Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 173/2004/NĐ-CP về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự

Chương 2:

THỦ TỤC THI HÀNH ÁN

Điều 9. Nhận bản án, quyết định; nhận đơn yêu cầu thi hành án

1. Cơ quan thi hành án phải vào Sổ nhận bản án, quyết định ngay sau khi nhận được bản án, quyết định của Toà án. Sổ nhận bản án, quyết định phải ghi rõ nội dung quyết định của bản án, quyết định; nội dung biên bản kê biên, tạm giữ tài sản, biên bản thu giữ vật chứng (nếu có). Khi chuyển giao bản án, quyết định, Toà án đã ra bản án, quyết định đó có trách nhiệm chuyển giao vật chứng, tài sản tạm giữ (nếu có) cho cơ quan thi hành án.

2. Cơ quan thi hành án phải vào Sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án và cấp cho đương sự Phiếu nhận đơn ngay sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành án của đương sự. Sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ nội dung yêu cầu thi hành án của đương sự.

3. Đối với trường hợp đơn yêu cầu thi hành án không đúng quy định tại Điều 6 của Nghị định này thì cơ quan thi hành án hướng dẫn người yêu cầu thi hành án làm đơn đúng quy định.

Trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền ra quyết định thi hành án của mình thì cơ quan thi hành án hướng dẫn đương sự nộp đơn đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Nếu có căn cứ xác định đơn yêu cầu thi hành án đã hết thời hiệu thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn.

Điều 10. Ra quyết định thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định. Đối với các khoản trả lại tài sản, hoàn trả tiền tạm ứng án phí thì mỗi đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án cho mỗi đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp vụ việc phức tạp, một người phải thi hành án nhưng có nhiều người được thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thể ra một quyết định thi hành án chung cho nhiều đơn yêu cầu thi hành án.

Đối với thi hành nghĩa vụ liên đới thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới.

2. Sau khi ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án phải vào Sổ thụ lý thi hành án.

Việc thi hành án được tính từ ngày ra quyết định thi hành án.

3. Sổ nhận bản án, quyết định, Sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án, Sổ thụ lý thi hành án và các sổ sách khác về thi hành án được lập theo mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp quy định.

Điều 11. Nguyên tắc ủy thác thi hành án

1. Chỉ được ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc, có tài sản hoặc trụ sở.

2. Trường hợp có nhiều người phải thi hành án ở các địa phương khác nhau hoặc tài sản, thu nhập của họ ở những địa phương khác nhau thì được ủy thác từng phần cho cơ quan thi hành án ở các địa phương đó, trừ trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới.

3. Việc ủy thác thi hành án được thực hiện giữa các cơ quan thi hành án không phân biệt địa bàn hoạt động, cơ quan thi hành án dân sự hay cơ quan thi hành án trong quân đội.

4. Cơ quan thi hành án cấp huyện không được ủy thác cho cơ quan thi hành án cấp tỉnh của địa phương mình.

Điều 12. Thẩm quyền ra quyết định ủy thác thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh ủy thác thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Uỷ thác cho cơ quan thi hành án cấp tỉnh nơi khác thi hành các vụ việc sau:

- Thi hành bản án, quyết định về nhận người lao động trở lại làm việc hoặc bồi thường thiệt hại mà người phải thi hành án là cơ quan nhà nước cấp tỉnh trở lên;

- Thi hành bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài hoặc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ;

- Thi hành bản án, quyết định tuyên bố phá sản; quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam;

- Thi hành bản án, quyết định mà nhiều người phải thi hành án có trách nhiệm liên đới ở nhiều quận, huyện, thị xã, thành phố khác nhau trong tỉnh nơi ủy thác đến;

b) Uỷ thác cho cơ quan thi hành án cấp quân khu thi hành những vụ việc thuộc các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, nhưng thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án cấp quân khu;

c) Uỷ thác cho cơ quan thi hành án cấp huyện thi hành các vụ việc khác, trừ những trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện có thể ủy thác những vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của mình cho cơ quan thi hành án cấp tỉnh, cơ quan thi hành án cấp quân khu, cơ quan thi hành án cấp huyện nơi khác thi hành.

3. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu có thể ủy thác những vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của mình cho cơ quan thi hành án cấp quân khu khác, cơ quan thi hành án cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp huyện thi hành.

Điều 13. Thủ tục ủy thác thi hành án

1. Trước khi ủy thác, cơ quan thi hành án phải xử lý xong các tài sản tạm giữ, vật chứng do Toà án chuyển giao, tài sản kê biên có liên quan trực tiếp đến phần ủy thác để thi hành án. Trong trường hợp việc xử lý các tài sản trên có khó khăn, kéo dài và xét thấy giá trị tài sản không đủ để thi hành án thì có thể ủy thác cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành mà không chờ xử lý xong các tài sản đó.

Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án và ủy thác cho nơi có điều kiện thi hành.

2. Quyết định ủy thác phải ghi rõ nội dung ủy thác, khoản đã thi hành xong, khoản cần tiếp tục thi hành và các thông tin cần thiết cho việc thực hiện ủy thác.

Quyết định ủy thác phải kèm theo bản án, quyết định, bản sao biên bản kê biên, tạm giữ tài sản. Trong trường hợp phải ủy thác cho nhiều nơi thì cơ quan thi hành án có thể sao chụp bản án, quyết định thành nhiều bản, có đóng dấu của cơ quan thi hành án nơi ủy thác để gửi cho cơ quan thi hành án nơi nhận ủy thác.

Trong thời gian không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ủy thác, cơ quan thi hành án nhận ủy thác phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án ủy thác về việc nhận được ủy thác.

3. Cơ quan thi hành án nhận ủy thác, nếu xét thấy người phải thi hành án không có tài sản hoặc không cư trú, làm việc hay có trụ sở ở địa phương mình thì giải quyết như sau:

a) Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã ủy thác chủ động ra quyết định thi hành thì cơ quan nhận ủy thác phải ủy thác tiếp cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành;

b) Trong trường hợp cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của người được thi hành án thì ra quyết định trả lại đơn yêu cầu và hướng dẫn đương sự gửi đơn yêu cầu (kèm theo quyết định trả đơn và tài liệu liên quan) đến cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành. Cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành án phải ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự.

4. Quyết định ủy thác phải được gửi cho Toà án đã chuyển giao bản án, quyết định, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, Viện Kiểm sát nhân dân nơi nhận ủy thác, người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Điều 14. Hoãn thi hành án

1. Trong trường hợp chủ động thi hành án thì thời hạn hoãn thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 26 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự không quá chín mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn thi hành án; trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù hoặc chưa xác định được địa chỉ của họ thì thời hạn hoãn có thể quá chín mươi ngày. Trong thời gian hoãn thi hành án, nếu phát hiện thấy người phải thi hành án có điều kiện thi hành án hoặc đã hết thời hạn hoãn thi hành án thì cơ quan thi hành án phải ra quyết định tiếp tục thi hành án.

2. Trong trường hợp tài sản kê biên có tranh chấp đang được Toà án thụ lý, giải quyết, thời hạn hoãn thi hành án được tính từ ngày Toà án thụ lý vụ việc đến khi bản án, quyết định của Toà án về việc giải quyết tranh chấp đó có hiệu lực thi hành.

3. Trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu của người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án chỉ chấp nhận đề nghị hoãn thi hành án của người được thi hành án, nếu được sự đồng ý của người phải thi hành án.

Yêu cầu hoặc đồng ý hoãn thi hành án của đương sự phải được thể hiện bằng văn bản, ghi rõ nội dung yêu cầu và thời hạn hoãn thi hành án, có chữ ký của các đương sự.

Khi điều kiện hoãn thi hành án không còn, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án.

4. Trong trường hợp hoãn thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì việc yêu cầu hoãn thi hành án phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án, ghi rõ thời hạn hoãn thi hành án. Văn bản yêu cầu hoãn thi hành án phải do người có thẩm quyền kháng nghị ký. Trong trường hợp đã có văn bản mà cần thông báo ngay bằng điện thoại, điện tín thì phải thông báo cho cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành vụ việc đó biết số, ngày, tháng, năm của văn bản; nội dung của văn bản và người ký văn bản đó.

Khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án, trong thời hạn không quá một ngày làm việc cơ quan thi hành án phải ra quyết định hoãn thi hành án.

Trường hợp khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án, nhưng vụ việc đang được tổ chức cưỡng chế thi hành án nếu xét thấy việc dừng cưỡng chế thi hành án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự thì cơ quan thi hành án tiếp tục thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án, nhưng phải thông báo ngay cho người đã yêu cầu hoãn thi hành án và cơ quan thi hành án cấp trên biết. Nếu vụ việc đã được thi hành một phần hay thi hành xong thì trong thời hạn không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đó, Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành phải có văn bản thông báo cho người đã yêu cầu hoãn thi hành án biết.

Khi nhận được văn bản của người có thẩm quyền về việc không có cơ sở để xem xét kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, hoặc hết thời gian hoãn thi hành án mà bản án, quyết định không bị kháng nghị hay không bị tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người đã yêu cầu hoãn thi hành án biết.

Điều 15. Tạm đình chỉ thi hành án

1. Trong trường hợp tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Thời hạn tạm đình chỉ thi hành án theo thời hạn giải quyết việc tuyên bố phá sản của Toà án.

Cơ quan thi hành án không ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án mà tiếp tục thực hiện các quyết định về thi hành án liên quan đến phần nghĩa vụ thi hành các khoản về cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 51 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Số tiền thi hành án thu được, sau khi chi trả các khoản trên, cơ quan thi hành án tiếp tục tạm giữ để chờ kết quả giải quyết của Toà án.

2. Trong trường hợp tạm đình chỉ thi hành án theo quyết định kháng nghị của người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án ra thông báo về việc tạm đình chỉ.

Trong trường hợp cần thiết, việc yêu cầu tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự có thể được thông báo bằng điện thoại, điện tín cho cơ quan thi hành án biết số, ngày, tháng, năm của văn bản; nội dung chủ yếu của văn bản kháng nghị và người ký kháng nghị. Cơ quan thi hành án phải dừng việc thi hành án khi nhận được thông báo và chậm nhất không quá một ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo phải ra thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án.

Thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án phải gửi cho các bên đương sự, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và người ra kháng nghị.

3. Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án trong các trường hợp sau:

a) Có quyết định rút kháng nghị của người có thẩm quyền;

b) Toà án đình chỉ việc giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã phải thi hành án;

c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án giữ nguyên bản án, quyết định bị kháng nghị.

Điều 16. Đình chỉ thi hành án

1. Trong trường hợp quyết định giám đốc thẩm sửa đổi hay hủy bỏ bản án, quyết định đang được thi hành để xét xử lại theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm thì cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với việc thi hành bản án, quyết định trước đây và ra quyết định thi hành án theo quyết định của bản án, quyết định đang có hiệu lực pháp luật.

Bộ Tư pháp phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc khôi phục quyền, nghĩa vụ của các bên trong trường hợp quyết định giám đốc thẩm sửa đổi hoặc hủy bỏ bản án, quyết định đã được thi hành.

2. Việc từ bỏ quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án trong bản án, quyết định phải được thể hiện bằng văn bản theo quy định của pháp luật. Cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với khoản mà người được thi hành án từ bỏ quyền, lợi ích của mình. Trong trường hợp này, người được thi hành án sau đó không còn quyền yêu cầu thi hành án trở lại.

Điều 17. Xử lý tài sản tịch thu

1. Đối với tài sản tịch thu là vũ khí, chất nổ, chất phóng xạ, trang bị, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá, thì cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án phải làm thủ tục giao cho cơ quan nhà nước quản lý loại tài sản đó theo quy định của pháp luật.

2. Đối với tài sản tịch thu không phải là tài sản quy định tại khoản 1 của Điều này thì cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án phải làm thủ tục giao cho cơ quan Tài chính xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Việc giao nhận tài sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này phải được lập biên bản, mô tả cụ thể, chi tiết tài sản và có chữ ký của các bên giao, nhận.

Điều 18. Miễn, giảm thi hành án đối với các khoản án phí, tiền phạt

1. Người phải thi hành án được coi là không có tài sản, thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành án khi có 1 trong các điều kiện quy định tại điểm a (trừ trường hợp người phải thi hành án có tài sản chung nhưng chưa được phân chia hoặc tài sản vì lý do khách quan nên không xử lý được để thi hành án) hoặc điểm b khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.

Người phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn nói tại điểm a khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự được xác định theo quy định của Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Việc xét miễn thi hành án được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và khoản 1 Điều này có số tiền phải thi hành án còn lại từ hai mươi triệu đồng trở xuống;

b) Người bị kết án hình phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể chấp hành hình phạt tiền còn lại hoặc lập công lớn thì việc xét miễn thi hành án được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 58 của Bộ luật Hình sự.

3. Việc xét giảm thi hành án được áp dụng khi người phải thi hành án có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và khoản 1 của Điều này trong những trường hợp sau đây:

a) Đối với số tiền phải thi hành án còn lại trên hai mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng thì được xét giảm thi hành án, nhưng mỗi lần giảm không quá 1/2 số tiền còn lại phải thi hành án;

b) Đối với số tiền phải thi hành án còn lại trên năm trăm triệu đồng đến một tỷ đồng thì được xét giảm thi hành án, nhưng mỗi lần giảm không quá 1/3 số tiền còn lại phải thi hành án;

c) Đối với số tiền còn lại phải thi hành trên một tỷ đồng thì được xét giảm thi hành án, nhưng mỗi lần giảm không quá 1/5 số tiền còn lại phải thi hành án.

4. Việc xem xét miễn, giảm thi hành án được tiến hành hàng quý trong năm, nhưng mỗi đối tượng thi hành án chỉ được xem xét miễn, giảm không quá một lần trong một năm.

5. Cơ quan thi hành án đang thụ lý thi hành vụ việc lập hồ sơ xét miễn, giảm thi hành án, kể cả trường hợp vụ việc đã được chuyển giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã đôn đốc thi hành.

6. Quyết định xét miễn, giảm thi hành án sẽ bị hủy bỏ trong trường hợp phát hiện người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, cất giấu tài sản để trốn tránh việc thi hành án dẫn đến việc xét miễn, giảm thi hành án không đúng thực tế.

Bộ Tư pháp phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục xét miễn, giảm thi hành án.

Nghị định 173/2004/NĐ-CP về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự

  • Số hiệu: 173/2004/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/09/2004
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 06/10/2004
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 21/10/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH