Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 05/2007/NĐ-CP về việc phòng, chống bệnh dại ở động vật

Chương 3:

CHỐNG DỊCH BỆNH DẠI Ở ĐỘNG VẬT

Điều 11. Xử lý ổ dịch

1. Khi động vật đã được xác định mắc bệnh dại, chủ vật nuôi phải thực hiện các quy định sau:

a) Tiêu hủy ngay con vật mắc bệnh. Trường hợp không xác định được chủ vật nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tiêu hủy;

b) Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này;

c) Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường, thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh;

d) Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi.

2. Tiêm phòng bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp. Trường hợp chó, mèo khoẻ mạnh trong ổ dịch không tiêm phòng thì phải tổ chức tiêu hủy.

Điều 12. Công bố dịch bệnh dại

1. Điều kiện công bố dịch bệnh dại trong phạm vi xã:

a) Khi đã xác định có chó, mèo mắc bệnh dại và có người chết vì bệnh dại trong địa bàn xã;

b) Có báo cáo bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện về diễn biến tình hình dịch bệnh;

c) Có văn bản đề nghị công bố dịch của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y cấp tỉnh.

2. Điều kiện công bố dịch bệnh dại trong phạm vi huyện: khi trong huyện có từ 5 xã trở lên có dịch bệnh dại.

3. Điều kiện công bố dịch bệnh dại trong phạm vi tỉnh: khi trong tỉnh có từ 5 huyện trở lên có dịch bệnh dại.

4. Thẩm quyền công bố dịch thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.

Điều 13. Các biện pháp đối với vùng có dịch

1. Đối với động vật:

a) Tất cả chó, mèo trong vùng có dịch phải được nhốt. Những con khoẻ mạnh tại vùng đó và tại các thôn tiếp giáp phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại;

b) Thực hiện tiêu hủy động vật mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dại; vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng có dịch;

c) Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh dại theo quy định;

d) Không vận chuyển, đưa chó, mèo ra, vào vùng có dịch.

2. Đối với người:

a) Những người bị chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh phải xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn của y tế cấp xã; đến ngay Trung tâm Y tế dự phòng để được khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam;

b) Trung tâm Y tế dự phòng cấp huyện phải có đầy đủ huyết thanh kháng dại, vắc xin phòng bệnh dại và tổ chức trực chống dịch;

c) Những người trực tiếp thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi có dịch phải thực hiện biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.

Điều 14. Công bố hết dịch

1. Điều kiện công bố hết dịch:

a) 100% chó, mèo trong vùng có dịch và các thôn tiếp giáp với vùng có dịch đã được tiêm vắc xin phòng bệnh dại;

b) Đã đủ 90 ngày, kể từ ngày xuất hiện con vật đầu tiên mắc bệnh dại, trong đó 15 ngày cuối cùng không có thêm con vật nào mắc bệnh dại hoặc chết vì bệnh dại;

c) Đã thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc triệt để đối với ổ dịch, vùng có dịch.

2. Thẩm quyền công bố hết dịch:

Trình tự, thẩm quyền công bố hết dịch thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.

Nghị định 05/2007/NĐ-CP về việc phòng, chống bệnh dại ở động vật

  • Số hiệu: 05/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/01/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 19/01/2007
  • Số công báo: Từ số 45 đến số 46
  • Ngày hiệu lực: 03/02/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra