Hệ thống pháp luật

Điều 29 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020

Điều 29. Trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp phá sản

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp dịch vụ phải báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và phương án thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp trong hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực.

2. Kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp dịch vụ không được thực hiện hoạt động dịch vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 9 của Luật này.

3. Trong trường hợp Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản, việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực được quy định như sau:

a) Doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ khác có Giấy phép để chuyển giao quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp sau khi đã thống nhất với bên nước ngoài tiếp nhận lao động và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận phương án chuyển giao. Việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ cho doanh nghiệp dịch vụ khác không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Khi chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho doanh nghiệp dịch vụ khác, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được chuyển giao cho doanh nghiệp dịch vụ tiếp nhận. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ, doanh nghiệp dịch vụ phải thông báo cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bên nước ngoài tiếp nhận lao động và người lao động;

b) Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không thỏa thuận được việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho doanh nghiệp dịch vụ khác thì bàn giao toàn bộ hồ sơ của người lao động đang làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, tiền dịch vụ thu trước của người lao động cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động do doanh nghiệp đưa đi theo quy định của Luật này.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận bàn giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho bên nước ngoài tiếp nhận lao động và người lao động theo hồ sơ đã tiếp nhận.

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020

  • Số hiệu: 69/2020/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 13/11/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1183 đến số 1184
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH