Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC-BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 159-NĐ/LB

Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 1955

NGHỊ ĐỊNH LIÊN BỘ

ẤN ĐỊNH CHẾ ĐỘ VÀ THỂ LỆ CẤP HỌC BỔNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG QUỐC LẬP CÁC CẤP

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC-BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Chiếu Sắc lệnh số 119-SL, ngày 09-7-1946 thành lập Bộ giáo dục;
Chiếu các Nghị định số 102-NĐ ngày 11-4-1952 và số 316-NĐ ngày 10-10-1952 quy định chế độ và thể lệ cấp học bổng cho học sinh;
Xét tình hình hiện thời và theo đề nghị của ông Giám đốc Nha Giáo dục phổ thông.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay bãi bỏ Nghị định số 102-NĐ ngày 11-4-1952 và Nghị định số 316-NĐ ngày 10-10-1952 nói trên. Mục đích của Nghị định này là ấn định chế độ và thể lệ cấp học bổng cho học sinh các trường phổ thông quốc lập các cấp.

I – CÁC LOẠI HỌC BỔNG

Điều 2. – Có ba loại học bổng:

- học bổng toàn phần

- học bổng 2/3

- học bổng 1/3

Học bổng hàng tháng của mỗi loại và mỗi cấp ấn định như sau:

Loại học bổng

Tiền trị giá

Cấp 1

Cấp 2 và 3

- học bổng toàn phần

-

18kg gạo

24kg gạo

- học bổng 2/3

-

12kg gạo

16kg gạo

- học bổng 1/3

-

6kg gạo

8kg gạo

II - THẨM QUYỀN QUÝẾT ĐỊNH HỌC BỔNG

Điều 3. - Uỷ ban hành chính ra quyết định cấp học bổng cho học sinh các trường (từ cấp 1 đến cấp 3) thuộc tỉnh quản lý tài chính theo đề nghị của Hội đồng học bổng tỉnh quy định trong điều 10 dưới đây.

Ủy ban hành chính liên khu ra quyết định cấp học bổng cho học sinh các trường thuộc Liên khu do Trung ương giao cho Liên khu, theo đề nghị của Hội đồng học bổng liên khu quy định trong điều 10 dưới đây

Điều 4. - Những cấp phí về học bổng thuộc thẩm quyền cấp quản lý tài chính nào quyết định sẽ ghi vào dự toán hàng năm của cấp ấy.

Điều 5. – Ngoài những cấp phí nói trong điều 4 trên đây, những cấp phí về học bổng do các đoàn thể hay cá nhân ủng hộ sẽ để thuộc thuộc quyền các Hội đồng học bổng tính hay liên khu sử dụng, tuỳ theo ý kiến của các đoàn thể hay cá nhân đó muốn cấp học bổng cho học sinh thuộc cấp nào hoặc trường nào.

III - ĐIỀU KIỆN HƯỞNG HỌC BỔNG VÀ ĐƠN XIN CẤP HỌC BỔNG.

Điều 6. - Học bổng chỉ cấp cho học sinh thật nghèo mà cố gắng học tập và có hạnh kiểm tốt, ưu tiên dành cho con em các gia đình có công với cách mạng và kháng chiến (tử sĩ, thương binh, bộ đội, cán bộ, chiến sĩ thi đua, v.v …và các gia đình công nhân và bần cố nông).

Những học sinh là con cán bộ đã hưởng phụ cấp gia đình thì không được hưởng học bổng toàn phần

Học bổng cấp phát cho từng niên học một. Hết niên khóa, học sinh nào muốn xin tái cấp, phải làm đơn xin lại

Điều 7. - Hồ sơ xin cấp học bổng phải gửi đến hiệu trưởng trường và gồm các giấy tờ sau đây:

a) Trường hợp xin cấp học bổng lần đầu:

- Đơn đứng tên cha mẹ học sinh hay người đỡ đầu;

- Giấy khai gia cảnh: do Uỷ ban hành chính xã hay khu phố chứng nhận;

- Học bạ hay lời phê của hiệu trưởng hay giáo viên trong năm học trước

b) Trường hợp xin tái cấp:

- Đơn xin tái cấp có Ủy ban hành chính xã hay khu phố nhận thực gia cảnh trong năm vừa qua không có gì thay đổi.

IV - HỘI ĐỒNG XÉT ĐƠN XIN HỌC BỔNG

A. - Hội đồng xét sơ bộ đơn xin học bổng tại mỗi trường

Điều 8. - Tại mỗi trường hàng năm sẽ thành lập một Hội đổng để xét sơ bộ đơn xin học bổng, thành phần như sau:

a) Hội đồng học bổng tại trường phổ thông cấp I:

- Hiệu trưởng trường.................................................................................... Chủ tịch

- Một đại biểu Uỷ ban hành chính xã hay khu phố..................................... Hội viên

- Một đại biểu Nông hội xã (nên là phụ huynh học sinh).......................... nt

- Một đại biểu phân đoàn giáo dục.............................................................. nt

- Một đại biểu Ban phụ trách thiếu nhi xã hay khu phố............................. nt

b) Hội đồng học bổng trường phổ thông cấp 2 và 3:

Đơn xin học bổng của học sinh lớp nào sẽ do toàn thể học sinh lớp ấy đem ra bình nghị.

Hội đồng quản trị trường sẽ căn cứ vào kết quả bình nghị của mỗi lớp để xét và đề nghị.

Điều 9. - Những biên bản bình nghị tại các lớp, những biên bản và đề nghị của Hội đồng xét sơ bộ đơn xin học bổng tại các trường sẽ gửi tập trung về Hội đồng học bổng tỉnh hay liên khu kèm theo;

1. – Danh sách học sinh mới xin cấp học bổng lần đầu được đề nghị xếp theo thứ tự ưu tiên với lý do.

2. – Danh sách học sinh xin tái cấp học bổng được đề nghị cũng xếp theo thứ tự ưu tiên với lý do.

B - Hội đồng học bổng tỉnh và Hội đồng học bổng liên khu

Điều 10. - Tại mỗi tỉnh hay liên khu, hàng năm sẽ thành lập một Hội đồng đề nghị xét học bổng của Hội đồng học bổng các trường và quyết định việc cấp học bổng, thành phần như sau:

a)Hội đồng học bổng tỉnh:

- Một đại biểu uỷ ban hành chính tỉnh .......................................... Chủ tịch

- Trưởng Ty Giáo dục hay đại diện phó ........................................ Phó chủ tịch

- Một đại biểu giáo viên do Công đoàn tỉnh đề cử........................ Hội viên

- Một đại biểu Uỷ ban Liên Việt tỉnh

(nên là phụ huynh học sinh) ............................................................ Hội viên

- Một đại biểu Ban chấp hành Tỉnh đoàn học sinh

(hoặc Tỉnh đoàn thanh niên)............................................................ Hội viên

b) Hội đồng học bổng liên khu:

- Một đại biểu Uỷ ban uỷ ban hành chính liên khu......................... Chủ tịch

- Giám đốc khu Giáo dục hay đại diện........................................... Phó chủ tịch

- Một đại biểu giáo viên do Công đoàn

Giáo dục liên khu đề cử................................................................... Hội viên

- Một đại biểu Uỷ ban Liên Việt liên khu....................................... Hội viên

Một đại biểu ban chấp hành Khu đoàn học sinh

(hoặc Khu đoàn thanh niên)............................................................. Hội viên

Điều 11. – Hàng năm Hội đồng xét sử sơ bộ xin học bổng mỗi trường, Hội đồng học bổng tỉnh hay liên khu chỉ họp một lần vào đầu niên học để xét việc cấp học bổng cho cả niên học, theo giấy triệu tập của Chủ tịch Hội đồng.

Các Ty Giáo dục và Khu giáo dục phụ trách những công việc chuẩn bị cần thiết để các Hội đồng học bổng tỉnh hay liên khu họp và phụ trách báo cáo cho cấp trên (Khu hay Bộ) biết tình hình và kết quả việc xét và cấp học bổng của mỗi niên học.

V – VIỆC TRUẤT, GIẢM, V.V… HỌC BỔNG GIỮA NIÊN HỌC

Điều 12. – Giữa niên học, những sự thay đổi về học bổng (truất hay giảm học bổng, thay đổi học sinh được hưởng học bổng, v.v…) sẽ do Ủy ban hành chính tỉnh hay liên khu quyết định theo đề nghị của Ty hay Khu giáo dục và căn cứ vào biên bản hoặc tờ trình của Hội đồng Quản trị hay Hội đồng giáo viên trường.

VI – CÁCH THỨC TRẢ HỌC BỔNG

Điều 13. – Học bổng sẽ trả bằng tiền. Giá gạo để lĩnh tiền trả học bổng là giá gạo do Ủy ban hành chính địa phương ấn định để tính lương tháng cho công chức. Học bổng cấp cho tám (8) tháng trong mỗi niên học và trả vào đầu mỗi tháng.

VII – HIỆU LỰC THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH NÀY

Điều 14. – Nghị định này sẽ thi hành bắt đầu từ 01-01-1955 cho toàn thể các trường phổ thông quốc lập các cấp và các trường trung học, tiểu học công trong toàn quốc.

Đối với các trường tư sẽ có Thông tư riêng về chế độ học bổng theo tinh thần Nghị định này.

Điều 15. – Các ông Chánh văn phòng Bộ giáo dục Giám đốc Nha Giáo dục phổ thông, Chủ tịch Ủy ban hành chính các liên khu chiếu Nghị định thi hành.

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH




Lê Văn Hiến

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 159-NĐ/LB năm 1955 về ấn định chế độ và thể lệ cấp học bổng cho học sinh các trường phổ thông quốc lập các cấp do Bộ trưởng Bộ Giáo Dục- Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành.

  • Số hiệu: 159-NĐ/LB
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 04/04/1955
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính
  • Người ký: Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Huyên
  • Ngày công báo: 19/05/1956
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1955
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản