản 1 Điều này phải thực hiện các biện pháp tài chính cần thiết để thi hành án theo quy định của pháp luật. Sau khi áp dụng các biện pháp tài chính cần thiết mà vẫn không có khả năng thi hành án thì tổ chức đó phải có văn bản đề nghị cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xem xét việc hỗ trợ tài chính để thi hành án.

Thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

4. Tổ chức phải thi hành án được ngân sách nhà nước hỗ trợ tài chính để thi hành án có trách nhiệm thu hồi, nộp ngân sách nhà nước số tiền, tài sản của người đã gây ra thiệt hại phải bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để thi hành án.

Điều 5. Thoả thuận về thi hành án

1. Các đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án nhưng việc thoả thuận không được trái pháp luật, đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.

2. Trường hợp vụ việc đang do cơ quan thi hành án tổ chức thi hành, Chấp hành viên lập biên bản ghi rõ nội dung thoả thuận. Nếu các đương sự không tự nguyện thi hành theo đúng nội dung thoả thuận thì cơ quan thi hành án căn cứ nội dung bản án, quyết định để tổ chức thi hành.

Trường hợp các đương sự thoả thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định thì cơ quan thi hành án lập biên bản về nội dung thoả thuận và ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với phần thoả thuận không yêu cầu thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Nếu việc thoả thuận nói trên thực hiện sau khi tài sản đã được bán hoặc giao cho người khác nhận để thi hành án theo đúng quy định của pháp luật thì phải được sự nhất trí của người mua hoặc người nhận tài sản đó để thi hành án theo quy định tại Điều 44 và Điều 48 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Điều 6. Đơn yêu cầu thi hành án

1. Yêu cầu thi hành án, việc đề nghị tự nguyện thi hành án (gọi chung là đơn yêu cầu thi hành án) phải được thể hiện bằng văn bản; nếu đơn yêu cầu không dùng tiếng Việt thì phải được dịch ra tiếng Việt có công chứng của cơ quan có thẩm quyền.

2. Đơn yêu cầu thi hành án gồm những nội dung chính sau đây:

a) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan; ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu thi hành án;

b) Nội dung yêu cầu thi hành án; các nội dung không yêu cầu thi hành án. Nội dung yêu cầu phải phù hợp với nội dung bản án, quyết định được thi hành;

c) Số bản án, quyết định; ngày, tháng, năm ra bản án, quyết định; Toà án ra bản án, quyết định, Tổ chức Trọng tài ra quyết định; tình hình tài sản, thu nhập, nơi cư trú của người phải thi hành án và các thông tin cần thiết khác (nếu có).

3. Nếu người được thi hành án, người phải thi hành án trực tiếp trình bày yêu cầu thi hành án bằng lời nói tại cơ quan thi hành án thì cơ quan thi hành án phải lập biên bản ghi rõ các nội dung trên, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu và chữ ký của cán bộ lập biên bản. Biên bản thay cho đơn yêu cầu thi hành án.

4. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án phải có bản án, quyết định và các giấy tờ liên quan khác (nếu có).

Điều 7. Thời hiệu yêu cầu thi hành án

1. Thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 25 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự được tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay thì thời hiệu vẫn được tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Thời hiệu yêu cầu thi hành án chỉ áp dụng đối với trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu.

Ngày gửi đơn yêu cầu thi hành án của đương sự được tính từ ngày ghi ở dấu bưu điện (nếu đơn được gửi qua đường bưu điện), ngày đương sự nộp tại cơ quan thi hành án (nếu đương sự trực tiếp nộp tại cơ quan thi hành án) hoặc ngày đương sự trực tiếp trình bày yêu cầu thi hành án bằng lời nói tại cơ quan thi hành án.

2. Những trường hợp sau đây được coi là sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn:

a) Người được thi hành án, người phải thi hành án không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ;

b) Người được thi hành án, người phải thi hành án do yêu cầu công tác, chữa bệnh, thiên tai, hoả hoạn hay do trở ngại khách quan khác mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn;

c) Người được thi hành án, người phải thi hành án chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hoá mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật;

d) Do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan khác dẫn đến việc người được thi hành án không thể yêu cầu đúng hạn.

Người được thi hành án phải làm đơn kèm theo các tài liệu chứng minh lý do không yêu cầu thi hành án đúng hạn đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án xem xét khôi phục thời hiệu thi hành án. Đơn đề nghị khôi phục thời hiệu phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc xác nhận của cơ quan y tế cấp huyện trở lên (đối với trường hợp ốm đau) hoặc cơ quan có thẩm quyền khác về việc vắng mặt không yêu cầu thi hành án đúng hạn.

Người phải thi hành án có quyền chứng minh thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết.

Điều 8. Xác minh điều kiện thi hành án

1. Cơ quan thi hành án có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành của người phải thi hành án. Chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các tổ chức, cá nhân liên quan phải tạo điều kiện, cung cấp các thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật cho cơ quan thi hành án trong việc xác minh điều kiện thi hành án của đương sự.

Nếu người phải thi hành án không có tài sản để thi hành thì phải làm đơn trình bày, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc tổ chức nơi công tác, nơi quản lý thu nhập về việc người đó không có tài sản để thi hành án. Người được thi hành án có quyền chứng minh việc người phải thi hành án có tài sản để thi hành án.

2. Người phải thi hành án được coi là chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ về tài sản trong những trường hợp sau đây:

a) Không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình; không có tài sản tại thời điểm xác minh hoặc tuy có tài sản nhưng tài sản có giá trị nhỏ, không đủ hoặc chỉ đủ để chi phí về thi hành án, tài sản mà theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc tài sản không bán được, tài sản chung chưa được phân chia hoặc vì lý do khách quan khác nên không xử lý được để thi hành án;

b) Người phải thi hành án bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra.

3. Người phải thi hành án được coi là chưa có điều kiện thi hành nghĩa vụ mà theo bản án, quyết định họ phải tự mình thực hiện nếu đang ốm nặng hay vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện được nghĩa vụ đó.

Nghị định 173/2004/NĐ-CP về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự

  • Số hiệu: 173/2004/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/09/2004
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 06/10/2004
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 21/10/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH