Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9585/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 24 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1755/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại thành phố Đà Nẵng với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại thành phố Đà Nẵng.

2. Thu hút tối đa các nguồn lực để xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, kiến trúc, thiết kế, phát thanh và truyền hình, thủ công mỹ nghệ trở thành ngành dịch vụ quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, đồng thời góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị cho người dân thành phố.

3. Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ tiên tiến, khai thác các yếu tố kinh tế của những giá trị văn hóa phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với quảng bá hình ảnh và con người Đà Nẵng đến bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu và hợp tác quốc tế.

4. Việc xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung và của cả nước, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng để tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, có chất lượng đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của nhân dân.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bao gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ; du lịch văn hóa, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, thiết kế trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đảm bảo về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân; góp phần quảng bá văn hóa và con người Đà Nẵng, ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Đà Nẵng.

b) Phát huy những giá trị tinh thần cao đẹp, những giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc địa phương, xây dựng văn hóa gắn kết chặt chẽ, đồng bộ hơn so với phát triển kinh tế - xã hội...

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2020

- Phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật cho khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Đầu tư các công trình văn hóa quy mô đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia và quốc tế.

- Tập trung phát triển một số ngành có lợi thế như: Nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa.

- Định hướng và từng bước phát triển các ngành: Kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, phát thanh và truyền hình trở thành ngành dịch vụ quan trọng.

b) Mục tiêu đến năm 2030

Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.

III. NỘI DUNG CỤ THỂ

1. Điện ảnh

a) Chú trọng phổ biến các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật cao, đúng với quy định hiện hành và phù hợp với thực tiễn phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

b) Hình thành trung tâm chiếu phim tại Đà Nẵng với các rạp chiếu phim đạt chất lượng cao, hiện đại, đảm bảo đủ điều kiện tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của người dân và du khách trên địa bàn thành phố. Quy hoạch xây dựng trường quay hiện đại tại Đà Nẵng.

c) Đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ nhằm thu hút người dân đến rạp.

d) Xây dựng chính sách khuyến khích các đoàn làm phim đến quay phim tại Đà Nẵng.

2. Nghệ thuật biểu diễn

a) Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo điều kiện chuyển giao các hình thức nghệ thuật biểu diễn phổ biến trên thế giới vào Đà Nẵng để tạo sự đa dạng, hấp dẫn cho ngành công nghiệp văn hóa Đà Nẵng; đồng thời tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống; khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, chương trình biểu diễn, tổ chức sự kiện…)

b) Quan tâm đào tạo các ngành nghề như: đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, biên kịch, diễn viên, người dẫn chương trình để tạo nguồn cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

c) Bảo tồn và phát huy biểu diễn nghệ thuật truyền thống là Nghệ thuật Tuồng Xứ Quảng và Nghệ thuật hô hát Bài Chòi.

d) Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

3. Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm

a) Mỹ thuật

- Chú trọng đào tạo đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng có trình độ chuyên môn cao, có tính chuyên nghiệp; phát triển đội ngũ nghiên cứu, phê bình trong lĩnh vực mỹ thuật.

- Tăng cường phổ biến các văn bản pháp luật, quy chế quản lý mỹ thuật và nhiếp ảnh.

- Hình thành Trung tâm giám định và đấu giá tác phẩm mỹ thuật ngoài công lập.

b) Nhiếp ảnh

- Xây dựng các bộ sưu tập hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Đà Nẵng nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đến với du khách trong và ngoài nước; quảng bá văn hóa và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch và giao lưu quốc tế.

- Ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra các tác phẩm nhiếp ảnh hấp dẫn, đa dạng. Đưa nhiếp ảnh Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng hội nhập sâu rộng với nhiếp ảnh khu vực và thế giới.

c) Triển lãm

- Đăng cai tổ chức các triển lãm ảnh, triển lãm mỹ thuật định kỳ của khu vực và cả nước nhằm tạo điều kiện đê các tác giả chuyên và không chuyên địa phương tiếp cận với các tác phẩm, tác giả chuyên ngành trên cả nước, học hỏi những cái mới, phát huy khả năng bản thân.

- Tạo điều kiện để các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của thành phố được tham gia các triển lãm, hội chợ có uy tín trong khu vực và quốc gia.

- Tiếp tục đầu tư Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng đủ tiêu chuẩn tổ chức cuộc thi, triển lãm ảnh và mỹ thuật cấp địa phương và vùng.

4. Quảng cáo

a) Triển khai Đề án Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

b) Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo phát triển.

c) Thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động quảng cáo ngoài trời.

d) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong quảng cáo, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ di động.

e) Đa dạng hóa các hình thức quảng cáo trên truyền hình, đài phát thanh, báo, tạp chí, internet, quảng cáo ngoài trời và trên sản phẩm, dịch vụ du lịch...

5. Du lịch văn hóa

a) Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh, du lịch gắn với các hoạt động lễ hội truyền thống và hiện đại ở địa phương, đa dạng hóa các chương trình nghệ thuật, show diễn, các hoạt động dịch vụ tại các Nhà hát, Bảo tàng trên địa bàn thành phố...

b) Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp thông qua xây dựng các quy chế phối hợp và kế hoạch hợp tác liên ngành, liên vùng trên cơ sở các bên cùng có lợi, vì sự nghiệp phát triển chung của nền kinh tế, đặc biệt là giữa ngành văn hóa, du lịch và chính quyền các địa phương.

c) Khôi phục và bảo tồn các ngành nghề, làng nghề truyền thống như: Nhà truyền thống nghề cá phường An Hải Tây, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, Làng dệt chiếu Cấm Nê, Làng thúng rái Phước Hưng, Làng chè xanh Phú Thượng, Làng bánh tráng Túy Loan... Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chương trình phát triển văn hóa, du lịch với các dự án phát triển kinh tế, xã hội khác như chương trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; khuyến khích đóng góp từ thu nhập du lịch của các doanh nghiệp cho hoạt động bảo tồn, phục hồi các giá trị về văn hóa, sinh thái, đảm bảo phát triển du lịch theo hướng bền vững.

d) Tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch địa phương phong phú, thân thiện, xanh - sạch - đẹp. Đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa xúc tiến du lịch trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

e) Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thuộc các thành phần kinh tế chủ động tham gia các hiệp hội, các diễn đàn quốc tế về du lịch nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư, hợp tác kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

f) Xây dựng và phát triển các khu vui chơi giải trí hiện đại nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như: Bà Nà Hills, Công viên Châu Á, Khu du lịch Núi Thần Tài...

6. Kiến trúc

Phát huy vai trò của Hội Kiến trúc thành phố và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực kiến trúc phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố.

7. Thủ công mỹ nghệ

Hỗ trợ làng các nghề thủ công mỹ nghệ, tổ chức sản xuất các sản phẩm trưng bày, quà tặng lưu niệm phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư thành lập các công ty chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch, tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

8. Thiết kế

Khuyến khích các công ty, xưởng may, nhà may tham gia thiết kế thời trang phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch. Tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu các sản phẩm văn hóa tạo ra nhiều mẫu sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Đà Nẵng bằng các chất liệu phục vụ nhu cầu mua quà tặng của khách du lịch và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

IV. GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức

a) Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

b) Huy động sự tham gia rộng rãi, có hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách

a) Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm nâng cao điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, đào tạo, cơ sở vật chất, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, các doanh nghiệp khởi nghiệp.

b) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các ngành nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đồng thời đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ.

c) Củng cố mô hình tổ chức, nâng cao năng lực của các trung tâm bảo vệ quyền tác giả và các tổ chức dịch vụ quyền tác giả.

d) Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp văn hóa.

e) Nâng cao công tác cải cách hành chính trong việc cấp giấy phép tổ chức các hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố; cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài vào biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang tại địa phương.

3. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực

Hằng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý, điều hành và kỹ năng kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa, tạo nguồn nhân lực vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và nhu cầu hội nhập quốc tế, cụ thể:

a) Cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong nước và ngoài nước (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ) để tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao.

b) Tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng mềm theo kế hoạch đề ra hằng năm.

c) Có chế độ đãi ngộ phù hợp để giữ chân đội ngũ có năng lực, tài năng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm chuyên môn từ các nước có trình độ phát triển cao về công nghiệp văn hóa đến Đà Nẵng để làm việc.

d) Nâng cao năng lực, phát triển nguồn nhân lực làm việc cho các đơn vị tư nhân, doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp văn hóa

4. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ

a) Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao chất lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa.

b) Đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống như: In ấn, xuất bản, phát hành, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, giải trí, quảng cáo, triển lãm. Tăng cường hợp tác, tranh thủ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển.

c) Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ về văn hóa, du dịch tại địa phương.

5. Thu hút và hỗ trợ đầu tư

a) Xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Du lịch, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa.

b) Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

c) Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội ngành nghề trong việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các hoạt động sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

6. Phát triển thị trường

a) Quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng; phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục của các đơn vị, tổ chức văn hóa nhằm phát triển công chúng, người tiêu dùng về năng lực hiểu biết, cảm thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

b) Đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng.

c) Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Đà Nẵng ra nước ngoài; xây dựng thương hiệu lãng nghề; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tham gia và phát triển thị trường quốc tế.

7. Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế

a) Tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Đà Nẵng, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật có uy tín, được đông đảo công chúng quan tâm.

b) Xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa, các tài nguyên tiêu biểu về văn hóa của địa phương tại các hội chợ trong nước và quốc tế.

c) Mở rộng giao lưu, hợp tác, trao đổi văn hóa với các địa phương trong nước, khu vực và trên thế giới; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Đà Nẵng ở nước ngoài.

V. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

1. Nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa.

2. Ngân sách nhà nước tùy theo khả năng cân đối trong từng thời kỳ, tham gia hỗ trợ đầu tư cho hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ các ngành công nghiệp văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Việc sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Nguồn huy động của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác đầu tư cho các công trình, dự án ứng dụng, triển khai công nghệ vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

4. Trên cơ sở nội dung tại Kế hoạch, các sở, ngành liên quan theo thời gian định kỳ đề xuất kinh phí để thực hiện nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa và Thể thao

a) Chủ trì và trực tiếp tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đã được phê duyệt.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất hoặc kiến nghị các cơ quan liên quan đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, đặc biệt cơ chế phối hợp liên ngành, các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, các tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp.

c) Tổ chức kiểm tra, giám sát và định kỳ hằng năm báo cáo UBND thành phố việc triển khai kế hoạch, đề xuất điều chỉnh, bổ sung nếu cần thiết.

2. Các Sở: Du lịch, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa đối với các lĩnh vực thuộc ngành quản lý nêu tại kế hoạch này; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND thành phố lồng ghép bố trí nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch hàng năm trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan có liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, trình Chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định phê duyệt.

4. Các sở, ngành khác, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định pháp luật hiện hành.

5. UBND các quận, huyện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch tại địa phương mình; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện triển khai thực hiện./

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy (để b/c),
- Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch;
- CT và các PCT UBND TP;
- UB MTTQVN TP;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các quận, huyện;
- LH các Hội VHNT TP;
- VPUB: CVP, các PCVP, Phòng KGVX
- Lưu: VT, SVHTT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Tuấn

 

TỔNG HỢP NỘI DUNG GÓP Ý DỰ THẢO KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030 TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

STT

Cơ quan góp ý

Văn bản số, ngày

Nội dung góp ý

Ý kiến của Sở VHTT

Ghi chú

01

Sở LĐTBXH

1073/SLĐTBXH- VLATLĐ ngày 16/5/2017

Thống nhất nội dung dự thảo Kế hoạch

 

 

02

Sở GDĐT

1195/SDGĐT- CTrTT ngày 16/5/2017

- Thống nhất nội dung dự thảo Kế hoạch

 

 

03

Sở Y tế

1139/SYT-VP ngày 15/5/2017

Thống nhất nội dung dự thảo Kế hoạch

 

 

04

Sở TT&TT

1096/STTTT- TTBCXB ngày 11/5/2017

Thống nhất nội dung dự thảo Kế hoạch

 

 

05

Sở Giao thông Vận tải

2342/SGTVT - QLKCHT ngày 1 1/5/2017

Thống nhất nội dung dự thảo Kế hoạch

 

 

06

UBND Quận NHS

1020/UBND - PVNTT ngày 17/5/2017

Thống nhất nội dung dự thảo Kế hoạch

 

 

07

Phòng VHTT Quận Cẩm Lệ

139/PVHTT ngày 15/5/2017

Thống nhất nội dung dự thảo Kế hoạch

 

 

08

UBND Q.Liên Chiểu

547/UBND-VHTT ngày 18/5/2017

Thống nhất nội dung dự thảo Kế hoạch

 

 

09

Sở Du lịch

1329/SDL- QHPTTNDL ngày 16/5/2017

-Về tên gọi: Xem xét bổ sung cụm từ “Việt Nam” điều chỉnh thành tên gọi như sau: “Kế hoạch triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tại thành phố Đà Nẵng”

Tiếp thu, điều chỉnh

 

- Về giải pháp: Trừ nội dung 3 và 6 đề nghị nghiên cứu, đề xuất cụ thể hóa phù hợp tình hình thực tế đối với địa phương Đà Nẵng; bổ sung nâng cao nhận thức của người dân địa phương, du khách...

Tiếp thu, điều chỉnh

- Về kinh phí thực hiện: bổ sung theo ý “Trên cơ sở nội dung liên quan tại Kế hoạch, các Sở ngành liên quan theo thời gian định kỳ đề xuất kinh phí để thành phố bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo nguồn kinh phí xây dựng cơ bản và kinh phí sự nghiệp của đơn vị hằng năm và kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch”

Tiếp thu, điều chỉnh

10

Sở Khoa học và Công nghệ

500/SKHCN-QLCN ngày 16/5/2017

- Cần xem xét bổ sung các nội dung như thời gian thực hiện, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp để phục vụ việc theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện Kế hoạch;

Chưa tiếp thu. Lý do các nội dung này đều do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, các đơn vị liên quan phối hợp (đã nêu Mục VI); về thời gian: thực hiện thường xuyên

 

- Rà soát nội dung của phần nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Kế hoạch nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp;

Tiếp thu, điều chỉnh

+ Xem xét mục tiêu đến năm 2030 về việc phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa, cần có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực của thành phố, không nên phát triển đồng loạt tất cả các ngành.

Đề xuất chưa tiếp thu.

Lý do: tại điểm a mục tiêu đến năm 2020 đã định hướng phát triển các ngành lợi thế và định hướng phát triển các ngành còn lại thì tại điểm b mục tiêu đến năm 2030 phát triển đồng bộ là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở

- Điều 2, Mục III: Bổ sung “Tạo điều kiện chuyển giao các hình thức nghệ thuật biểu diễn phổ biến trên thế giới vào Đà Nẵng để tạo sự đa dạng, hấp dẫn cho ngành công nghiệp văn hóa Đà Nẵng.

Tiếp thu, chỉnh sửa và đề xuất đưa vào mục giải pháp thực hiện chung cho các lĩnh vực không riêng nghệ thuật biểu diễn (Điều 7, Mục IV)

- Điều 2, Mục IV: Bổ sung nội dung tiếp tục cải cách hành chính trong việc cấp giấy phép tổ chức các hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố, cấp giấy phép tổ chức các sự kiện có yếu tố nước ngoài....

Tiếp thu, điều chỉnh

+ Điều 4, Mục IV: Bổ sung “Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia  cung cấp dịch vụ về văn hóa, du lịch cho thành phố”

Tiếp thu, điều chỉnh

+ Điều 7: Mục IV: Bổ sung “Xây dựng và triển khai chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hoá, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa Gia Lai” và bổ sung các nội dung về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm

 

11

Sở Nội vụ

1346/SNV - VP ngày 15/5/2017

- Khoản 2, Mục IV về hoàn thiện cơ chế, chính sách đề nghị dự thảo cụ thể hơn một số cơ chế, chính sách cần phải xây dựng, bổ sung.

Dự thảo đã nêu các cơ chế, chính sách liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, các doanh nghiệp khởi nghiệp

 

- Khoản 3, Mục IV: Đề nghị cụ thể hơn để thuận tiện khi triển khai Kế hoạch, đồng thời nên nghiên cứu bổ sung nâng cao năng lực, phát triển nguồn nhân lực làm việc cho các đơn vị tư nhân, doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp văn hóa.

Tiếp thu, bổ sung

12

Sở Tài chính

1164/STC-HCSN ngày 12/5/2017

Đề nghị hoàn chỉnh: Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu cho UBND thành phố lồng ghép bố trí nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại thành phố Đà Nẵng hàng năm trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách.

Tiếp thu, điều chỉnh

 

13

BQL các KCN và Chế xuất Đà Nẵng

650/BQL-QLĐT ngày 11/5/2017

- Khoản 2, Mục I: Đề nghị viết theo thứ tự như tại nội dung III (Nhiệm vụ) như sau: bao gồm

Tiếp thu, điều chỉnh

 

“Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phát thanh và truyền hình”. Bổ sung đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, “đồng thời xây dựng nề nếp văn hóa cho người dân thành phố”

 

- Điều 2, Mục 11: Bổ sung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bền vững đi đối với việc bảo tồn các công trình, các giá trị văn hóa hiện có.

Tiếp thu, điều chỉnh (đề xuất đưa vào Điều 1 Mục II phần mục tiêu chung)

 

14

 

Sở Công thương

 

-Về bố cục Kế hoạch: Điều chỉnh tiêu đề “Nhiệm vụ” tại mục III thành “Nội dung cụ thể”, đặt tên từng chương trình theo các lĩnh vực như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn...cụ thể hóa đơn vị chủ trì thực hiện, đơn vị phối hợp và các nội dung thực hiện, đưa phạm vi, đối tượng điều chỉnh vào Kế hoạch.

Tiếp thu, điều chỉnh

 

- Bổ sung định hướng sản xuất, phân phối hàng hóa dịch vụ thuộc lĩnh vực văn hóa với mục tiêu để văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, bảo đảm sự gắn kết giữa phát triển kinh tế và văn hóa, việc xã hội hóa, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa.

Tiếp thu, điều chỉnh

- Mục II đề nghị phân chia nội dung thành 02 phần gồm: Mục tiêu chung và Mục tiêu cụ thể (thay cho cụm từ mục tiêu chủ yếu vì không phù hợp với bố cục nội dung so với phần Mục tiêu chung).

Tiếp thu, điều chỉnh

- Bổ sung thêm mục tiêu chung như: (1) Đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, bảo đảm sự gắn kết giữa phát triển kinh tế và văn hóa, việc xã hội hóa, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa. (2) Phát huy những giá trị tinh thần cao đẹp, những giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc địa phương, xây dựng văn hóa gắn kết chặt chẽ, đồng bộ hơn so với phát triển kinh tế - xã hội...

Tiếp thu, điều chỉnh

- Tham chiều thêm nội dung trong danh mục triển khai thực hiện Chiến lược (theo Quyết định 1755/QĐ-QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ) để cụ thể hóa danh mục nhiệm vụ và lộ trình thực hiện đối với thành phố Đà Nẵng.

Tiếp thu, hoàn chỉnh

15

UBND Quận Sơn Trà

777/UBND-VHTT ngày 12/5/2017

-Điều 5, Mục III: Bổ sung thêm “Nhà truyền thống nghề cá phường An Hải Tây” vào danh sách các ngành nghề, làng nghề truyền thống cần được khôi phục và bảo tồn.

Tiếp thu, bổ sung

 

 

 

 

 

16

 

 

 

Liên hiệp các

Hội Văn hóa,

nghệ thuật Tp Đà Nẵng

47/CV-VHNT ngày 19/5/2017

- Không cần đề cập Luật Điện ảnh trong Kế hoạch của thành phố - tuân thủ pháp luật là chuyện đương nhiên.

Tiếp thu, điều chỉnh

 

- Có kế hoạch triển khai “Xây dựng Trung tâm chiếu phim hiện đại tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Xây dựng và hoàn thiện trường quay tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh”. Không thể không đề cập gì về một trung tâm chiếu phim hiện đại và một trường quay khi mà Chính phủ đã nêu đích danh Đà Nẵng. Đây cũng là cơ hội để Đà Nẵng đầu tư cho Rạp Lê Độ đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” như hiện nay và chính những nơi như Rạp Lê Độ mới có thể làm tốt việc “tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị” chứ không phải các rạp chiếu phim được xã hội hóa.

Tiếp thu, điều chỉnh

- Nên bổ sung thêm nhiệm vụ: “Tiếp tục hỗ trợ cho Hội Điện ảnh thành phố nhằm phát huy thế mạnh của Hội trong việc bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho các hội viên là đạo diễn, biên kịch, lý luận phê bình, quay phim...”.

Tiếp thu, đưa vào chung phần IV

- Đề nghị cụ thể hóa theo thực tiễn nghệ thuật biểu diễn của thành phố Đà Nẵng đang có hai loại hình nghệ thuật biểu diễn được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Nghệ thuật Tuồng Quảng và Nghệ thuật hô hát Bài chòi, rất cần được đưa vào Kế hoạch này nhiệm vụ đầu tư nâng cấp hai nhà hát hiện có là Nhà Hát Trưng Vương và Nhà Hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, đồng thời cũng nên đề cập đến khả năng đăng cai tổ chức các liên hoan sân khấu toàn quốc và quốc tế.

Tiếp thu, điều chỉnh

- Nên bổ sung thêm nhiệm vụ: “Tiếp tục hỗ trợ cho Hội Âm nhạc, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa thành phố nhằm phát huy thế mạnh của các hội này trong việc bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho các hội viên là đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ thiết kế sân khấu, nhà sản xuất, nhà kinh doanh, biên kịch, nghệ sĩ biểu diễn, người dẫn chương trình, người mẫu…”

Tiếp thu, đưa vào chung phần IV

- Nên bổ nhiệm vụ giáo dục pháp luật nêu ở phần này (sao chỉ làm việc này với mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển làm mà không làm điều tương tự đối với quảng cáo).

Tiếp thu, điều chỉnh

- Xem lại nội dung “ứng dụng công nghệ hiện đại trong sưu tập hình ảnh (...) để tạo ra các tác phẩm nhiếp ảnh hấp dẫn”? Nên bỏ cả đoạn nói về nhiếp ảnh nêu trong Dự thảo, nếu không có gì nói thêm thì trích dẫn nguyên văn trong Quyết định số 1755/QĐ-TTg cũng được.

Tiếp thu, điều chỉnh

- Về triển lãm, Dự thảo này nên đề cập đến Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, Bảo tàng Điêu khắc Chămpa, các địa điểm trưng bày tác phẩm điều khác ngoài trời như vườn tượng ở đường Bạch Đằng...

Tiếp thu, chỉnh sửa

- Nên bổ sung thêm nhiệm vụ: "Tiếp tục hỗ trợ cho Hội Mỹ thuật và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh thành phó nhằm phát huy thế mạnh của Hội trong việc bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho các hội viên là họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng, nghệ sĩ nhiếp ảnh, giám tuyển/curator…”.

Tiếp thu, đưa vào chung phần IV

- Quyết định số 632/QĐ-UBND ngày 25-1-2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ mới phê duyệt Đề án quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chứ không phải quảng cáo nói chung (bao gồm quảng cáo trong nhà ở những nơi công cộng, quảng cáo trên các sản phẩm dịch vụ du lịch và quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng).

Tiếp thu, điều chỉnh

-Mục tiêu chung của Quyết định số 1755/QĐ - TTg nêu rõ: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng...”. Cho nên Dự thảo này nêu nội dung về thủ công mỹ nghệ là đúng và cần thiết. Tuy nhiên nên đi sâu vào Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, không nên nêu chung chung.

Chưa tiếp thu. Lý do hiện nay trên địa bàn thành phố nhiều làng nghề không riêng Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ non nước

- Dự thảo này cũng nên đề cập đến chiến lược phát triển các trò chơi giải trí ở Đà Nẵng hiện nay đang khá sôi động và dường như còn tự phát (như ở Công viên Châu Á, Bà Nà Hill, Núi Thần Tài...).

Tiếp thu, điều chỉnh

- Nên đề cập chức năng nhiệm vụ của Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật thành phố trong việc tổ chức thực hiện.

Tiếp thu, điều chỉnh

17

Sở Ngoại vụ

1271/SNV - LTĐN ngày 22/5/2017

-Mục 7, phần IV: Chỉnh sửa

+ Tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Đà Nẵng, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật có uy tín, được đông đảo công chúng quan tâm;

+ Xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa Đà Nẵng (Sở VHTT đánh nhầm thanh Gia Lai), các tài năng tiêu biểu về văn hóa của địa phương tại các hội chợ, sự kiện trong nước và quốc tế; lồng ghép các chương trình quảng bá phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện ngoại giao;

+ Mở rộng giao lưu, trao đổi văn hóa với các địa phương trong nước, khu vực và trên thế giới; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Đà Nẵng ở nước ngoài

Tiếp thu, điều chính

 

18

Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế

Gửi qua mail ngày 22/5/2017

- Phần II, mục 2, tiết a: Bổ sung các ngành nghề vào mục tiêu chung tương đồng như các nhiệm vụ được liệt kê trong Phần III của dự thảo. Đặc biệt, dự thảo nêu ngành thủ công mỹ nghệ là một trong số những ngành có lợi thế của thành phố Đà Nẵng nhưng lại không thấy có trong mục tiêu chung của dự thảo. Vì vậy đề nghị bổ sung và nhất quán việc chọn lựa đối tượng nghiên cứu của Kế hoạch.

Tiếp thu, chỉnh sửa

 

Đề nghị xem xét, bổ sung phần mềm và các trò chơi giải trí vào mục tiêu chung của dự thảo.

Tiếp thu, điều chỉnh

- Phần I, mục 3 và Phần Ill: Bổ sung thêm ý “bản quyền trí tuệ” theo đúng quan điểm của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vào Phần I, mục 3 của dự thảo, đồng thời đề xuất nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho ngành này.

- Chưa tiếp thu, lý do: trong Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không đề cập đến lĩnh vực này

- Phần II, mục 2: Bổ sung các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể về các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là những ngành lợi thế của Đà Nẵng vào phần mục tiêu, tránh viết chung chung như trong dự thảo. (Có thể tham khảo cách viết như trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030)

Giống góp ý của Sở Khoa học công nghệ nêu trên

-Phần III, mục 3: Bổ sung nhiệm vụ “hình thành Trung tâm giám định và đấu giá tác phẩm mỹ thuật ngoài công lập”. Đây là việc làm cần thiết để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 của dự thảo nêu “Phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật cho Khu vực Miền Trung và Tây Nguyên” và “Định hướng và từng bước phát triển các ngành: Kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, phát thanh và truyền hình trở thành ngành dịch vụ quan trọng”

Tiếp thu, điều chỉnh

-Phần III, mục 5: Bổ sung du lịch gắn với các hoạt động lễ hội truyền thống và hiện đại ở địa phương, đa dạng hóa các chương trình nghệ thuật, show diễn, các hoạt động dịch vụ tại các Nhà hát, Bảo tàng trên địa bàn thành phố..

Tiếp thu, điều chỉnh

-Phần IV, mục 6: Bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ đối với các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như: mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu làng nghề; công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất thủ công, kết hợp giữa sản xuất của làng nghề truyền thống với hoạt động du lịch...

Tiếp thu, điều chỉnh

-Phần IV, mục 3: Bổ sung công tác bồi dưỡng, đào tạo đối với lực lượng lao động trong các làng nghề truyền thống.

Tiếp thu, điều chỉnh

- Phần IV, mục 7: Bổ sung nội dung giao lưu và hợp tác quốc tế trong việc đào tạo các ngành công nghiệp văn hóa như: kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn...

Chưa tiếp thu. Lý do, đã nêu tại khoản 3 Mục IV

Ngoài ra, những góp ý liên quan đến lỗi trình bày và lỗi chính tả, Sở cũng đã tiếp thu, điều chỉnh theo đúng thể thức văn bản.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 9585/KH-UBND năm 2017 thực hiện Quyết định 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại thành phố Đà Nẵng

  • Số hiệu: 9585/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/11/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản