Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH H
ÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 01 tháng 07 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ Y TẾ TUYẾN XÃ, THÔN, BẢN CỦA 11 HUYỆN MIỀN NÚI TỈNH THANH HÓA, ĐẾN NĂM 2020

I. THỰC TRẠNG CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ CHẤT LƯỢNG CUNG CẤP DỊCH VỤ Y TẾ TẠI XÃ, THÔN, BẢN

1. Về cơ sở vật chất

Do nguồn kinh phí hạn chế, mức đầu tư thấp và phần lớn được xây dựng trong nhiều năm từ nhiều nguồn vốn, nên phần lớn cơ sở vật chất các trạm y tế xã của các huyện miền núi được đầu tư chắp vá, thiếu đồng bộ; không được sửa chữa, nâng cấp thường xuyên, nhiều trạm kể cả các trạm đã đạt chuẩn giai đoạn 2001-2010 cũng đã xuống cấp, thiếu phòng triển khai các hoạt động chuyên môn, phòng làm việc.

Hiện nay, trong 196 xã, thị trấn của 11 huyện miền núi mới có 65 xã, chiếm 33,2% trạm y tế có từ 10 phòng kiên cố trở lên (trong đó có 44 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020); 131 xã còn lại có trạm y tế nhưng xuống cấp hoặc không đủ số phòng làm việc, công trình phụ trợ hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo điều kiện để triển khai các nhiệm vụ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đặc biệt còn 4 xã chưa có nhà trạm (mượn cơ sở làm việc) gồm: Thị trấn Mường Lát; Thị trấn Quan Sơn và xã Trung Tiến huyện Quan Sơn; xã Bát Mọt huyện Thường Xuân.

Với điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay, khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao sẽ rất khó khăn; không đảm bảo an toàn cho người bệnh, cán bộ y tế; việc bảo quản trang thiết bị, vật tư, thuốc an toàn (nhất là trong mùa mưa bão) cũng đang là đòi hỏi hết sức bức thiết.

2. Về trang thiết bị y tế

Theo quy định của Bộ Y tế, danh mục trang thiết bị y tế tại trạm là 176 loại, hiện nay, trung bình mỗi trạm y tế có khoảng 100 danh mục, như vậy còn thiếu 76 (43,2%) danh mục trang thiết bị cho mỗi trạm y tế. Đặc biệt mới có gần 3% trạm y tế có máy siêu âm, 49,5% trạm y tế có máy đo đường huyết, chưa trạm y tế nào có máy điện tim.

3. Về nhân lực

Theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước, số lượng cán bộ trạm y tế xã của 11 huyện miền núi cần có là 1079 cán bộ, hiện có 1037 cán bộ, còn thiếu 42 cán bộ.

Về chủng loại cán bộ trạm y tế: trong số 1037 cán bộ, theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ còn thiếu 33 bác sỹ, 193 dược sỹ trung học, 108 nữ hộ sinh.

Cơ cấu chủng loại cán bộ chưa phù hợp, chất lượng cán bộ chưa đáp ứng kịp nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và sự thay đổi của mô hình bệnh tật.

Về y tế thôn, bản: theo Quyết định 3447/QĐ-BYT ngày 22/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế: hiện mới có 1861/1902 thôn, bản có nhân viên y tế, được trang bị 01 túi thuốc y tế thôn, bản theo quy định của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, số lượng nhân viên y tế thôn, bản qua đào tạo theo chuẩn của Bộ Y tế và làm việc kém hiệu quả đang chiếm số lượng không nhỏ. Chế độ phụ cấp của nhân viên y tế thôn, bản được hưởng thấp và còn nhiều bất cập (mức 0,5 áp dụng tại các xã vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ; đối với các xã còn lại nhân viên y tế thôn bản được áp dụng mức 0,3 và ở các thị trấn chưa được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng). Nhân viên y tế thôn, bản hoạt động lồng ghép với cộng tác viên khác như dân số, phụ nữ, hội chữ thập đỏ..., do vậy thời gian để hoạt động độc lập với chức năng nhiệm vụ của y tế thôn bản còn ít nên hiệu quả công việc chưa cao.

4. Về hoạt động chuyên môn

Nhìn chung, các trạm y tế đã thực hiện được khoảng 80% chức năng, nhiệm vụ được giao và thực hiện được 50% dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành (theo quy định tại trạm y tế có 109 dịch vụ).

Với những khó khăn, hạn chế về có sở vật chất, trang thiết bị y tế và cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác y tế cơ sở hiện nay, cùng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, công tác y tế cơ sở còn rất nhiều khó khăn, cần có sự quan tâm của các cấp các ngành và đặc biệt cần được đầu tư đồng bộ, toàn diện mới có thể nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở cơ sở, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho tuyến xã, thôn bản; xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020.

- Lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; đặc biệt gắn việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến xã, thôn, bản với Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương và lồng ghép với đề án xây dựng cơ sở vật chất các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2015 và đến năm 2020.

2. Yêu cầu đến năm 2020

- 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020.

+ Đến năm 2014: 65 xã (33% số xã), trong đó số đạt mới là 21 xã;

+ Đến năm 2015: 84 xã (43% số xã), trong đó số đạt mới là 20 xã;

+ Đến năm 2016: 110 xã (56% số xã), trong đó số đạt mới là 25 xã;

+ Đến năm 2017: 135 xã (69% số xã), trong đó số đạt mới là 25 xã;

+ Đến năm 2018: 160 xã (82% số xã), trong đó số đạt mới là 25 xã;

+ Đến năm 2019: 180 xã (92% số xã), trong đó số đạt mới là 20 xã;

+ Đến năm 2020: 196 xã (100% số xã), trong đó số đạt mới là 16 xã;

- 100% trạm y tế có bác sỹ; dược sỹ trung học; nữ hộ sinh; y học cổ truyền.

+ Đến năm 2014: có 175 bác sỹ/196 xã;

+ Đến năm 2015: có 185 bác sỹ/196 xã;

+ Từ năm 2016 trở đi: có trên 196 bác sỹ/196 xã;

Đảm bảo đủ định mức biên chế cho trạm y tế xã, có số lượng và cơ cấu nhân lực phù hợp theo quy định của Bộ Y tế và chỉ tiêu UBND tỉnh giao.

- Danh mục trang thiết bị y tế theo quy định

+ Đến năm 2014: có 75% số xã có từ trên 70% danh mục;

+ Đến năm 2015: có 75% số xã có từ trên 70% danh mục;

+ Đến năm 2016: 100% số xã có từ trên 70% danh mục;

- Danh mục kỹ thuật thực hiện được tại Trạm y tế đạt từ 70% (đạt 76/109 danh mục kỹ thuật) trở lên:

+ Đến năm 2014: 65 xã (33% số xã);

+ Đến năm 2015: 84 xã (43% số xã);

+ Đến năm 2016: 110 xã (56% số xã);

+ Đến năm 2017: 135 xã (69% số xã);

+ Đến năm 2018: 160 xã (82% số xã);

+ Đến năm 2019: 180 xã (92% số xã);

+ Đến năm 2020: 196 xã (100% số xã);

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi đến năm 2020 là 18%, cụ thể:

+ Đến năm 2014: còn 23%

+ Đến năm 2015: còn 22,2%

+ Đến năm 2016: còn 21,4%

+ Đến năm 2017: còn 20,6%

+ Đến năm 2018: còn 19,8%

+ Đến năm 2019: còn 19%

+ Đến năm 2020: còn 18%

- 100% thôn, bản có nhân viên y tế, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

III. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về công tác chỉ đạo triển khai thực hiện

Cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng xã đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020, có kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; nâng cao chất lượng hoạt động Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân; tích cực, chủ động khai thác và đầu tư các nguồn tài chính hợp pháp, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo nhân lực, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Cơ sở vật chất trạm y tế xã, về cơ bản được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế của Bộ Y tế tại Quyết định số 3447/QĐ-BYT ngày 22/9/2011 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 -2020.

Sở Y tế tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chương trình, kế hoạch cụ thể về các giải pháp thực hiện hiệu quả; chỉ đạo đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ cho y tế xã.

2. Đào tạo, phát triển nhân lực cả về số lượng và chất lượng

Rà soát, sắp xếp lại cơ cấu nhân lực của các trạm y tế xã, xây dựng kế hoạch đào tạo; tuyển dụng cán bộ, đảm bảo chức danh cán bộ cho trạm y tế xã theo chuẩn quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020 và thực hiện Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của liên bộ Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước; ban hành chính sách thu hút bác sỹ về công tác tại trạm y tế xã; bảo đảm nguồn chi cho nhân viên y tế.

Mở rộng các hình thức đào tạo và bồi dưỡng để nâng cao năng lực hoạt động chuyên môn cho cán bộ trạm y tế; thực hiện hiệu quả Thông tư số 07/2008/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn đào tạo liên tục đối với cán bộ y tế.

3. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị

Huy động các nguồn vốn hợp pháp đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế cho trạm y tế xã theo quy định. Tập trung xây dựng trạm y tế các xã chưa có cơ sở làm việc; sửa chữa, nâng cấp các trạm y tế xuống cấp nghiêm trọng; phấn đấu đến năm 2020, cơ bản các trạm y tế xã được kiên cố, phù hợp với điều kiện kinh tế, địa lý, môi trường sinh thái và nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn.

Rà soát thực trạng trang thiết bị y tế, năng lực cán bộ và xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn và đào tạo lại cho đội ngũ nhân viên y tế xã, thôn, bản; thực trạng cơ sở hạ tầng để có phương án bổ sung, thay mới trang thiết bị y tế; từng bước nâng cao số lượng, chất lượng các dịch vụ kỹ thuật y tế.

4. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Tăng cường sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể với ngành Y tế để triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe tại địa phương; huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; từng bước xã hội hóa công tác y tế, đặc biệt tăng cường phối hợp với lực lượng Quân y trong công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai thảm họa tại khu vực miền núi, biên giới.

Mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút các nguồn đầu tư hợp pháp; lồng ghép các hoạt động đề án, chương trình có vốn đầu tư nước ngoài trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư cho y tế.

5. Tăng cường công tác truyền thông

Phối hợp tốt các cơ quan truyền thông đại chúng như Đài phát thanh và Truyền hình, báo Thanh Hóa, các đại diện báo chí TW tại địa phương, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho nhân dân, đa dạng hóa nội dung và hình thức truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, vận động nhân dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

IV. KINH PHÍ

- Nguồn kinh phí Nhà nước.

- Các nguồn huy động hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

Là cơ quan thường trực, thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

- Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và hướng dẫn y tế cấp huyện, xã tham mưu, triển khai thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh và thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia.

- Triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2015 và đến năm 2020.

2. Sở Kế hoạch & Đầu tư

Tham mưu cho UBND tỉnh, cân đối và bố trí các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trạm y tế xã; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện; phối hợp lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả các chương trình.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, bố trí các nguồn vốn đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị y tế cho trạm y tế xã; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí đúng quy định, đúng mục đích và hiệu quả.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Y tế tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện biên chế cho trạm y tế xã theo Thông tư liên bộ số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của liên bộ Bộ Y tế, Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước. Tham mưu xây dựng chế độ chính sách về phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương.

5. Sở Giáo dục & Đào tạo

Phối hợp với Sở Y tế thực hiện tốt công tác y tế học đường và các chương trình y tế khác trong trường học. Lồng ghép công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho học sinh, đa dạng hóa nội dung và hình thức truyền thông phù hợp trong trường học.

6. Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Thanh Hóa; Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh

Thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng hệ thống y tế xã, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện miền núi.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chỉ đạo và triển khai thực hiện các mục tiêu liên quan đến vệ sinh và nâng cao sức khỏe nhân dân thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chỉ đạo việc cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân khu vực miền núi. Vận động người dân xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà.

8. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Chỉ đạo các cấp hội và vận động hội viên, đoàn viên tích cực hưởng ứng. Phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia.

9. UBND các huyện miền núi

- Xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn vốn tại địa phương nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020.

- Huy động các nguồn vốn hợp pháp đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng cho trạm y tế xã; đặc biệt ở các xã chưa có cơ sở làm việc, xã có trạm y tế xuống cấp nghiêm trọng.

- Chỉ đạo Trung tâm y tế, Bệnh viện đa khoa huyện, Phòng y tế thực hiện tốt quy chế, chương trình công tác chuyên môn: phòng, chống dịch bệnh; khám, chữa bệnh; phục hồi chức năng; y học cổ truyền; dược; vệ sinh môi trường và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.

- Chỉ đạo UBND xã huy động nguồn kinh phí hợp pháp, tại chỗ để tu sửa, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phụ trợ, mua sắm bổ sung thêm trang thiết bị vật tư cần thiết phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND 11 huyện miền núi;
- Lưu: VT.VXsln.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Đăng Quyền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 74/KH-UBND năm 2014 về nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến xã, thôn, bản của 11 huyện miền núi đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh thanh Hoá.

  • Số hiệu: 74/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Phạm Đăng Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản