Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 130-HĐBT

Hà Nội, ngày 30 tháng 4 năm 1990

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 130-HĐBT NGÀY 30-4-1990 QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ BỘ MÁY CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ quyết định số 244-NQ-HĐNN8 ngày 31 tháng 3 năm 1990 của Hội đồng Nhà nước về việc thành lập, đổi tên một số Bộ, Uỷ ban Nhà nước và phê chuẩn việc giải thể một số Tổng cục,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.

Bộ Công nghiệp nặng là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng có chức năng quản lý Nhà nước đối với các ngành: Cơ khí luyện kim, điện tử, mỏ, địa chất, dầu khí và hoá chất.

Phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công nghiệp nặng đối với các ngành nói trên là thống nhất trên toàn quốc bao gồm hoạt động theo ngành (do Bộ quản lý) của mọi cơ quan, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế, của công dân và hoạt động của tổ chức và người nước ngoài tại Việt Nam.

Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ đối với các ngành do Bộ quản lý thực hiện theo quy định trong Nghị định số 196-HĐBT ngày 11-12- 1989 của Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 2.

Cơ cấu tổ chức của Bộ công nghiệp nặng gồm có:

a) Bộ máy giúp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.

- Văn phòng

- Vụ Kế hoạch

- Vụ Tài chính - kế toán

- Vụ Khoa học - kỹ thuật

- Vụ Tổ chức, nhân sự, đào tạo

- Vụ Hợp tác quốc tế

- Vụ Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản

- Thanh tra công nghiệp nặng.

Chuyển Cục Quản lý tài nguyên, khoáng sản Nhà nước trước đặt trực thuộc Tổng cục mỏ - địa chất nay trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng.

b) Thành lập Cục Địa chất Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Cục Địa chất là đơn vị sự nghiệp kinh tế - khoa học kỹ thuật đảm nhiệm các công tác nghiên cứu và điều tra cơ bản về địa chất và tài nguyên khoáng sản theo kế hoạch Nhà nước.

Các đơn vị sự nghiệp khác do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nghiên cứu sắp xếp lại trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Điều 3.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng có trách nhiệm dự thảo Điều lệ quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Bộ và tổ chức sắp xếp lại các đơn vị sản xuất kinh tế quốc doanh trực thuộc Bộ, trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Điều 4. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Thủ trưởng các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)