Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 28 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2022

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều ngày 17/6/2020;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Kế hoạch số 425-KH/TU ngày 24/8/2020 của Tỉnh ủy Tuyên Quang thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiên tai; tăng cường hoạt động phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định đời sống, phát triển bền vững của người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ đó phát huy tinh thần tự giác, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống ứng phó với thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai của toàn dân trên địa bàn.

- Bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Kịp thời sơ tán dân, di dời tài sản ở các khu vực xung yếu (vùng có nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất) đến nơi an toàn và ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt.

- Khai thác vận hành hợp lý các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để đảm bảo vừa phòng lũ và có đủ nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, phát điện..., phối hợp tốt trong công tác vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực theo quy định để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

2. Yêu cầu

- Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải được tiến hành chủ động và thường xuyên, đồng thời ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Phù hợp với Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021; Kế hoạch số 425-KH/TU ngày 24/8/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Quyết định 718/QĐ-UBND ngày 23/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch phòng chống thiên tai tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025.

- Thực hiện có hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

- Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh.

II. GIỚI THIỆU CHUNG

1. Vị trí địa lý

Tuyên Quang là tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc hàng năm bị tác động bởi các loại hình thiên tai mang tính đặc thù của khu vực như: mưa lớn, ngập lụt cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, giông lốc sét, mưa đá và trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tỉnh Tuyên Quang chịu ảnh hưởng thêm của loại hình thiên tai hạn hán và rét đậm, rét hại, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng chưa ở mức cao.

2. Đặc điểm địa hình, địa chất

Địa hình tỉnh Tuyên Quang khá phức tạp có nhiều đồi núi thấp và thung lũng chạy dọc theo các lũng sông, phía Bắc tỉnh bao gồm toàn bộ huyện Na Hang, Lâm Bình; 04 xã vùng cao của huyện Chiêm Hoá gồm có: Phú Bình, Bình Phú, Yên Lập, Kiên Đài; 02 xã vùng cao của huyện Hàm Yên: Phù Lưu, Yên Lâm và một phần phía Bắc của huyện Yên Sơn; Chiếm trên 50% diện tích toàn tỉnh, độ dốc trung bình từ 200 trở lên.

3. Đặc điểm khí tượng, thủy văn

3.1. Đặc điểm khí tượng

Tuyên Quang mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có 2 mùa rõ rệt, mùa đông lạnh - khô hanh; mùa hè nóng ẩm - mưa nhiều. Mùa mưa lớn tập trung chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 9. Các đợt mưa vừa, mưa to thường gây ra lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên toàn tỉnh đặc biệt là khu vực vùng núi phía bắc tỉnh hầu như năm nào cũng xảy ra. Các hiện tượng như mưa đá, giông lốc thường xảy ra trong giai đoạn giao mùa, từ mùa đông sang mùa hè (tháng 3, tháng 4) và từ mùa hè sang mùa đông (tháng 9, tháng 10).

3.2. Đặc điểm thủy văn

Tỉnh Tuyên Quang có 3 sông lớn là: Sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Ngoài ra còn có sông Chảy từ Trung Quốc qua tỉnh Lào Cai, Yên Bái và là ranh giới tự nhiên của tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái.

4. Đặc điểm dân sinh

- Dân cư: Năm 2021 dân số trung bình toàn tỉnh là 801.668 người, trong đó nam: 403.559, nữ: 398.109, mật độ dân số 134 người/km2, dân số thành thị: 111.295 người, chiếm 14% dân số toàn tỉnh; dân số nông thôn: 690.373 người, chiếm 86% dân số toàn tỉnh.

- Đặc điểm các đối tượng dễ bị tổn thương:

Hộ nghèo theo thống kê năm 2021: Tổng số hộ nghèo: 14.080 hộ, chiếm tỷ lệ: 6,6 %, số hộ cận nghèo: 24.749 hộ, chiếm tỷ lệ: 11,6 %.

Tỉ lệ đồng bào dân tộc sống trên địa bàn tỉnh cao (56,77%), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 0,12%, Số lượng người cao tuổi (trên 70 tuổi) là 4,57%, trong đó người trên 80 tuổi là 13.901 người (chiếm 1,77%).

Số người khuyết tật: Toàn tỉnh có 32.062 người khuyết tật, chiếm tỷ lệ 3,75% phân bố ở các huyện trên địa bàn tỉnh.

- Nhà ở: Tỷ lệ hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố ở Tuyên Quang là 74,85%; còn 25,15% số hộ sống trong nhà thiếu kiên cố và đơn sơ, tương đương 53.024 hộ có nhà đơn sơ, thiếu kiên cố.

5. Đặc điểm kinh tế - xã hội

- Nông, lâm, thuỷ sản: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 5 năm giai đoạn 2015-2020 đạt 4,53%/ năm, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước trên 3%); cơ cấu GRDP khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ 3/11 tỉnh miền núi phía Bắc.

- Công nghiệp, dịch vụ, du lịch:

Công nghiệp: Trên địa bàn tỉnh có 2 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: luyện kim, hỗ trợ, điện tử, chế biến, thực phẩm đồ uống và các ngành công nghiệp khác....

Du lịch và dịch vụ: Tuyên Quang là tỉnh có tiềm năng du lịch với các loại hình du lịch như du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh. Tỉnh hiện có 348 điểm di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng (với 121 di tích cấp Quốc gia; 227 di tích cấp tỉnh).

6. Đặc điểm cơ sở hạ tầng

- Hiện trạng hệ thống lưới điện: Trên địa bàn tỉnh có 04 nhà máy thủy điện đang vận hành phát điện, tổng công suất 444 MW (Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, công suất 342 MW, Nhà máy thủy điện ICT Chiêm Hóa, công suất 48 MW, Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8A, công suất 27 MW, Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8B, công suất 27 MW); 02 nhà máy nhiệt điện (Công ty Cổ phần Giấy An Hòa, công suất 22,5 MW và Nhà máy nhiệt điện sinh khối mía đường Sơn Dương, công suất 25 MW); 02 dự án thủy điện đang thi công xây dựng (Thủy điện Sông lô 7, công suất 36 MW và thủy điện Yên Sơn, công suất 90 MW). Có 02 trạm biến áp 220 kV, tổng công suất 375MVA, 236,77 km đường dây 220 kV; 09 trạm biến áp 110 kV, tổng công suất 452 MVA, 216,97 km đường dây 110 kV, 2.337 km đường dây trung áp; 1.806 trạm biến áp, công suất 430,5 MVA và 4.505 km đường dây hạ áp; 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 99,5%, 08 thôn chưa có điện lưới quốc gia (gồm: thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ; Vàng On, xã Trung Minh; Tấu Lìn, Khuổi Ma, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn; Khuôn Làn, xã Tri Phú; Khuôn Thăm, xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa; Nà Tạng, Tát Kẻ, xã Khâu Tinh, huyện Na Hang.

- Hệ thống đường giao thông: Tuyên Quang chủ yếu là đường bộ, một phần đường thuỷ chưa có đường sắt và đường hàng không.

Tuyến đường Hồ Chí Minh dài 12,9 km.

Quốc lộ: Có 7 tuyến (QL.2, QL.2C, QL.2D, QL.3B, QL.37, QL.279, QL280) với tổng chiều dài 563,77 km,

Đường tỉnh: Có 4 tuyến (ĐT.185, ĐT.186, ĐT.188, ĐT.189) với tổng chiều dài 451,43 km.

Đường đô thị: Có 197 tuyến, tổng chiều dài 303,88 km,

Đường giao thông nông thôn, bao gồm: Đường huyện; đường xã; đường liên thôn, đường trong thôn, xóm, bản, tổ nhân dân (sau đây gọi là đường thôn) và đường nội đồng, với tổng chiều dài khoảng: 8.345,46 km

Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 1.727/1.733 thôn, bản đã có đường ô tô đến trung tâm, đạt 99,65%; còn 06 thôn, bản chưa có đường ô tô đến trung tâm (huyện Na Hang 03 thôn, bản; huyện Yên Sơn 03 thôn, bản) .

- Hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo: Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 474 cơ sở giáo dục, 7.585 lớp với 221.315 học sinh.

- Các cơ sở y tế: Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 toàn ngành có 24 đơn vị, trong đó:

Tuyến tỉnh có 14 đơn vị, tuyến huyện có 07 Trung tâm Y tế huyện, thành phố, 09 Phòng khám Đa khoa khu vực; tuyến xã: 138 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (trong đó có 111 Trạm đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã); 03 Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện (BVĐKKV: Kim Xuyên, ATK, Yên Hoa).

Ngoài hệ thống khám chữa bệnh công lập, trên địa bàn tỉnh còn có các cơ sở y tế tư nhân như: 01 Bệnh viện Đa khoa tư nhân; 13 Phòng khám Đa khoa tư nhân, 158 phòng khám chuyên khoa.

- Hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh truyền hình tỉnh: Toàn tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.084 vị trí trạm thu phát sóng thông tin di động với tổng số lắp đặt 2824 trạm 2G- 4G; đã phủ sóng đến 99% các thôn bản, tổ nhân dân, đồng thời phủ sóng 4G và truyền dẫn cáp quang tới 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và dần phủ sóng đến 95% diện tích toàn tỉnh; Hệ thống phát thanh truyền hình, truyền thanh cơ sở: Trên địa bàn tỉnh hiện có 01 Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; 07 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện và 134 trạm truyền thanh cơ sở ở các xã, phường, thị trấn. Đảm bảo phục vụ tốt công tác tuyên truyền các đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước tới nhân dân trong tỉnh.

- Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm: Khu công nghiệp Long Bình An thuộc phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang và Khu công nghiệp Sơn Nam thuộc xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương; các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm: Cụm công nghiệp Khuôn Phươn thuộc tổ dân phố Khuôn Phươn, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang; Cụm công nghiệp An Thịnh thuộc thuộc Thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa; Cụm công nghiệp Tân Thành thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Yên; Cụm công nghiệp Thắng Quân thuộc xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn; Cụm công nghiệp Phúc Ứng thuộc xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương; Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế thuộc thôn Ba Nhà và thôn Cây Cọ xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương.

7. Tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh

- Các loại hình thiên tai đã xảy ra trên địa bàn tỉnh: Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như mưa đá, lốc xoáy, dông sét, hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán,... cụ thể:

Áp thấp nhiệt đới, bão: Cấp độ rủi ro thiên tai lớn nhất là cấp 3

Mưa lớn: Cấp độ rủi ro thiên tai lớn nhất là cấp 2

Lũ, ngập lụt: Cấp độ rủi ro thiên tai lớn nhất là 3.

Lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ, dòng chảy: Cấp độ rủi ro thiên tai do lớn nhất là cấp 2

Nắng nóng: Cấp độ rủi ro thiên tai lớn nhất là cấp 2

Hạn hán: Cấp độ rủi ro thiên tai lớn nhất là cấp 2

Rét hại, sương muối: Cấp độ rủi ro thiên tai lớn nhất là cấp 2

Cháy rừng tự nhiên: Cấp độ rủi ro thiên tai lớn nhất là cấp 1

- Tình hình khí tượng thủy văn, thiên tai năm 2021:

Về mưa lũ: năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 đợt mưa vừa, mưa to (không tính các đợt cục bộ). Các đợt mưa vừa, mưa to diện rộng xảy ra từ tháng 6 đến tháng 10.

Về bão và áp thấp nhiệt đới: Chịu ảnh hưởng của hoàn lưu 03 cơn bão, ấp thấp nhiệt đới.

Về sạt lở đất, lũ ống lũ quét và ngập úng cục bộ: Xảy ra 07 đợt sạt lở đất, chủ yếu quy mô nhỏ, riêng đêm 23 rạng sáng ngày 24/8, tại thôn Khau Phiêng, xã Khâu Tinh, huyện Na Hang đã xảy ra sạt lở đất làm thiệt mạng 03 người (03cháu bé).

8. Đánh giá mức độ rủi ro thiên tai

- Nguy cơ rủi ro thiên tai đối với lĩnh vực an toàn cộng đồng trên địa bàn tỉnh ở mức cao, trong đó rủi ro lớn là thiệt hại về nhà ở của người dân khi có ảnh hưởng của bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, giông lốc và mưa đá xảy ra dẫn đến các thiệt hại về vật chất và ảnh hưởng đến đời sống của người dân; Nguy cơ thiệt hại về cơ sở hạ tầng của tỉnh ở mức trung bình, thấp, tập trung vào các ngành điện lực, viễn thông, giao thông và giáo dục tại các cấp cơ sở, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

- Nguy cơ rủi ro thiên tai đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh ở mức trung bình, tập trung vào ngành nông, lâm, thủy sản, các loại hình thiên tai gây thiệt hại chủ yếu gồm lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất và hạn hán trong vụ Đông Xuân; Nguy cơ rủi ro thiên tai với lâm nghiệp do cháy rừng tự nhiên ở mức thấp; các ngành nghề sản xuất khác như công nghiệp, du lịch, dịch vụ ảnh hưởng ở mức thấp do bị gián đoạn sản xuất.

9. Nhận định về xu hướng thiên tai 2022

Hiện tượng La Nina tiếp tục duy trì ở những tháng đầu năm 2022, sau đó có khả năng tăng dần và nhiều khả năng chuyển sang trạng thái trung tính vào các tháng giữa đến cuối năm 2022. Trong những năm xảy ra sự chuyển pha của ENSO như năm 2022, các hiện tượng thời tiết, khí hậu như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ… thường có những diễn biến trái quy luật. Cuối tháng 3 đầu tháng 4 tại Việt Nam đã xuất hiện mưa trái mùa tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ gây ngập lụt, thiệt hại đến đời sống của người dân. Với xu hướng thiên tai trên phạm vi toàn cầu cũng như phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng, thiên tai xảy ra ngày càng nhiều hơn về loại hình, tần suất xuất hiện, phức tạp hơn về diễn biến và nặng nề hơn về hậu quả. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Mưa lớn, lũ cục bộ, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, hạn hán, rét hại, lốc xoáy, mưa đá xảy ra với cường độ mạnh và tần suất xuất hiện ngày càng nhiều, trong những tháng đầu năm 2022 rét đậm rét hại đã xảy ra trên địa bàn tỉnh theo dự báo là năm có nhiều diễn biến bất thường của khí hậu tiềm ẩn nhiều rủi ro thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh.

III. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp

Rà soát, kiện toàn bộ máy chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị theo quy định tại Nghị định 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 Quy định chi tiết thi hành một số điều của của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều nhằm thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

2. Rà soát, bổ sung hoàn thiện các kế hoạch, quy hoạch, phương án về Phòng chống thiên tai

- Triển khai, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản có liên quan đến công tác phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với quy định hiện hành, chú trọng lồng ghép các biện pháp, nội dung phòng, chống thiên tai vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các ngành.

- Kiểm tra, rà soát cập nhật, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phòng chống thiên tai, các phương án phòng, chống, ứng phó với các loại thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai tại các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị đảm bảo phù hợp với Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai và đặc điểm thiên tai, điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, đơn vị, với tinh thần chủ động theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt xây dựng phương án ứng phó với những loại hình thiên tai có mức độ gia tăng về tần suất và mức độ ảnh hưởng trong những năm vừa qua như mưa đá, sạt lở đất... gửi cơ quan cấp trên và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

- Triển khai các nội dung phòng, chống thiên tai theo quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương.

- Xây dựng, rà soát bổ sung phương án hộ đê tương ứng với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ” trên địa bàn huyện Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang.

- Xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2025.

3. Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

- Xây dựng và phát hành kịp thời các bản tin dự báo về tình hình khí tượng, thủy văn tuần, tháng, mùa; các cảnh báo lũ; các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Lắp đặt bổ sung hệ thống cảnh báo, trang thiết bị nhằm từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động phòng, tránh ứng phó những tác động do thiên tai có thể gây ra.

- Tiếp tục thuê bao và lắp đặt bổ sung các điểm đo mưa tự động tại các khu vực thường xuyên xảy ra mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các thông tin dự báo, các chủ trương, chỉ thị, công điện về công tác phòng chống thiên tai, đồng thời phổ biến cho nhân dân kiến thức, kinh nghiệm trong việc chủ động phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh, truyền hình và các hình thức khác.

4. Tổ chức cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ

- Chủ động lực lượng sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có thiên tai xảy ra.

- Tổ chức huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện có; diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các tình huống thiên tai giả định, phương án xử lý, làm cơ sở rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, đồng thời nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và nhận thức nhân dân về nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

- Tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện (huyện Sơn Dương); tổ chức diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện (huyện Na Hang); mỗi huyện, thành phố tổ chức diễn tập ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn hoặc diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn cấp xã từ 01 đến 02 xã.

 - Tổ chức cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, thăm hỏi kịp thời; tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ kịp thời để khắc phục hậu quả thiên tai; huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản xuất.

5. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng

- Củng cố, tập huấn cho Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã đảm bảo các kỹ năng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp khó lường và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

- Triển khai thực hiện Kế hoạch số 127/KH-UBND ngày 10/8/2021 thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi do thiên tai dựa vào cộng đồng tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030”.

6. Tiếp tục thực hiện thu, nộp Quỹ Phòng, chống thiên tai theo quy định

- Triển khai thực hiện các quy định mới về Quỹ Phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai, Quyết định số 2146/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Quỹ Phòng, chổng thiên tai tỉnh Tuyên Quang.

- Tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung liên quan đến Quỹ Phòng, chống thiên tai để việc thu nộp, sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai theo quy định.

7. Thực hiện nghiêm chế độ thường trực, trực ban, thông tin báo cáo

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi tổ chức thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm chế độ tình hình thiên tai, thiệt hại báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cụ thể như sau:

- Báo cáo nhanh: Đối với tình hình khẩn cấp có thiên tai xảy ra thực hiện báo cáo ngay bằng điện thoại, fax, thư điện tử cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh - Chi cục Thủy lợi (số điện thoại: 02073 823 759, fax: 02073.821.962; email: trucban.tq@gmail.com; ccthuyloi@tuyenquang.gov.vn) và báo cáo hàng ngày cho đến khi kết thúc đợt thiên tai.

- Báo cáo tổng hợp đợt: Sau mỗi đợt thiên tai phải có báo cáo tổng hợp đợt.

- Báo cáo định kỳ bao gồm: Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm; báo cáo tổng kết năm.

- Nội dung, chế độ báo cáo và kiểm tra kết quả báo cáo thống kê, đánh giá thiệt hại thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thống kê đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra.

8. Lồng ghép các giải pháp nhằm giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra theo chức năng nhiệm vụ được giao

- Thực hiện rà soát và tổ chức di dời các hộ dân tại các khu vực xung yếu, trong đó tập trung tổ chức di dời trước đối với những hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai.

- Thực hiện rà soát, kiểm tra hiện trạng các công trình cơ sở hạ tầng theo ngành, lĩnh vực quản lý; xây dựng kế hoạch nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn công trình khi mưa lũ xảy ra.

- Triển khai thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh theo từng ngành, từng lĩnh vực.

- Tham mưu đề xuất nguồn vốn đầu tư xử lý khẩn cấp các vị trí sạt lở xung yếu, duy tu, sửa chữa hệ thống đê điều, hồ chứa lớn; các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ suối, các công trình thủy lợi.

- Tiếp tục chương trình trồng mới và bảo vệ diện tích rừng hiện có nhằm phát triển diện tích rừng, duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng; Quản lý và sử dụng rừng bền vững góp phần bảo đảm vai trò phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường rừng.

- Tăng cường quản lý, đầu tư, duy tu, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng chống thiên tai để bảo vệ dân cư, sản xuất và kinh doanh.

- Cắm biển cảnh báo tại các khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao khi xảy ra thiên tai; Kiểm tra và có kế hoạch chặt tỉa, đốn hạ cành, cây xanh không an toàn.

- Tổ chức thực hiện tốt công tác bảo trì đường bộ bảo đảm giữ mặt đường êm thuận, các công trình thoát nước luôn thông thoát, hệ thống báo hiệu đầy đủ, rõ ràng, đảm bảo an toàn khi có lụt, bão xảy ra.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các phương tiện giao thông hoạt động trên sông và vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang; kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các quy định về quản lý, đăng ký đăng kiểm phương tiện đường thủy, trang thiết bị cần thiết đảm bảo cho người và phương tiện. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn tại các bến thủy, bến khách ngang sông đặc biệt tại các nhà hàng nổi phục vụ ăn uống giải trí trên sông Lô thuộc địa phận thành phố Tuyên Quang; các cầu yếu, cầu treo, cầu phao và các hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.

- Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đặc biệt vào thời gian trước, trong và ngay sau thiên tai.

- Xây dựng kế hoạch lịch thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi thích hợp với điều kiện khí hậu theo vùng. Chủ động dự phòng các loại vật tư, giống cây trồng để khôi phục sản xuất sau thiên tai. Tổ chức tốt việc kiểm soát dịch bệnh, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa lũ.

- Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; kiểm soát, có phương án đảm bảo an toàn tại các bến thủy, cầu phao, cầu treo, bến khách ngang sông.

- Triển khai công tác đảm bảo an toàn các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản; kiên quyết xử lý các khu vực khai thác khoáng sản trái phép, không để xảy ra sự cố khi mưa lũ.

- Theo dõi, chỉ đạo các công ty, nhà máy thủy điện trên địa bàn đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa đã được phê duyệt. Chỉ đạo, đôn đốc các Chủ đập thủy điện thực hiện nghiêm túc các phương án phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

- Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện và thuốc y tế dự phòng, sẵn sàng bố trí lực lượng y tế thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh và sơ, cấp cứu chữa trị cho nhân dân vùng thiên tai khi có thiệt hại về người.

- Huy động mọi nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Thực hiện xã hội hóa, phát huy tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phân công nhiệm vụ tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, tổng kết năm với Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp.

(Có phụ lục phân công nhiệm vụ chi tiết kèm theo)

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực về Phòng, chống thiên tai): Kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch này và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (Báo cáo)
- Ban Chỉ đạo TW PCTT; (Báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (Báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (Báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND trỉnh;
- Các sở,ban ngành của tỉnh;
- Các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Chánh VP, các PCVP UBND tỉnh;
- Đài Phát thanh và TH tỉnh;
- Báo Tuyên Quang;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng THCB;
- Chuyên viên NLN;
- Lưu: VT, KT (Hòa).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Giang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 96/KH-UBND về phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2022

  • Số hiệu: 96/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 28/05/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Thế Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/05/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản