Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 27 tháng 4 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH HẬU GIANG 5 NĂM 2021-2025

Thực hiện Chương trình số 02/CTr-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025, như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Cụ thể hóa các nhiệm vụ được đề ra trong Chương trình hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025 phải được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, phát huy được lợi thế, tiềm năng và tận dụng những cơ hội trong phát triển nông nghiệp, đảm bảo nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

- Phát huy tính chủ động, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố để triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường, nhất là tập trung cho các nông sản chủ lực gồm lúa, mít, chanh không hạt, bưởi, khóm, mãng cầu, heo, lươn, cá thát lát và cá tra; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; tăng dần diện tích sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường; hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phát triển sản xuất nông nghiệp đạt và vượt các chỉ tiêu được đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021 - 2025; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông, lâm, thủy sản (khu vực I) đạt 2,25%/năm; tỷ trọng khu vực I giảm còn 22% (giảm 4,53%).

- Giá trị sản xuất tăng bình quân 3%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất: Nông nghiệp 86,7%, lâm nghiệp 0,9%, thủy sản 12,4%. Trong nông nghiệp: Trồng trọt 75,5%, chăn nuôi 14,8%, dịch vụ nông nghiệp 9,7%. Trong thủy sản: khai thác 1,5%, nuôi trồng 98%, dịch vụ 0,5%. Sản lượng lúa đạt 1.200.000 tấn, thủy sản 98.690 tấn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 54.814 tấn, sản lượng trứng 170 triệu quả.

- Tỷ lệ xã nông thôn mới đạt trên 80% tổng số xã, trong đó số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao đạt trên 20%, số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt trên 10%. Phấn đấu công nhận thêm một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

- Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch 85%.

- Tỷ lệ che phủ rừng duy trì 3%.

III. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

1. Phát triển sản xuất

a) Tập trung chỉ đạo phát triển các cây trồng, vật nuôi đạt năng suất, sản lượng, đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng của ngành. Cụ thể:

- Cây lúa: Diện tích canh tác đến năm 2025 khoảng 76.000 ha, chuyển đổi khoảng 1.200 ha sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn; diện tích gieo trồng khoảng 186.000 ha (Đông Xuân 76.000 ha, Hè Thu 75.000 ha, Thu Đông 35.000 ha); sản lượng trên 1,2 triệu tấn/năm. Mở rộng vùng lúa chất lượng cao 35.000 ha theo tiêu chí cánh đồng lớn, sử dụng các giống lúa tốt, có chất lượng gạo ngon, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

- Cây mía: Năm 2025 duy trì diện tích trồng mía khoảng 3.500 ha, năng suất bình quân 110 - 120 tấn/ha. Sản lượng 350.000 tấn - 400.000 tấn, áp dụng cơ giới, tổ chức sản xuất theo chuỗi, hạ giá thành sản xuất mía. Chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.

- Cây ăn quả: Tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả chủ lực của tỉnh và cấp mã số vùng trồng, trong đó xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) chiếm trên 10% diện tích; mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước chiếm 15% diện tích. Tiếp tục cải tạo diện tích vườn tạp, chuyển đổi đất lúa xen vườn để hình thành vườn chuyên, đưa diện tích cây ăn trái toàn tỉnh lên 49.000 ha, sản lượng 572.000 tấn tăng 134.000 tấn so với năm 2020.

- Cây rau, màu: Diện tích 34.000 ha, tăng bình quân 6,86%/năm; sản lượng 459.000 tấn, tăng bình quân 8,53%/năm. Sản phẩm chủ yếu là bắp, bầu, bí, dưa, rau xanh các loại.

- Ngành chăn nuôi: Đến năm 2025 quy mô đàn trâu ổn định 1.845 con, đàn bò 4.425 con, đàn heo 156.000 con, đàn gà 1,611 triệu con, đàn thủy cầm 3,268 triệu con. Sản lượng thịt các loại 54.814 tấn và sản lượng trứng gia cầm đạt 170 triệu quả. Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; chuyển đổi sang chăn nuôi tập trung theo hình thức gia trại, trang trại đạt 50% và kiểm soát được 100% đàn vịt chạy đồng.

- Ngành thủy sản: Phát huy lợi thế về nuôi trồng thủy sản nước ngọt, tạo động lực tăng trưởng, diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 là 10.000 ha, tăng 1.970 ha so với năm 2020, phấn đấu tổng sản lượng thủy sản 98.690 tấn vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,5% năm. Trong đó, tập trung phát triển nuôi thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực (cá tra, cá thát lát, cá đồng, thủy đặc sản…), đa dạng hóa các đối tượng và hình thức nuôi cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; áp dụng quy trình nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết chuỗi để gắn kết các doanh nghiệp chế biến với các vùng nuôi.

- Lâm nghiệp: Giữ ổn định 5.876 ha đất rừng các loại, trong đó diện tích có rừng 3.558 ha. Tạo mới rừng trồng 220 ha, trồng cây phân tán 5.000.000 cây lâm nghiệp các loại.

b) Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, trong đó chú trọng các giải pháp về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu giống để thích ứng với biến đổi khí hậu (hạn, xâm nhập mặn,…); tăng cường áp dụng cơ giới hóa và các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động và phát triển vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

2. Phát triển Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

- Triển khai các dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX thông qua tại kỳ họp thứ 18, 19 (ưu tiên các dự án mang tính bức xúc) đảm bảo chất lượng và tiến độ.

- Tăng cường mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ để nhanh chóng ứng dụng và nhân rộng kết quả vào thực tiễn sản xuất.

3. Phát triển kinh tế tập thể

Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 26/2020/NQ- HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Xây dựng kế hoạch cụ thể 05 năm và hằng năm để thực hiện.

4. Về xây dựng nông thôn mới và phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn

a) Xây dựng nông thôn mới

- Tiếp tục duy trì và nâng chất đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trong những năm tiếp theo. Hằng năm có kế hoạch cụ thể xây dựng thêm xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

- Đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo chiều rộng lẫn chiều sâu, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây nông thôn mới, đô thị văn minh”, để người dân thấy được Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phát huy tối đa vai trò chủ thể của mình trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công tác vận động quần chúng nhằm nâng cao hơn nhận thức và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

- Huy động nguồn lực đầu tư, tiếp tục vận động sự tham gia, đóng góp của Nhân dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

b) Phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn

- Tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành các công trình, dự án thủy lợi đã khởi công và các dự án được phê duyệt trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

5. Bố trí ổn định dân cư nông thôn

Tổ chức thực hiện bố trí, hỗ trợ di dời, sắp xếp ổn định cuộc sống cho các hộ dân trong khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở; hộ nằm trong khu vực rừng đặc dụng; hộ sống trên ghe, xuồng không có nhà ở và đất sản xuất; hộ nằm trong khu vực có điều kiện sinh hoạt và sản xuất khó khăn chưa khắc phục được.

6. Cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn

- Xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các trạm cấp nước theo danh mục đầu tư đã được phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

- Duy trì hệ thống cung cấp nước sạch, đảm bảo chất lượng cho người dân vùng nông thôn.

IV. Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là 4.625.871 triệu đồng (bốn nghìn sáu trăm hai mươi lăm tỷ tám trăm bảy mươi mốt triệu đồng). Trong đó, nhu cầu bố trí từng nguồn như sau:

- Ngân sách Trung ương (đề nghị hỗ trợ): 1.756.700 triệu đồng.

- Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: 534.724 triệu đồng.

- Kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi: 69.626 triệu đồng.

- Ngân sách địa phương: 1.101.390 triệu đồng.

- Nguồn vốn ODA: 983.143 triệu đồng.

- Vốn tư nhân (doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể): 180.288 triệu đồng.

(Đính kèm theo phụ lục)

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ và các dự án về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu theo Kế hoạch này.

- Chỉ đạo lồng ghép các hoạt động chuyên ngành giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, dự án lĩnh vực nông nghiệp triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện kế hoạch này nhằm tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển các nông sản chủ lực và hợp tác xã đạt hiệu quả.

- Thường xuyên đôn đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các công việc được giao theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng; báo cáo kết quả thực hiện hằng năm gửi UBND tỉnh trước ngày 20/12.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các đề án, dự án đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

- Tham mưu UBND tỉnh triển khai các chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Chủ trì, hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025.

3. Sở Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định, cân đối bố trí vốn chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình.

4. Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và địa phương thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, hỗ trợ hợp tác xã và doanh nghiệp có thực hiện liên kết sản xuất.

5. Sở Khoa học và Công nghệ ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng phục vụ phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm nông sản.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp thực hiện quản lý môi trường lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy sản; thực hiện các thủ tục và chính sách đất đai liên quan phát triển nông nghiệp.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường phục vụ phát triển nông nghiệp.

7. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, hỗ trợ ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý và sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi số trong một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh.

8. Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

9. Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp các sở, ngành và các địa phương triển khai thực hiện các nội dung theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 và Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025.

10. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp các sở, ngành và các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

11. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh tổ chức thực hiện các dự án đầu tư được giao theo đúng quy định.

12. Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo nội dung Kế hoạch này.

- Triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được giao.

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện của địa phương và mang lại hiệu quả cao.

- Tổ chức thực hiện các dự án và xúc tiến, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức Đoàn thể, các hội quần chúng các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn, vận động hội viên tham gia phong trào xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững, mô hình cánh đồng lớn có thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi liên kết.

14. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025, trong đó quan tâm phát triển các nông sản chủ lực của tỉnh và các sản phẩm đặc thù của địa phương theo vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; đồng thời nâng chất, củng cố và phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có chất lượng, đạt hiệu quả cao.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn theo quy định.

15. Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hậu Giang nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chất lượng cao, thích ứng với hạn, mặn, đặc biệt là các giống cây con chủ lực của tỉnh phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân.

16. Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang triển khai các dự án được phê duyệt và bố trí vốn giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục rà soát, nâng cấp hệ thống và công nghệ cấp nước đảm bảo chất lượng và kịp thời cung cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu người dân khu vực nông thôn.

Trên đây là nội dung Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo kịp thời UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể tỉnh;
- Sở: NN&PTNT, KH&ĐT, TC, CT, KH&CN, TN&MT, TT&TT; TP;
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh;
- Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh;
- Ban QLDA ĐTXDCT GT & NN tỉnh;
- Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang;
- Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hậu Giang;
- Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT.
07. KH thien Ctrinh NN 5 nam

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Cảnh Tuyên