Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2019

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI CUỘC HỌP VỀ ĐỀ ÁN “CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRONG TÌNH HÌNH MỚI”.

Ngày 22 tháng 01 năm 2019, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp nghe Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành thảo luận, góp ý kiến về Đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới”.

Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo của các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ; đại diện Lãnh đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của Văn phòng Chính phủ, ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và ý kiến tiếp thu Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có ý kiến kết luận như sau:

1. Về sự cần thiết, mục tiêu của Đề án

a) Về sự cần thiết của Đề án: Trong các phương thức vận tải, vận tải bằng đường thủy nội địa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giao thông vận chuyển hàng hóa, hành khách và hành lý ở nước ta. Thực tế thời gian qua, hiện tượng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy diễn ra ở hầu hết các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các khu vực qua đô thị, khu dân cư nơi có đường thủy nội địa đi qua, gây nhiều cản trở đối với hoạt động vận tải và tiềm ẩn gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; đặc biệt là việc khai thác cát, sỏi trái phép làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông; uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn của các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, ảnh hưởng đến hoạt động của các ngành, lĩnh vực khác và cuộc sống của người dân. Những đặc điểm, hiện tượng nêu trên đã, đang xảy ra và trong tình hình mới hiện nay sẽ tác động đến phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa cũng như tình hình trật tự, an toàn trên đường thủy nội địa.

Thống nhất sự cần thiết của Đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới” do Bộ Giao thông vận tải xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ.

b) Về mục tiêu của Đề án: Mục tiêu của Đề án là xác định, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho người tham gia giao thông và người dân sống dọc các tuyến đường thủy nội địa; tăng cường điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng, phương tiện đường thủy nội địa nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.

2. Về nội dung của Đề án

a) Nội dung của Đề án còn chưa tách biệt với nội dung của kế hoạch triển khai nhiệm vụ 05 năm và nhiệm vụ thường xuyên của Ngành giao thông vận tải. Nội dung của Đề án cần phải tập trung vào việc đánh giá, nhận định về tình hình an toàn giao thông đường thủy nội địa trong thời gian qua; xác định đúng, đầy đủ, tránh chung chung về các nguyên nhân của các vụ tai nạn đã xảy ra để từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa trên cả 03 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.

b) Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, các đại biểu tham dự cuộc họp để hoàn thiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Về các giải pháp thực hiện

Bộ Giao thông vận tải lưu ý khi đề xuất các giải pháp thực hiện cần gắn với công tác dự báo, đặc biệt dự báo về số lượng phương tiện, thuyền viên và người điều khiển phương tiện để đạt được mục tiêu của Đề án; đồng thời, chú trọng một số nội dung của các giải pháp sau:

a) Về thể chế: Rà soát cụ thể các nội dung sau:

- Các quy định của pháp luật có liên quan, bao gồm các đạo luật, Nghị định, Thông tư, các Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến an toàn giao thông nói chung và an toàn giao thông đường thủy nội địa nói riêng; trên cơ sở đó, xác định cụ thể các quy định cần được sửa đổi, bổ sung.

- Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, quy định về mức và hình thức xử phạt, như: có tịch thu được phương tiện là tang vật, có hành vi vi phạm hay không; mức xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời các quy định về xử lý hình sự các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa đã đủ sức răn đe chưa...

- Các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa, bao gồm các điều kiện hoạt động của phương tiện và thuyền viên, người điều khiển phương tiện thủy nội địa; trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện.

- Các quy định có liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động kiểm tra, kiểm soát hành trình của phương tiện và tuần tra, kiểm tra hoạt động của phương tiện thủy nội địa.

- Các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan đến an toàn giao thông đường thủy nội địa; xác định luồng, tuyến, các điểm đen về an toàn giao thông để điều chỉnh quy hoạch nếu cần thiết;

b) Về cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng: Xác định kết cấu hạ tầng, các cơ sở vật chất phục vụ luồng, tuyến, cảng, bến thủy nội địa cần phải cải tạo, nâng cấp để xóa bỏ các điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn;

c) Về nguồn kinh phí thực hiện Đề án: Trên cơ sở phân biệt, tách bạch giữa các nhiệm vụ thường xuyên của các Bộ, ngành với các nội dung nhiệm vụ thực hiện các giải pháp của Đề án để xác định cụ thể, hợp lý kinh phí và nguồn kinh phí triển khai thực hiện Đề án; phân định nhiệm vụ chi của nguồn vốn ngân sách nhà nước và của nguồn vốn xã hội hóa đối với các chương trình, dự án cần thực hiện;

d) Về phân công, phân cấp quản lý: Rà soát, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý giữa Bộ Giao thông vận tải và các địa phương, đảm bảo công tác quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa;

đ) Về tổ chức hệ thống cảng vụ đường thủy nội địa: Rà soát, hoàn thiện các quy định có liên quan về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương và tuân theo các quy định của Luật Giao thông đường thủy, nội địa;

e) Về công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn: Rà soát, hoàn thiện các quy định có liên quan đến cơ sở đào tạo, cấp bằng và chứng chỉ chuyên môn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải; xử lý các trường hợp không có bằng, chứng chỉ nhưng vẫn điều khiển phương tiện thủy nội địa;

g) Về công tác thanh tra, kiểm tra: Rà soát, hoàn thiện các quy định có liên quan đến phân công, phân cấp, trách nhiệm quản lý của lực lượng thanh tra giao thông và lực lượng công an;

h) Về ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động kiểm soát hành trình của phương tiện thủy nội địa: Xác định cụ thể các trang, thiết bị công nghệ hiện đại ứng dụng vào hoạt động quản lý phương tiện thủy nội địa do Nhà nước đầu tư và xã hội hóa;

i) Về tổ chức thực hiện: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động thực hiện các phong trào có liên quan đến xây dựng văn hóa giao thông sông nước;

k) Về trách nhiệm thực hiện: Xác định rõ, cụ thể trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, của các địa phương trong việc thực hiện các giải pháp kiểm soát, giảm thiểu tai nạn giao thông trong hoạt động đường thủy nội địa trong tình hình mới.

4. Về hoàn thiện Đề án

Bộ Giao thông vận tải tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, hoàn thiện nội dung của Đề án; trên cơ sở đó, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới”, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ;
- Ủy ban An toàn giao thông quốc gia;
- Các Cục: Hàng hải VN, Đường thủy nội địa VN;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: PL, NN, KTTH, NC, KGVX, TH;
- Lưu: VT, CN (2b). Hiền

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 46/TB-VPCP năm 2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về Đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới” do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 46/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 01/02/2019
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Cao Lục
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản