Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 3 Nghị định 110/2011/NĐ-CP về quản lý hoạt động thuê, mua tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư tàu bay

MỤC 1. MUA TÀU BAY

Điều 14. Thủ tục đầu tư

1. Việc lập, trình, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư và tổ chức thực hiện dự án đầu tư tàu bay thực hiện theo các quy định hiện hành về đầu tư.

2. Trong trường hợp đặc biệt được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp được phép vừa xây dựng dự án đầu tư vừa đàm phán với nhà sản xuất tàu bay.

Điều 15. Hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu cung cấp tàu bay

1. Hình thức:

a) Hình thức đấu thầu rộng rãi;

b) Hình thức đấu thầu hạn chế;

c) Hình thức chỉ định thầu thông qua đàm phán trực tiếp.

Hình thức chỉ định thầu thông qua đàm phán trực tiếp được áp dụng trong trường hợp nhà cung cấp là nhà sản xuất tàu bay. Việc áp dụng hình thức này phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi thực hiện.

2. Phương thức lựa chọn:

Phương thức lựa chọn nhà thầu cung cấp tàu bay là phương thức một túi hồ sơ. Nhà thầu nộp hồ sơ gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu.

Điều 16. Trình tự thực hiện lựa chọn nhà thầu cung cấp tàu bay bằng hình thức chỉ định thầu thông qua đàm phán trực tiếp

1. Mời tham gia chỉ định thầu:

a) Việc mua tàu bay sẽ thực hiện mua trực tiếp từ nhà sản xuất tàu bay. Tùy vào mỗi loại hay dòng tàu bay cần mua, thư mời và hồ sơ yêu cầu được gửi trực tiếp tới nhà sản xuất loại tàu bay dự kiến mời tham gia chỉ định thầu;

b) Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định này, doanh nghiệp thực hiện mua trực tiếp từ nhà sản xuất tàu bay mà không cần gửi thư mời thầu và phát hành hồ sơ yêu cầu.

2. Nội dung cơ bản của hồ sơ yêu cầu:

a) Tàu bay: loại tàu bay, động cơ, cấu hình tàu bay (đối với tàu bay đã qua sử dụng cần có thông tin về năm sản xuất, số xuất xưởng, loại động cơ, cấu hình tàu bay);

b) Hình thức mua;

c) Thời gian giao tàu bay;

d) Giá tàu bay;

đ) Quỹ đại tu tàu bay (áp dụng cho tàu bay đã qua sử dụng);

e) Đặt cọc;

g) Bảo hiểm liên quan đến tàu bay và người khai thác tàu bay (áp dụng cho tàu bay đã qua sử dụng);

h) Thời hạn hiệu lực của hồ sơ đề xuất;

i) Các tài liệu đi kèm (áp dụng đối với tàu bay đã qua sử dụng): các thông số kỹ thuật của tàu bay, bao gồm cả các thông tin về thân, động cơ; cấu hình khoang tàu bay; cấu hình ghế; tiêu chuẩn của bếp trên tàu bay.

3. Thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất: tối thiểu là 15 ngày kể từ ngày phát hành hồ sơ yêu cầu, nhà thầu được mời tham gia chuẩn bị hồ sơ đề xuất bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính, thương mại.

4. Hình thức gửi hồ sơ đề xuất: nhà thầu tham dự có thể gửi hồ sơ đề xuất bằng giao nhận trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, fax hoặc e-mail, nhưng phải đảm bảo có chữ ký của người đại diện theo pháp luật. Đối với nhà thầu là các cá nhân, tổ chức Việt Nam, hồ sơ đề xuất phải có thêm dấu xác nhận. Trường hợp hồ sơ đề xuất được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

5. Bên mời thầu mời nhà thầu đến thương thảo hợp đồng, giải thích, làm rõ, sửa đổi hoặc bổ sung các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất nhằm chứng minh sự đáp ứng của nhà thầu theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu.

6. Trình duyệt, thẩm định và phê duyệt kết quả chỉ định thầu: trên cơ sở báo cáo kết quả chỉ định thầu, báo cáo thẩm định, người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt kết quả chỉ định thầu.

7. Thương thảo, hoàn thiện và ký kết hợp đồng:

Trên cơ sở quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu, doanh nghiệp tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu để ký kết hợp đồng. Hợp đồng chỉ có hiệu lực sau khi được người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt.

Thủ tục phê duyệt kết quả chỉ định thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu.

8. Trường hợp đặc biệt được phép của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp được đặt cọc (có hoàn trả) để giữ lịch tàu bay và các ưu đãi khác trước khi lập dự án hoặc ký kết hợp đồng mua tàu bay.

Điều 17. Trình tự thực hiện lựa chọn nhà thầu cung cấp tàu bay thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế

Trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu cung cấp tàu bay thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế thực hiện theo các quy định hiện hành về đấu thầu.

Điều 18. Bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng

Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu thông qua đàm phán trực tiếp, nhà thầu có thể không phải nộp bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Doanh nghiệp căn cứ vào tính chất, quy mô và năng lực cụ thể của nhà thầu để quyết định việc cho phép nhà thầu không phải nộp bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

Điều 19. Hình thức hợp đồng

1. Hình thức trọn gói: giá hợp đồng không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.

2. Hình thức có điều chỉnh giá: giá hợp đồng được tính theo giá cơ sở và công thức trượt giá quy định trong hợp đồng. Giá cơ sở được cố định trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.

Nghị định 110/2011/NĐ-CP về quản lý hoạt động thuê, mua tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư tàu bay

  • Số hiệu: 110/2011/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/12/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 623 đến số 624
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH