Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5025/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 29 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

GIẢI QUYẾT HỒ SƠ TỒN ĐỌNG ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN NGƯỜI CÓ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, về việc Ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công; Công văn số 998/LĐTBXH-NCC ngày 17/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng;

Căn cứ tình hình thực tế hồ sơ người có công còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Căn cứ các quy định của pháp luật để xem xét xác nhận hồ sơ người có công với cách mạng đang tồn đọng trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo người có công được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

Qua việc giải quyết hồ sơ tồn đọng, từ đó nghiên cứu đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

2. Yêu cầu

- Việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng phải được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện; về thủ tục cần xem xét, vận dụng cụ thể cho từng trường hợp, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, đồng thời tích cực tìm kiếm, khai thác mọi nguồn thông tin, mọi căn cứ có cơ sở phục vụ việc xác nhận người có công.

- Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cá nhân, tổ chức liên quan, đặc biệt là các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, đồng chí, đồng đội cùng hoạt động, ý kiến của cộng đồng nhân dân, đồng thời phát huy tốt vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc giải quyết hồ sơ.

- Đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch đặc biệt tại bước xét duyệt ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia giám sát.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH

1. Đối tượng

Tập trung xem xét hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:

- Hồ sơ đã lập trước ngày 01/7/2013 theo đúng quy định tại từng thời điểm nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục hoặc hồ sơ đã thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

- Đang được lưu trữ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

- Không thuộc các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận người có công với cách mạng (liệt sĩ, thương binh, bệnh binh theo quy định pháp luật).

2. Phạm vi: Tất cả hồ sơ người có công đang tồn đọng trên địa bàn tỉnh.

3. Một số quy định chung

- Trách nhiệm, thẩm quyền lập hồ sơ, xác nhận và giải quyết chế độ thực hiện theo các quy định tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản quy định của Bộ, ngành Trung ương về đối tượng người có công.

- Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng phải được thực hiện ở địa phương nơi đối tượng tham gia cách mạng hoặc nơi cư trú trước khi tham gia cách mạng (trường hợp hoạt động thoát ly). Trường hợp người có công hoặc người lập hồ sơ đã chuyển tới nơi cư trú ở địa phương khác thì địa phương nơi lập hồ sơ trước đây có trách nhiệm xem xét giải quyết, không chuyển hồ sơ tới nơi cư trú mới để giải quyết tồn đọng.

- Ban chỉ đạo, Hội đồng xác nhận người có công các cấp được thành lập có sự tham gia của đại diện các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, đảm bảo sự minh bạch, công khai thông qua việc làm rõ thêm các nội dung trong hồ sơ người có công để đưa ra các đề xuất, kiến nghị phù hợp.

- Ban chỉ đạo, Hội đồng xác nhận người có công họp công khai, biên bản cuộc họp chỉ có giá trị khi có đủ số thành viên dự họp và ký biên bản thống nhất đề nghị xác nhận.

- Nghiêm cấm việc không tổ chức họp mà các thành viên ký tên vào biên bản xét duyệt hồ sơ.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Thành lập, kiện toàn các tổ chức giải quyết hồ sơ tồn đọng

Thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo xác nhận người có công cấp tỉnh, cấp huyện (BCĐ cấp tỉnh, huyện); Tổ xác minh cấp tỉnh và Hội đồng xác nhận người có công cấp xã theo đúng quy định tại Quyết định 408/QĐ-BLĐTBXH, ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Phân loại hồ sơ tồn đọng tại cấp tỉnh

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh rà soát hồ sơ tồn đọng để xác định số lượng hồ sơ tồn đọng; địa bàn có hồ sơ; địa phương có trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết theo quy trình, quy định:

- Những đối tượng hoạt động không thoát ly: thực hiện quy trình giải quyết tại tỉnh, thành phố nơi đối tượng hoạt động cách mạng.

- Những đối tượng hoạt động thoát ly thì thực hiện tại tỉnh, thành phố nơi đối tượng cư trú khi bắt đầu hoạt động cách mạng.

b) Đối với hồ sơ thuộc trách nhiệm giải quyết của tỉnh được phân loại thành các nhóm:

- Hồ sơ đủ điều kiện: là các hồ sơ đã có đầy đủ giấy tờ, thủ tục theo đúng quy định của các văn bản pháp luật tại thời điểm thiết lập hồ sơ nhưng do thay đổi chính sách (văn bản hết hiệu lực thi hành) nên chưa được xác nhận người có công.

- Hồ sơ có thể hoàn thiện để xem xét, giải quyết: là hồ sơ thiếu một số giấy tờ, thủ tục có thể hoàn thiện để được công nhận. Đối với hồ sơ loại này phải làm rõ cần bổ sung những loại giấy tờ nào, do cơ quan nào cấp hoặc cần xác minh những điểm gì hồ sơ để có thể kết luận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện xác nhận.

- Hồ sơ không đủ điều kiện: là các hồ sơ không đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật.

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình BCĐ cấp tỉnh cho ý kiến giải quyết đối với:

- Số hồ sơ thuộc trách nhiệm giải quyết của tỉnh, trong đó số đủ điều kiện, số có thể hoàn thiện và số không đủ điều kiện;

- Số hồ sơ phải chuyển đến tỉnh khác;

- Số hồ sơ do tỉnh, thành phố khác chuyển đến;

- Kế hoạch giải quyết đối với số hồ sơ có thể hoàn thiện, kể cả hồ sơ do tỉnh khác chuyển đến.

3. Xác minh bổ sung đối với các hồ sơ có thể hoàn thiện

a) Tổ xác minh cấp tỉnh tổ chức xác minh các nội dung chưa rõ, các nội dung còn mâu thuẫn, tập trung vào các kết luận đã có với đối tượng, nhân thân đối tượng có tham gia chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu, hy sinh hoặc bị thương trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu thông qua:

- Xác minh giữa lời trình bày trực tiếp của người làm chứng với nội dung trong hồ sơ.

- Tra cứu tàng thư lưu trữ.

- Tìm kiếm, thu thập, khai thác các nguồn thông tin làm cơ sở xác nhận đối tượng như các loại giấy tờ, sổ sách lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị hoặc của cá nhân; lịch sử Đảng bộ; các tài liệu và lịch sử đấu tranh, xây dựng, trưởng thành của đơn vị, văn bản, thư từ, nhật ký của cơ quan, đơn vị và cá nhân trong thời kỳ kháng chiến.

Quá trình xác minh phải lập thành biên bản phục vụ cho các cuộc họp thẩm định.

b) Sau khi hoàn tất việc xác minh, trên cơ sở các nguồn thông tin có được, việc phân loại thực hiện như sau:

- Đối với các hồ sơ đã hoàn thiện chuẩn bị các bước xét duyệt tại cấp tỉnh theo đúng trình tự, hướng dẫn tại Kế hoạch này.

- Đối với hồ sơ có thể hoàn thiện: chuyển về Ủy ban nhân dân cấp xã để xét duyệt theo nguyên tắc:

+ Với đối tượng không thoát ly, chỉ hoạt động tại cơ sở: thực hiện quy trình giải quyết tại cấp xã nơi đối tượng hoạt động cách mạng.

+ Với đối tượng hoạt động thoát ly thì thực hiện tại cấp xã nơi đối tượng cư trú khi bắt đầu hoạt động cách mạng.

- Đối với các trường hợp không đủ điều kiện: trả lời đối tượng, nêu rõ lý do (trả lời bằng văn bản của cấp có thẩm quyền).

4. Tổ chức xét duyệt tại cấp xã

a) Tổ chức họp nhân dân tại thôn, xóm, tổ dân phố để lấy ý kiến nhân dân đối với từng hồ sơ; lập biên bản họp kèm theo danh sách các hồ sơ được nhân dân đồng thuận, không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại hoặc tố cáo (theo mẫu số 01).

b) Niêm yết công khai danh sách tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại thôn, xóm, tổ dân phố; đồng thời thông báo trên phương tiện phát thanh của địa phương (nếu có) trong thời gian tối thiểu 15 ngày. Lập biên bản niêm yết công khai kèm theo danh sách các hồ sơ không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại hoặc tố cáo (theo mẫu số 02).

c) Tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã; mời đại diện BCĐ cấp huyện dự họp. Lập biên bản họp, ghi rõ từng ý kiến tham gia, kèm danh sách các trường hợp được nhất trí thông qua. (theo mẫu số 03). Khi tổ chức họp Hội đồng xác nhận người có công phải mời đại diện BCĐ cấp huyện, đồng thời mời một số cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các cá nhân có quá trình tham gia kháng chiến tham dự (nếu có).

d) Hoàn thiện hồ sơ và chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu tới Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện.

5. Tổ chức xét duyệt tại cấp huyện

a) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, phân loại hồ sơ:

- Hồ sơ đủ căn cứ trình;

- Hồ sơ phải xác minh thêm như: giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ có điểm mâu thuẫn; người làm chứng không có giấy tờ phản ánh quá trình hoạt động hoặc giấy tờ không rõ ràng...

- Hồ sơ không đủ điều kiện trình.

Đối với hồ sơ phải xác minh thêm: tổ chức xác minh hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền, cơ quan cấp giấy tờ, tài liệu có mâu thuẫn tiến hành xác minh.

b) Tổ chức họp BCĐ cấp huyện để xét duyệt từng hồ sơ; lập biên bản xét duyệt (theo mẫu số 4). Trong trường hợp cần thiết, mời đại diện BCĐ cấp tỉnh tham dự cuộc họp.

c) Căn cứ biên bản xét duyệt của BCĐ, Chủ tịch UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận bị thương, giấy báo tử đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền (nếu hồ sơ chưa có giấy báo tử hoặc giấy chứng nhận bị thương). Đối với hồ sơ thương binh, trong đó có ghi vết thương thực thể thì Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan y tế cấp huyện kiểm tra vết thương thực thể và lập biên bản kiểm tra (theo mẫu số 05) trước khi cấp giấy chứng nhận bị thương.

- Trường hợp không thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương, giấy báo tử của UBND cấp huyện thì chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP.

- Trường hợp đối tượng xét duyệt là Thanh niên xung phong, nếu thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý thì chuyển hồ sơ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tập hợp tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Giao thông vận tải cấp giấy chứng nhận bị thương, giấy báo tử; nếu thuộc các cơ quan, đơn vị khác quản lý thì chuyển đến Sở Nội vụ để xem xét trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận bị thương, giấy báo tử.

d) UBND cấp huyện, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử, giấy chứng nhận bị thương chuyển hồ sơ đã hoàn thiện tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

6. Tổ chức xét duyệt tại cấp tỉnh

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu hồ sơ trước khi họp BCĐ cấp tỉnh xác nhận người có công, phân loại như sau:

- Hồ sơ đủ điều kiện theo quy định, trình BCĐ cấp tỉnh;

- Hồ sơ có yếu tố chưa rõ ràng hoặc còn mâu thuẫn như: nội dung phản ánh trong giấy tờ, tài liệu không khớp; người làm chứng không có giấy tờ phản ánh quá trình hoạt động hoặc giấy tờ không rõ ràng ...

- Hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết.

b) Họp BCĐ cấp tỉnh để xem xét và cho chủ trương xử lý từng trường hợp.

- Đối với hồ sơ đã hoàn thiện: xác định cụ thể trường hợp nào đồng ý đề nghị công nhận người có công với cách mạng.

- Đối với những hồ sơ đã hoàn thiện về thủ tục nhưng vẫn còn nội dung chưa rõ hoặc mâu thuẫn mà chưa được xác minh thì giao trách nhiệm cho Tổ xác minh hoặc cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm xác minh.

- Đối với những hồ sơ chưa hoàn thiện: Phân công cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện.

- Đối với hồ sơ không đủ điều kiện thì giao cơ quan có thẩm quyền trả lời, nêu rõ lý do.

c) Các cơ quan được phân công hoàn thiện hồ sơ và tổ xác minh triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu của BCĐ cấp tỉnh. Sau đó chuyển lại hồ sơ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tiếp tục nghiên cứu, báo cáo BCĐ cấp tỉnh cho ý kiến lần 2.

d) Công khai và thu nhập thông tin:

- Những trường hợp đã được BCĐ cấp tỉnh thống nhất đề nghị xác nhận người có công với cách mạng: tổ chức đăng tải trên trang thông tin điện tử và trên Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (theo mẫu số 06) để cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi, tiếp tục tham gia ý kiến (trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày đăng tải).

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì tiếp nhận, tổng hợp thông tin phản hồi từ cán bộ, đảng viên và nhân dân (theo mẫu số 07).

đ) Sau thời gian công khai, đối với các hồ sơ không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại hoặc tố cáo thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản đề nghị xác nhận người có công với cách mạng kèm toàn bộ hồ sơ gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Cục Người có công).

Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền xác nhận của cơ quan quân đội, công an thì BCĐ cấp tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự hoặc Công an cấp tỉnh tiến hành các bước tiếp theo theo quy định của ngành.

Hồ sơ được tập hợp gửi lên Trung ương là hồ sơ đã qua các bước họp Hội đồng xác nhận người có công cấp xã, BCĐ cấp huyện, cấp tỉnh và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và không có ý kiến khác.

V. THỜI GIAN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN:

1. Phấn đấu trong năm 2017 cơ bản hoàn thành các hồ sơ tồn đọng (Liệt sĩ, Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) hiện nay đang lưu trữ tại Sở Lao động - TBXH; Bộ chỉ huy quân sự; Công an tỉnh.

a) Bộ chỉ huy quân sự; Công an tỉnh tiến hành rà soát hồ sơ đủ điều kiện theo tiêu chí tại Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi về Sở Lao động - TBXH trước ngày 10/7/2017;

b) Sở Lao động - TBXH có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ, phối hợp với Tổ xác minh hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ để tham mưu cho Ban chỉ đạo họp xét duyệt trong dịp kỷ niệm 72 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2017).

2. Đối với những hồ sơ còn tồn đọng tại cấp huyện: UBND cấp huyện chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, kiểm tra và tổng hợp danh sách, hồ sơ. Trên cơ sở đó phân loại hồ sơ để thực hiện:

a) Đối hồ sơ đủ điều kiện theo tiêu chí tại Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - TBXH) để xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Đối hồ sơ không đủ điều kiện theo tiêu chí tại Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 thì có văn bản trả lời cho đối tượng

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Cấp tỉnh

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập BCĐ; Tổ xác minh xác nhận người có công của tỉnh. Làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ đề nghị của các huyện, thị xã, thành phố; thống kê, phân loại hồ sơ; tham mưu giải quyết hồ sơ tồn đọng để BCĐ cấp tỉnh họp xem xét, cho ý kiến.

- Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng.

b) Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh: Chịu trách nhiệm chỉ đạo, xác minh, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ người có công còn tồn đọng thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị.

c) Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh mở các chuyên trang tuyên truyền về công tác giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng; đồng thời đăng tải danh sách người có công được công nhận mới và người có công chưa được công nhận (đang xem xét giải quyết) để cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia ý kiến.

d) Sở Tài chính: bố trí kinh phí hoạt động của BCĐ và kinh phí phục vụ cho các hoạt động trong quá trình tổ chức giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng.

e) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk:

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với BCĐ cấp tỉnh trong việc tuyên truyền, vận động và tham gia giám sát công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các Ủy ban Mặt trận và các tổ chức - xã hội các cấp tổ chức sinh hoạt, quán triệt trong cơ quan về chủ trương, quan điểm, phương pháp triển khai việc xem xét, xử lý hồ sơ người có công tồn đọng ở địa phương.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện):

- Rà soát lại BCĐ cấp huyện để kiện toàn, bổ sung các thành phần phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Chỉ đạo thực hiện công tác rà soát, xác minh, hoàn thiện hồ sơ người có công tồn đọng trên địa bàn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã):

- Rà soát lại Hội đồng xác nhận người có công cấp xã để kiện toàn, bổ sung các thành phần phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao.

- Thông tin rộng rãi cho toàn thể nhân dân trên địa bàn về chủ trương, quan điểm, phương pháp triển khai việc xem xét hồ sơ người có công tồn đọng ở địa phương.

- Chỉ đạo thực hiện công tác rà soát, xác minh, hoàn thiện hồ sơ người có công tồn đọng trên địa bàn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Trên đây là kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện việc giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào nội dung kế hoạch này, các Sở, ban, ngành đoàn thể (thành viên Ban Chỉ đạo), UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp báo cáo, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có biện pháp tháo gỡ kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TBXH (báo cáo);
- Cục Người có công (để biết);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (báo cáo);
- Ban tuyên giáo-TU, Ban VHXH-HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX (Th80b)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




H’ Yim Kđoh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 5025/KH-UBND năm 2017 giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 5025/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/06/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký:
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/06/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản