Hệ thống pháp luật

Điều 20 Nghị định 09/2006/NĐ-CP về phòng cháy và chữa cháy rừng

Điều 20. Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng phải đảm bảo các yêu cầu và nội dung cơ bản sau:

a) Đề ra chương trình kế hoạch tổ chức thực hiện các biện pháp, điều kiện phòng cháy và chữa cháy rừng quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Nghị định này;

b) Đề ra các tình huống cháy cụ thể có thể xảy ra, khả năng cháy lan, phát triển của đám cháy theo các mức độ khác nhau và tình huống cháy lớn phức tạp nhất;

c) Đề ra kế hoạch huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy và công việc phục vụ chữa cháy phù hợp với từng giai đoạn của từng tình huống cháy.

2. Chủ rừng chịu trách nhiệm xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.

Trường hợp phương án phòng cháy và chữa cháy cần huy động lực lượng phương tiện chữa cháy của lực lượng chuyên ngành phòng cháy và chữa cháy rừng, của các chủ rừng và lực lượng, phương tiện khác do cơ quan Kiểm lâm quản lý thì chủ rừng đề nghị cơ quan Kiểm lâm hướng dẫn xây dựng phương án.

Trường hợp phương án phòng cháy và chữa cháy cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức hoặc địa phương tham gia thì chủ rừng đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hướng dẫn xây dựng phương án.

Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng phải được bổ sung chỉnh lý kịp thời khi có những thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy.

3. Thẩm quyền phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy rừng:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy rừng thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình;

b) Thủ trưởng Kiểm lâm cấp tỉnh và thủ trưởng Kiểm lâm cấp huyện, phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy rừng có sử dụng lực lượng, phương tiện của lực lượng chuyên ngành phòng cháy và chữa cháy rừng thuộc phạm vi quản lý của mình;

c) Cục trưởng Cục Kiểm lâm phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy đối với các loại rừng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; trường hợp cần thiết thì trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt;

d) Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy có sử dụng lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức ở địa phương; trường hợp cần thiết thì do Giám đốc Công an tỉnh phê duyệt;

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy có sử dụng lực lượng, phương tiện của Quân đội đóng ở địa phương;

e) Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy có sử dụng lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức, của nhiều địa phương, bộ, ngành; trường hợp cần thiết trình Bộ trưởng Bộ Công an hoặc người được ủy quyền phê duyệt; trường hợp đặc biệt thì Bộ trưởng Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Trách nhiệm thực tập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.

a) Chủ rừng chịu trách nhiệm tổ chức thực tập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng. Phương án phòng cháy và chữa cháy phải được thực tập định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần vào trước mùa hanh khô và thực tập đột xuất khi có yêu cầu;

b) Lực lượng, phương tiện có trong phương án khi được huy động thực tập phải tham gia đầy đủ;

c) Cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hướng dẫn, kiểm tra việc thực tập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định mẫu "Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng" và thời hạn phê duyệt phương án phòng cháy và chữa cháy rừng.

Nghị định 09/2006/NĐ-CP về phòng cháy và chữa cháy rừng

  • Số hiệu: 09/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/01/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 43 đến số 44
  • Ngày hiệu lực: 13/02/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH