Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/KH-UBND

Thái Bình, ngày 08 tháng 6 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT TRỒNG LÚA NĂM 2020 VÀ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025.

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013; Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 18/5/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh Thái Bỉnh; các Nghị định của Chính phủ: Số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Thực hiện Công văn số 628/BNN-TT ngày 21/01/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc báo cáo kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2017 - 2020 và lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn quả, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất.

- Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thác được những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng sản phẩm lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng được thương hiệu cho nông sản Thái Bình, xây dựng mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu.

2. Yêu cầu:

- Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, bảo đảm phục hồi lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết và việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, thâm canh phù hợp để việc chuyển đổi bảo đảm hiệu quả kinh tế cao, ổn định và bền vững.

II. KẾ HOẠCH CHUYỂN ĐỔI

- Tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2020 trên địa bàn tỉnh là 2.020ha, trong đó: Chuyển trồng cây hàng năm khác 1.220ha; chuyển trồng cây ăn quả 800ha (Biểu 1, Phụ lục kèm theo).

- Tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh là 17.980ha, trong đó: Chuyển trồng cây hàng năm khác 9.780ha; chuyển trồng cây ăn quả 8.200ha (Biểu 2, Phụ lục kèm theo).

- Tổng diện tích định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2026 - 2030 trên địa bàn tỉnh là 10.000ha, trong đó: Chuyển trồng cây hàng năm khác 5.000ha; chuyển trồng cây ăn quả 5.000ha.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về tuyên truyền:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện chủ trương việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa không đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất, năng suất thấp và diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn.

- Tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất; lấy hiệu quả của sản xuất làm mục tiêu, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường để tăng hiệu quả sản xuất.

2. Giải pháp về ứng dụng khoa học kỹ thuật:

- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt chống chịu với sâu bệnh; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, luân canh, xen canh... để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chất đất, tập quán sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường; tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.

3. Giải pháp về quản lý, tổ chức sản xuất:

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, bảo đảm chất lượng cây giống và các loại vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất.

- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tiêu thụ nông sản của tỉnh.

- Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hỗ trợ nông dân hướng dẫn sản xuất, hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa.

- Tổ chức liên kết trong sản xuất, liên kết giữa nông dân với nông dân thành vùng hàng hóa, liên kết nông dân với doanh nghiệp để cung ứng vật tư, thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

- Tăng cường công tác sơ chế, chế biến, sấy khô sản phẩm, gia công... để nâng cao chất lượng nông sản, tăng tỷ trọng hàng chế biến bằng công nghệ mới.

4. Giải pháp về nguồn lực:

- Tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác như: Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình khuyến nông, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (One commune one product - OCOP); thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Bỉnh, giai đoạn đến năm 2020; Quyết định số 01/2017/QĐ-UBND ngày 18/01/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về chính sách khuyến khích đầu tư một số lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020; Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 24/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Điều 8 tại quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể các cấp trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định, bảo đảm và hiệu quả.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố hướng dẫn về cơ cấu loại cây trồng chuyển đổi, các biện pháp kỹ thuật, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm,...

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm có hiệu quả; hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch.

- Định kỳ hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện kế hoạch chuyển đổi đất trồng lúa trước ngày 25/12 theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo đúng quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Đưa kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa vào kế hoạch sản xuất nông lâm nghiệp hằng năm của tỉnh;

- Tham mưu, ưu tiên bố trí nguồn vốn của Trung ương và địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng bảo đảm điều kiện cho các vùng chuyển đổi cây trồng trên đất lúa theo hướng tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

- Thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư liên kết với người dân sản xuất tập trung tạo thành vùng sản xuất hàng hóa.

- Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh những chính sách liên quan đến hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, bố trí kinh phí, hướng dẫn lồng ghép các chính sách để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.

5. Sở Khoa học và Công nghệ: Đề xuất các dự án khoa học công nghệ về chuyển giao các cây trồng mới để bổ sung vào cơ cấu giống phục vụ chuyển đổi; xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; ưu tiên sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học hằng năm thực hiện các dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

6. Sở Công thương:

- Chủ trì thực hiện việc quản lý công nghiệp chế biến, các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản xuất khẩu phù hợp với quy hoạch phát triển cơ sở chế biến và vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm để tiêu thụ, xuất khẩu.

7. Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Hướng dẫn Hợp tác xã, thành viên hợp tác xã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn phù hợp với chủ trương, chính sách của tỉnh.

8. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:

- Chỉ đạo công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

- Lập và ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của cấp huyện trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi của tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, bảo đảm đúng quy hoạch, đúng mục đích sử dụng đất và định hướng lựa chọn cây trồng phù hợp vào sản xuất.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải phù hợp với cơ cấu cây trồng tại địa phương, hướng dẫn các hộ dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa không đảm bảo nước tưới, hiệu quả thấp sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Công khai thủ tục chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác tại địa phương để người dân có nhu cầu chuyển đổi dễ thực hiện.

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa bàn huyện, thành phố theo quy định.

- Đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các Hợp tác xã, Tổ hợp tác và nông dân ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo theo quy định.

- Chủ động phối hợp với các sở, ngành để triển khai thực hiện bảo đảm theo đúng kế hoạch.

Trên đây là Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; trong quá trình triển khai thực hiện, các sở, ngành, đơn vị có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời phản ánh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMT TQVN và các đoàn thể CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Thành ủy, UBND thành phố Thái Bình;
- Huyện ủy, UBND các huyện;
- Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và THTB;
- Cổng Thông tin Điện tử tỉnh;
- Lưu VT, KTNN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Đặng Trọng Thăng

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 08/6/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

Biểu 1. Bảng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2020:

Stt

Huyện/TP

Loại cây trồng

DT chuyển đổi năm 2020 (ha)

1

Thành phố

Cây lâu năm

5

Cây hàng năm

5

Tổng

10

2

Quỳnh Phụ

Cây lâu năm

160

Cây hàng năm

230

Tổng

390

3

Hưng Hà

Cây lâu năm

160

Cây hàng năm

230

Tổng

390

4

Đông Hưng

Cây lâu năm

135

Cây hàng năm

175

Tổng

310

5

Thái Thụy

Cây lâu năm

55

Cây hàng năm

205

Tổng

260

6

Tiền Hải

Cây lâu năm

35

Cây hàng năm

115

Tổng

150

7

Kiến Xương

Cây lâu năm

130

Cây hàng năm

120

Tổng

250

8

Vũ Thư

Cây lâu năm

120

Cây hàng năm

140

Tổng

260

Toàn tỉnh

2.020

Biểu 2. Bảng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2021-2025:

Stt

Huyện/TP

Loại cây trồng

Tổng diện tích chuyển đổi (ha)

Diện tích chuyển đổi năm 2021 (ha)

Diện tích chuyển đổi năm 2022 (ha)

Diện tích chuyển đổi năm 2023 (ha)

Diện tích chuyển đổi năm 2024 (ha)

Diện tích chuyển đổi năm 2025 (ha)

1

Thành phố

Cây lâu năm

30

5

5

5

5

10

Cây hàng năm

150

20

30

35

35

30

Tổng (ha)

180

25

35

40

40

40

2

Quỳnh Phụ

Cây lâu năm

1.640

200

270

330

410

430

Cây hàng năm

1.360

250

280

320

240

270

Tổng (ha)

3.000

450

550

650

650

700

3

Hưng Hà

Cây lâu năm

1.660

200

270

350

400

440

Cây hàng năm

1.490

300

280

250

350

310

Tổng (ha)

3.150

500

550

600

750

750

4

Đông Hưng

Cây lâu năm

1.480

180

240

300

370

390

Cây hàng năm

1.370

270

260

300

230

310

Tổng (ha)

2.850

450

500

600

600

700

5

Thái Thụy

Cây lâu năm

575

70

95

120

140

150

Cây hàng năm

1.785

280

305

360

400

440

Tổng (ha)

2.360

350

400

480

540

590

6

Tiền Hải

Cây lâu năm

415

55

70

85

95

110

Cây hàng năm

1.435

145

230

315

355

390

Tổng (ha)

1.850

200

300

400

450

500

7

Kiến Xương

Cây lâu năm

1.170

140

200

250

280

300

Cây hàng năm

1.120

160

200

200

220

340

Tổng (ha)

2.290

300

400

450

500

640

8

Vũ Thư

Cây lâu năm

1.230

150

200

300

350

230

Cây hàng năm

1.070

170

250

200

150

300

Tổng (ha)

2.300

320

450

500

500

530

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 53/KH-UBND về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2020 và giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Thái Bình ban hành

  • Số hiệu: 53/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 08/06/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Đặng Trọng Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/06/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản