Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN - BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 102-NĐ

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 1959

NGHỊ ĐỊNH LIÊN BỘ

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ MÁY THU, PHÁT, PHỤ TÙNG MÁY PHÁT VÔ TUYẾT ĐIỆN, ĐÈN CÔNG SUẤT VÀ CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, SỬA CHỮA, MUA BÁN MÁY THU, PHÁT VÀ PHỤ TÙNG MÁY THU, PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN-BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

Căn cứ Nghị định số 344-TTg ngày 25/9/1959 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý máy thu, phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện, đèn công suất và các cơ sở sản xuất, sửa chữa mua bán máy thu, phát và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện;
Để bảo đảm thông tin liên lạc bằng vô tuyến điện được tốt và để bảo vệ công cuộc kiến thiết kinh tế, đề phòng những phẩn tử xấu lợi dụng phương tiện thông tin vô tuyết điện làm điều phi pháp;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nay ban hành điều lệ quản lý máy thu, phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện, đèn công suất và các cơ sở sản xuất, sửa chữa, mua bán máy thu, phát và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện kèm theo Nghị định này.

Điều 2. - Các ông Chánh văn phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Bộ Giao thông và Bưu điện, Chánh văn phòng, Giám đốc Vụ trị an dân cảnh Bộ Công an và Ủy ban Hành chính các tỉnh và thành phố có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN




Trần Quốc Hoàn

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN




Nguyễn Văn Trân

ĐIỀU LỆ

QUẢN LÝ CÁC MÁY THU, PHÁT, PHỤ TÙNG MÁY PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN, ĐÈN CÔNG SUẤT VÀ CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, SỬA CHỮA, MUA BÁN MÁY THU, PHÁT VÀ PHỤ TÙNG MÁY THU PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Bản điều lệ này quy định các chi tiết thi hành Nghị định số 344-TTg ngày 25/9/1959 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý máy thu, phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện, đèn công suất và các cơ sở sản xuất, sửa chữa, mua bán máy và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện.

Điều 2. - Điều lệ này không áp dụng đối với máy thu phát vô tuyến điện sử dụng vào nghiệp vụ của cơ quan Quân sự, Công an và Bưu điện.

II. KÊ KHAI VÀ XIN GIẤY CHỨNG NHẬN CÁC LOẠI MÁY THU VÔ TUYẾN ĐIỆN (THU THANH, THU TIN, THU HÌNH VÀ KHUẾCH ĐẠI PHÓNG THANH, v.v…)

Điều 3. - Các tổ chức hay cá nhân có các loại máy thu vô tuyến điện (thu thanh, thu hình, thu tin, khuếch đại phóng thanh) dùng đèn điện tử hay chất bán dẫn, cố định hay lưu động (kể cả những máy lắp trên xe hỏa, ô tô, tàu thủy,v.v…) đều phải kê khai và xin giấy chứng nhận tại Sở, Bưu điện tỉnh hay thành phố.

Điều 4. - Thủ tục kê khai và xin giấy chứng nhận như sau:

a) Người có máy (hay người được ủy quyền nếu là máy của một tổ chức) phải tự mình kê khai (theo mẫu in sẵn của Bưu điện) tại Sở, Ty Bưu điện tỉnh hay thành phố để xin giấy chứng nhận;

b) Các tổ chức hay cá nhân nếu ở xa Sở, Ty Bưu điện tỉnh hay thành phố mà có máy thì sẽ kê khai tại các Bưu cục gần nơi mình ở để nhờ chuyển đến Sở, Ty Bưu điện tỉnh hay thành phố xin giấy chứng nhận;

c) Thủ tục phí xin giấy chứng nhận là một hào (0đ10).

Điều 5. - Các tổ chức hay cá nhân nếu có máy trước ngày ban hành điều lệ này thì phải kê khai và xin giấy chứng nhận xong trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thi hành điều lệ. Nếu có máy sau ngày thi hành điều lệ này thì phải kê khai và xin giấy chứng nhận xong trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày mua máy.

Điều 6. - Những máy cố định nếu di chuyển đến một tỉnh hay thành phố khác thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đến chỗ mới, tổ chức hay cá nhân có máy đó phải đưa giấy chứng nhận cũ đến Sở, Ty Bưu điện tỉnh hay thành phố xin đổi giấy chứng nhận mới.

Điều 7. - Các tổ chức hay cá nhân có máy thu thanh thô sơ bằng ga-len được miễn kê khai và xin giấy chứng nhận.

III. ĐẶT VÀ SỬ DỤNG MÁY PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN.

Điều 8. - Các tổ chức hay cá nhân muốn đặt và sử dụng máy phát vô tuyến điện bất luận công suất lớn hay nhỏ, bất luận dùng vào mục đích gì trên lãnh thổ nước Việt nam dân chủ cộng hòa đều phải làm đơn xin phép nộp tại Tổng cục hoặc Sở, Ty Bưu điện để chuyển lên Bộ Giao thông và Bưu điện xét cấp giấy phép. Chỉ khi nào được cấp giấy phép mới được lắp đặt và sử dụng. Giấy phép này thay giấy phép mua phát vô tuyến điện.

Điều 9. - Đơn xin phép đặt và sử dụng máy phát vô tuyến điện phải đầy đủ những điểm sau đây:

- Mục đích đặt máy;

- Vị trí và trụ sở đặt máy (có sơ đồ);

- Vị trí và quy cách cột thiên tuyến (có sơ đồ);

- Quy cách máy phát;

- Công suất phát;

- Giai tần số hòa mạch;

- Loại nghiệp vụ;

- Đặc tính nguồn điện và công suất cung cấp điện;

- Chương trình hoạt động và phạm vi hoạt động.

Điều 10. - Các tổ chức hay cá nhân có máy phát vô tuyến điện trước ngày ban hành điều lệ này phải làm đơn xin phép và kê khai theo đúng quy định ở điều 8 và điều 9 trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thi hành điều lệ để xét định việc cấp giấy phép. Trong khi chờ đợi xét cấp giấy phép, việc tiếp tục sử dụng sẽ do Bộ Giao thông và Bưu điện quyết định.

Điều 11. - Các tổ chức hay cá nhân được phép đặt và sử dụng máy phát vô tuyến điện, mỗi khi muốn thay đổi một trong những điều quy định ở điều 9 (di chuyển trụ sở, thay đổi vị trí thiên tuyến, thay đổi nghiệp vụ,v.v…) phải được phép của Bộ Giao thông và Bưu điện mới được thay đổi.

IV. SẢN XUẤT, SỬA CHỮA, MUA BÁN MÁY THU, PHÁT VÀ PHỤ TÙNG MÁY THU, PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN

Điều 12. - Các tổ chức hay cá nhân muốn mở hiệu sản xuất, sửa chữa, mua bán máy và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện đều phải xin phép tại Sở, Ty Công an tỉnh hay thành phố, nơi mở hiệu. Chỉ khi nào được cấp giấy phép mới được mở hiệu sản xuất, sửa chữa, mua bán.

Điều 13. - Thủ tục xin phép phải làm đầy đủ như sau:

- Một đơn xin phép làm nghề;

- Một bản lý lịch người chịu trách nhiệm chính có kèm theo 3 tấm ảnh mới chụp (cỡ 4x6 phân, không đội mũ, nghiêng mặt 2/3 về phía trái);

- Một bản danh sách người làm công trong hiệu;

- Một bản kê khai phương tiện, dụng cụ dùng để sản xuất sửa chữa, mua bán.

Điều 14. - Các tổ chức hay cá nhân được phép mở hiệu sản xuất, sửa chữa, mua bán máy và phụ tùng máy thu phát vô tuyến điện đều phải mở sổ thống kê, sổ xuất nhập hàng theo mẫu hướng dẫn của Sở, Ty Công an tỉnh hay thành phố nơi mở hiệu.

Điều 15. - Nếu trong sản xuất muốn thay đổi mẫu mực, quy cách sản phẩm đã kê khai, thì chủ hiệu sản xuất phải xin phép Sở, Ty Bưu điện tỉnh hay thành phố. Chỉ khi nào được phép mới được thay đổi.

Điều 16. - Các tổ chức hay cá nhân đã mở hiệu sản xuất, sửa chữa, mua bán máy và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện từ trước ngày ban hành điều lệ này, đều phải làm đơn xin phép như quy định ở điều 12 và 13 và kê khai các loại máy và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện đã có tại sở, Ty Công an tỉnh hay thành phố nơi mở hiệu trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thi hành điều lệ này.

Trong khi chờ đợi xét cấp giấy phép, các hiệu nói trên vẫn được tiếp tục kinh doanh.

Điều 17. - Muốn mua máy phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện và đèn công suất phải làm đúng thủ tục như sau:

a) Mua máy phát vô tuyến điện phải có giấy phép lắp đặt và sử dụng quy định ở điều 8.

b) Những hiệu mua bán, sửa chữa máy và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện đã được phép mở hiệu kinh doanh, mỗi khi muốn mua máy phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện, đèn công suất, để bán hay sửa chữa, đều phải mang sổ xuất nhập hàng đến trình Sở, Ty Bưu điện để xét và chứng nhận mới được mua.

c) Các tổ chức hay cá nhân được phép sử dụng máy phát, khi máy bị hỏng muốn mang đến hiệu để sửa chữa, đều phải kê khai rõ tại Sở, Ty Bưu điện bộ phận hỏng, tình trạng bị hỏng, để xin giấy chứng nhận sửa chữa hay xin giấy chứng nhận mua bộ phận mới.

d) Các tổ chức hay cá nhân có các loại máy thu vô tuyến điện hay các loại máy có dùng đèn công suất gặp trường hợp đèn công suất bị hỏng, muốn mua đèn mới, phải mang đèn hỏng đến nộp cho hiệu bán hay hiệu sửa chữa và đưa giấy chứng nhận, giấy chứng minh để chủ hiệu ghi vào sổ.

Hàng tháng các hiệu sẽ đem số đèn hỏng này nộp cho Sở, Ty Bưu điện.

Điều 18. - Các tổ chức hay cá nhân được phép mở hiệu sản xuất, sửa chữa, mua bán và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện chỉ được mua bán và sửa chữa máy phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện và đèn công suất cho những người có giấy phép đã quy định ở điều 8 và điều 17.

V. DỰ TRỮ, VẬN CHUYỂN MÁY PHÁT, PHỤ TÙNG MÁY VÔ TUYẾN ĐIỆN VÀ ĐÈN CÔNG SUẤT

Điều 19. - Chỉ những hiệu được phép sản xuất, sửa chữa, mua bán máy và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện mới được dự trữ máy phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện và đèn công suất, số lượng dữ trữ phải phù hợp với số lượng đã xuất nhập hàng và các chứng từ về sản xuất, sửa chữa và mua bán.

Điều 20. - Các tổ chức hay cá nhân có máy phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện và đèn công suất (kể cả đèn công suất dùng trong các loại máy chiếu điện, máy chiếu phim, máy dán ni lông,v.v…) phải kê khai tại Sở, Ty Bưu điện tỉnh hay thành phố trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thi hành điều lệ này để xét định việc sử dụng.

Điều 21. - Muốn vận chuyển máy phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện và đèn công suất, các tổ chức hay cá nhân đều phải xin giấy phép vận chuyển tại Sở, Ty Bưu điện tỉnh hay thành phố. Sau khi có giấy phép mời được vận chuyển.

Những trường hợp sau đây thì không phải xin giấy phép vận chuyển của Sở, Ty Bưu điện:

a) Vận chuyển từ cửa hiệu bán hay sửa chữa về đến nhà thì được dùng giấy phép quy định ở điều 8 và điểm c điều 17.

b) Khi di chuyển trụ sở thì được dùng giấy phép di chuyển quy định ở điều 11.

c) Các cơ quan quân sự, Công an và Bưu điện khi di chuyển máy phát và phụ tùng máy phát thì được dùng giấy chứng nhận di chuyển của cơ quan đó.

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. - Các Sở, Ty Bưu điện và Sở, Ty Công an tỉnh hay thành phố có trách nhiệm kiểm soát việc thi hành điều lệ này.

Về nghiệp vụ kỹ thuật, Sở, Ty Bưu điện có nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên các máy phát vô tuyến điện đã được cấp giấy phép quy định ở điều 8, để chứng nghiệm các việc cần thiết.

Điều 23. - Các cơ quan Bưu điện và Công an làm nhiệm vụ kiểm soát có trách nhiệm lập biên bản và tạm giữ các máy thu, phát, phụ tùng máy phát vô tuyến điện và đèn công suất do việc sử dụng, sản xuất, sửa chữa, mua bán dự trữ và vận chuyển không hợp pháp.

Điều 24. - Những hành động vi phạm đến những điều quy định trong điều lệ này sẽ bị trừng phạt theo điều 5 Nghị định số 344-TTg ngày 25/9/1959 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 25. - Điều lệ này thi hành bắt đầu từ ngày 01/12/1959, các điều khoản quy định từ trước trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

Ban hành kèm theo Nghị định số 102-NĐ ngày 6/11/1959 của Liên Bộ Giao thông và Bưu điện và Công an.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 102-NĐ năm 1959 về điều lệ quản lý máy thu, phát, phụ tùng máy phát vô tuyết điện, đèn công suất và các cơ sở sản xuất, sửa chữa, mua bán máy thu, phát và phụ tùng máy thu, phát vô tuyến điện do Bộ trưởng Bộ Giao Thông và Bưu Điện- Bộ trưởng Bộ Công An ban hành.

  • Số hiệu: 102-NĐ
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 06/11/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Giao thông và Bưu điện
  • Người ký: Nguyễn Văn Trân, Trần Quốc Hoàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 45
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản