Hệ thống pháp luật

Mục 5 Chương 6 Nghị định 17/2023/NĐ-CP năm 2023 hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan

Mục 5. XỬ LÝ XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 81. Xác định giá trị hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1. Hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định như sau:

a) Hàng hóa xâm phạm là bộ phận, chi tiết (sau đây gọi là phần) của sản phẩm có chứa yếu tố xâm phạm và có thể lưu hành như một sản phẩm độc lập;

b) Trường hợp không thể tách rời yếu tố xâm phạm thành một phần của sản phẩm có thể lưu hành độc lập theo quy định tại điểm a khoản này thì hàng hóa xâm phạm là toàn bộ sản phẩm chứa yếu tố xâm phạm.

2. Giá trị hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan do cơ quan xử lý hành vi xâm phạm xác định tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm và dựa trên các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Giá niêm yết của hàng hóa xâm phạm;

b) Giá thực bán của hàng hóa xâm phạm;

c) Giá thành của hàng hóa xâm phạm, nếu chưa được lưu thông;

d) Giá nhập của hàng hóa xâm phạm.

3. Giá trị hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được tính theo phần (bộ phận, chi tiết) sản phẩm xâm phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này hoặc tính theo giá trị của toàn bộ sản phẩm xâm phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

4. Trường hợp việc áp dụng các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này không phù hợp hoặc giữa cơ quan xử lý hành vi xâm phạm và cơ quan tài chính cùng cấp không thống nhất về việc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm thì việc định giá do Hội đồng định giá quyết định.

Việc thành lập, thành phần, nguyên tắc làm việc của Hội đồng định giá thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, pháp luật về tố tụng hình sự và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 82. Xử lý hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1. Đối với hàng hóa sao chép lậu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó thì cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm áp dụng một trong các biện pháp sau đây:

a) Phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại theo quy định tại Điều 83 của Nghị định này;

b) Tiêu hủy theo quy định tại Điều 84 của Nghị định này;

c) Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý hành vi xâm phạm áp dụng biện pháp buộc loại bỏ yếu tố xâm phạm và biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Đối với hàng hóa xâm phạm mà không phải là hàng hóa sao chép lậu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó, thì cơ quan xử lý hành vi xâm phạm áp dụng các biện pháp buộc chủ hàng, người vận chuyển, người tàng trữ hàng hóa loại bỏ yếu tố xâm phạm khỏi hàng hóa và áp dụng các biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

3. Nguyên liệu, vật liệu, phương tiện có chức năng duy nhất nhằm tạo ra, khai thác thương mại hàng hóa sao chép lậu, hàng hóa xâm phạm hoặc thực tế chỉ được sử dụng duy nhất cho mục đích đó thì bị coi là nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa sao chép lậu, hàng hóa xâm phạm.

4. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý hành vi xâm phạm quyết định áp dụng biện pháp quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này hoặc khi có yêu cầu của chủ thể quyền, buộc tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa xâm phạm triệu hồi hàng hóa xâm phạm đã được đưa vào kênh phân phối của tổ chức, cá nhân đó để áp dụng biện pháp quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này hoặc biện pháp khác, nếu xét thấy thích hợp. Trong quá trình ra quyết định xử lý hành vi xâm phạm, cơ quan xử lý hành vi xâm phạm có thể xem xét đề nghị của các bên liên quan về việc xử lý hành vi xâm phạm.

Điều 83. Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại

1. Việc buộc phân phối hoặc buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa sao chép lậu, hàng hóa xâm phạm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, không gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, không phải văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

b) Yếu tố xâm phạm đã được loại bỏ khỏi hàng hóa;

c) Việc phân phối, sử dụng không nhằm thu lợi nhuận và không ảnh hưởng một cách bất hợp lý tới việc khai thác bình thường quyền của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó ưu tiên mục đích nhân đạo, từ thiện hoặc phục vụ lợi ích xã hội;

d) Người được phân phối, tiếp nhận để sử dụng không phải là khách hàng tiềm năng của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng áp dụng đối với nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa sao chép lậu, hàng hóa xâm phạm.

Điều 84. Buộc tiêu hủy

Biện pháp buộc tiêu hủy hàng hóa sao chép lậu, hàng hóa xâm phạm, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó được áp dụng trong trường hợp không đáp ứng đủ các điều kiện để áp dụng biện pháp buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại quy định tại Điều 83 của Nghị định này.

Điều 85. Tịch thu

Biện pháp tịch thu hàng hóa sao chép lậu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định 17/2023/NĐ-CP năm 2023 hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan

  • Số hiệu: 17/2023/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 26/04/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/04/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH