Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN CẦN GIỜ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4223/KH-UBND

Cần Giờ, ngày 21 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG “NGÀY TOÀN DÂN PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI” NĂM 2022

Căn cứ Kế hoạch số 23520/KH-SLĐTBXH ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố về tổ chức hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2022.

Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống mua bán người góp phần làm giảm nguy cơ, tội phạm liên quan đến mua bán người và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.

2. Tổ chức các hoạt động “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức, tổ chức hoạt động truyền thông gắn với khẩu hiệu hành động “Chung tay phòng, chống nạn mua bán người”, “Phòng, chống mua bán người là trách nhiệm của cá nhân và toàn xã hội”.

II. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của Thành phố về công tác phòng, chống mua bán người như: Luật Phòng, chống mua bán người, Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ về quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ; Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 525/QĐ-LĐTBXH ngày 05 tháng 5 năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về ban hành kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

2. Tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” vào các chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em; tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài... nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.

3. Thực hiện hỗ trợ học văn hóa, học nghề và trợ giúp pháp lý miễn phí nhằm đảm bảo cho nạn nhân theo quy định của pháp luật.

4. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, chăm sóc y tế, giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm và tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, vay vốn giảm nghèo nhằm giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống.

III. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, chăm sóc y tế, giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm và tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, vay vốn giảm nghèo nhằm giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống.

- Tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” vào các chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em; tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn các hoạt động giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.

- Phối hợp đề xuất khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

2. Công an huyện

- Phối hợp tổ chức Hưởng ứng các hoạt động “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2022, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của nạn mua bán người giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

- Tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài... nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.

3. Phòng Tư pháp

Tham mưu phân công các đơn vị thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, báo cáo viên pháp luật huyện tham gia, phối hợp, hỗ trợ thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng, chống mua bán người khi có yêu cầu.

4. Trung tâm Y tế

- Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng ngừa ma túy, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.

- Tham vấn, tư vấn giúp đỡ và hướng dẫn người nghiện ma tuý, người sau cai nghiện, người bán dâm, người nhiễm HIV/AIDS sau khi bị mua bán trở về (nếu có) tiếp cận dịch vụ điều trị bằng thuốc Methadone và các dịch vụ y tế xã hội khác. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực; đồng thời đẩy mạnh chương trình giảm tác hại thông qua các chương trình, dịch vụ chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe cho người bị mua bán trở về ổn định cuộc sống.

5. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện

Tổng hợp các viết bài của các đơn vị gửi về đăng tin trên Cổng thông tin điện tử huyện về các nội dung liên quan đến phòng, chống mua bán người và thực hiện đăng khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người” lên bảng điện tử của Ủy ban nhân dân huyện từ ngày 25 tháng 7 năm 2022 và tập trung các hoạt động tuyên truyền vào ngày 30 tháng 7 năm 2022.

6. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông

- Thông tin trên chuyên mục an ninh, quốc phòng huyện các văn bản của Trung ương, thành phố có liên quan đến tội phạm mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán người trở về.

- Thông tin các chính sách thực hiện hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với các chương trình an sinh xã hội như: Chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, vay vốn, giải quyết việc làm, chương trình bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em, chính sách bảo trợ xã hội khác... giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể huyện

- Triển khai các hoạt động tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên hưởng ứng “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2022.

- Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông thực hiện công tác phòng, chống mua bán người với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các chương trình an sinh xã hội khác như chương trình giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

8. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức hiểu biết về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và các biện pháp phòng ngừa cho cán bộ, nhân viên, hội viên trong cơ quan, đơn vị, đoàn thể; lồng ghép, xã hội hóa công tác phòng, chống mua bán người.

- Thực hiện các chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với các chương trình an sinh xã hội như: Chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, vay vốn, giải quyết việc làm, chương trình bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em, chính sách bảo trợ xã hội khác... giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian tuyên truyền: Căn cứ Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 30 tháng 7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” đề nghị các ngành, đơn vị, xã, thị trấn tổ chức các hoạt động từ ngày 25 tháng 7 năm 2022 và tập trung các hoạt động tuyên truyền vào ngày 30 tháng 7 năm 2022.

2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội: có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, tổng hợp tình hình và thường xuyên báo cáo Ủy ban nhân dân huyện kết quả thực hiện. Các ngành, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân huyện trước ngày 30/7/2022 (thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp báo cáo theo quy định.

Trên đây là kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2022 của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ./.

 


Nơi nhận:
- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố;
- Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố;
- Ủy ban nhân dân huyện;
- Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể huyện;
- Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Công an huyện;
- Phòng Tư pháp;
- Trung tâm Y tế;
- Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông;
- Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn;
- VP: CVP, PVP/TH;
- Lưu: VT, PLĐTBXH-Danh. G

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Xuân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4223/KH-UBND về tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" năm 2022 do Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 4223/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 21/07/2022
  • Nơi ban hành: Huyện Cần Giờ
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Xuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản