Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 45-KL/TW

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2019

 

KẾT LUẬN

CỦA BAN BÍ THƯ

VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ CHỈ THỊ SỐ 18-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ KHÓA XI VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ KHẮC PHỤC ÙN TẮC GIAO THÔNG

Vừa qua, Ban Bí thư đã xem xét Báo cáo của Đảng ủy Công an Trung ương về việc sơ kết thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 18) và ý kiến của các cơ quan liên quan. Ban Bí thư đã kết luận như sau:

1. Thực hiện Chỉ thị số 18 đã đạt kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện. Ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông có chuyển biến tích cực. Số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đã được kiềm chế. Ùn tắc giao thông dần được cải thiện.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị số 18 ở một số nơi hiệu quả thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra vẫn rất nghiêm trọng. Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, các tuyến quốc lộ trọng điểm vẫn là nguy cơ thường trực. Công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và trật tự, an toàn giao thông còn có mặt bất cập, thiếu chặt chẽ. Các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ; một số hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước chậm được khắc phục. Một số văn bản pháp luật liên quan còn chồng chéo, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển. Phát triển hạ tầng giao thông chưa đạt yêu cầu đề ra. Một số công trình giao thông chất lượng kém. Quản lý vận tải chưa chặt chẽ, các loại hình vận tải thiếu sự kết nối đồng bộ. Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện và quản lý người điều khiển phương tiện giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập, bị buông lỏng. Công tác đăng ký, quản lý phương tiện thiếu chặt chẽ (chưa quản lý được trên thực tế số phương tiện đang hoạt động; chưa gắn với trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện). Công tác quản lý kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện chưa đạt hiệu quả. Công tác xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông còn chưa nghiêm.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do: Một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm sâu sát, thiếu kiểm tra, đôn đốc trong chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 18. Việc tổ chức thực hiện ở nhiều nơi còn mang tính hình thức. Quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, còn chưa phù hợp với tình hình giao thông hiện nay. Tổ chức giao thông chưa hợp lý. Phát triển hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu vận tải. Một số cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và trật tự, an toàn giao thông chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thậm chí sai phạm, tiêu cực.

2. Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18, khắc phục được những hạn chế, bất cập, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp quán triệt và thực hiện các nội dung sau:

2.1. Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Chỉ thị số 18; quyết liệt đạt cho được mục tiêu, yêu cầu giảm tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông, lập lại trật tự, an toàn giao thông. Tạo sự chuyển biến rõ rệt ngay trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

2.2. Cần xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Việc phân công quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: "Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính", khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Tăng cường quản lý nhà nước về giao thông vận tải, tập trung vào các lĩnh vực: Quy hoạch phát triển, xây dựng hạ tầng giao thông, khắc phục tình trạng mất cân đối giữa các loại hình vận tải. Siết chặt công tác quản lý vận tải, gắn chặt chẽ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải với người điều khiển phương tiện được chủ doanh nghiệp thuê. Chấn chỉnh công tác kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện và bảo vệ môi trường. Quản lý có nền nếp hành lang an toàn giao thông, vỉa hè, đường phố. Có kế hoạch xử lý những "điểm đen" tai nạn giao thông, những nút thắt ùn tắc giao thông. Thực hiện các giải pháp phát triển giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, đặc biệt là hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác; trách nhiệm của chủ phương tiện vận tải, thiếu trách nhiệm quản lý để lái xe gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đi đôi với cưỡng chế bắt buộc việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Đổi mới, quản lý tốt công tác đăng ký phương tiện giao thông theo hướng gắn chặt chẽ trách nhiệm chủ sở hữu phương tiện giao thông với trách nhiệm quản lý, sử dụng xe. Chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và có biện pháp quản lý chặt chẽ người điều khiển phương tiện giao thông; điều tra làm rõ và kiên quyết xử lý nghiêm khắc các đối tượng gây tai nạn giao thông.

- Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, nêu cao tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu khi thi hành công vụ. Trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu do phương tiện giao thông tăng nhanh, tình hình trật tự, an toàn giao thông ngày càng phức tạp, phải bố trí đủ lực lượng đảm đương được nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Kiên quyết xử lý những sai phạm, tiêu cực trong hoạt động quản lý giao thông vận tải và quản lý trật tự, an toàn giao thông. Gắn trách nhiệm trực tiếp của cơ quan và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với lĩnh vực được giao quản lý nếu để xảy ra vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.

- Ưu tiên đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ, hiện đại hóa công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh nghiên cứu, tiến tới thực hiện xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống tài khoản ngân hàng.

- Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là giữa ngành Công an với ngành Giao thông vận tải với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và trật tự, an toàn giao thông.

2.3. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, trước hết là người đứng đầu phát huy vai trò, chức trách, nhiệm vụ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... an toàn. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đề cao trách nhiệm tự giác chấp hành Luật Giao thông, thực hiện tốt nếp sống văn hóa giao thông, đấu tranh lên án các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và vận động người thân, gia đình cùng thực hiện.

2.4. Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 18 và Kết luận này. Xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tham gia. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện.

2.5. Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện có hiệu quả vai trò thường trực giúp Ban Bí thư kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 18 và Kết luận này.

Kết luận này được phổ biến đến chi bộ để tổ chức thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BAN BÍ THƯ




Trần Quốc Vượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kết luận 45-KL/TW năm 2019 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 45-KL/TW
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/02/2019
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Trần Quốc Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản