Hệ thống pháp luật

Điều 4 Nghị định 111/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Điều 4. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là 100.000.000 đồng.

2. Ngoài hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử có thời hạn đến 6 tháng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;

b) Buộc kiểm xạ khu vực làm việc, môi trường xung quanh khu vực làm việc của nhân viên bức xạ, buộc thực hiện quy định về quan trắc phóng xạ môi trường;

c) Buộc tẩy xạ những vùng bị nhiễm xạ để đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

d) Buộc di dời cơ sở bức xạ, địa điểm đặt thiết bị bức xạ đến vị trí khác; buộc cải tạo lại, thiết kế, xây dựng lại phòng đặt thiết bị bức xạ theo quy định;

đ) Buộc thu hồi, tiêu hủy, chôn cất vật phẩm, hàng hóa chứa chất phóng xạ theo quy định của pháp luật;

e) Buộc cải tạo lại kết cấu xây dựng, che chắn theo tiêu chuẩn quy định để bảo đảm an toàn đối với môi trường xung quanh;

g) Buộc tái xuất tang vật vi phạm đã nhập khẩu;

h) Buộc thu hồi tang vật bị tẩu tán, rơi vãi, truy tìm nguồn bức xạ để khôi phục lại tình trạng ban đầu;

i) Buộc thực hiện biện pháp an ninh đối với nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân theo quy định.

k) Tạm thời đình chỉ việc sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ cho đến khi thực hiện xong việc khai báo, cấp phép, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân; thực hiện xong việc sửa chữa, nâng cấp thiết bị bức xạ, bố trí phòng đạt tiêu chuẩn quy định để tiến hành công việc bức xạ, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ theo quy định.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại Chương II Nghị định này.

4. Chi phí cho việc khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính gây ra được quy định như sau:

a) Cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu mọi chi phí cho việc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra;

b) Trường hợp cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế và phải chịu mọi chi phí cho việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó.

c) Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thể thực hiện được biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra hoặc bỏ trốn thì cơ quan quản lý sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đó. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Nghị định 111/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

  • Số hiệu: 111/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/12/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 593 đến số 594
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH