Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 502/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 16 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 32-CT/TU NGÀY 09/5/2024 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY BẮC KẠN VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “MỖI XÃ, PHƯỜNG MỘT SẢN PHẨM” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 09/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 09/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đảm bảo triển khai Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) một cách đồng bộ, hiệu quả từ cấp tỉnh đến cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, phát triển ngành nghề, dịch vụ du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan và môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

- Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong triển khai Đề án OCOP; định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương, tạo các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hóa, phát triển dịch vụ; tăng cường quản lý và giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm.

2. Yêu cầu

- Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nội dung tại Chỉ thị số 32-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong thực hiện Đề án OCOP trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch chương trình hành động để chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

- Triển khai thực hiện Đề án OCOP của tỉnh phải bám sát định hướng, quan điểm, mục tiêu Chương trình OCOP quốc gia ban hành tại Quyết định số 919/QĐ- TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ và điều kiện thực tế tại địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP.

- UBND các huyện, thành phố bố trí ngân sách địa phương, vận dụng các cơ chế chính sách, nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án ưu tiên hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm phát triển các sản phẩm đặc sản, chủ lực, tiềm năng của địa phương.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương trong chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án.

- Lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án vào Nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch, chương trình công tác giai đoạn và hằng năm của các địa phương, đơn vị. Triển khai Đề án OCOP một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở theo đúng chu trình hằng năm; trong đó, xác định rõ mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ trọng tâm. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.

2. Công tác tuyên truyền

- Thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai Chương trình OCOP; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông.

- Tập trung tuyên truyền tầm quan trọng và ý nghĩa, lợi ích của Đề án OCOP trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII (Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/4/2021 về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/12/2021 về lãnh đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025) và nhiệm vụ trọng tâm Đề án OCOP giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.

- Lồng ghép tuyên truyền Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh”; Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 01/8/2023 bổ sung Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 19/7/2022 của HĐND tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển và quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Quyết định 1633/QĐ-UBND ngày 09/9/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

- Khuyến khích xây dựng các gói quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP gắn với đặc điểm văn hóa, truyền thống của địa phương.

3. Công tác phát triển sản phẩm mới, nâng cấp chuẩn hóa sản phẩm đã được công nhận

3.1. Phát triển sản phẩm mới

- Hỗ trợ chủ thể đề xuất ý tưởng sản phẩm từ cộng đồng; tổ chức xét chọn sản phẩm tham gia chương trình trên cơ sở đánh giá đối tượng thực hiện (chủ thể, sản phẩm). Khuyến khích lựa chọn các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương.

- Trực tiếp hỗ trợ chủ thể được lựa chọn tham gia Chương trình hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (giấy phép đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, công bố chất lượng, bảo vệ môi trường…).

- Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm đúng theo thẩm quyền và quy trình tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh.

3.2. Nâng cấp, chuẩn hóa sản phẩm đã được công nhận

- Tổ chức rà soát thực trạng sản phẩm OCOP đã được công nhận trong đó tập trung đánh giá tồn tại, hạn chế trong quá trình sản xuất; xây dựng kế hoạch duy trì, phát triển sản phẩm OCOP tại các địa phương trực tiếp hỗ trợ các nội dung:

+ Tổ chức vận hành của chủ thể kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã,…) đảm bảo hoạt động hiệu quả theo các quy định.

+ Chuẩn hóa quy trình sản xuất: Xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng nội bộ; định hướng sản xuất sản phẩm theo quy trình sản xuất tiên tiến.

+ Chuẩn hóa vùng nguyên liệu: Hỗ trợ các chủ thể hình thành và phát triển vùng nguyên liệu theo hướng ATTP, VietGap, hữu cơ tăng cường hoạt động truy xuất nguồn gốc giữa chủ thể OCOP với vùng nguyên liệu.

+ Nâng cao chất lượng bao bì, nhãn mác sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng; chuẩn hóa thông tin ghi nhãn sản phẩm theo quy định hiện hành.

- Đánh giá sản phẩm OCOP đã được công nhận, lựa chọn sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của tỉnh hỗ trợ phát triển thành nhóm sản phẩm OCOP chủ lực gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng[1]. Trực tiếp hỗ trợ các nội dung:

+ Hỗ trợ hoàn thiện và nâng cao năng lực của chủ thể: Tư vấn tái cấu trúc bộ máy tổ chức vận hành của chủ thể kinh tế; tập huấn nâng cao năng lực quản trị của chủ cơ sở (giám đốc); tư vấn phát triển sản phẩm.

+ Hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực: Hỗ trợ/kết nối các nguồn lực/dự án hỗ trợ máy móc, thiết bị nâng cao năng lực sản xuất; hỗ trợ/kết nối các nguồn lực/dự án hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện hạ tầng nâng cao năng lực sản xuất; hỗ trợ tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hình thành vùng nguyên liệu ổn định, tập trung phục vụ sản xuất; hỗ trợ triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất (VietGAP, hữu cơ, HACCP, ISO,…); hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ giải quyết các vấn đề tồn tại trong sản xuất; hỗ trợ xúc tiến thương mại.

4. Triển khai thực hiện chu trình OCOP thường niên; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ triển khai Đề án các cấp và chủ thể OCOP

- Triển khai thực hiện chu trình OCOP thường niên 6 bước theo hướng dẫn tại Công văn số 8050/BNN-VPĐP ngày 29/11/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn triển khai một số Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cụ thể: (1) Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; (2) Nhận ý tưởng sản phẩm; (3) Nhận phương án sản xuất kinh doanh; (4) Triển khai phương án kinh doanh; (5) Đánh giá và phân hạng sản phẩm; (6) Xúc tiến thương mại. Công tác triển khai thực hiện chu trình OCOP phải gắn với kế hoạch, nhiệm vụ hằng năm, phù hợp với điều kiện của từng địa phương để phát huy các điều kiện về nguyên liệu, nguồn lao động, chất lượng sản phẩm.

- Tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ, hệ thống triển khai Chương trình OCOP từ tỉnh đến huyện, xã, gắn với bộ tài liệu, tập huấn chương trình phù hợp đối tượng và nhu cầu thực tiễn. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở/hộ sản xuất; đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP. Nội dung chương trình đào tạo, tập huấn cơ bản theo khung đào tạo Chương trình OCOP quy định tại Quyết định số 3360/QĐ-BNN-VPĐP ngày 06/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với thực tiễn triển khai chương trình của tỉnh.

5. Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP

- Tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các chủ thể OCOP:

+ Xây dựng video clip, tin bài truyền thông về Chương trình OCOP, quảng bá các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh phát sóng trên các phương tiện truyền thông trung ương và địa phương. Xuất bản ấn phẩm, tạp chí chuyên đề OCOP quảng bá trên hệ thống tuyến du lịch, các điểm dừng chân, các danh lam thắng cảnh.

+ Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm.

+ Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại nhằm phát triển sản phẩm OCOP ra thị trường nước ngoài.

- Duy trì và chuẩn hóa các điểm bán sản phẩm, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn.

6. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực

- Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP; trong đó cần tập trung huy động nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực của các chủ thể OCOP và các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách cho Chương trình OCOP đảm bảo phù hợp với định hướng của Trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh; ban hành quy định về quản lý tải sản có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân.

- Xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ có trọng tâm cho các sản phẩm chủ lực OCOP của tỉnh: Xây dựng mô hình kinh doanh theo định hướng liên kết chuỗi và kinh tế tuần hoàn, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quản lý sản xuất, kinh doanh…

7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chu trình OCOP thường niên; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Chương trình OCOP

- Tăng cường công tác quản lý đối với sản phẩm OCOP đã được công nhận đảm bảo về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, thông tin ghi nhãn theo quy định của pháp luật. Thu hồi giấy chứng nhận OCOP đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của luật an toàn thực phẩm, luật quản lý chất lượng hàng hóa và quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP.

- Đề xuất nhiệm vụ khoa học “Chuyển đổi số trong quản lý và phát triển chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; xây dựng cổng thông tin OCOP tỉnh Bắc Kạn với các nội dung đăng tải (giới thiệu chương trình OCOP; tin tức - sự kiện; danh mục sản phẩm OCOP theo 6 nhóm ngành; bản đồ OCOP, sản phẩm OCOP, chủ thể OCOP, thị trường tiêu thụ; bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm…) hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về Chương trình OCOP.

- Số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, gắn với giám sát - chứng thực của công tác quản lý nhà nước; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về chương trình OCOP gắn với phát triển sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nội dung tại Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 09/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

1. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP hằng năm; tổ chức đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP theo đúng quy trình, thẩm quyền; kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất kinh doanh của Chủ thể OCOP; thu hồi giấy chứng nhận OCOP đối với chủ thể vi phạm quy định của Luật an toàn thực phẩm, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa và quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP hằng năm; chỉ đạo các địa phương về hoàn thiện và phát triển sản phẩm mới, củng cố chuẩn hóa các sản phẩm đã được công nhận.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan bố trí, phân bổ nguồn vốn từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cho các địa phương để thực hiện Chương trình OCOP.

- Phối hợp với Sở Công Thương, UBND huyện, thành phố tiến hành lựa chọn, thẩm định điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

2. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại. Lồng ghép các hoạt động của ngành hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP (hỗ trợ máy móc thiết bị, hỗ trợ kiến thức kinh doanh, hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm…).

- Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thương mại đối với hệ thống, trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; công bố các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên các trang thông tin điện tử của Sở.

- Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo Quyết định số 736/QĐ-UBND ngày 26/5/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy chế điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

- Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP đảm bảo các tiêu chuẩn của ngành và xử lý theo quy định (nếu phát hiện có vi phạm).

- Phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thực hiện các kỳ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì triển khai các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trong đó tập trung thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế hoàn thiện sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và các tiêu chuẩn khác; thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm, thủy sản.

- Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP đảm bảo các tiêu chuẩn của ngành và xử lý theo quy định (nếu phát hiện có vi phạm).

- Chỉ đạo địa phương phát triển vùng nguyên liệu gắn với thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025 và 07 kế hoạch triển khai Đề án (phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển vùng nguyên liệu gỗ, tre, nứa; phát triển dược liệu; phát triển cây ăn quả đặc sản; phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn; phát triển sản phẩm chè và miến dong; phát triển nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch) nhằm tạo ra vùng nguyên liệu chất lượng phục vụ sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thực hiện các kỳ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì triển khai Quyết định số 1633/QĐ-UBND ngày 09/9/2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số 1154/QĐ-UBND ngày 06/7/2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2030.

- Hướng dẫn các tổ chức kinh tế đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP để bố trí sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm.

- Hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện xây dựng, quản lý nhãn hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch, đăng ký bảo hộ, sở hữu trí tuệ nhãn hiệu sản phẩm.

- Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát các tổ chức kinh tế sản xuất các sản phẩm OCOP đảm bảo các tiêu chuẩn của ngành và có biện pháp xử lý theo quy định (nếu phát hiện có vi phạm).

- Phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thực hiện các kỳ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

5. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ các chủ thể sản xuất hoàn thiện sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định của ngành đảm bảo đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP.

- Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát chủ thể OCOP đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm, xử lý vi phạm hành chính theo quy định (nếu phát hiện có vi phạm).

- Phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thực hiện các kỳ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì nghiên cứu phát triển, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh các danh lam thắng cảnh, các lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh, bám sát các điểm du lịch đã nêu tại Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 10/8/2020; Đề án “Xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới…” phê duyệt tại Quyết định số 2387/QĐ-UBND ngày 28/12/2020 và Kế hoạch phát triển nông lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch của tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ các chủ thể kinh doanh dịch vụ du lịch hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP nhóm ngành Dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng.

Phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thực hiện các kỳ đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

7. Các Sở, ban, ngành liên quan: Lồng ghép các hoạt động để triển khai hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các hoạt động có liên quan trong quá trình thực hiện Chương trình.

8. Các tổ chức đoàn thể: Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Hội Đông y tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia thực hiện Chương trình; lồng ghép nguồn lực hỗ trợ các chủ thể là hội viên hình thành, phát triển sản phẩm OCOP tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

9. Cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh: Xây dựng chuyên mục để tuyên truyền các nội dung của Đề án OCOP; tin, bài, phóng sự giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh và cách làm hay sáng tạo của chủ thể; các sự kiện nổi bật trong quá trình triển khai chu trình OCOP thường niên; hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh…

10. UBND các huyện, thành phố

- Triển khai Chương trình trên địa bàn cấp huyện, thành phố. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nội dung của Chương trình đến các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Chương trình.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết năm, giao phân công nhiệm vụ cụ thể nội dung Chương trình cho từng cơ quan chuyên môn cấp huyện gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình thực hiện.

- Phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động liên quan đến triển khai Chương trình.

- Bố trí nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực (nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các Chương trình MTQG khác, Dự án CSSP, sự nghiệp kinh tế…) để thực hiện có hiệu quả Đề án.

- Xây dựng kế hoạch và thực hiện phát triển sản phẩm mới, chuẩn hóa sản phẩm OCOP đã được công nhận là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình OCOP hằng năm. Tổ chức đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP của địa phương theo quy định.

- Phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất kinh doanh của Chủ thể OCOP; đề xuất thu hồi giấy chứng nhận OCOP đối với chủ thể vi phạm quy định của Luật an toàn thực phẩm, Luật quản lý chất lượng hàng hóa và quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 09/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh Bắc Kạn./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (B/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Tỉnh đoàn;
- Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh;
- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh;
- Các Sở: Công Thương, NN&PTNT, VHTT&DL, Y tế, KH&CN, Lao động - TB&XH;
- Liên minh HTX tỉnh;
- VPĐP nông thôn mới tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, Huynh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nông Quang Nhất

 

 



[1] Vùng nguyên liệu trồng mơ vàng, chè shan tuyết tại huyện Chợ Mới; bí xanh thơm tại huyện Ba Bể; cây dong riềng tại huyện Na Rì; chè shan tuyết, gạo đặc sản tại huyện Chợ Đồn; gạo nếp Khẩu nua lếch, hạt dẻ tại huyện Ngân Sơn; cây cam, quýt, cây dược liệu tại huyện Bạch Thông; cây nghệ tại các huyện trên địa bàn tỉnh.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 502/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 32-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong thực hiện Đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm" trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu: 502/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 16/07/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Nông Quang Nhất
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản