Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 176/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 17 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2014 - 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 712/QĐ-TTg, ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 225/QĐ-TTg, ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ, về Phê duyệt Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;

Căn cứ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, ngày 30/6/2009 của Chính phủ, về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Thông tư số 20/2010/TT-BKHCN, ngày 29/12/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định về tổ chức, quản lý và điều hành chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 130/2011/TTLT-BTC-BKHCN, ngày 16/9/2011 của Liên Bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ, quy định chế độ quản lý tài chính đối với các nhiệm vụ thuộc Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 01/TTr-SKHCN, ngày 07/01/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014-2020” (có dự án kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai dự án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ KH&CN, Tổng cục TCĐLCL;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP;
- Lưu: VT, VX, TH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y Dhăm Ênuôl

 

DỰ ÁN

NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH ĐẮK LẮK GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 176/QĐ-UBND, ngày 17/01/2014 của UBND tỉnh)

I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ DỰ ÁN

1. Tên dự án: “Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014-2020”.

2. Thuộc chương trình: Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Cơ quan chủ trì dự án: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

4. Cơ quan quản lý dự án: Sở Khoa học và Công nghệ.

5. Phạm vi, đối tượng của dự án:

a. Phạm vi: Địa bàn tỉnh.

b. Đối tượng:

- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh thuộc các nhóm sản phẩm, hàng hóa như: cà phê nhân, cà phê bột; cao su thiên nhiên; mật ong; cơ khí; vật liệu xây dựng; sản phẩm từ gỗ; tinh bột sắn...

- Các cơ quan tổ chức có liên quan: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở Ngoại vụ; Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh; Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thị xã, thành phố.

II. BỐI CẢNH CỦA DỰ ÁN:

1. Cơ sở pháp lý để xây dựng Dự án:

- Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

- Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Thông tư số 20/2010/TT-BKHCN ngày 29/12/2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về tổ chức, quản lý và điều hành Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

- Thông tư liên tịch số 130/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 16/9/2011 của Liên Bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ quy định chế độ quản lý tài chính đối với các nhiệm vụ thuộc Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

- Nghị quyết số 43/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh ngày 22/12/2011 về Phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2015.

2. Tổng quan về tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh:

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 13.125,37 km2, độ cao trung bình từ 400 - 800 m so với mực nước biển; có 15 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 13 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố với 184 đơn vị hành chính cấp xã (20 phường, 12 thị trấn, 152 xã). Đắk Lắk có 01 cửa khẩu quốc gia với Vương quốc Campuchia (cửa khẩu Đắk Ruê) hiện vẫn chưa đi vào hoạt động chính thức, một cảng hàng không nội địa (sân bay Buôn Ma Thuột).

Theo niên giám thống kê tỉnh Đắk Lắk năm 2012, dân số của tỉnh là 1.796.666 người, trong đó có 44 dân tộc. Tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn tỉnh đạt 44.694 tỷ đồng. Cơ cấu các ngành trong nền kinh tế: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 50,57%; công nghiệp - xây dựng chiếm 16,34%; dịch vụ chiếm 33,09%. So với năm 2011, tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 3,73%; công nghiệp - xây dựng tăng 1,35%; dịch vụ tăng 2,38%. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 21,72 triệu đồng/năm, tăng 4,69 triệu đồng so với năm 2011. Đến thời điểm 31/12/2012, toàn tỉnh có 2.861 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động (gồm 84 DN nhà nước, 2.774 DN ngoài nhà nước, 03 DN có vốn đầu tư nước ngoài), trong đó có 177 DN hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; 278 DN hoạt động ở lĩnh vực cơ khí, chế biến.

Tổng thu ngân sách năm 2012 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt 4.897.996 triệu đồng đứng vào hàng các tỉnh phát triển trung bình khá.

3. Đánh giá hiện trạng về năng suất và chất lượng:

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm, hàng hóa tập trung vào các sản phẩm chủ lực như cà phê nhân, cà phê bột; cao su thiên nhiên; mật ong; cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp; vật liệu xây dựng; sản phẩm gỗ (gỗ tinh chế, ván nhân tạo); tinh bột sắn...

Tình hình năng suất và chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh:

- Cà phê: là mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, với sản lượng cà phê nhân dao động trong khoảng 400-450 ngàn tấn, trong đó 90% dành cho xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu trung bình 600-650 triệu USD/năm. Lượng cà phê nhân còn lại dành cho sản xuất cà phê rang xay (cà phê bột) và cà phê hòa tan, chủ yếu để tiêu dùng nội địa. Cà phê nhân xuất khẩu theo tiêu chuẩn cơ sở (của công ty), được xây dựng dựa trên yêu cầu rất đa dạng của khách hàng, chưa theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 4193:2005; TCVN 7032:2007), cũng như chưa hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, do đó khó so sánh chất lượng vật lý của cà phê nhân Việt Nam so với thế giới, gây ít nhiều bất lợi khi giao dịch trên thị trường quốc tế. Trong 5 năm gần đây, theo nhu cầu mới của thị trường, hầu hết các công ty sản xuất, xuất khẩu cà phê trên địa bàn đã áp dụng các tiêu chuẩn cà phê bền vững tự nguyện (UTZ, FLO, RF, Fairtrade), và mới đây là cà phê có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Về công nghiệp chế biến cà phê nhân, các doanh nghiệp xuất khẩu đã đầu tư lớn cho những dây chuyền chế biến khá hiện đại, phần lớn được chế tạo trong nước, đạt trình độ tương đương thế giới. Tuy nhiên việc chế biến ở nông hộ còn yếu do thiếu công nghệ và khả năng đầu tư, ảnh hưởng lớn lên chất lượng vật lý của cà phê nhân, từ đó cà phê nhân chất lượng cao ở các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mới chỉ đạt 50-60%. Xét tổng thể, về mặt năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của ngành cà phê chưa cao.

- Mật ong: sản lượng mật ong năm 2012 của tỉnh đạt 6.225,944 tấn, sản lượng xuất khẩu mật ong và các sản phẩm từ ong đạt 5.527 tấn, được xuất khẩu chủ yếu qua các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Về chất lượng, một số lô mật ong vẫn còn tồn dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật nên đôi khi chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Tinh bột sắn: sản lượng sắn khô năm 2012 của tỉnh đạt 472.779 tấn, sản lượng tinh bột sắn xuất khẩu đạt 85.432 tấn. Thiết bị chế biến tinh bột sắn tương đối hiện đại được nhập từ Thái Lan, Trung Quốc... Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... Tồn tại hiện nay là một số nhà máy chế biến tinh bột sắn là chưa xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường.

- Cao su thiên nhiên: sản lượng cao su mủ khô năm 2012 đạt 32.178 tấn, xuất khẩu 8.300 tấn. Thiết bị chế biến được đánh giá ở mức trung bình tiên tiến. Phần lớn cao su của tỉnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Hạn chế của các doanh nghiệp là chưa đầu tư vào chế biến sâu để mang lại giá trị gia tăng, chất thải chưa được xử lý triệt để trong quá trình chế biến nên còn gây ô nhiễm môi trường.

- Sản phẩm cơ khí: năm 2012, các cơ sở trong tỉnh sản xuất được 47.000 bơm nước, 10.000 máy chế biến nông sản phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

Một số sản phẩm cơ khí của tỉnh khá nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng như bơm các loại, đáp ứng 90% nhu cầu tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, thiết bị chế biến cà phê đáp ứng 80% nhu cầu của tỉnh. Một số mặt hàng cơ khí có thương hiệu, không những có uy tín trong tỉnh mà còn chiếm lĩnh thị trường trong nước. Tuy nhiên các sản phẩm cơ khí phục vụ chế biến sau thu hoạch ở quy mô nông hộ, cụm nông hộ chưa được đầu tư, phát triển mạnh.

- Sản phẩm gỗ: năm 2012, sản lượng gỗ tinh chế của tỉnh đạt 10.500 m3, sản lượng ván nhân tạo đạt 6.600 m3, sản lượng gỗ tinh chế xuất khẩu đạt 145 m3. Công nghệ dùng trong sản xuất gỗ tinh chế, ván nhân tạo tương đối hiện đại, đáp ứng được sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp có những công nghệ này là rất ít trên tổng số doanh nghiệp sản xuất gỗ của tỉnh.

- Vật liệu xây dựng: các sản phẩm vật liệu xây dựng như cát, đá, gạch xây dựng, gạch lát... chủ yếu cung cấp cho nhu cầu trong tỉnh. Năm 2012 sản xuất gạch nung quy chuẩn của tỉnh đạt 550 triệu viên, gạch lát các loại đạt 380.000 viên. Hiện nay việc sản xuất gạch nung chủ yếu sử dụng công nghệ lò đốt liên tục kiểu đứng vẫn còn gây ô nhiễm môi trường, sắp tới, theo quy hoạch của tỉnh sẽ phát triển gạch không nung từng bước thay thế gạch nung nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Sản phẩm, hàng hóa nông - lâm sản chủ lực của địa phương hiện nay chỉ mới dừng lại ở sản xuất thô, chưa quan tâm, đầu tư nhiều vào chế biến sâu để tạo ra giá trị gia tăng; quá trình sản xuất chưa xử lý triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Đối với các sản phẩm công nghiệp đa số phục vụ nhu cầu trong tỉnh. Nhìn chung, năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa cao.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là:

a) Các cơ quan quản lý nhà nước chưa xây dựng chiến lược tổng thể, chính sách hỗ trợ tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng.

b) Công tác thông tin tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa đều đặn trong xã hội nên chưa tạo được phong trào năng suất và chất lượng đồng bộ, rộng khắp từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp.

c) Các doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực tài chính; nguồn nhân lực còn hạn chế về trình độ chuyên môn, quản lý điều hành; chưa quan tâm nhiều đến quyền, lợi ích của mình trong việc bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ; việc xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chưa được đầu tư đúng mức nên chưa tạo được uy tín đối với khách hàng; chưa quan tâm, tuân thủ việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa; chưa thực sự chú trọng áp dụng, duy trì các hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) tiên tiến; thiếu đầu tư công nghệ và mở rộng thị trường cho các sản phẩm chế biến sâu...

d) Chưa có các tổ chức đánh giá sự phù hợp được công nhận để phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp; chưa có đội ngũ chuyên gia tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp áp dụng HTQLCL tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.

4. Định hướng phát triển năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

a) Định hướng chiến lược phát triển thị trường:

- Đối với các sản phẩm xuất khẩu: duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống; mở rộng, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng...

- Đối với các sản phẩm tiêu thụ nội địa: Giữ vững thị trường tiêu thụ trong tỉnh, tiến tới mở rộng thị trường tiêu thụ trong toàn quốc và một phần xuất khẩu sang các nước lân cận...

b) Các yêu cầu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh:

- Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sản xuất phù hợp hoặc tương đương với tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn quốc tế để tăng tính cạnh tranh trên thị trường đối với các hàng hóa cùng chủng loại của các địa phương, các nước khác thông qua việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp.

- Giảm chi phí, tăng năng suất lao động thông qua việc áp dụng các HTQLCL tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; từng bước đổi mới, thay thế công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, kinh doanh.

- Phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh thông qua việc xây dựng, bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ; xúc tiến thương mại v.v...

III. MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN:

1. Mục tiêu chung:

a) Tạo bước chuyển biến về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh (đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực).

b) Xây dựng, thúc đẩy phong trào năng suất và chất lượng thông qua việc áp dụng các HTQLCL tiên tiến kết hợp với áp dụng các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; đổi mới công nghệ; xây dựng, bảo hộ và phát triển thương hiệu...

c) Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về năng suất và chất lượng.

2. Các chỉ tiêu cụ thể giai đoạn 2014 - 2020:

a) Về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa:

- Số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực tham gia thực hiện Dự án: 120- 130 doanh nghiệp.

- Xây dựng mô hình điểm về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa: 04 mô hình.

- Số doanh nghiệp xây dựng, áp dụng HTQLCL tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng: 90-110 doanh nghiệp.

- Số doanh nghiệp tham gia và đạt Giải thưởng chất lượng Quốc gia: 07 - 10 doanh nghiệp.

- Số doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ: 15-20 doanh nghiệp.

- Số sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: 30 - 40 sản phẩm.

- Số sản phẩm, hàng hóa công bố tiêu chuẩn áp dụng: 100%.

- Số tiêu chuẩn cơ sở được xây dựng: 30 - 40.

- Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, giống cấy trồng mới (Sở Khoa học và Công nghệ lập Dự án riêng trình UBND tỉnh phê duyệt).

- Số Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) được xây dựng: 01 - 02.

- Tỷ trọng đóng góp năng suất của các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng của doanh nghiệp đạt mức 25 - 30%.

b) Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

- Đào tạo đội ngũ chuyên gia về năng suất và chất lượng có khả năng đánh giá, phân tích các chỉ tiêu về năng suất và chất lượng (bao gồm các cán bộ, công chức, viên chức của các Sở, ngành và của một số doanh nghiệp): 15-20 chuyên gia.

- Đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng (bao gồm các cán bộ, viên chức của các Sở, ngành và của một số doanh nghiệp): 10-15 chuyên gia.

- Số phòng thử nghiệm xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005: 03 phòng thử nghiệm.

c) Về tuyên truyền nâng cao nhận thức:

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh về Dự án.

- Phổ biến kiến thức về năng suất và chất lượng.

- Phổ biến, cung cấp thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp.

- Phổ biến, cung cấp thông tin về HTQLCL tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

IV. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ KINH PHÍ CỦA DỰ ÁN:

A. Các nội dung, nhiệm vụ của Dự án:

1. Nội dung 1: Xây dựng mô hình điểm về năng suất và chất lượng

a) Nội dung:

- Lựa chọn doanh nghiệp tham gia mô hình điểm về hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng.

- Lựa chọn doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực để hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng như ISO 9001:2008, HACCP, ISO 22000: 2005, ISO 14000...

- Lựa chọn doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực để hỗ trợ áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng như KAIZEN-5S, LeanSix Sigma, QCC, CRM...

- Hỗ trợ hướng dẫn áp dụng tích hợp các HTQLCL tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tối ưu cho doanh nghiệp.

- Lựa chọn DN sản xuất sản phẩm, hàng hóa để hỗ trợ chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy.

- Lựa chọn DN sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực để hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, dây chuyền, thiết bị sản xuất; ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; công nghệ ít tiêu hao nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Đánh giá kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại để nhân rộng mô hình cho các DN tham gia Dự án.

b) Nhiệm vụ cụ thể và kinh phí thực hiện: theo phụ lục 1.

Tổng kinh phí: 4.700 triệu đồng, trong đó:

- Kinh phí nhà nước: 1.700 triệu đồng.

- Kinh phí DN: 3.000 triệu đồng.

c) Cơ quan thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

- Cơ quan phối hợp: Các Sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Y tế, Tài chính.

2. Nội dung 2: Thông tin tuyên truyền và tập huấn kiến thức

a) Nội dung:

- Thông tin tuyên truyền, phổ biến về Dự án và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp.

- Thông tin tuyên truyền, phổ biến về Dự án, HTQLCL tiên tiến và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

- Tập huấn kiến thức về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp.

- Tập huấn kiến thức về HTQLCL, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

- Sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả của Dự án.

- Phát hành tài liệu, cẩm nang về Dự án.

b) Nhiệm vụ cụ thể và kinh phí thực hiện: theo phụ lục 2.

Tổng kinh phí: 1.900 triệu đồng, trong đó:

- Kinh phí nhà nước: 1.900 triệu đồng.

- Kinh phí DN: không.

c) Cơ quan thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

- Cơ quan phối hợp: Các Sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Y tế, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố.

3. Nội dung 3: Đào tạo nguồn nhân lực và phát triển tổ chức đánh giá sự phù hợp

a) Nội dung:

- Lựa chọn và thành lập nhóm chuyên gia về năng suất chất lượng của tỉnh.

- Đào tạo cho đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng của tỉnh có đủ trình độ thực hiện việc phân tích, đánh giá, tổng hợp các chỉ tiêu năng suất chất lượng của tỉnh.

- Phân tích, đánh giá, tổng hợp báo cáo kết quả đạt được của Dự án.

- Lựa chọn và thành lập đội ngũ chuyên gia tư vấn, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng.

- Đào tạo cho đội ngũ chuyên gia tư vấn, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng có đủ năng lực, trình độ tư vấn, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng; tư vấn áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng... cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

- Tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước.

- Hỗ trợ phòng thử nghiệm áp dụng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005.

b) Nhiệm vụ cụ thể và kinh phí thực hiện: theo phụ lục 3.

Tổng kinh phí: 2.600 triệu đồng, trong đó:

- Kinh phí nhà nước: 2.600 triệu đồng.

- Kinh phí DN: không.

c) Cơ quan thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

- Cơ quan phối hợp: Các Sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Tài chính, Ngoại vụ.

4. Nội dung 4: Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

a) Nội dung:

- Khảo sát lựa chọn DN tham gia nội dung của Dự án.

- Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp:

+ Hỗ trợ DN xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS).

+ Hỗ trợ DN công bố tiêu chuẩn áp dụng.

+ Hỗ trợ DN đánh giá chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.

+ Hỗ trợ DN đánh giá chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

- Hỗ trợ các DN đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia.

- Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP).

b) Nhiệm vụ cụ thể và kinh phí thực hiện: theo phụ lục 4.

Tổng kinh phí: 3.850 triệu đồng, trong đó:

- Kinh phí nhà nước: 2.850 triệu đồng.

- Kinh phí DN: 1.000 triệu đồng,

c) Cơ quan thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.

- Cơ quan phối hợp: Các Sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Tài chính; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

5. Nội dung 5. Áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng

a) Nội dung:

- Khảo sát lựa chọn doanh nghiệp tham gia nội dung của Dự án.

- Hỗ trợ các DN áp dụng HTQLCL tiên tiến.

- Hỗ trợ các DN áp dụng các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.

- Hỗ trợ hướng dẫn áp dụng tích hợp các HTQLCL tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tối ưu cho DN.

b) Nhiệm vụ cụ thể và kinh phí thực hiện: theo phụ lục 5.

Tổng kinh phí: 6.750 triệu đồng, trong đó:

- Kinh phí nhà nước: 5.650 triệu đồng.

- Kinh phí DN: 1.100 triệu đồng.

c) Cơ quan thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ

- Cơ quan phối hợp: Các Sở: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng, Y tế, Tài chính; UBND các huyện, thị xã, thành phố..

6. Nội dung 6: Đổi mới, ứng dụng công nghệ

a) Nội dung:

- Khảo sát lựa chọn DN tham gia nội dung của Dự án.

- Hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, dây chuyền, thiết bị sản xuất của DN.

- Hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; công nghệ ít tiêu hao nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

b) Nhiệm vụ cụ thể và kinh phí thực hiện: theo phụ lục 6.

Tổng kinh phí: 45.100 triệu đồng, trong đó:

- Kinh phí nhà nước: 9.100 triệu đồng.

- Kinh phí DN: 36.000 triệu đồng.

c) Cơ quan thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ

- Cơ quan phối hợp: Các Sở: Công thương, Y tế, Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

B. Kinh phí của dự án:

1. Tổng kinh phí của 6 nội dung là: 64.900 triệu đồng, trong đó:

- Kinh phí nhà nước: 23.800 triệu đồng

- Kinh phí DN: 41.100 triệu đồng.

2. Kinh phí cho hoạt động quản lý, điều hành: theo phụ lục 7

Tổng kinh phí: 1.170 triệu đồng, trong đó:

- Kinh phí nhà nước: 1.170 triệu đồng

- Kinh phí DN: không

3. Tổng kinh phí của Dự án là: 66.070 triệu đồng, trong đó:

- Kinh phí nhà nước: 24.970 triệu đồng (bao gồm kinh phí hỗ trợ các nội dung và chi phí quản lý dự án)

- Kinh phí DN: 41.100 triệu đồng.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN DỰ ÁN:

1. Xây dựng bộ máy quản lý, điều hành Dự án:

a) Thành lập Ban điều hành Dự án, Cơ quan thường trực Ban Điều hành Dự án.

b) Ban Điều hành Dự án có nhiệm vụ điều phối toàn bộ quá trình thực hiện Dự án. Cơ quan thường trực Ban Điều hành Dự án có trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho Ban Điều hành Dự án.

2. Giải pháp về tài chính:

a) Nguồn vốn của các Doanh nghiệp tham gia Dự án là chủ yếu.

b) Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ; hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tăng cường năng lực đo lường, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đào tạo đội ngũ chuyên gia về năng suất và chất lượng, chuyên gia tư vấn, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng; thông tin tuyên truyền; phổ biến, vận động thực hiện phong trào năng suất và chất lượng; hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng cho các doanh nghiệp và các nội dung khác, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và Công nghệ.

c) Các nguồn vốn hợp pháp khác: vốn vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương v.v...

3. Giải pháp về nhân lực:

a) Xây dựng mạng lưới các tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

b) Đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng; chuyên gia về năng suất và chất lượng của tỉnh.

c) Tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nước về năng suất và chất lượng.

4. Giải pháp về hợp tác quốc tế:

a) Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế để đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia về năng suất và chất lượng.

b) Tranh thủ sự hợp tác quốc tế để hỗ trợ, tăng cường năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ cho các hoạt động đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

5. Lồng ghép nội dung Dự án với các chương trình, dự án khác:

a) Kế thừa kết quả của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh giai đoạn 2012-2015 theo Nghị quyết số 43/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh ngày 22/12/2011 về Phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011 -2015 trong triển khai một số nội dung của Dự án này.

b) Lồng ghép một số nội dung của Dự án này với các chương trình, dự án có liên quan của các Sở, ngành khác trong tỉnh.

VI. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC:

1. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban điều hành Dự án, Cơ quan thường trực Ban điều hành Dự án.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tổ chức, thực hiện và kiểm tra kết quả thực hiện Dự án; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện Dự án.

c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Dự án.

d) Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn theo kế hoạch được phê duyệt; triển khai, giám sát việc thực hiện các nội dung theo tiến độ, kế hoạch đã được phê duyệt.

đ) Hàng năm phối hợp với Sở Tài chính lập kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện Dự án trình UBND tỉnh phê duyệt.

e) Định kỳ, đột xuất tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ tiến độ, kết quả thực hiện Dự án.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách của tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ chung của Dự án theo quy định.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học để thực hiện Dự án.

4. Các cơ quan, đơn vị khác:

a) Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn xã hội về nâng cao năng suất và chất lượng; phối hợp triển khai thực hiện nội dung, nhiệm vụ, vận động doanh nghiệp tham gia Dự án nâng cao năng suất và chất lượng của tỉnh.

b) Các Sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai các nội dung, hoạt động chuyên môn của Dự án.

c) Sở Ngoại vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế của Dự án.

5. Các cơ quan thông tin đại chúng:

Báo, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh; Đài Phát thanh các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan để thông tin tuyên truyền về Dự án.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Vận động, giới thiệu, tạo điều kiện cho các DN tham gia Dự án; gắn kết các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương với phong trào năng suất và chất lượng của tỉnh.

7. Các doanh nghiệp:

a) Cam kết thực hiện đúng các nội dung Dự án đã được phê duyệt; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về nội dung, tiến độ, kinh phí, những thuận lợi khó khăn và các kiến nghị, đề xuất với Ban điều hành Dự án.

b) Chịu sự kiểm tra, giám sát của Ban điều hành Dự án; đảm bảo tính khách quan, trung thực trong quá trình triển khai, báo cáo kết quả thực hiện Dự án.

VII. KẾT QUẢ VÀ HIỆU QUẢ CỦA DỰ ÁN:

1. Hiệu quả về kinh tế:

a) Nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của tỉnh để từng bước chiếm lĩnh thị trường.

b) Các sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh có chất lượng phù hợp hoặc tương đương với tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, địa phương.

2. Hiệu quả về xã hội và phát triển:

a) Hình thành được phong trào năng suất và chất lượng sâu rộng trong các DN, các cơ quan quản lý của tỉnh.

b) Góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Hiệu quả về phát triển nguồn lực:

Hình thành được đội ngũ chuyên gia về năng suất và chất lượng; đội ngũ chuyên gia tư vấn, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của các cơ quan quản lý chất lượng hàng hóa chuyên ngành ở địa phương và các DN được hưởng lợi từ Dự án. Đội ngũ chuyên gia này có khả năng triển khai và duy trì phong trào năng suất và chất lượng của tỉnh trong những năm tiếp theo./.

 

PHỤ LỤC 1:

XÂY DỰNG MÔ HÌNH ĐIỂM VỀ NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG

TT

Nội dung

Nhiệm vụ cụ thể

Thời gian
(Dự kiến)

Kinh phí dự kiến
triệu đồng)

Nhà nước

DN

1

Lựa chọn DN tham gia mô hình thí điểm

- Tổ chức họp các Sở, ngành giới thiệu, lựa chọn DN đang hoạt động ở các lĩnh vực để tham gia mô hình điểm: 15 DN

- Khảo sát thực tế tại các DN được lựa chọn;

- Tổng hợp, phân tích số liệu, báo cáo kết quả điều tra thực tế;

- Tổ chức Hội đồng để lựa chọn 08 DN tham gia mô hình điểm

2014-2015

100

-

2

Hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL); Hỗ trợ áp dụng công cụ cải tiến năng suất và chất lượng;

- Hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng cho DN xây dựng HTQLCL như ISO 9001, HACCP, ISO 22000, ISO 14000...: 02 DN

2014-2015

 

200

-

- Hỗ trợ tối đa 60 triệu đồng cho DN áp dụng công cụ cải tiến năng suất và chất lượng như KAIZEN-5S, QCC, CRM...: 02 DN

120

-

- Hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng hướng dẫn DN áp dụng tích hợp các HTQLCL, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tối ưu cho DN: 02 DN

100

-

3

Hỗ trợ đánh giá chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

- Hỗ trợ tối đa 60 triệu đồng cho DN đánh giá chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn: 01 DN;

2014-2015

 

60

-

- Hỗ trợ tối đa 70 triệu đồng cho DN đánh giá chứng nhận và công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật: 01 DN;

70

-

4

Hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, dây chuyền, thiết bị sản xuất; ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến.

- Hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng cho DN chuyển đổi công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng/công nghệ sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp: 01 DN.

2014-2015

 

500

2.000

- Hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng cho DN ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến: 01 DN

500

2.000

 

Đánh giá kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại để nhân rộng mô hình cho các doanh nghiệp tham gia Dự án.

- Tổ chức Hội đồng khoa học đánh giá kết quả đạt được của các doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình thí điểm; phân tích những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện.

2015 -2016

50

-

- Đưa ra những biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế; cải tiến phương pháp thực hiện và nhân rộng mô hình cho các DN tham gia Dự án trong những năm tiếp theo

 

 

 

Tổng cộng

1.700

3.000

 

PHỤ LỤC 2:

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN, TẬP HUẤN KIẾN THỨC

TT

Nội dung

Nhiệm vụ cụ thể

Thời gian
(Dự kiến)

Kinh phí dự kiến
(triệu đồng)

Nhà nước

DN

1

Thông tin tuyên truyền, phổ biến về Dự án và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp

- Phối hợp với Đài truyền hình tỉnh phổ biến về năng suất và chất lượng; giới thiệu về các nội dung, nhiệm vụ của Dự án; kiến thức, thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp: 03 - 05 chuyên mục/chuyên đề;

2014-2017

150

-

- Phối hợp với với Báo, Đài phát thanh tỉnh, huyện, thị xã, thành phố phổ biến về năng suất và chất lượng; giới thiệu về các nội dung, nhiệm vụ của Dự án; kiến thức, thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp: 100 lượt.

2014-2017

200

-

- Liên tục cập nhật và phổ biến thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới ban hành; thông tin về rào cản kỹ thuật trong thương mại của các nước thành viên WTO... trên các trang thông tin, cổng thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ.

2014 - 2020

-

-

2

Thông tin tuyên truyền, phổ biến về Dự án, HTQLCL và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng

- Phối hợp với Đài truyền hình tỉnh phổ biến về năng suất và chất lượng; giới thiệu về các nội dung, nhiệm vụ của Dự án; kiến thức về các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng: 03 - 05 chuyên mục/chuyên đề;

2014-2017

150

-

- Phối hợp với Báo, Đài phát thanh tỉnh, huyện, thị xã, thành phố phổ biến về năng suất và chất lượng; giới thiệu về các nội dung, nhiệm vụ của Dự án; kiến thức về các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng: 100 lượt.

2014-2017

200

-

- Liên tục cập nhật và phổ biến biến kiến thức về các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh; trang thông tin, cổng thông tin điện tử của các Sở, ngành liên quan.

2014-2020

-

-

3

Tập huấn kiến thức về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp

Hội nghị, tập huấn kiến thức về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đánh giá sự phù hợp cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước: 03 - 05 đợt;

2014-2017

200

-

4

Tập huấn kiến thức về HTQLCL, công cụ cải tiến năng suất chất lượng

- Hội nghị, tập huấn kiến thức về các HTQLCL, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước: 08-10 đợt;

2014-2017

400

-

- Hội nghị, tập huấn hướng dẫn triển khai, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, các mô hình, các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng trong doanh nghiệp: 08-10 đợt.

400

-

5

Sơ kết, tổng kết

- Tổ chức hội nghị sơ kết Dự án: 01 hội nghị.

2017

50

-

- Tổ chức hội nghị tổng kết Dự án: 01 hội nghị.

2020

50

-

6

Phát hành tài liệu

Biên tập và phát hành cẩm nang về năng suất và chất lượng của tỉnh: 500 cuốn.

2017-2020

100

-

Tổng cộng

 

1.900

-

 

PHỤ LỤC 3:

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC VÀ PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ SỰ PHÙ HỢP

TT

Nội dung

Nhiệm vụ cụ thể

Thời gian
(Dự kiến)

Kinh phí dự kiến
(triệu đồng)

Nhà nước

DN

1

Thành lập và đào tạo đội ngũ chuyên gia về năng suất chất lượng của tỉnh

- Lựa chọn và thành lập nhóm chuyên gia về năng suất và chất lượng của tỉnh, thành phần gồm: công chức của một số Sở, ngành; cán bộ, nhân viên của một số doanh nghiệp trong tỉnh: 15-20 chuyên gia.

2014- 2015

-

-

- Phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đào tạo cho đội ngũ chuyên gia về năng suất chất lượng của tỉnh có đủ năng lực, kỹ năng, trình độ thực hiện việc phân tích, đánh giá các chỉ tiêu năng suất chất lượng của Dự án.

2015- 2016

500

-

- Phối hợp với chuyên gia của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành đánh giá trình độ chất lượng của sản phẩm, hàng hóa tại các doanh nghiệp tham gia Dự án; đánh giá, phân tích, tổng hợp báo cáo kết quả đạt được của Dự án và của tỉnh.

2016- 2020

200

-

2

Đào tạo đội ngũ chuyên tư vấn, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng

- Lựa chọn và thành lập đội ngũ chuyên gia tư vấn, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng (chuyên gia tư vấn), thành phần gồm: viên chức của một số đơn vị hành chính sự nghiệp; cán bộ, nhân viên của một số doanh nghiệp của tỉnh: 10-15 chuyên gia.

2014- 2015

-

-

- Phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, các Tổ chức chứng nhận trong nước đào tạo cho đội ngũ chuyên gia tư vấn có đủ năng lực, kỹ năng, trình độ tư vấn, đánh giá về hệ thống quản lý chất lượng.

2015- 2017

400

 

- Tiến hành tư vấn, đánh giá về hệ thống quản lý chất lượng cho các doanh nghiệp trong tỉnh

2017-2020

-

 

3

Hỗ trợ phòng thử nghiệm áp dụng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005.

Hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/phòng thử nghiệm áp dụng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005: 03 phòng thử nghiệm.

2015-2018

900

 

4

Tham quan, học tập kinh nghiệm

Tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước : 04 - 05 đợt

2015 -2018

600

-

Tổng cộng

 

2.600

-

 

PHỤ LỤC 4:

ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN KỸ THUẬT

TT

Nội dung

Nhiệm vụ cụ thể

Thời gian
(Dự kiến)

Kinh phí dự kiến
(triệu đồng)

Nhà nước

DN

1

Lựa chọn doanh nghiệp (DN) tham gia mô hình thí điểm

- Tổ chức họp các Sở, ngành, Hội đồng lựa chọn DN tham gia nhiệm vụ của dự án: 120 DN

- Phát phiếu điều tra, tổng hợp, phân tích số liệu điều tra, báo cáo kết quả điều tra khảo sát: : 120 DN.

- Tổ chức Hội đồng để sơ bộ lựa chọn 80 DN có đủ điều kiện tham gia Dự án.

- Khảo sát thực tế DN được lựa chọn sơ bộ; tổng hợp, phân tích số liệu, báo cáo kết quả khảo sát: 30% DN.

- Tổ chức Hội đồng để lựa chọn DN tham gia Dự án: 50 - 60 DN

2015 -2016

250

-

2

Hỗ trợ xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp

- Hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng cho doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS): 30 - 40 doanh nghiệp.

2016-2020

 

600

200

- Hỗ trợ doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn áp dụng: 100%

-

-

- Hỗ trợ tối đa không quá 30 triệu đồng cho doanh nghiệp đánh giá chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn: 25 - 30 doanh nghiệp;

900

600

- Hỗ trợ tối đa không quá 40 triệu đồng cho doanh nghiệp đánh giá chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật: 05-10 doanh nghiệp;

400

200

3

Hỗ trợ doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia.

Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng Quốc gia: 07-10 doanh nghiệp

2016-2020

100

-

 

Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP)

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh: 01-02 sản phẩm

2017-2020

600

-

Tổng cộng

2.850

1.000

 

PHỤ LỤC 5:

ÁP DỤNG HỆ THỐNG QUẢN LÝ TIÊN TIẾN, CÔNG CỤ CẢI TIẾN NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG

TT

Nội dung

Nhiệm vụ, kết quả cụ thể

Thời gian
(Dự kiến)

Kinh phí dự kiến
(triệu đồng)

Nhà nước

DN

1

Lựa chọn doanh nghiệp (DN) tham gia mô hình thí điểm

- Tổ chức họp các Sở, ngành, Hội đồng lựa chọn DN tham gia nhiệm vụ của dự án: 130 DN

- Phát phiếu điều tra, tổng hợp, phân tích số liệu điều tra, báo cáo kết quả điều tra khảo sát: 130 DN.

- Tổ chức Hội đồng để sơ bộ lựa chọn 90 DN có đủ điều kiện tham gia Dự án.

- Khảo sát thực tế DN được lựa chọn sơ bộ; tổng hợp, phân tích số liệu, báo cáo kết quả khảo sát: 30% DN.

- Tổng hợp, phân tích số liệu, báo cáo kết quả khảo sát thực tế;

- Tổ chức Hội đồng để lựa chọn DN tham gia Dự án: 60 -70 DN

2015 -2016

250

-

2

Hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng;

Hỗ trợ tối đa không quá 60 triệu đồng cho doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến; tích hợp các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tối ưu cho doanh nghiệp: 40 - 50 doanh nghiệp;

2016 -2020

3.000

500

3

Hỗ trợ áp dụng công cụ cải tiến năng suất và chất lượng;

Hỗ trợ tối đa không quá 40 triệu đồng cho doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; tích hợp các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tối ưu cho doanh nghiệp: 50 - 60 doanh nghiệp

2016-2020

2.400

600

Tổng cộng

5.650

1.100

 

PHỤ LUC 6:

ĐỔI MỚI, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ

TT

Lĩnh vực

Nội dung, nhiệm vụ cụ thể

(Hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/doanh nghiệp)

Thời gian
(Dự kiến)

Kinh phí dự kiến
(triệu đồng)

Nhà nước

DN

1

Lựa chọn doanh nghiệp (DN) tham gia mô hình thí điểm

- Tổ chức họp các Sở, ngành, Hội đồng lựa chọn DN tham gia nhiệm vụ của dự án: 40 DN

- Phát phiếu điều tra, tổng hợp, phân tích số liệu điều tra, báo cáo kết quả điều tra khảo sát: 40 DN

- Tổ chức Hội đồng để sơ bộ lựa chọn 25 DN có đủ điều kiện tham gia Dự án.

- Khảo sát thực tế DN được lựa chọn sơ bộ; tổng hợp, phân tích số liệu, báo cáo kết quả khảo sát: 10 DN

- Tổ chức Hội đồng để lựa chọn DN tham gia Dự án: 18 DN

2015 -2016

100

-

2

Cơ khí

Hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp: 04 DN

2016-2020

2.000

8.000

3

Vật liệu xây dựng

Hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng (chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch nung sang sản xuất gạch không nung): 03 DN

2016-2020

1.500

6.000

4

Chế biến sau thu hoạch

Hỗ trợ đổi mới công nghệ trong sản xuất các sản phẩm từ nông sản đặc thù của tỉnh (bơ, mít, sầu riêng...): 01 DN

2016-2020

500

2.000

Hỗ trợ cải tiến, hoàn thiện công nghệ xử lý chất thải trong sản xuất, chế biến: 03 DN

2016-2020

1.500

6.000

5

Công nghệ sinh học trong nông nghiệp

Hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất phân vi sinh, hữu cơ vi sinh vật đa chức năng trong sản xuất nông nghiệp: 01 DN

2016-2020

500

2.000

Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất giống cây trồng chủ lực, đặc sản của tỉnh: 02 DN

2016 - 2020

1.000

4.000

6

Lâm nghiệp

Hỗ trợ đổi mới công nghệ trong sản xuất các sản phẩm đồ gỗ tinh chế: 02 DN

2016 - 2020

1.000

4.000

7

Chăn nuôi

Hỗ trợ đổi mới công nghệ trong sản xuất mật ong: 02 DN

2014-2020

1.000

4.000

Tổng cộng

9.100

36.000

 

PHỤ LỤC 7

KINH PHÍ CHO HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH

TT

Hạng mục

Nội dung

Thời gian
(Dự kiến)

Kinh phí dự kiến
(triệu đồng)

Nhà nước

DN

1

Chi phí cho Ban Điều hành Dự án

- Hoạt động của Ban Điều hành Dự án

2014-2020

700

-

- Hoạt động của Cơ quan thường trực Ban điều hành Dự án;

300

-

2

Tài sản, công cụ, dụng cụ

- Trang thiết bị làm việc, phục vụ công tác

2014 -2017

100

-

- Văn phòng phẩm

 

70

-

Tổng cộng

1.170

-

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 176/QĐ-UBND năm 2014 về phê duyệt Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014-2020

  • Số hiệu: 176/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/01/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Y Dhăm Ênuôl
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản