Hệ thống pháp luật

Mục 4 Chương 2 Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013

MỤC 4. THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG; QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRỤ SỞ LÀM VIỆC, NHÀ Ở CÔNG VỤ VÀ CÔNG TRÌNH PHÚC LỢI CÔNG CỘNG

Điều 33. Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch và danh mục dự án đầu tư

1. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, lĩnh vực và sản phẩm; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng phải phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của nền kinh tế.

2. Việc lập, thẩm định và phê duyệt danh mục dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, lĩnh vực và sản phẩm; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng.

Điều 34. Lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư

1. Lập, thẩm định dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch, danh mục dự án đầu tư theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng.

2. Phê duyệt dự án đầu tư phải phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn; bảo đảm cân đối giữa nguồn vật tư, nguyên liệu với năng lực sản xuất và thị trường tiêu thụ; đạt hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

3. Dự án đầu tư trước khi quyết định đầu tư phải chứng minh rõ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện dự án đúng tiến độ.

Điều 35. Khảo sát, thiết kế xây dựng công trình

1. Việc khảo sát, thiết kế xây dựng công trình phải theo đúng quy trình, quy phạm khảo sát, thiết kế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Việc thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình phải theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Điều 36. Lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán công trình

1. Việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán công trình phải căn cứ vào định mức, đơn giá, tiêu chuẩn xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và phải phù hợp với thiết kế xây dựng công trình đã được phê duyệt.

2. Việc điều chỉnh tổng dự toán, dự toán công trình phải căn cứ vào thực tế thực hiện, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm liên quan đến việc phải điều chỉnh và tuân thủ quy trình, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 37. Lựa chọn nhà thầu, tổ chức tư vấn giám sát thực hiện dự án đầu tư

1. Chủ đầu tư phải thực hiện thông báo công khai việc mời thầu trên phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn nhà thầu, tổ chức tư vấn giám sát.

2. Nhà thầu, tổ chức tư vấn giám sát được lựa chọn phải có đủ điều kiện, năng lực thực hiện, giám sát thực hiện dự án đầu tư; có phương án tiết kiệm, chống lãng phí.

Điều 38. Thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình

1. Dự án đầu tư chỉ được thực hiện, công trình chỉ được thi công khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Dự án đầu tư, công trình không nằm trong quy hoạch, kế hoạch, không bảo đảm các điều kiện quy định, không đúng quy trình, thủ tục đầu tư phải bị đình chỉ hoặc hủy bỏ.

2. Giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án. Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

3. Thi công công trình phải đúng thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; đúng tiến độ đã được phê duyệt. Chủ đầu tư, chủ dự án phải chịu trách nhiệm kiểm tra, yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng thời gian thi công, thi công đúng thiết kế, sử dụng nguyên liệu, vật liệu theo đúng tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình và tiến độ thi công.

4. Tổ chức tư vấn giám sát thi công công trình có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với chủ đầu tư, chủ dự án; phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi tiêu cực, gây lãng phí trong quá trình thi công.

5. Chủ đầu tư, chủ dự án có trách nhiệm:

a) Xác định cụ thể mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí để giao cho nhà thầu thực hiện;

b) Không được tự ý thay đổi thiết kế, dự toán công trình hoặc giá trúng thầu đã được duyệt; tiến hành nghiệm thu và quyết toán công trình theo đúng quy định.

Điều 39. Quản lý vốn đầu tư xây dựng

1. Quản lý vốn đầu tư xây dựng phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý vốn đầu tư, bảo đảm trong phạm vi danh mục dự án đầu tư, dự án hỗ trợ đầu tư được duyệt;

b) Bảo đảm thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu;

c) Phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn, bảo đảm đúng tiến độ trong phạm vi tổng dự toán công trình;

d) Bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội và phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đầu tư.

2. Cơ quan, tổ chức quản lý vốn đầu tư xây dựng có trách nhiệm:

a) Xác định mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quản lý vốn đầu tư xây dựng để giao cho cơ quan, tổ chức sử dụng thực hiện, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả;

b) Bảo đảm đầu tư tập trung, đúng mục tiêu, có hiệu quả, bố trí vốn kịp thời, tiết kiệm;

c) Thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nội bộ việc quản lý vốn trong cơ quan, tổ chức. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các trường hợp lãng phí xảy ra.

Điều 40. Sử dụng vốn đầu tư xây dựng

1. Sử dụng vốn đầu tư xây dựng phải bảo đảm thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và đấu thầu.

Đối với các dự án được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí chủ đầu tư phải chứng minh và cam kết bảo đảm đủ nguồn vốn đối ứng trước khi dự án được phê duyệt.

2. Chủ đầu tư, chủ dự án sử dụng vốn đầu tư xây dựng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, biện pháp để tổ chức thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí được giao, bảo đảm hoàn thành công trình, dự án đầu tư đúng tiến độ; tổ chức hoạt động thanh tra nhân dân, kiểm toán nội bộ, đánh giá hàng năm, kịp thời phát hiện các sai phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành công trình xây dựng

1. Việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành chỉ được thực hiện đối với các công trình sau đây:

a) Công trình quan trọng quốc gia;

b) Công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành đối với công trình quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và quy định việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành đối với công trình quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 42. Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp

1. Cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với diện tích đất thuộc trụ sở làm việc hoặc cơ sở hoạt động sự nghiệp phải quản lý, sử dụng theo đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.

Việc xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hoặc thuê trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước phải phù hợp với định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Trụ sở làm việc sử dụng không đúng mục đích hoặc không sử dụng phải bị thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 43. Quản lý, sử dụng nhà ở công vụ

1. Nhà ở công vụ được bố trí cho cán bộ, công chức để ở trong thời gian thực thi công vụ theo đúng đối tượng, định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Nhà ở công vụ bố trí không đúng đối tượng, sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng hoặc đã hết thời hạn sử dụng theo hợp đồng phải bị thu hồi.

2. Cơ quan quản lý nhà ở công vụ phải xây dựng và ban hành quy chế quản lý nhà ở công vụ, thực hiện ký hợp đồng với người được giao sử dụng nhà ở công vụ, định kỳ kiểm tra việc thực hiện hợp đồng, kiểm tra thu hồi nhà khi hết hạn hợp đồng.

3. Người được giao sử dụng nhà ở công vụ phải thực hiện đúng quy chế quản lý nhà ở công vụ, sử dụng đúng mục đích, giữ gìn nhà ở và tài sản khác theo hồ sơ giao nhận; không được tự ý cải tạo, sửa chữa, làm thay đổi kết cấu, công năng của nhà ở công vụ; không được chuyển đổi hoặc cho thuê lại dưới bất kỳ hình thức nào và phải trả lại cho cơ quan quản lý khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ.

Điều 44. Quản lý, sử dụng công trình phúc lợi công cộng

1. Công trình phúc lợi công cộng phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích. Công trình phúc lợi công cộng không đưa vào sử dụng, sử dụng kém hiệu quả phải bị thu hồi, giao cho cơ quan, tổ chức khác quản lý, sử dụng.

2. Cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng công trình phúc lợi công cộng có trách nhiệm:

a) Xây dựng và ban hành quy chế quản lý công trình; xây dựng kế hoạch bảo quản, khai thác, tu bổ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả;

b) Xác định mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quản lý, sử dụng công trình phúc lợi công cộng;

c) Thực hiện giám sát, kiểm tra, quản lý việc sử dụng công trình phúc lợi công cộng.

Điều 45. Hành vi gây lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng

1. Phê duyệt dự án đầu tư không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được duyệt; thiếu tính khoa học, không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật.

2. Khảo sát địa hình, địa chất không tuân thủ quy trình, quy phạm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; phản ánh số liệu khảo sát không chính xác, trung thực, khách quan. Thiết kế, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình không thực hiện đúng quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

3. Giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án chậm so với tiến độ đã được phê duyệt do nguyên nhân chủ quan; thực hiện dự án, khởi công công trình trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

4. Bố trí vốn dàn trải, chậm tiến độ theo kế hoạch; không quyết toán, chậm quyết toán công trình, dự án.

5. Sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật.

6. Tự điều chỉnh tổng dự toán công trình trái với quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tự điều chỉnh thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng so với thiết kế, quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7. Sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

8. Không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý kịp thời đối với công trình do nhà nước đầu tư không sử dụng được, không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng hiệu quả thấp, không đạt mục tiêu đã định.

9. Sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành các công trình không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 41 của Luật này.

10. Không xây dựng các biện pháp và tổ chức thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng.

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013

  • Số hiệu: 44/2013/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 26/11/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1009 đến số 1010
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH