Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Luật các Tổ chức tín dụng 1997

Mục 1: CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 21. Thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho tổ chức tín dụng và cấp giấy phép hoạt động ngân hàng cho các tổ chức khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.

Điều 22. Điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động

1. Các điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng đối với tổ chức tín dụng gồm có:

a) Có nhu cầu hoạt động ngân hàng trên địa bàn xin hoạt động;

b) Có vốn quy định tại Điều 83 của Luật này;

c) Thành viên sáng lập là tổ chức, cá nhân có uy tín và năng lực tài chính;

d) Người quản trị, điều hành có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và trình độ chuyên môn phù hợp với từng loại hình tổ chức tín dụng;

đ) Có điều lệ tổ chức, hoạt động phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật;

e) Có phương án kinh doanh khả thi.

2. Các điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động ngân hàng đối với tổ chức không phải là tổ chức tín dụng gồm có:

a) Hoạt động ngân hàng là cần thiết và có liên quan chặt chẽ với hoạt động chính;

b) Có đủ vốn, điều kiện vật chất phù hợp với yêu cầu của hoạt động ngân hàng;

c) Có đội ngũ cán bộ am hiểu hoạt động ngân hàng;

d) Có phương án kinh doanh khả thi về hoạt động ngân hàng.

Điều 23. Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với tổ chức tín dụng gồm có:

a) Đơn xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động;

b) Dự thảo điều lệ;

c) Phương án hoạt động 3 năm đầu, trong đó nêu rõ hiệu quả và lợi ích kinh tế của hoạt động ngân hàng;

d) Danh sách, lý lịch, các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn của thành viên sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc);

đ) Mức vốn góp, phương án góp vốn và danh sách những cá nhân, tổ chức góp vốn;

e) Tình hình tài chính và những thông tin liên quan khác về các cổ đông lớn;

g) Chấp thuận của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền về nơi đặt trụ sở của tổ chức tín dụng.

2. Hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động ngân hàng đối với tổ chức không phải là tổ chức tín dụng gồm có:

a) Đơn xin cấp giấy phép hoạt động ngân hàng;

b) Quyết định hoặc giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề hiện tại;

c) Điều lệ;

d) Danh sách, lý lịch của các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), Ban kiểm soát (nếu có);

đ) Tình hình tài chính 3 năm gần nhất;

e) Phương án hoạt động ngân hàng.

Điều 24. Thời hạn cấp giấy phép

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với tổ chức tín dụng, giấy phép hoạt động ngân hàng đối với các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phải cấp hoặc từ chối cấp giấy phép. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép, Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản giải thích lý do.

Điều 25. Lệ phí cấp giấy phép

Tổ chức được cấp giấy phép phải nộp một khoản lệ phí cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Sử dụng giấy phép

1. Tổ chức được cấp giấy phép phải sử dụng đúng tên và hoạt động đúng nội dung quy định trong giấy phép.

2. Cấm làm giả, tẩy xoá, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn giấy phép.

Điều 27. Đăng ký kinh doanh

Sau khi được cấp giấy phép, tổ chức tín dụng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Điều kiện hoạt động

1. Để tiến hành các hoạt động ngân hàng, tổ chức tín dụng được cấp giấy phép phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có điều lệ được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y;

b) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có đủ vốn pháp định và có trụ sở phù hợp với yêu cầu hoạt động ngân hàng;

c) Phần vốn pháp định góp bằng tiền phải được gửi vào tài khoản phong toả không được hưởng lãi mở tại Ngân hàng Nhà nước trước khi hoạt động tối thiểu 30 ngày. Số vốn này chỉ được giải toả sau khi tổ chức tín dụng hoạt động;

d) Đăng báo trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật về những nội dung quy định trong giấy phép.

2. Để tiến hành các hoạt động ngân hàng, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng được cấp giấy phép hoạt động ngân hàng phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có trụ sở kinh doanh phù hợp với yêu cầu hoạt động ngân hàng;

b) Đăng báo trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật về những nội dung quy định trong giấy phép.

3. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép, tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép phải hoạt động.

Điều 29. Thu hồi giấy phép

1. Tổ chức được cấp giấy phép có thể bị thu hồi giấy phép khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây:

a) Có chứng cứ là trong hồ sơ xin cấp giấy phép có những thông tin cố ý làm sai sự thật;

b) Sau thời hạn quy định tại Điều 28 của Luật này mà không hoạt động;

c) Tự nguyện hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc phải giải thể;

d) Chia, sáp nhập, hợp nhất, phá sản;

đ) Hoạt động sai mục đích;

e) Không có đủ các điều kiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 28 của Luật này.

2. Sau khi bị thu hồi giấy phép, các tổ chức phải chấm dứt ngay các hoạt động ngân hàng.

3. Quyết định thu hồi giấy phép được Ngân hàng Nhà nước công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 30. Điều lệ

1. Điều lệ của tổ chức tín dụng phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và nơi đặt trụ sở chính;

b) Nội dung và phạm vi hoạt động;

c) Thời hạn hoạt động;

d) Vốn điều lệ và phương thức góp vốn;

đ) Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) và Ban kiểm soát;

e) Thể thức bầu, bổ nhiệm và miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) và Ban kiểm soát;

g) Quyền và nghĩa vụ của cổ đông;

h) Các nguyên tắc tài chính, kế toán, kiểm tra và kiểm toán nội bộ;

i) Các trường hợp giải thể, thủ tục giải thể;

k) Thủ tục sửa đổi điều lệ.

2. Điều lệ của tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện sau khi được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 31. Những thay đổi phải được chấp thuận

1. Tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thay đổi một trong những điểm sau đây:

a) Tên của tổ chức tín dụng;

b) Mức vốn điều lệ, mức vốn được cấp;

c) Địa điểm đặt trụ sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện;

d) Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;

đ) Chuyển nhượng cổ phần có ghi tên quá tỷ lệ quy định của Ngân hàng Nhà nước;

e) Tỷ lệ cổ phần của các cổ đông lớn;

g) Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) và thành viên Ban kiểm soát.

2. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, tổ chức tín dụng phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những thay đổi quy định tại khoản 1 Điều này và phải đăng báo trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật.

Luật các Tổ chức tín dụng 1997

  • Số hiệu: 07/1997/QH10
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 12/12/1997
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 01/10/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH