Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 18 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG, THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH HẬU GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRONG NĂM 2021

Thực hiện Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong năm 2021, như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Cụ thể hóa các nhiệm vụ được đề ra trong Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 để thực hiện trong năm 2021.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, nâng cao nhận thức cho người dân về kinh tế tập thể, củng cố, nâng chất và phát triển hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; phát triển vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, nhất là các nông sản chủ lực của tỉnh theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và chuỗi giá trị.

- Phát huy tính chủ động, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố để triển khai đồng bộ các giải pháp trong phát triển hợp tác xã gắn với phát triển các ngành hàng nông sản chủ lực.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tuyên truyền rộng rãi các nội dung Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Khảo sát, đánh giá và chọn 15 hợp tác xã tham gia Đề án, trong đó củng cố 07 hợp tác xã hiện có và thành lập mới 08 hợp tác xã.

- Xây dựng Kế hoạch thành lập 03 liên hiệp hợp tác xã.

- Lập dự án xây dựng website về kinh tế tập thể của tỉnh.

- Lập các dự án theo danh mục của đề án, cụ thể:

+ Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ mô hình hợp tác xã phát triển toàn diện, hoạt động hiệu quả.

+ Dự án đầu tư máy móc nông nghiệp, thiết bị, phương tiện cho Tổ cung ứng dịch vụ cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp.

+ Khảo sát, lựa chọn vị trí quy hoạch đất và lập dự án xây dựng 03 Trung tâm thu gom, phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối hàng nông sản.

+ Dự án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã và hỗ trợ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc tại hợp tác xã.

+ Dự án xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

III. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

1. Công tác tổ chức

Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp tỉnh và cấp huyện để tham mưu giúp UBND tỉnh, huyện chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung Đề án đã được thông qua tại Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND, theo dõi, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện trên cơ sở rà soát, sắp xếp kiện toàn một số Ban Chỉ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế tập thể. Ban Chỉ đạo do đồng chí Phó chủ tịch UBND cùng cấp làm Trưởng ban.

2. Công tác tuyên truyền

- Nội dung: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND các nội dung đề án, nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện 15 hợp tác xã và 03 liên hiệp hợp tác xã.

- Hình thức: Kết hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức như thông qua hội nghị, phương tiện thông tin đại chúng, gửi tài liệu tuyên truyền, tờ rơi…

- Đối tượng: Tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND cho một số sở, ngành liên quan, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, các tổ chức có liên quan khác; công chức, viên chức, cán bộ hội, đoàn thể, hội viên các Chi hội nông dân, phụ nữ…

3. Chọn hợp tác xã tham gia Đề án và thành lập 3 liên hiệp hợp tác xã

3.1. Chọn hợp tác xã tham gia Đề án

- Giao Ban Chỉ đạo cấp huyện lựa chọn, đề xuất các hợp tác xã tham gia đề án, báo cáo về Ban Chỉ đạo tỉnh.

- Tổ chức Đoàn khảo sát, đánh giá các hợp tác xã nông nghiệp hiện có và chuẩn bị thành lập, đáp ứng tiêu chí đầu vào của Đề án (theo phụ lục 1 đề án) và đang sản xuất các loại nông sản chủ lực hoặc có kế hoạch chuyển đổi sang sản xuất các loại nông sản chủ lực.

- Thẩm định, lựa chọn 15 hợp tác xã đạt chuẩn đầu vào để tham gia đề án, trong đó chọn 7 hợp tác xã hiện có để củng cố và 08 hợp tác xã dự kiến thành lập mới.

3.2. Thành lập liên hiệp hợp tác xã

Xây dựng kế hoạch thành lập 03 liên hiệp hợp tác xã, định hướng 03 liên hiệp hợp tác xã sản xuất các loại nông sản chủ lực thuộc 03 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

4. Lập các dự án đầu tư

4.1. Dự án xây dựng website về kinh tế tập thể của tỉnh.

Lập dự án xây dựng website về kinh tế tập thể của tỉnh, trong đó có các mục chủ yếu như thông tin về các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, thông tin thị trường, khoa học công nghệ, trao đổi - tư vấn pháp luật, kết nối với các trang tin về đăng ký hợp tác xã, sàn giao dịch điện tử...

4.2. Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ mô hình hợp tác xã phát triển toàn diện, hoạt động hiệu quả.

Mỗi dự án được lập tương ứng với từng hợp tác xã tham gia đề án, trong đó bao gồm các hạng mục đầu tư, mua sắm trang thiết bị và các chính sách hỗ trợ được quy định tại Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND.

4.3. Dự án đầu tư máy móc nông nghiệp, thiết bị, phương tiện cho Tổ cung ứng dịch vụ cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Lập dự án mua sắm các máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, trong đó xác định danh mục máy móc, thiết bị cần ưu tiên đầu tư các máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh…

4.4. Dự án xây dựng 03 Trung tâm thu gom, phân loại, sơ chế, đóng gói và phân phối hàng nông sản (gọi tắt là Trung tâm).

- Khảo sát, lựa chọn vị trí, thực hiện các thủ tục quy hoạch đất tại 03 Trung tâm và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

- Lập dự án đầu tư xây dựng 03 Trung tâm, trong đó nhà nước tập trung giải phóng mặt bằng và đầu tư các hạng mục bên ngoài hàng rào; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các hạng mục bên trong hàng rào.

4.5. Dự án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã và hỗ trợ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc tại hợp tác xã.

- Đối với đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã: Tập trung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ trình độ từ cao đẳng trở lên cho cán bộ quản lý HTX, trong đó ưu tiên đào tạo đối tượng là thành viên Ban Giám đốc và kế toán của HTX; tập huấn kỹ năng lập kế hoạch, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, liên kết, tiếp thị, quảng bá sản phẩm của HTX,…; bồi dưỡng kiến thức về chính sách, pháp luật, thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch hại,…; tập huấn về kỹ thuật canh tác ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, GAP…; quy trình bảo quản, sơ chế hàng nông sản.

- Đối với hỗ trợ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc tại hợp tác xã: Ưu tiên lựa chọn người có năng lực, kinh nghiệm giúp hợp tác xã trong công tác quản trị và kế toán.

4.6. Dự án xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Lập dự án xây dựng mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, trong đó các phụ phẩm trong quá trình sản xuất được tận dụng để tạo ra một sản phẩm khác phục vụ trở lại cho sản xuất trong chuỗi. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, nước và năng lượng.

IV. Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện năm 2021 là 12.439 triệu đồng (mười hai tỷ bốn trăm ba mươi chín triệu đồng), từ nguồn ngân sách địa phương. Trong đó,

- Nguồn vốn đầu tư công: 4.380 triệu đồng.

- Nguồn vốn sự nghiệp: 8.059 triệu đồng.

(Đính kèm Phụ lục 2,3,4)

V. Tổ chức thực hiện

1. Các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố được phân công tại phụ lục 1 theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện Kế hoạch này.

(Đính kèm Phụ lục1)

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc Ban Chỉ đạo cấp huyện triển khai thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện năm 2021; đồng thời, phối hợp các sở, ngành có liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2022 gửi về UBND tỉnh trước ngày 15/12/2021.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại phụ lục 1 kèm theo Kế hoạch này.

Trên đây là nội dung Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong năm 2021. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo kịp thời UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể tỉnh;
- Sở: NN&PTNT, NV, KH&ĐT, TC, GTVT, KH&CN, TN&MT, TT&TT;
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh;
- Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh;
- Hội Nông dân tỉnh;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh;
- Tỉnh đoàn;
- Báo HG; Đài PT-TH tỉnh HG;
- UBND huyện, TX, TP;
- Lưu: VT.
06 KH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Cảnh Tuyên