Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 167-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 1959

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ THÀNH PHẦN TỔNG MỨC TIỀN LƯƠNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị quyết Hội đồng Chính phủ họp ngày 17, 18 tháng 03 năm 1958 ấn định các nguyên tắc, yêu cầu và phương châm cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương trong năm 1958 cho cán bộ, công nhân và viên chức các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 182-TTg, ngày 07 tháng 04 năm 1958 quy định chế độ lương cho khu vực sản xuất;
Theo đề nghị của ông Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về quy định thành phần tổng mức tiền lương;
Căn cứ Nghị quyết của Hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ họp ngày 18 tháng 02 năm 1959;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành bản quy định tạm thời về thành phần tổng mức tiền lương (kèm theo nghị định này).

Điều 2. - Bản quy định tạm thời này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1959.

Điều 3. – Ủy ban Kế hoạch Nhà nước sẽ ra thông tư hướng dẫn cụ thể cho các ngành các cấp thống nhất thi hành.

Các Bộ, các ngành trung ương tùy tình hình cụ thể quy định thêm chi tiết, nhưng phải được sự đồng ý của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Điều 4. – Ông Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ông Bộ trưởng Bộ Tài chính và ông Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phạm Hùng

BẢN QUY ĐỊNH

TẠM THỜI VỀ THÀNH PHẦN TỔNG MỨC TIỀN LƯƠNG
(Quỹ tiền lương)

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU VÀ TÁC DỤNG CỦA VIỆC QUY ĐỊNH TỔNG MỨC TIỀN LƯƠNG

1. Để thống nhất nội dung tổng mức tiền lương của tất cả các ngành thuộc khu vực sản xuất vật chất và các ngành thuộc khu vực không sản xuất vật chất sau lần cải tiến chế độ tiền lương năm 1958.

2. Để Nhà nước xác định đúng đắn quỹ tiền lương, đồng thời giúp cho công tác thống kê, kế toán, hạch toán và việc lập kế hoạch lao động tiền lương được chính xác.

3. Để thấy được tỷ lệ thực hiện kế hoạch về khối lượng tiền lương so với tỷ lệ thực hiện kế hoạch khối lượng sản xuất trong từng thời kỳ (tháng, quý, năm) giúp cho công tác giám đốc và quản lý quỹ tiền lương.

II. PHẠM VI THI HÀNH BẢN QUY ĐỊNH NÀY

Tất cả các xí nghiệp, các ngành thuộc khu vực sản xuất kể cả các xí nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và các ngành, các cơ quan đoàn thể thuộc khu vực không sản xuất khi làm công tác thống kê kế hoạch, kế toán và hạch toán có liên quan đến việc tính toán quỹ tiền lương đều phải lấy bản quy định này làm căn cứ.

Bản quy định này không áp dụng đối với:

- Các cơ quan Quốc phòng, quân đội.

- Chuyên gia các nước bạn.

III. TỔNG MỨC TIỀN LƯƠNG BAO GỒM

Tất cả các khoản tiền lương mà xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể trả thù lao cho cán bộ, công nhân viên và tất cả các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương đã được pháp luật quy định thì bất cứ thuộc nguồn kinh phí ở đâu đều phải tính vào quỹ tiền lương, (kể cả tiền lương của những người ở ngoài danh sách và ngoài biên chế).

IV. THÀNH PHẦN TỔNG MỨC TIỀN LƯƠNG

1. Tiền lương tháng, ngày (kể cả tiền lương tháng, ngày của cán bộ, công nhân viên nguyên lương và người học nghề trong sản xuất).

2. Tiền lương trả theo sản phẩm.

3. Tiền lương công nhật trả cho người ngoài biên chế định viên.

4. Tiền thù lao cho dân công.

5. Các loại tiền thưởng có tính chất thường xuyên như: tiền thưởng tăng năng suất, tiền thưởng tiết kiệm nguyên vật liệu, điện lực, nâng cao chất lượng sản phẩm và thưởng an toàn lao động.

6. Phụ cấp làm thêm, thêm giờ, thêm kíp (gồm cả thêm giờ, thêm kíp trong những ngày nghỉ, ngày lễ, tiền phụ cấp thêm cho những diễn viên văn công trong những đêm biểu diễn, tiền phụ cấp cho những người được nghỉ phép định kỳ nhưng không nghỉ ở lại tham gia sản xuất).

7. Phụ cấp cho người dạy nghề trong sản xuất.

8. Phụ cấp trách nhiệm cho các Tổ trưởng trong các xí nghiệp, cho các cán bộ Tổ trưởng hoặc phụ trách bộ phận sản xuất trong các công trường xây dựng và nông trường.

9. Tiền nhuận bút, tiền giảng bài.

10. Tiền lương trả cho công nhân viên khi chế tạo ra sản phẩm không đúng quy cách mà không phải vì công nhân viên ấy thiếu tinh thần trách nhiệm.

11. Tiền lương trả cho công nhân viên trong thời gian thiết bị máy móc ngừng chạy, xí nghiệp thiếu nguyên, nhiên vật liệu hoặc công nghiệp điều kiện thiên nhiên ảnh hưởng như mưa, bão, lụt phải nghỉ sản xuất, không phải công nhân viên tự ý nghỉ.

12. Tiền lương trả cho cán bộ, công nhân viên trong thời gian điều động công tác hoặc huy động đi làm nghĩa vụ quốc gia và xã hội.

13. Tiền lương trả cho cán bộ, công nhân viên được nghỉ phép định kỳ, tiền lương trả cho nữ công nhân viên nghỉ đẻ và tiền lương trả cho cán bộ, công nhân viên ốm đau, nghỉ phép có việc riêng trong phạm vi thể lệ và chính sách quy định.

14. Tiền lương trả cho cán bộ, công nhân viên công tác được cử đi học, đi điều dưỡng, nhưng vẫn còn tính trong biên chế của đơn vị cũ và vẫn lĩnh lương ở cơ quan cử đi.

15. Phụ cấp khu vực, phụ cấp cho những vùng đặc biệt.

16. Phụ cấp thôi việc.

17. Phụ cấp khác được quy định là lương (như tiền lương trả cho nữ công nhân viên nghỉ cho con bú, phụ cấp cho công nhân làm việc ở những nơi nhiệt độ cao).

V. PHỤ CẤP NGOÀI LƯƠNG

1. Trợ cấp kinh phí công đoàn:

a) Tiền lương và phụ cấp lương của cán bộ hoạt động trong công đoàn của xí nghiệp (kể cả tiền lương và phụ cấp cho cán bộ thể dục thể thao, cho giáo viên dạy văn hóa trong xí nghiệp do công đoàn tổ chức).

b) Chi phí cho văn phòng công đoàn.

c) Chi phí về văn hóa, giáo dục, thể thao cho cán bộ, công nhân viên trong đó:

- Học tập phí, sách báo.

- Văn công điện ảnh.

2. Chi phí về bảo hiểm lao động:

- Chi phí về tai nạn lao động (như tiền điều trị ở bệnh viện, tiền làm chân tay giả v.v…).

- Trợ cấp cho bản thân cán bộ, công nhân viên bị tai nạn lao động.

- Phụ cấp lương vì tai nạn lao động (tiền phụ cấp bồi thường thương tật khi thiếu sức lao động).

- Trợ cấp cho gia đình cán bộ, công nhân viên bị chết, trợ cấp cho việc mai táng cán bộ, công nhân viên chết.

- Tiền lương và phụ cấp lương của cán bộ, công nhân viên bị tai nạn lao động hoặc vì ốm đau nằm điều trị ở bệnh viên quá thời gian đã quy định.

- Trợ cấp cho cán bộ, công nhân viên bị bệnh vì nghề nghiệp, nhưng vẫn thực tế làm việc ở xí nghiệp.

- Tiền hưu trí.

- Phụ cấp thai sản trong đó:

a) Tiền lương và phụ cấp lương cho nữ cán bộ, công nhân viên trước khi đẻ và sau khi đẻ nghỉ quá thời gian đã quy định.

b) Tài khoản trợ cấp cần thiết cho nữ cán bộ, công nhân viên khi thai sản như tiền bồi dưỡng khi đi đẻ, khi sẩy thai, trợ cấp nuôi con khi nữ cán bộ, công nhân viên bị mất sữa, trợ cấp cho con bú khi thiếu sức khỏe.

3. Chi phí về y tế vệ sinh:

- Chi phí về mua sắm dụng cụ y tế và vệ sinh.

- Chi phí về mua thuốc phòng bệnh và thuốc chữa bệnh.

- Tiền bồi dưỡng khi ốm đau tại cơ quan, xí nghiệp bị mất sức phải ăn thêm.

- Bệnh viện phí trong đó: tiền thuốc điều trị phải thanh toán với bệnh viện, một phần mức ăn còn thiếu do xí nghiệp trả trong thời gian điều trị ở bệnh viện, tiền xe đi đến bệnh viện trong trường hợp cấp cứu.

- Các khoản chi phí khác về y tế, vệ sinh như mua crésyl, vôi bột, các thứ sát trùng ngoài những chi phí về thuốc phòng bệnh chữa bệnh kể trên.

- Tiền lương và phụ cấp lương cho cán bộ, nhân viên y tế công tác ở xí nghiệp (trong điều kiện hiện nay sẽ có thông tư quy định cụ thể thêm về việc trích lập quỹ và sử dụng quỹ xã hội về vấn đề này).

4. Chi phí về cải thiện sinh hoạt:

- Chi phí về câu lạc bộ như bàn ghế, ấm chén, v.v…

- Chi phí về nhà giữ trẻ như bàn ghế, giường chiếu, đồ chơi cho trẻ.

- Chi phí về đời sống tập thể.

- Tiền mua giường chiếu và các thứ khác cho nhà khách.

- Tiền phải trả khi thuê nhà, điện nước mà cán bộ, công nhân viên trả nhưng chưa đủ.

- Tiền lương trả cho nhân viên cấp dưỡng, giữ trẻ công tác ở xí nghiệp (trong điều kiện hiện nay về khoản này sẽ có thông tư quy định cụ thể thêm).

5. Chi phí về trợ cấp xã hội:

- Trợ cấp cho cán bộ, công nhân viên có 3 con trở lên, kể cả tiền bảo lưu nói chung của cán bộ công nhân viên.

- Trợ cấp cho gia đình cán bộ, công nhân viên gặp khó khăn về đời sống.

- Trợ cấp cho gia đình cán bộ, công nhân viên có người lao động chính bị chết mà còn con nhỏ, hoặc các con của cán bộ, công nhân viên chết cả bố mẹ. Tiền lương của nữ cán bộ, công nhân viên nghỉ vì con ốm, nghỉ phép có việc riêng, ngoài phạm vi thể lệ và chính sách đã quy định.

VI. CÁC KHOẢN CHI PHÍ KHÁC KHÔNG THUỘC TỔNG MỨC TIỀN LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP NGOÀI LƯƠNG

- Các chi phí về bảo hộ lao động ở xí nghiệp như: quần áo làm việc, bít tất, găng tay, kính đeo mắt, mũ sắt, giầy da, khẩu trang…

- Tiền thưởng có tính chất một lần (không thường xuyên) như sáng chế phát minh, cải tiến kỹ thuật, tiền thưởng thi đua lao động cuối năm.

- Các khoản trợ cấp thêm về quần áo, giầy mũ đồng loạt cho các đơn vị Công an, Hải quan, Đường sắt…

- Các chi phí sử dụng súc vật, phương tiện để làm việc như ô-tô, xe đạp , xe ba gác, trâu, bò, ngựa…

- Tiền trợ cấp đi đường cho cán bộ, công nhân viên và gia đình lúc điều động công tác.

- Công tác phí cho cán bộ, công nhân viên (gồm cả phụ cấp và ăn uống), tiền tàu, xe đi nghỉ phép như tiêu chuẩn đã quy định.

- Các khoản chi tiêu cho cán bộ ra ngoài nước công tác.

- Trợ cấp cho cán bộ được nuôi đi học ở trong và ngoài nước, học bổng của học viên đang theo học các trường chuyên nghiệp của Nhà nước; trợ cấp cho học viên không ở trong biên chế của Nhà nước tốt nghiệp ra trường đợi chờ công tác.

- Trợ cấp cho cán bộ có tiêu chuẩn đi nghỉ mát để bồi dưỡng sức khỏe.

- Trợ cấp cho đại biểu Quốc hội.

- Tiền phụ cấp thêm cho Âu phi, Việt kiều.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 167-TTg năm 1959 ban hành bản quy định tạm thời về thành phần tổng mức tiền lương do Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 167-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 27/04/1959
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1959
  • Ngày hết hiệu lực: 01/05/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản