Hệ thống pháp luật

Điều 41 Luật Hợp tác xã 2003

Điều 41. Hợp nhất, sáp nhập hợp tác xã

1. Hai hay nhiều hợp tác xã có thể hợp nhất thành một hợp tác xã mới, bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang hợp tác xã hợp nhất, đồng thời chấm dứt tồn tại của các hợp tác xã bị hợp nhất.

Một hoặc một số hợp tác xã có thể sáp nhập vào một hợp tác xã khác, bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang hợp tác xã sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của hợp tác xã bị sáp nhập.

2. Thủ tục hợp nhất hợp tác xã được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Ban quản trị các hợp tác xã bị hợp nhất phải cùng nhau thành lập Hội đồng hợp nhất để dự kiến tên, trụ sở của hợp tác xã hợp nhất; thủ tục và điều kiện hợp nhất; phương án xử lý tài sản, vốn, các khoản nợ, xã viên, lao động và những vấn đề tồn đọng của các hợp tác xã bị hợp nhất sang hợp tác xã hợp nhất; dự thảo phương án sản xuất, kinh doanh và Điều lệ của hợp tác xã hợp nhất;

b) Tổ chức Đại hội xã viên của hợp tác xã hợp nhất để quyết định việc hợp nhất và thông qua các vấn đề quy định tại điểm a khoản này;

c) Lập hồ sơ đăng ký kinh doanh của hợp tác xã hợp nhất theo quy định tại Điều 13 của Luật này và gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh;

d) Thông báo bằng văn bản cho các chủ nợ, các tổ chức và cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã về quyết định hợp nhất và phương thức giải quyết các mối quan hệ kinh tế có liên quan đến họ;

đ) Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp nhất, cơ quan đăng ký kinh doanh phải ra thông báo bằng văn bản chấp thuận hay không chấp thuận việc hợp nhất và cấp đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã hợp nhất. Trường hợp không đồng ý với quyết định của cơ quan đăng ký kinh doanh, hợp tác xã có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật;

e) Sau khi đăng ký kinh doanh, hợp tác xã hợp nhất có quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các hợp tác xã bị hợp nhất.

3. Thủ tục sáp nhập hợp tác xã được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Ban quản trị các hợp tác xã sáp nhập và bị sáp nhập phải cùng nhau thành lập Hội đồng sáp nhập để dự kiến thủ tục và điều kiện sáp nhập, phương án xử lý tài sản, vốn, các khoản nợ, xã viên, lao động và những vấn đề tồn đọng của hợp tác xã bị sáp nhập; dự thảo phương án sản xuất, kinh doanh và Điều lệ hợp tác xã sáp nhập;

b) Tổ chức Đại hội xã viên bao gồm các xã viên của hợp tác xã sáp nhập và xã viên của hợp tác xã bị sáp nhập để quyết định các vấn đề quy định tại điểm a khoản này;

c) Thông báo bằng văn bản cho các chủ nợ, các tổ chức và cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã về quyết định sáp nhập và phương thức giải quyết các mối quan hệ kinh tế có liên quan đến họ;

d) Gửi đơn, biên bản sáp nhập và Điều lệ hợp tác xã đến cơ quan đăng ký kinh doanh để bổ sung hồ sơ hợp tác xã sáp nhập. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ sáp nhập, cơ quan đăng ký kinh doanh phải ra thông báo bằng văn bản chấp thuận hay không chấp thuận việc sáp nhập. Trường hợp không đồng ý với quyết định của cơ quan đăng ký kinh doanh, hợp tác xã có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật;

đ) Sau khi bổ sung hồ sơ đăng ký kinh doanh, hợp tác xã sáp nhập có quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các hợp tác xã bị sáp nhập.

Luật Hợp tác xã 2003

  • Số hiệu: 18/2003/QH11
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 26/11/2003
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: 04/01/2004
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH