Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/KH-UBND | Tuyên Quang, ngày 17 tháng 12 năm 2014 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-UBND ngày 18/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Văn bản số 8114/BCT-CNĐP ngày 21/8/2014 của Bộ Công thương về việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp;
Theo đề nghị của Sở Công thương tại Văn bản số 474/SCT-QLCN ngày 03/10/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch các cụm công nghiệp như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
- Quy hoạch các cụm công nghiệp nhằm sử dụng đất có hiệu quả, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đầu tư vào cụm công nghiệp thúc đẩy phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Phát triển cụm công nghiệp gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển công nghiệp hợp lý, gắn kết với các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế, gắn với dịch vụ thương mại; phát triển hợp lý giữa các vùng, miền.
- Phát triển cụm công nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh về tài nguyên, lao động và hạ tầng tại địa phương, ưu tiên phát triển các cụm công nghiệp có quy mô hợp lý, phục vụ nhu cầu di dời và mở rộng mặt bằng sản xuất để phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tại khu vực nông thôn.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
Đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh hình thành 11 cụm công nghiệp với tổng diện tích 346 ha, được phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn cụ thể như sau:
1. Về Quy hoạch
Kế hoạch thực hiện xây dựng cụm công nghiệp đến năm 2016: là 7 cụm công nghiệp, có tổng diện tích là 285,06 ha, trong đó:
- Hiện có 3 cụm công nghiệp đã hoàn chỉnh thủ tục thành lập quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 157,28 ha và đi vào hoạt động là Cụm công nghiệp An Thịnh, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa; Cụm công nghiệp Tân Thành, xã Tân thành, huyện Hàm Yên; Cụm công nghiệp Nông Tiến, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang.
- Thành lập mới 4 cụm công nghiệp diện tích 127,78 ha, đang hoàn thiện thủ tục xin chủ trương thành lập cụm công nghiệp là Cụm công nghiệp Đội Cấn, xã Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang; Cụm công nghiệp Thổ Bình, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình; Cụm công nghiệp Yên Sơn, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn; Cụm công nghiệp Khuôn Phươn, xã Năng Khả, huyện Na Hang.
2. Kế hoạch thực hiện xây dựng cụm công nghiệp giai đoạn 2016-2020: Thành lập mới 4 cụm công nghiệp với diện tích tăng thêm 60 ha.
(Chi tiết theo biểu đính kèm)
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp về vốn
- Sử dụng vốn ngân sách của địa phương và các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, huy động nguồn vốn của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia thành lập và đầu tư vào hạ tầng cụm công nghiệp, bao gồm các hạng mục: đền bù, giải phóng mặt bằng; đường giao thông nội bộ; hệ thống cấp thoát nước nội bộ; các công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung.
- Ưu tiên hỗ trợ vốn từ ngân sách của địa phương cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Phát huy mọi nguồn lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tận dụng tối đa có hiệu quả các gói kích cầu của Chính phủ, bằng cách tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng để thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh.
Hàng năm xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách đủ để thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư và thực hiện thẩm tra, cấp ưu đãi đầu tư cho các dự án nhanh chóng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, các chủ đầu tư cụm công nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng theo tiến độ của dự án.
2. Giải pháp về cải thiện môi trường và thu hút đầu tư
- Tiếp tục thực hiện các chính sách đầu tư, ưu đãi đầu tư đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Rà soát, điều chỉnh, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách khuyến công. Xây dựng, ban hành chính sách về giá thuê đất đầu tư cụm công nghiệp.
- Các thủ tục hành chính sau đăng ký, chứng nhận đầu tư cần được hoàn thiện theo hướng đơn giản, công khai minh bạch, tăng cường tính phục vụ, hỗ trợ và giảm phiền hà, rút ngắn được thời gian cho doanh nghiệp bao gồm các thủ tục hành chính liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xây dựng và quản lý môi trường...
- Hỗ trợ nhà đầu tư sau khi dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, bao gồm: giải quyết thủ tục giao nhận mặt bằng, giấy phép xây dựng, đấu thầu, ưu đãi đầu tư, công tác tuyển dụng lao động, thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị nguyên vật liệu, các thủ tục hải quan, bảo hiểm, vận tải... Hỗ trợ tiếp cận các tổ chức tín dụng, các thông tin kinh tế xã hội liên quan...nhằm tạo niềm tin để thu hút thêm những nhà đầu tư mới, cũng như củng cố niềm tin của nhà đầu tư hiện hữu.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ ngoài hàng rào, nhằm tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích và thu hút đầu tư trong và ngoài nước đảm bảo được tính hiệu quả cao trong phát triển công nghiệp và tận dụng được các tiện ích của hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ công cộng.
3. Về giải phóng mặt bằng và tái định cư
- Quy hoạch cụm công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, các khu chức năng phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, hiện trạng môi trường của khu vực và kế hoạch phòng chống thiên tai, bão lụt, lũ quét, sạt lở đất.
- Thực hiện đồng bộ và nhất quán cơ chế Nhà nước đứng ra thu hồi đất theo đúng các quy định của pháp luật để thành lập các cụm công nghiệp, sau đó giao lại đất sạch cho đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng đầu tư, quản lý, khai thác.
- Tăng cường hiệu lực của các quy định pháp luật về chính sách đất đai, kết hợp giữa biện pháp thuyết phục, tuyên truyền ý thức pháp luật với các biện pháp cưỡng chế thu hồi đất, đặc biệt là những khu vực và các địa bàn nhạy cảm dự kiến sẽ có những khó khăn khi thu hồi đất để xây dựng các cụm công nghiệp theo quy hoạch.
- Công khai hóa dự án, phương án tổng thể xây dựng cụm công nghiệp và phương án bồi thường, hỗ trợ, giải quyết hài hòa quyền lợi của người bị thu hồi đất. Đảm bảo được sự đồng bộ về cơ chế, chính sách sát với thực tiễn.
- Xây dựng hoàn thiện và áp dụng ổn định trong một thời gian dài bộ đơn giá quyền sử dụng đất và cơ chế chính sách về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất trong cụm công nghiệp, để nhà đầu tư yên tâm đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng có điều kiện hạ giá thành cho thuê lại đất và hạ tầng trong cụm công nghiệp.
4. Giải pháp bảo vệ môi trường
- Ưu tiên các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ cao, không hoặc ít gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.
- Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm tại các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng Luật Môi trường; xây dựng hệ thống quản lý môi trường cho cụm công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường hoặc di dời vào cụm công nghiệp.
- Thiết kế và xây dựng hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải hợp lý đảm bảo sử dụng tiết kiệm và tăng cường khả năng tái sử dụng nước; thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt và nước mưa chảy tràn trong quá trình thi công xây dựng cơ sở hạ tầng và giai đoạn hoạt động của cụm công nghiệp đảm bảo các Tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường.
- Sớm xây dựng và ban hành quy chế bảo vệ môi trường đối với các hoạt động của cụm công nghiệp. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ và thiết bị tiên tiến áp dụng công nghệ xử lý môi trường trong sản xuất; đồng thời nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý về môi trường trong các cụm công nghiệp.
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi từ ngân hàng phát triển, quỹ bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư, ngăn ngừa, giảm thiểu xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục sự cố môi trường trong cụm công nghiệp.
5. Giải pháp về đào tạo, sử dụng lao động trong cụm công nghiệp
- Khuyến khích các tổ chức, đơn vị đào tạo nghề mở các lớp đào tạo nghề gần nơi phát triển cụm công nghiệp để trực tiếp đào tạo nghề cho những lao động nông nghiệp có đất được chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp cụm công nghiệp và tạo điều kiện ổn định đời sống, việc làm cho người dân địa phương.
- Tạo dựng mối quan hệ liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp với các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh để đào tạo nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp về ngành nghề, số lượng, chất lượng.
- Tăng cường công tác dịch vụ cung ứng nguồn nhân lực nhằm khơi thông thị trường lao động, tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận được với nhau khi có nhu cầu.
6. Giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước
- Ban Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- Ban hành Quyết định thành lập cụm công nghiệp cho các cụm công nghiệp đã được quy hoạch, theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố sớm lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập và hoàn thiện bộ máy Trung tâm phát triển cụm công nghiệp tại địa phương theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các ngành, các cấp trong tỉnh: quán triệt sâu sắc mục tiêu, định hướng cơ bản và các giải pháp trong đề án phát triển cụm công nghiệp để có kế hoạch triển khai và chỉ đạo thực hiện.
2. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương công bố, tuyên truyền và triển khai thực hiện nội dung của quy hoạch; thẩm định hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp và các dự án đầu tư xây dựng công trình trong cụm công nghiệp theo thẩm quyền; đề xuất và thực hiện các cơ chế, chính sách quy định liên quan đến phát triển cụm công nghiệp; tham mưu xây dựng Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công thương, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các ngành liên quan xây dựng và cân đối nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp trong các kế hoạch hàng năm, dài hạn.
4. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
- Chỉ đạo Phòng Kinh tế - hạ tầng, Phòng Kinh tế trong việc thực hiện chức năng cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về cụm công nghiệp.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc, Ủy ban nhân dân cấp xã (phường) hỗ trợ thực hiện công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư... để nhanh chóng triển khai thực hiện xây dựng cụm công nghiệp trên đại bàn.
- Chỉ đạo lập hồ sơ thành lập, mở rộng, bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo lập quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng và tổ chức triển khai đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn sau khi được phê duyệt.
- Tham gia xây dựng quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn.
5. Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với cơ quan chủ trì triển khai các công việc liên quan để thực hiện quy hoạch./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN QUY HOẠCH CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 17/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
TT | Tên Cụm công nghiệp | Địa điểm | Tổng diện tích đến năm 2020 (ha) | Đến năm 2016 | Giai đoạn 2016-2020 | Ghi chú | ||
Hiện có | Thành lập mới | Mở rộng | Thành lập mới | |||||
1 | CCN Đội Cấn | xã Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang | 57,78 |
| 57,78 |
|
|
|
2 | CCN An Thịnh | xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa | 78,00 | 78,00 |
|
|
| Đã quy hoạch chi tiêt |
3 | CCN Tân Thành | xã Tân Thành, huyện Hàm Yên | 72,20 | 72,20 |
|
|
| Đã quy hoạch chi tiêt |
4 | CCN Thổ Bình | xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình | 10,00 |
| 10,00 |
|
|
|
5 | CCN Yên Sơn | xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn | 40,00 |
| 40,00 |
|
|
|
6 | CCN Khuôn Phươn | xã Năng Khả, huyện Na Hang | 20,00 |
| 20,00 |
|
|
|
7 | CCN Nông Tiến | phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang | 7,08 | 7,08 |
|
|
|
|
8 | CCN Trung Hòa | xã Trung Hòa, huyện Chiêm Hóa | 20,00 |
|
|
| 20,00 | Đã quy hoạch chi tiêt |
9 | CCN Tân Hà | phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang | 4,88 |
|
|
| 4,88 |
|
10 | CCN Hào Phú | xã Hào Phú, huyện Sơn Dương | 26,06 |
|
|
| 26,06 |
|
11 | CCN Măng Ngọt | thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương | 10,00 |
|
|
| 10,00 |
|
| Tổng cộng | 346,00 | 157,28 | 127,78 |
| 60,94 |
|
- 1Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2017 điều chỉnh Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, có xét đến năm 2025
- 2Quyết định 1313/QĐ-UBND năm 2017 Đề án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cụm công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 3Quyết định 2888/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 1Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 2Quyết định 105/2009/QĐ-TTg về quy chế quản lý cụm Công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 491/QĐ-UBND Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 4Quyết định 701/QĐ-UBND năm 2017 điều chỉnh Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, có xét đến năm 2025
- 5Quyết định 1313/QĐ-UBND năm 2017 Đề án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cụm công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 6Quyết định 2888/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Kế hoạch 63/KH-UBND năm 2014 về tổ chức thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- Số hiệu: 63/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 17/12/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
- Người ký: Trần Ngọc Thực
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/12/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra