Hệ thống pháp luật

Điều 5 Luật giáo dục 2019

Điều 5. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giáo dục chính quy là giáo dục theo khóa học trong cơ sở giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được thiết lập theo mục tiêu của các cấp học, trình độ đào tạo và được cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Giáo dục thường xuyên là giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được tổ chức linh hoạt về hình thức thực hiện chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học.

3. Kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành.

4. Niên chế là hình thức tổ chức quá trình giáo dục, đào tạo theo năm học.

5. Tín chỉ là đơn vị dùng để đo lường khối lượng kiến thức, kỹ năng và kết quả học tập đã tích lũy được trong một khoảng thời gian nhất định.

6. Mô-đun là đơn vị học tập được tích hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ một cách hoàn chỉnh nhằm giúp cho người học có năng lực thực hiện trọn vẹn một hoặc một số công việc của một nghề.

7. Chuẩn đầu ra là yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học sau khi hoàn thành một chương trình giáo dục.

8. Phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định theo quy định của pháp luật.

9. Giáo dục bắt buộc là giáo dục mà mọi công dân trong độ tuổi quy định bắt buộc phải học tập để đạt được trình độ học vấn tối thiểu theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo đảm điều kiện để thực hiện.

10. Khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông là kiến thức, kỹ năng cơ bản, cốt lõi trong chương trình giáo dục trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để có thể tiếp tục học trình độ giáo dục nghề nghiệp cao hơn.

11. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước gồm nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

12. Cơ sở giáo dục là tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm nhà trường và cơ sở giáo dục khác.

Luật giáo dục 2019

  • Số hiệu: 43/2019/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 14/06/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 569 đến số 570
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH