Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8597/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 25 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN “ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VỀ MA TÚY VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021-2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Thực hiện Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 677/QĐ-UBDT ngày 05/10/2021 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt Dự án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 7353/KH-UBND ngày 14/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Dự án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; tạo chuyn biến về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức và đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong công tác phòng, chống ma túy; ngăn chặn không để tệ nạn ma túy xâm nhập vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động có hiệu quả bằng nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phấn đấu trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức phòng, chống tội phạm về ma túy, tác hại của ma túy đối với gia đình và cộng đồng, tự giác chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy.

b) Xây dựng lực lượng cốt cán trong đồng bào dân tộc thiểu số đtham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Kế hoạch triển khai thực hiện tại các xã, thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

2. Đối tượng: Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc cấp huyện; lãnh đạo UBND cấp xã, công chức phụ trách công tác dân tộc và cán bộ các đoàn thể cấp xã; trưởng thôn, người có uy tín, học sinh và giáo viên trường THCS, THPT và dân tộc nội trú; chức sắc các tôn giáo; người đồng bào dân tộc thiểu số.

III. NHIỆM VỤ

1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả nội dung Quyết định số 677/QĐ-UBDT ngày 05/10/2021 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt Dự án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chng tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 7353/KH-UBND ngày 14/10/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động: Đổi mới nội dung, hình thức đa dạng, phong phú các hoạt động tuyên truyền phù hợp với trình độ, lứa tuổi, đối tượng, phong tục tập quán từng địa phương. Chú trọng tuyên truyền cho người dân tại các vùng trọng điểm về ANTT, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, thanh thiếu niên, học sinh các trường THCS,THPT và dân tộc nội trú là những nhóm đối tượng có nguy cơ cao về trồng, sử dụng, tàng trữ, mua bán ma túy.

3. Triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phổ biến giáo dục pháp luật, xóa đói giảm nghèo ổn định cuộc sống gắn với công tác phòng, chống ma túy trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.

4. Tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình tại các thôn, buôn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nhằm kịp thời phát hiện các phần tử xấu kích động, dụ dỗ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sử dụng, vận chuyển, mua bán ma túy để có biện pháp ngăn ngừa thích ứng.

5. Nâng cao năng lực hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy; phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo và người dân có khả năng tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy và hiểm họa từ ma túy.

6. Đầu tư kinh phí đúng mức, quản lý sử dụng hiệu quả để thực hiện kế hoạch hàng năm. Chú trọng đầu tư để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống ma túy tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tổ chức điều tra, khảo sát điểm tại các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi về tình hình trồng cây có chứa chất ma túy, tham gia các hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy; xác định địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng kế hoạch thực hiện tuyên truyền, vận động hàng năm phù hợp với tình hình thực tế.

2. Biên soạn, xây dựng, thẩm định và in ấn tài liệu, lựa chọn nội dung phù hợp xuất bản sổ tay, tờ rơi và các ấn phẩm tuyên truyền về phòng, chống ma túy bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc Cơ ho, Chu ru, Mạ, H’Mông,... để cung cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức liên quan và đồng bào các dân tộc thiểu số và người dân sinh sống tại miền núi.

3. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên báo, tạp chí, phát thanh truyền hình và cổng thông tin, trang tin điện tử của các cơ quan, đơn vị liên quan về phòng, chống ma túy.

4. Xây dựng và nhân rộng mô hình điểm về phòng, chống ma túy gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có nguy cơ xảy ra: trồng cây có chứa chất ma túy, tham gia các hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy.

5. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc cấp huyện; lãnh đạo UBND cấp xã, công chức phụ trách công tác dân tộc và cán bộ các đoàn thể cấp xã; trưởng thôn, người có uy tín, học sinh và giáo viên trường THCS, THPT và dân tộc nội trú; chức sắc các tôn giáo; người đồng bào dân tộc thiểu số về Luật Phòng, chống ma túy và những luận chứng khoa học về tác hại của ma túy.

6. Tổ chức các hoạt động kiểm tra, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết Dự án và tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện công tác phòng, chống ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc theo định kỳ hoặc đột xuất.

7. Thời gian tổ chức thực hiện các hoạt động: Hàng năm.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện kế hoạch này do ngân sách nhà nước đảm bảo, theo nội dung mục 3, Phần V, Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ nguồn ngân ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Ban Dân tộc tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp (cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh) xây dựng dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc tỉnh:

a) Là cơ quan thường trực, đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý và triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện nội dung kế hoạch.

c) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị và địa phương liên quan trong việc triển khai thực hiện Dự án; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc theo quy định; tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết giữa kỳ (năm 2023) và tổng kết giai đoạn (năm 2025).

2. Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí tổ chức thực hiện kế hoạch theo dự toán được phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo đúng theo quy định.

3. Công an tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc triển khai thực hiện kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng: Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ngành và địa phương liên quan bố trí thời lượng phát sóng, lập chuyên mục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên sóng phát thanh và truyền hình.

5. Các sở, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung của kế hoạch và lồng ghép các nội dung hoạt động của Dự án với các chương trình, dự án liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc:

a) Chỉ đạo xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Dự án cho giai đoạn 5 năm và hàng năm của địa phương; phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc triển khai thực hiện kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định: định kỳ 6 tháng, hàng năm, sơ kết giữa kỳ (năm 2023) và tổng kết giai đoạn (năm 2025) gửi đến Ban Dân tộc để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Dân tộc.

b) Căn cứ tình hình thực tế của địa phương và khả năng cân đối ngân sách, bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Dự án tại địa phương theo đúng quy định.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025”, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh đến Ban Dân tộc để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh nội dung Kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Dân tộc (báo cáo);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, NC, NN, TH
1.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S