Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 163-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 04 năm 1957

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH SẮC LUẬT SỐ 001-SLT NGÀY 19-4-1957 CẤM CHỈ MỌI HÀNH ĐỘNG ĐẦU CƠ VỀ KINH TẾ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Chiếu sắc luật số 001-SLt ngày 19 tháng 4 năm 1957 cấm chỉ mọi hành động đầu cơ về kinh tế;
Chiếu điều lệ về đăng ký kinh doanh công thưong nghiệp số 489-TTg ngày 30 tháng 3 năm 1955;
Theo đề nghị của Bộ Thương nghiệp;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: - Những hành động sau đây đều thuộc loại hành động đầu cơ về kinh tế quy định ở điều 2 sắc luật số 001-SLt ngày 19 tháng 4 năm 1957;

- Lợi dụng cơ hội hoặc tạo cơ hội khó khăn về sản xuất, phân phối, tiêu thụ để trục lợi bằng cách vơ vét, cất giấu, tích trữ hàng hóa, hoặc từ chối, hạn chế bán hàng hóa ra làm cho thị trường trở nên khan hiếm, nâng giá hàng hóa gây hỗn loạn thị trường.

- Bán quá giáNhà nước quy định

- Lợi dụng hoặc giả mạo giấy tờ của cơ quan, đoàn thể mua hàng hoá về bán lại để trục lợi.

- Khai gian để xin phân phối nguyên vật liệu, ăn cắp, rút bớt nguyên vật liệu do cơ quan Nhà nước gia công để trục lợi.

- Dùng thủ đoạn tuyên truyền lừa bịp, phao đồn tin nhảm, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân nhằm mục đích đầu cơ tích trữ hàng hóa để trục lợi.

Điều 2: - Tuỳ tình hình thị trưởng từng thời gian, Nhà nước sẽ công bố danh sách và quy định giá bán lẻ trên thị trường những hàng hóa thuộc loại Nhà nước quản lý.

Điều 3: - Ai buôn bán những hàng hóa do Nhà nước quy định và công bố giá đều phải niêm yết giá.

Giá niêm yết phải được ghi rõ ràng, bầy tại cửa hiệu hoặc gian hàng để khách hàng dễ trông thấy.

Điều 4: - Cơ quan có thẩm quyền khám xét người, đồ vật, nhà ở, và lập biên bản về tội đầu cơ về kinh tế là:

- Công tố uỷ viên, Phó Công tố uỷ viên Toà án nhân dân tỉnh và thành phố.

- Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, Trưởng ty, Phó Trưởng Ty Công thương tỉnh.

- Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Công an thành phố, Trưởng ty, Phó Trưởng Ty Công an tỉnh.

- Giám đốc, Phó Giám đốc Phân sở thuế vụ thành phố, Chi sở trưởng, Chi sở phó thuế vụ tỉnh.

- Và những nhân viên Chính phủ có mệnh lệnh viết của các cấp nói trên.

Điều 5: - Nhân viên thi hành lệnh khám nhà phài cùng đi với một uỷ viên hành chính xã hoặc đại diện chính quyền khu phố, người chủ nhà hoặc người thay mặt và một người láng giềng; khi khám xong, phải lập biên bản khám xét và giữ tang vật nếu có.

Điều 6: - Sau khi lập biên bản xong, những hàng hóa phạm pháp đều phải giao cho Uỷ ban Hành chính địa phương tạm giữ và bảo quản.

Riêng đối với hàng hóa dễ hư hỏng thì trong 24 giờ, tòa án có thể ra lệnh cho sử dụng ngay.

Điều 7: - Đối với những người phạm pháp, Uỷ ban Hành chính tỉnh hoặc thành phố có thẩm quyền cảnh báo, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh công thương nghiệp và đưa ra truy tố trước tòa án.

Điều 8: - Số tiền phạt và tiền bán hàng hóa tịch thu sẽ nộp vào công quỹ sau khi nộp các khoản thuế, trả các án phí và trích phần tiền thưởng cho người có công giúp đỡ khám phá ra hoặc bắt vụ phạm pháp.

Điều 9: - Những người có công giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm khám phá ra hoặc hoặc bắt được các vụ phạm pháp đầu cơ về kinh tế, không phân biệt là thường dân, bộ đội, nhân viên Chính phủ, sẽ được khen thưởng như sau:

- Trường hợp không phạt tiền và không tịch thu hàng hóa, Uỷ ban Hành chính tỉnh hoặc thành phố sẽ cấp bằng hoặc giấy khen tuỳ theo công lao lớn hay nhỏ.

- Trường hợp xử phạt tiền và tịch thu hàng hóa, khoản tiền thưởng chung cho một hay nhiều người sẽ là từ 10 đến 25% số tiền phạt và tiền bán hàng hoá tịch thu sau khi đã trích nộp các khoản thuế và trả các chi phí. Số tiền thưởng nhiều nhất cho mỗi người là ba triệu đồng.

Điều 10: - Nghị định này sẽ thi hành kể từ ngày công bố.

Điều 11: - Những quy định nào trái với các điều khoản nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 12: - Các ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thương nghiệp, Bộ Tài chính có trách nhiệm thi hành nghị định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 163-TTg năm 1957 thi hành Sắc luật 001-SLt về cấm chỉ mọi hành động đầu cơ về kinh tế do Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 163-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 19/04/1957
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 30/04/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản