Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI DỰ ÁN NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CỦA CÁC DOANH  NGHIỆP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2017

Căn cứ Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (viết tắt là Chương trình);

Căn cứ Thông tư số 20/2010/TT-BKHCN ngày 29/12/2010 của Bộ KHCN về việc quy định về tổ chức, quản lý và điều hành Chương trình;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 130/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 17/9/2011 của liên Bộ Tài chính và Bộ KHCN quy định chế độ tài chính đối với các nhiệm vụ thuộc Chương trình;

Căn cứ Quyết định số 2132/QĐ-UBND ngày 14/11/2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 28/02/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020”;

Trên cơ sở đề xuất của Sở Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017” với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh về nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

2. Xây dựng, nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của địa phương.

3. Nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh, tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm Tôm chua Huế.

2. Hướng dẫn xây dựng 02 mô hình tích hợp về áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến với các công cụ cải tiến năng suất cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: dệt may; sản xuất thực phẩm; vật liệu xây dựng.

3. Hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và đánh giá phù hợp với Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia (đối với sản phẩm nhóm 2), đánh giá phù hợp TCVN.

4. Vận động, hỗ trợ 5 đến 7 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội,... và các công cụ quản lý tiên tiến thuộc các lĩnh vực: dệt may; sản xuất thực phẩm; vật liệu xây dựng; các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ; các sản phẩm đặc sản của địa phương.

5. Xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm dầu tràm Huế đến năm 2020.

6. Tổ chức 02-03 khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu, hội thảo chuyên đề về các mô hình áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hợp quy các sản phẩm hàng hóa nhóm 2, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng Việt GAP...

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về tổ chức và nhân lực

a) Tuyên truyền, vận động và khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật,...; hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển mở rộng thị trường nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

b) Đào tạo đội ngũ chuyên gia về tiêu chuẩn hóa cho các sở, ngành, doanh nghiệp để hỗ trợ tư vấn và triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch.

c) Khuyến khích thành lập mới các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tư vấn về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, năng suất - chất lượng, sở hữu trí tuệ, kiểm toán năng lượng, chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa nhóm 2. Tạo mọi điều kiện để các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hoạt động chuyên nghiệp về năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn.

d) Khuyến khích phát triển các tổ chức tư vấn, các tổ chức khoa học công nghệ tham gia vào Dự án như chuyển giao các kết quả nghiên cứu KHCN cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

e) Ban điều hành và Tổ giúp việc tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai các nội dung của Kế hoạch đối với các mô hình điển hình về nâng cao năng suất, chất lượng có hiệu quả để phổ biến nhân rộng.

2. Giải pháp huy động nguồn vốn

a) Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh là tập trung vào việc đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; phát triển tài sản sở hữu trí tuệ; tạo dựng mô hình khởi nghiệp; xây dựng mô hình áp dụng quy trình tiên tiến về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, trách nhiệm xã hội; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương và phổ biến nhân rộng mô hình; đào tạo, tập huấn đội ngũ chuyên gia của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; cán bộ tư vấn về năng suất, chất lượng tại các Sở, ngành, địa phương.

b) Nguồn vốn của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là chủ yếu để đổi mới công nghệ, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; đầu tư, tăng cường năng lực đo lường, thử nghiệm phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đầu tư quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; áp dụng hệ thống quản lý tiến tiến tại doanh nghiệp và các công cụ cải tiến năng suất để giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm - hàng hóa, xây dựng và phát triển thương hiệu.

c) Nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ từ các quỹ như: Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh; Quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh; Quỹ khuyến công, Quỹ khuyến nông; kinh phí sự nghiệp KHCN tỉnh;... cho đổi mới công nghệ, cho dự án đầu tư sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường của doanh nghiệp; thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ, sản xuất thử nghiệm.

d) Kết hợp với nguồn vốn của Dự án năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của Bộ Khoa học và Công nghệ, Chương trình khuyến công, khuyến nông, Chương trình phát triển tài sản sở hữu trí tuệ và lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược phát triển ngành có liên quan đến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

TT

Nội dung

Kinh phí
(ĐVT: đồng)

Ghi chú

1

Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm Tôm chua Huế

210.000.000

Theo Thông tư liên tịch số 145/2009/TTLT-BTC-BKHCN ngày 17/7/2009 của liên Bộ Tài chính và Bộ KHCN.

2

Tổ chức 02 khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu, hội thảo chuyên đề về các mô hình áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng Việt GAP,...

100.000.000

Theo Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính; Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 15/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

3

Triển khai đề án "Hỗ trợ xây dựng các quy trình tiên tiến về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, trách nhiệm xã hội và các công cụ quản lý tiên tiến (5S, GMP/Haccp, Lean, ISO, Vietgap...)".

90.000.000

Theo Thông tư liên tịch số 130/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 17/9/2011 của liên Bộ Tài chính và Bộ KHCN

4

Hoạt động của Ban điều hành và Tổ giúp việc Dự án (vận động, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị cho ngành nghề, làng nghề truyền thống; tư vấn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và đánh giá phù hợp với Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia)

100.000.000

Theo Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 28/02/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai Dự án năng suất chất lượng giai đoạn 2017-2020.

Tổng kinh phí

500.000.000

 

Bằng chữ: Năm trăm triệu đồng.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban điều hành Dự án

a) Ban điều hành dự án tổ chức thực hiện Kế hoạch với các nhiệm vụ đề ra.

b) Các thành viên Ban điều hành theo trách nhiệm đảm nhận ở đơn vị mình để phối hợp, lồng ghép các Chương trình, Kế hoạch có liên quan đến năng suất chất lượng để nâng cao hiệu quả việc triển khai Kế hoạch này.

2. Sở Khoa học và Công nghệ - cơ quan thường trực dự án:

- Chủ trì, phối hợp với Sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch;

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ cuối năm, hoặc đột xuất khi có yêu cầu tổng hợp tình hình và báo cáo UBND tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ tình hình triển khai Dự án.

3. Sở Tài chính: bố trí kinh phí phù hợp với các quy định hiện hành và theo dõi việc sử dụng kinh phí trong quá trình triển khai.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kịp thời phản ánh về Sở khoa học và Công nghệ để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ KHCN (b/c);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: KHCN, KH-ĐT, TC, CT, XD, NN&PTNT;
- CVP, Phó CVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, DL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Dung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 66/KH-UBND triển khai Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017

  • Số hiệu: 66/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/03/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản