Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Luật thú y 2015

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT

Điều 14. Nội dung phòng, chống dịch bệnh động vật

1. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chẩn đoán, chữa bệnh; quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi; giám sát, dự báo, cảnh báo dịch bệnh; điều tra dịch bệnh; phân tích nguy cơ; khống chế dịch bệnh động vật.

2. Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

3. Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; thực hiện chương trình, kế hoạch khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người.

4. Thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời về dịch bệnh động vật, chính sách hỗ trợ trong phòng, chống dịch bệnh động vật.

5. Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

Điều 15. Phòng bệnh động vật

1. Nơi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, dụng cụ dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải được vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, diệt vật chủ trung gian định kỳ và sau mỗi đợt nuôi; nơi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải theo quy hoạch của địa phương hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

2. Chất thải trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải được xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đối với hệ thống nuôi trồng thủy sản kín, nguồn nước nuôi phải bảo đảm chất lượng; nước thải, chất thải phải được xử lý trước khi xả thải bảo đảm vệ sinh thú y và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Con giống, thức ăn sử dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y và theo quy định của pháp luật về giống vật nuôi, pháp luật về thức ăn chăn nuôi.

4. Động vật phải được phòng bệnh bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

5. Vắc-xin phòng bệnh bắt buộc trong các chương trình khống chế, thanh toán dịch bệnh động vật, phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp do ngân sách nhà nước hỗ trợ; cơ quan quản lý chuyên ngành thú y chịu trách nhiệm xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng vắc-xin phòng bệnh động vật.

6. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch; Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người; Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh;

b) Quy định các biện pháp phòng bệnh bắt buộc; yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; điều kiện động vật, sản phẩm động vật được vận chuyển ra khỏi vùng có dịch;

c) Quyết định sử dụng thuốc thú y chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp để kịp thời phòng, chống dịch bệnh động vật;

d) Quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Điều 16. Giám sát dịch bệnh động vật

1. Giám sát dịch bệnh động vật nhằm phát hiện sớm dịch bệnh có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, các bệnh truyền lây giữa động vật và người.

2. Chương trình giám sát dịch bệnh động vật được cơ quan có thẩm quyền ban hành đối với một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật để khuyến khích chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật.

3. Chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Xây dựng và giám sát dịch bệnh động vật tại cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;

b) Khi tham gia chương trình giám sát dịch bệnh động vật quy định tại khoản 2 Điều này, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và được vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi vùng có dịch theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;

c) Theo dõi, ghi chép quá trình nuôi, phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật;

d) Báo cho chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y khi có kết quả kiểm tra xác định động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch và Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người; thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định.

4. Cơ sở chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y khi có kết quả xét nghiệm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch và Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người.

5. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức thực hiện giám sát bệnh động vật như sau:

a) Căn cứ diễn biến của dịch bệnh động vật, xây dựng chương trình giám sát dịch bệnh động vật trong quá trình nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật;

b) Chủ động điều tra, lấy mẫu giám sát dịch bệnh động vật;

c) Định kỳ hoặc đột xuất giám sát các bệnh truyền nhiễm có thể lây giữa động vật hoang dã và động vật nuôi tại cơ sở nuôi động vật hoang dã, vườn thú, vườn chim, khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên;

d) Căn cứ kết quả giám sát, đặc điểm dịch tễ của bệnh động vật, tiến hành dự báo, cảnh báo về một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật và hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh; trường hợp phát hiện dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người thì phải thông báo kịp thời cho cơ quan y tế cùng cấp, cảnh báo tới người chăn nuôi và cộng đồng để chủ động thực hiện các biện pháp cách ly động vật lây nhiễm, phòng, chống dịch bệnh động vật lây sang người;

đ) Xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về giám sát dịch bệnh động vật và thông tin dự báo, cảnh báo dịch bệnh động vật; tiếp nhận và phản hồi thông tin về tình hình dịch bệnh động vật;

e) Xác nhận cơ sở tham gia chương trình giám sát dịch bệnh động vật bảo đảm an toàn.

Điều 17. Vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật

1. Điều kiện được công nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật:

a) Thực hiện các biện pháp phòng bệnh động vật quy định tại Điều 14 và các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 15 của Luật này;

b) Thực hiện giám sát dịch bệnh động vật theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật này;

c) Không xảy ra dịch bệnh động vật đăng ký công nhận trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật;

d) Hoạt động thú y trong vùng, cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh động vật.

2. Vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 18. Khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người

1. Việc khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người phải được xây dựng thành chương trình, kế hoạch trong từng thời kỳ.

2. Việc khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật bao gồm các nội dung sau đây:

a) Nghiên cứu, điều tra phát hiện tác nhân gây bệnh, tác nhân truyền bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật; phân tích, đánh giá nguy cơ gây bệnh, lây nhiễm dịch bệnh động vật;

b) Phát hiện dịch bệnh động vật sớm, dập tắt dịch kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng;

c) Thực hiện các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật bao gồm sử dụng vắc-xin, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi, tiêu hủy, giết mổ bắt buộc đối với động vật mắc bệnh và biện pháp kỹ thuật bắt buộc khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;

d) Giám sát dịch bệnh động vật, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm bệnh;

đ) Tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn tổ chức, cá nhân chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật;

e) Mở rộng và duy trì vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

3. Việc khống chế, thanh toán bệnh truyền lây giữa động vật và người bao gồm các nội dung sau đây:

a) Nghiên cứu, điều tra, phát hiện các tác nhân gây bệnh truyền lây giữa động vật và người;

b) Kiểm soát, khống chế nguồn lây nhiễm bệnh, không để dịch bệnh lây lan;

c) Thực hiện các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật bao gồm sử dụng vắc-xin, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi, tiêu hủy, giết mổ bắt buộc đối với động vật mắc bệnh và các biện pháp kỹ thuật bắt buộc khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, cơ quan y tế;

d) Giám sát bệnh truyền lây giữa động vật và người; thiết lập hệ thống thông tin, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền lây giữa động vật và người;

đ) Chế độ thông tin, báo cáo tình hình dịch bệnh động vật giữa cơ quan quản lý chuyên ngành thú y với cơ quan y tế trong ứng phó, xử lý dịch bệnh;

e) Tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn tổ chức, cá nhân chủ động phòng, chống bệnh truyền lây giữa động vật và người theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, cơ quan y tế.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp bắt buộc để khống chế, thanh toán dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật; bệnh truyền lây giữa động vật và người;

c) Hằng năm, đánh giá tình hình dịch bệnh động vật, việc khống chế, thanh toán dịch bệnh động vật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xử lý thông tin liên quan đến dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người; tổ chức điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh ở người; thực hiện việc công bố dịch theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

6. Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm kinh phí thực hiện chương trình, kế hoạch quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người.

Điều 19. Khai báo, chẩn đoán, điều tra dịch bệnh động vật

1. Chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cá nhân hành nghề thú y khi phát hiện động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm phải báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất.

2. Nhân viên thú y cấp xã khi phát hiện hoặc nhận được tin báo có động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm sau đây:

a) Kiểm tra thông tin, chẩn đoán lâm sàng, hỗ trợ cơ quan quản lý chuyên ngành thú y lấy mẫu xét nghiệm;

b) Hướng dẫn chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 33 của Luật này;

c) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện.

3. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện khi nhận được thông báo có động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm sau đây:

a) Xác minh thông tin, chẩn đoán lâm sàng, điều tra ổ dịch bệnh động vật;

b) Lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh;

c) Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật;

d) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 20. Chữa bệnh động vật

1. Động vật có dấu hiệu mắc bệnh phải được chẩn đoán, cách ly, chăm sóc, chữa bệnh kịp thời, trừ trường hợp cấm chữa bệnh hoặc phải giết mổ, tiêu hủy bắt buộc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhân viên thú y cấp xã, cá nhân hành nghề thú y khi chữa bệnh cho động vật trong ổ dịch bệnh động vật, vùng có dịch phải theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật.

3. Việc sử dụng thuốc thú y chữa bệnh cho động vật mắc bệnh phải theo quy định tại khoản 1 Điều 104 của Luật này.

Điều 21. Đối xử với động vật

1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng động vật có trách nhiệm sau đây:

a) Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp với từng loài động vật;

b) Giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.

2. Tổ chức, cá nhân nuôi động vật làm cảnh, nuôi bảo tồn đa dạng sinh học có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật này.

Điều 22. Dự trữ và sử dụng thuốc thú y thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia

1. Dự trữ thuốc thú y thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định số lượng, chủng loại thuốc thú y dự trữ quốc gia;

b) Thuốc thú y thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

2. Việc sử dụng thuốc thú y thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia được quy định như sau:

a) Trong trường hợp đột xuất, cấp bách khi có thiên tai, dịch bệnh động vật và căn cứ vào đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định xuất, cấp thuốc thú y thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia để phòng, chống dịch bệnh động vật có giá trị tương ứng với thẩm quyền quyết định chi ngân sách của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại Luật ngân sách nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thông báo cho Bộ Tài chính về việc xuất, cấp thuốc thú y dự trữ quốc gia; trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng thuốc thú y thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia được hỗ trợ để phòng, chống dịch bệnh động vật kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích và báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả sử dụng thuốc thú y thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia đã hỗ trợ cho địa phương.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí dự trữ thuốc thú y từ ngân sách địa phương để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

Điều 23. Kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật

1. Kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật được sử dụng cho các hoạt động sau đây:

a) Phòng, chống dịch bệnh động vật;

b) Khắc phục hậu quả dịch bệnh động vật;

c) Phục hồi môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

2. Kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật được hình thành từ các nguồn sau đây:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Kinh phí của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;

c) Đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước, tổ chức quốc tế và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật.

Điều 24. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật

1. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp được thành lập khi dịch bệnh động vật được công bố.

2. Thủ tướng Chính phủ quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp.

Luật thú y 2015

  • Số hiệu: 79/2015/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 19/06/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 861 đến số 862
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH