Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 4 Nghị định 169/2003/NĐ-CP về an toàn điện

MỤC 2: SỬ DỤNG ĐIỆN TRONG SINH HOẠT, DỊCH VỤ

Điều 25. Thiết bị điện dùng trong các văn phòng làm việc, sinh hoạt và dịch vụ phải đảm bảo tổng công suất sử dụng phù hợp với công suất thiết kế và đảm bảo độ bền cách điện theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Dây dẫn cấp điện cho động lực, đun nấu, sấy sưởi, điều hoà nhiệt độ... phải có thiết bị bảo vệ phù hợp và riêng biệt với dây dẫn cấp điện cho chiếu sáng.

Điều 26.

1. Không để thiết bị điện phát nhiệt gần đồ vật dễ cháy.

2. Đối với thang máy:

a) Cáp điện dùng cho thang máy phải là loại cáp có khả năng chống cháy;

b) Thang máy dùng trong toà nhà cao trên 5 tầng và thường xuyên có trên 200 người sinh hoạt, làm việc cần phải có nguồn điện dự phòng, tự động đóng mạch khi mất nguồn điện chính;

c) Các thiết bị điện của thang máy phải được kiểm tra, bảo trì theo quy định hiện hành.

Điều 27. Khi rời trụ sở, phòng làm việc phải cắt điện đến các thiết bị sử dụng điện. Đối với các thiết bị cần giữ ở trạng thái đóng điện liên tục, phải có biện pháp bảo vệ an toàn thích hợp.

Điều 28. Cơ quan, đơn vị, chủ hộ sử dụng điện phải có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn hệ thống điện của mình, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố điện.

Điều 29.

1. Lưới điện hạ áp chỉ được xây dựng sau khi thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Các nhánh đường dây dẫn điện vào nhà ở, công trình phải đảm bảo các điều kiện về an toàn điện và không cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông, cứu thương, chữa cháy.

Điều 30.

1. Trong mạch điện ba pha bốn dây, thiết bị đóng cắt (áp-tô-mát, cầu dao, cầu chì) không được đặt trên dây trung tính.

2. Trong mạch điện một pha hai dây, cầu chì và công tắc phải đặt trên dây pha (dây lửa). Cấm đặt cầu chì, công tắc trên dây trung tính. Khuyến khích lắp đặt áp-tô-mát, cầu dao 2 cực để đóng cắt đồng thời cả 2 dây.

Điều 31.

1. Tiết diện dây dẫn điện phải phù hợp với phụ tải điện.

2. Việc lắp đặt, sử dụng thiết bị điện trong nhà phải theo quy định về an toàn điện hiện hành.

Điều 32. Nghiêm cấm các hành vi vi phạm các quy định về an toàn điện sau đây:

1. Sử dụng điện làm phương tiện để bảo vệ tài sản cá nhân hoặc phục vụ cho mục đích khác gây nguy hiểm cho người, động vật, môi trường sống, gây sự cố làm thiệt hại tài sản Nhà nước, tài sản công dân như: chống trộm, bẫy chuột, đánh cá, bảo vệ hoa màu.

2. Sử dụng thiết bị điện không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện an toàn.

3. Kéo dây đấu điện không đảm bảo điều kiện an toàn như: dùng dây trần làm dây dẫn điện trong nhà; dùng điện theo cách lấy điện một pha bằng một dây dẫn, còn dây nguội đấu xuống giếng, xuống ao hoặc đấu nối vào đường ống nước.

4. Những người không có nhiệm vụ trèo lên cột điện hoặc vào trạm điện.

5. Các hành vi có thể gây tai nạn cho người và gia súc như: phơi quần áo, đồ dùng lên dây điện; thả diều, đá bóng ở gần đường dây điện.

6. Các hành vi có thể gây hư hỏng công trình lưới điện như: bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện; quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện; tháo gỡ dây chằng néo, dây tiếp địa của cột điện; đào đất gây lún sụt móng cột điện; lợi dụng cột điện để làm nhà, lều quán bán hàng, buộc trâu bò hoặc gia súc khác.

7. Đến gần chỗ dây điện bị đứt, cột điện bị đổ khi chưa có thông báo đã cắt điện.

8. Trồng cây hoặc để cành cây, dây leo vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây điện, trạm điện; để cây đổ vào đường dây điện khi phát quang tuyến.

Nghị định 169/2003/NĐ-CP về an toàn điện

  • Số hiệu: 169/2003/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/12/2003
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 230 đến số 231
  • Ngày hiệu lực: 14/01/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH