Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2020/NQ-HĐND

Hậu Giang, ngày 04 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG, THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH HẬU GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
KHÓA IX KỲ HỌP THỨ 19

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;

Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 26 tháng 10 năm 2020 của Tỉnh ủy Hậu Giang về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Xét Tờ trình số 1942/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị thông qua Nghị quyết Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 áp dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng

- Hợp tác xã và liên hiệp HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lĩnh vực nông nghiệp (sau đây gọi chung là HTX). Người dân có nhu cầu thành lập HTX, thành viên và người lao động của HTX.

- Doanh nghiệp, các tổ chức, hộ gia đình trực tiếp thực hiện hoặc tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản.

- Cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, hợp tác xã; công chức của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, hợp tác xã; Liên minh HTX và công chức, viên chức của Liên minh HTX; các cá nhân, đơn vị, tổ chức hoạt động trong hoặc có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã.

3. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2025:

Xây dựng 15 mô hình HTX và 03 liên hiệp HTX được đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng và phát triển toàn diện, hoạt động hiệu quả.

Xây dựng 01 mô hình cung ứng dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp và 03 Trung tâm thu gom, phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối hàng nông sản (gọi tắt là Trung tâm sơ chế, phân loại nông sản).

Xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tối đa hóa việc tái tạo và tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp để tạo thêm sản phẩm mới.

- Định hướng đến năm 2030: Nhân rộng các mô hình HTX đạt hiệu quả cao trong giai đoạn 2021 - 2025 để đến năm 2030 lĩnh vực nông nghiệp đạt các mục tiêu sau:

Về kinh tế: Tốc độ tăng GRDP nông nghiệp đạt trên 3%/năm.

Về xã hội: Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020.

Về môi trường: Tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%; tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý hiệu quả đạt 100%; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản được tưới tiêu hiện đại, tiết kiệm nước, thân thiện môi trường đạt trên 30%.

4. Nhu cầu và nguồn vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn dự kiến thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025 là 608,049 tỷ đồng. Trong đó:

a) Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 133,424 tỷ đồng, gồm:

- Vốn lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế tập thể, HTX: 17,724 tỷ đồng;

- Vốn hỗ trợ thực hiện Nghị định số 62/2019/NĐ-CP: 62,35 tỷ đồng;

- Nguồn kinh phí cấp bù giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi: 53,35
tỷ đồng.

b) Ngân sách địa phương: 246,337 tỷ đồng, gồm:

- Vốn đầu tư và phát triển: 159,54 tỷ đồng;

- Vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã: 20 tỷ đồng;

- Vốn sự nghiệp: 66,797 tỷ đồng.

c) Vốn ODA: 48 tỷ đồng.

d) Vốn tư nhân, HTX, DN: 180,288 tỷ đồng.

 (Đính kèm Đề án)

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang Khóa IX Kỳ họp thứ 19 thông qua ngày 04 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 14 tháng 12 năm 2020./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ (HN - TPHCM);
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- HĐND, UBND, UBMTTQVN cấp huyện;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trần Văn Huyến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 26/2020/NQ-HĐND về thông qua Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 26/2020/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 04/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Trần Văn Huyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản